Đại dịch từng gây gián đoạn nặng nề với chuỗi cung ứng và tăng gánh nặng cho các dây chuyền sản xuất bán dẫn khi nhiều người phải làm việc ở nhà và cần mua sắm thiết bị điện tử. Điều đó dẫn tới nhu cầu tăng vọt với các hãng sản xuất chip nhớ như Samsung, SK Hynix, Micron. Tình trạng khan hiếm chip nói riêng và sản phẩm tiêu dùng nói chung kéo dài đến nửa đầu 2022. Thiếu hụt chip cũng ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất ôtô và nhiều hãng lớn phải cắt giảm đáng kể sản lượng.
Nguồn cung và cầu với một số loại chip dần cân bằng trong hơn một năm qua, nhưng nhiều lĩnh vực đang chứng kiến tình trạng khan hiếm hóa thành dư thừa.
Quá nhiều chip nhớ
Hai loại chip đang thừa nhiều nhất hiện là NAND và DRAM, được dùng cho bộ nhớ RAM, thiết bị di động và ổ cứng thể rắn.
Tình trạng này diễn ra khi các công ty tích trữ lượng lớn chip phòng trường hợp nguồn cung khan hiếm, nhưng nền kinh tế chững lại khiến nhu cầu mua sắm sụt giảm mạnh. Nhu cầu với smartphone và laptop đã đi xuống đáng kể, đặc biệt là sau khi người tiêu dùng đã mua đủ thiết bị trong đại dịch.
“Các nhà sản xuất thiết bị ngừng đặt hàng chip, tập trung vào bán sản phẩm tồn kho. Điều này tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, khi nhu cầu rất cao thời đại dịch bỗng nhiên biến mất”, Peter Hanbury, chuyên gia tại công ty tư vấn Bain & Company, nói.
Hanbury nói rằng một số loại chip được chế tạo cho mục đích cụ thể và không dễ thay đổi cho nhiệm vụ khác. “Thời gian chờ đợi và giá của chúng đã cải thiện, nhưng vẫn ở mức rất cao”, ông cho hay.
Từ tăng lợi nhuận đến sụt giảm doanh thu
Tình trạng khan chip trong đại dịch từng khiến giá linh kiện tăng mạnh và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, Samsung, SK Hynix và Micron đều đang trải qua giai đoạn khó khăn thời hậu Covid-19.
Samsung hôm 27/7 thông báo lợi nhuận quý II/2023 giảm 95% so với cùng kỳ năm ngoái. SK Hynix cũng báo lỗ, trong khi TSMC – xưởng đúc chip lớn nhất thế giới – cho biết doanh thu quý vừa qua giảm 23,3% so với năm trước, đánh dấu lần đầu lợi nhuận quý của hãng suy giảm trong vòng bốn năm qua.
Thị trường máy tính cá nhân được dự báo tiếp tục ảm đạm, nhiều khả năng tác động đến Samsung, SK Hynix và Micron. TSMC có vị thế tốt hơn nhờ cung cấp chip cho cả smartphone, nhưng cũng chịu nhiều áp lực. “Thị trường smartphone là nguồn thu lớn nhất của TSMC. Nó chưa có dấu hiệu đi lên thời gian tới”, Sze Ho Ng, nhà phân tích thuộc công ty China Renaissance Securities tại Hong Kong, cảnh báo.
Nhiều hãng sản xuất công bố cắt giảm sản lượng nhằm tăng giá bán và hạn chế nguồn cung cho thị trường. Samsung và các đối thủ đều dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa sau 2023. Trong khi đó, TSMC nhận định các khách hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh kho dự trữ thiết bị. “Tôi nghĩ TSMC có cơ hội tăng trưởng trong nửa cuối năm, nhưng mức độ phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường vĩ mô”, nhà phân tích Ng nói thêm.
Điệp Anh (theo CNBC)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/noi-dau-nganh-chip-khan-hiem-hoa-du-thua-4635487.html