Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Du, TP HCM, cho biết đề thi môn Văn tuyển sinh vào lớp 10 của TP HCM hướng đến kiểm tra năng lực học sinh, hạn chế việc học thuộc lòng. Do đó, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản theo chương trình để vận dụng.
Khi chấm thi, các nội dung về kỹ năng, phẩm chất, năng lực có thang điểm cao. Do đó, thay vì lệ thuộc vào văn mẫu, học sinh cần thường xuyên rèn luyện kỹ năng viết, đọc hiểu, phân tích đề, liên hệ với tác phẩm khác cùng đề tài, hoặc liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra những nhận định, đánh giá về một vấn đề cụ thể.
Để tránh mất điểm đáng tiếc trong bài thi Văn vào lớp 10, học sinh không nên đảo thứ tự các câu hỏi – trả lời, nên làm từng câu vì đề đã được xếp theo thứ tự từ dễ đến khó. Đặc biệt, câu trước chính là sự gợi ý cho câu sau. Nếu hiểu điều này, việc làm bài của học sinh sẽ đơn giản hơn.
Ngoài ra, các em không cần áp lực phải viết thật bay bổng, quan trọng nhất là viết đúng để đạt điểm tốt.
Một lưu ý khác, học sinh nên phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu. Các em nên mang theo đồng hồ đeo tay vào phòng thi để theo dõi thời gian trong quá trình làm bài. Thí sinh nên dành 20 phút cho phần Đọc – Hiểu, 40 phút cho phần Nghị luận xã hội và 60 phút cho phần Nghị luận văn học.
Thí sinh cũng không nên viết toàn bộ bài ra giấy nháp. Các em có thể dùng giấy nháp để ghi từ khóa của những câu trả lời, lập dàn ý cũng chỉ nên viết từ khóa, không nên viết câu, viết đoạn dài dòng, mất thời gian. Việc lập dàn ý vào giấy nháp giúp viết bài mạch lạc, có sự liên kết, không bị thiếu ý, tránh việc phải viết bổ sung ở cuối bài hay ở ngoài lề giấy.
Sau đây là lưu ý của thầy Võ Kim Bảo với từng phần cụ thể trong đề Văn thi lớp 10 ở TP HCM:
Trong phần Đọc – Hiểu,với các dạng bài như xác định khởi ngữ, thành phần biệt lập, biện pháp tu từ, học sinh chỉ trả lời thành phần, biện pháp nào mà thường quên trích dẫn các chi tiết. Đáp án có thể đúng nhưng cần được viết rõ được thể hiện qua chi tiết nào. Như vậy câu trả lời mới được tính điểm cao nhất.
Ở phần viết đoạn văn, học sinh thường không chú ý giới hạn của đề bài. Các em cần lưu ý đề cho giới hạn là số dòng hay số câu. Một câu có thể viết thành nhiều dòng. Nếu đọc đề không cẩn thận học sinh có thể viết thừa số dòng và bị trừ điểm. Câu đầu tiên trong đoạn văn nên trả lời cho câu hỏi của đề bài. Các câu sau để giải thích, làm rõ ý chính được nêu ở đâu đầu tiên.
Với bài Nghị luận xã hội, học sinh cần đọc kỹ đề để xác định dạng bài là nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống hay nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý. Những bài làm sai phương pháp, sai thể loại sẽ bị trừ điểm rất nặng.
Viết bài quá dài so với giới hạn của đề thường được giám khảo châm chước bỏ qua, không trừ điểm nhưng các em sẽ mất nhiều thời gian dẫn đến không còn nhiều thời gian cho câu 3. Đề thường chỉ yêu cầu viết bài văn ngắn khoảng một trang giấy thi. Học sinh nên đảm bảo giới hạn này, không nên viết quá 1,5 trang.
Khi làm bài, học sinh phải viết đủ mở bài, thân bài, kết bài. Phần thân bài cần được trình bày thành các đoạn văn, mỗi đoạn văn trình bày một nội dung cụ thể, giữa các đoạn có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Nếu đề cho nhiều sự lựa chọn, học sinh cần cân nhắc thật kỹ khi chọn đề. Học sinh nên chọn đề mà mình có thể viết tốt nhất.
Ở phần Nghị luận văn học đề bài thường có giới hạn một vài khổ thơ, một phần của truyện, không yêu cầu phân tích hết tác phẩm. Chính vì vậy, nếu phần mở bài chỉ dừng lại ở việc giới thiệu tác phẩm mà không giới thiệu nội dung được yêu cầu phân tích sẽ bị mất điểm.
Sau khi viết phần mở bài, học sinh cần viết một đoạn văn ngắn để giới thiệu chung về tác phẩm trước khi triển khai phân tích các ý. Đoạn văn đó thường có các nội dung như: giới thiệu về phong cách, sự nghiệp của tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, tóm tắt truyện.
Các đoạn văn triển khai luận điểm nên có câu chủ đề rõ ràng. Nên đặt câu chủ đề ở đầu đoạn văn, giữa các đoạn có dùng câu liên kết. Khi phân tích luận điểm cầu có các dẫn chứng cụ thể.
Ngoài ra, khi làm bài, học sinh cần tránh diễn xuôi ý thơ và kể chuyện lan man, mắc lỗi này sẽ bị trừ điểm rất nặng.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở TP HCM diễn ra vào ngày 6, 7/6 với ba môn Toán, Ngữ văn (120 phút) và Ngoại ngữ (90 phút). Những em thi vào lớp 10 chuyên hoặc chương trình Tiếng Anh tích hợp sẽ thi thêm môn chuyên và tích hợp. Khoảng 18.800 em trong số hơn 96.000 thí sinh dự thi sẽ trượt lớp 10 công lập. Các em có thể học tiếp ở trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề.
Võ Kim Bảo (giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Du, TP HCM)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nhung-loi-bi-tru-diem-khi-lam-bai-thi-van-vao-lop-10-4609146.html