Đầu thập niên 1930, văn hóa Việt diễn ra cuộc đổi mới với sự xuất hiện làn sóng thơ mới với cá tính sáng tác độc đáo, cái tôi lên ngôi, không bị bó hẹp trong những nề nếp, quy luật cũ. Cuộc canh tân này đi vào lịch sử văn học tên gọi phong trào thơ mới
Giai đoạn lịch sử này đã sản sinh và khẳng định tài năng của rất nhiều nhà thơ. Hãy cùng chúng mình nhìn lại lịch sử, nhìn lại một thời vàng son cùng với một số thi sĩ nổi tiếng trong phong trào thơ mới thời bấy giờ.
Nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985)
Xuân Diệu (2/2/1916 – 18/12/1985) tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh tại Tuy Phước, tỉnh Bình Định cũ.
Hoài Thanh từng nhận xét về Xuân Diệu là “Nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ Mới”. Ông là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào “Thơ Mới”. Các sáng tác của ông thường xoay quanh các chủ đề về tình yêu, những triết lý, bi quan lẫn lạc quan và tiềm ẩn sức sống tiềm tàng trong từng câu từng chữ.
Ngay từ buổi đầu bước chân vào làng thơ, Xuân Diệu dường như đã tự chọn cho mình một tôn chỉ: sống để yêu và phụng sự cho tình yêu! Phụng sự bằng trái tim yêu nồng cháy, bằng cuộc sống say mê và bằng việc hăm hở làm thơ tình! Thơ của ông là “vườn mơn trớn”, ca ngợi tình yêu bằng muôn sắc điệu, âm thanh và hương vị trong Thơ thơ, pha lẫn chút vị đắng cay trong Gửi hương cho gió. Ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu.Vì thế Xuân Diệu còn được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”.
“ Yêu, là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà đã được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.
Trích bài thơ : “Yêu” của Xuân Diệu
Khi con người ta tìm đến thơ ca, thường là tìm đến những sự đồng điệu trong tâm hồn. Thơ của Xuân Diệu, cũng mang đậm trong đó những nỗi buồn chất chứa, sâu lắng trong từng câu chữ. Cái khác biệt của ông đó chính là trong sự nhận thức và ý thức về không gian, thời gian, lý tưởng sống. Đọc ” Vội vàng” – trong tập Thơ Thơ ta mới thấy hóa ra mọi thứ đều trở nên hữu hạn khi đứng trước thời gian, bài thơ như một lời thức tỉnh đến các bạn trẻ, phải biết trân trọng thời gian và sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Từng câu, từng chữ trong bài mang một âm điệu vội vã, giục giã với một tâm trạng lo lắng, khắc khoải trước sự khước từ của thời gian.
Tôi muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi…
Dẫu cho thời gian có trôi qua, năm tháng có đổi thay những nét mực có thể phai dần nhưng những tiếng lòng tha thiết của Xuân Diệu vẫn mãi còn đó.
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
XuГўn cГІn non nghД©a lГ xuГўn sбєЅ giГ
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”
Trích Vội Vàng – Xuân Diệu.
Sau cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu có hướng đi mới trong phong cách viết thơ của mình đó là ông hướng vào đời sống thực tế, nó mang đậm tính thời sự, trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng. Bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình. Tiêu biểu là: Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng (1964), Thanh ca (1982), Tuyển tập Xuân Diệu (1983).
Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ, một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học. Ông qua đời năm 1985 nhưng sự nghiệp thơ ca của ông sẽ sống mãi với thời đại, như chính ông từng nói :”Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết.”
Nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940)
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí (1912-1940) quê ở Quảng Bình. Ông được biết đến là một trong những người khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại, đồng thời người khởi xướng ra trường thơ điên.
Hàn Mặc Tử đã bắt đầu sáng tác năm 16 tuổi với bút danh là Lệ Thanh, Phong Trần. Đến năm 1936 ông đổi bút danh là Hàn Mạc Tử, sau đó lại đổi thành Hàn Mặc Tử.
Nổi tiếng trên thi đàn với tác phẩm đầu tiên “Vội vàng chi lắm” họa vận bài Gởi nhạn của nhà thơ Mộng Châu. Năm 1936, Hàn Mặc Tử cho xuất bản tập “Gái quê” lừng danh và cũng chính lúc này ông phát hiện mình bị bệnh phong. Từ những năm ba mươi của thế kỷ, trong tư duy nghệ thuật của mình, Hàn Mặc Tử đã có ý thức đi tìm cái lạ và nung nấu thi hứng sáng tạo ở một cường độ cao. Hai hình ảnh thường thấy nhất trong thơ ca của Hàn Mặc Tử đó là “Máu” và “Trăng”.
Không gian dầy đặc toàn trăng cảTôi cũng trăng mà nàng cũng trăngMỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diễu
Nàng xa xôi quá nói nghe chăng?
Trích bài “Huyền ảo”
Là một nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh. Ông mất khi ông mới chỉ ở độ tuổi 28 xuân xanh vì căn bệnh quái ác. Những nỗi đau đớn trong tình yêu, cùng với đó là sự dày vò, dằn xé của bệnh tật, đã đi vào trong ca từ của ông như một tiếng xé lòng đầy đau đớn.”
“Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan”.
Trích Muôn năm sầu thảm – Hàn Mặc Tử.
Nói như thế không có nghĩa hình tượng thơ Hàn Mặc Tử chỉ toàn nỗi đau, sự tuyệt vọng. Ở đó ta còn bắt gặp một tâm hồn yêu cuộc sống, yêu con người da diết. Một khát vọng sống đến mãnh liệt đến đau đớn tột cùng.
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc chen ngang, mặt chữ điền.
Đọc “Đây thôn Vĩ Dạ” không phải lời kêu than của một người đang lâm bệnh nặng mà ở đó là một tâm hồn yêu thương thiên nhiên, yêu thương con người da diết. Đó là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ, một hồn thơ nặng tình, là góc nhìn mới mẻ nơi xứ Huế. Vì Huế đẹp, Huế mơ nên nhà thơ mới luyến tiếc.
“Thuyền ai đậu bến song trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Hàn Mặc Tử đã gắn bó tâm hồn mình với thiên nhiên đất nước, với những không gian đã từng chứng kiến bao kỷ niệm vui buồn, được mất trong cuộc đời và tình duyên của thi nhân. Các tác phẩm tiêu biểu: Gái quê; Đau thương; Lệ Thanh thi tập… Nửa đời người chưa qua hết nhưng Hàn Mặc Tử đã làm tròn sứ mệnh của mình, để lại cho nền văn học Việt Nam một đời thơ giá trị.
Nhà thơ Thế Lữ (1907-1989)
Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, sinh năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Mặc dù sinh tại thủ đô, nhưng tuổi thơ của ông lại gắn bó với miền rừng núi Lạng Sơn. Năm 1932, Thế Lữ bắt đầu tham gia nhóm Tự lực văn đoàn và là một trong những cây bút chủ lực của báo “Phong hóa” và báo “Ngày nay”. Thời kỳ đầu ông dùng bút danh Nguyễn Thế Lữ, sau viết gọn thành Thế Lữ. Đôi khi ông ký bút danh hài hước Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành “Lê Ngã”, “ta” cũng tức là “ngã”.
Hồn thơ của ông được Hoài Thanh và Hoài Chân ví như “chốn bồng lai”, “Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Thơ Thế Lữ về thể cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh”.
Thơ Thế Lữ đã đột phá cái khuôn phép tù túng của tư tưởng phong kiến, giải phóng tâm tư của thế hệ mới, nói được bản lĩnh của con người đang dần tự khẳng định trước xã hội.
“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm”.
Trích tác phẩm Nhớ rừng – Thế Lữ.
Bài thơ “ Cây đàn muôn điệu” của ông cũng chính là bản tuyên ngôn của phong trào Thơ mới, mở đầu một thời kỳ lãng mạn trong thi ca Việt Nam:
“Tôi chỉ là một khách tình si Ham vẻ đẹp của muôn hình, muôn thể Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ
Và mượn cây đàn nghìn phiếm tôi ca…”
Nghệ thuật ngôn ngữ, âm điệu, hình ảnh…ở thơ Thế Lữ đã đạt tới độ tinh xảo đủ để chuyên chở cái cõi mộng của hồn ông. Hơn hai phần ba thế kỷ đi qua, nay đọc lại nay đọc lại ” Mấy vần thơ” (1935); (1941) vẫn còn nguyên mới mẻ.
Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám.
Thế Lữ còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hoá nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam, được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.
Nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989)
Chế Lan Viên sinh ngày 20 – 10 – 1920, tên thật là Phan Ngọc Hoan. Quê ở Quảng Trị. Năm 17 tuổi, ông ra mắt đọc giả tác phẩm đầu tay mang tên Điêu Tàn và ngay lập tức tạo dựng được tên tuổi cho mình.Từ đó, lịch sử văn học Việt Nam có Chế Lan Viên, một nhà thi sĩ, nhà nghiên cứu lý luận, nhà phê bình văn học nghệ thuật hiện đại với các bút danh Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Ma, Chàng Văn, Oah (tức là Hoan)…
Ông đi theo Trường Thơ Loạn, trường phái thơ của Hàn Mặc Tử. Thơ của Chế Lan Viên đậm chất trữ tình triết luận, với những triết lý, những siêu hình, bí ẩn. Trước cách mạng tháng 8, thơ của ông thường mang hơi hướng thoát ly khỏi hiện thực, đồng thời cũng chất chứa trong đó nhiều những nỗi buồn, sự cô đơn giống như nhiều những thi sĩ khác thời bấy giờ. Cái chết, nỗi cô đơn được thể hiện phần lớn qua từng sáng tác của ông.
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâuÐem chi xuân lại gợi thêm sầu?- Với tôi, tất cả như vô nghĩaTất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!”.
Trích bài thơ Xuân – Chế Lan Viên.
Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Nhân nhận xét : “Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam nửa thế kỷ XX, nó đứng sừng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn, lẻ loi và bí mật”. Điêu Tàn là giọng thơ ảo não, đau thương, rên rỉ khóc than cho một dân tộc đã bị tiêu vong và nhà thơ gào thét một nỗi chán chường, uất hận trước thực tại:
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi dưới trời xa
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo…”.
Trích ” Những sợi tơ lòng” (Điêu Tàn -1937)
Theo ánh sáng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhà thơ Chế Lan Viên là một trong những thi sĩ của phong trào Thơ Mới chuyển sang những vần thơ giàu tư tưởng sâu sắc, mới mẻ và khỏe mạnh. Các tác phẩm tiêu biểu: Gửi các anh (1955); Ánh sáng và Phù sa (1960);Hoa ngày thường, Chim báo bão (1967)…. Con đường sáng tác của Chế Lan Viên kéo dài 54 năm và ông luôn năng động trong tư duy, luôn nghĩ về nghề, nghĩ về thơ nên qua từng giai đoạn, thơ Chế Lan Viên đồng hành với thi ca của dân tộc, đưa ông trở thành nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại và là nhà văn hóa tiêu biểu của Việt Nam.
Nhà thơ Huy Cận (1917-2005)
Huy Cận sinh ngày 22 – 1 – 1917, tên đầy đủ là Cù Huy Cận. Quê ở Hà Tĩnh. Tuy không thuộc con nhà nho, nhưng ông vẫn có một niềm đam mê mãnh liệt với sáng tác, đặc biệt là thi ca. Ông là bạn thân của Xuân Diệu, và cũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ Mới.
Huy Cận cũng như nhiều thi sĩ khác trong giai đoạn này, các tác phẩm của ông cũng mang trong mình một nỗi buồn, sự cô đơn. Đó là những nỗi buồn trước thời cuộc, khi mã xã hội thời điểm 1930-1945 đang diễn ra đầy những biến động.
Thơ của ông mang hơi hướng thoát ly khỏi thực tại, để tìm đến với thiên nhiên. Những nét bút mà Huy Cận viết nên đều rất chân thực và rất đẹp, nhưng thấm đẫm trong đó là những nỗi buồn.
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả,
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Trích Tràng giang – Huy Cận.
Say mê sống và cũng say mê sáng tạo, Huy Cận là người đam mê thơ ca từ nhỏ. Có lẽ không chỉ vì không khí gia đình, quê hương; mà căn bản vì ông có một tâm hồn nhạy cảm. Xuân Diệu nhận xét rằng Huy Cận đặc biệt nhạy cảm với những vùng hoang vắng trong tâm hồn. Hẳn đây là một trong những “tố chất” đặc biệt để hình thành hồn thơ của một thi sĩ sau này sẽ là tác giả của tập “Lửa thiêng”. Bao trùm Lửa Thiêng là một nỗi buồn mênh mang da diết. Thiên nhiên trong tập thơ thường bao la, hiu quạnh, đẹp nhưng thường buồn. Nỗi buồn đó dường như vô cớ, siêu hình nhưng xét đến cùng, chủ yếu là buồn thương về cuộc đời, kiếp người, về quê hương đất nước. Hồn thơ “ảo não”, bơ vơ đó vẫn cố tìm được sự hài hòa và mạch sống âm thầm trong tạo vật và cuộc đời.
Chân bên chân, hồn bên hồn, yên lặng, Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng,Trí vô tư cho da thở hương tình, Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình. Như sắp nói, nhưng mà không – khóm trúc Vừa động lá, ta nhận vào một lúc
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho;
Đi giữa đường thơm – tặng Thạch Lam
Sau khi Lửa thiêng ra đời một năm, Huy Cận tìm đến với Cách mạng và hoạt động trong mặt trận Việt Minh.
Như một bộ phận lớn nhà thơ cùng thời, sự chuyển biến của Cách mạng có ý nghĩa vô cùng to lớn tựa như một bước ngoặt lịch sử đưa Huy Cận thoát khỏi sự tuyệt vọng và sự luẩn quẩn không lối thoát. Trong khuynh hướng chung của thơ ca Cách mạng, thơ Huy Cận cũng gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng chiến qua những tác phẩm: “Những năm sáu mươi,” “Trời mỗi ngày lại sáng,” “Đất nở hoa” “Lời tâm nguyện cùng hai thế kỷ”, “Đêm về với biển,” “Cha ông ngàn thuở”…
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và thi ca, nhà thơ Huy Cận đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Về Thơ mới, Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã từng viết: ” Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”. Thơ mới tạo lập và chứa đựng nhiều nỗi niềm, là một phong trào thơ, một nền thơ, các nhà Thơ mới có quan điểm thẩm mĩ, có những cách thể hiện riêng được định hình thông qua các nhà thơ tiêu biểu, từ đó chi phối cả nền thơ.
Đăng bởi: Gấu Trắng
Từ khoá: những nhà thơ Việt Nam nổi tiếng trong phong trào thơ mới
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết những nhà thơ Việt Nam nổi tiếng trong phong trào thơ mới của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.