Ngày 13.4, nhiều trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM thông báo mức sàn xét tuyển từ điểm thi đánh giá năng lực do đại học này tổ chức. Theo đó, mức điểm sàn dao động từ 600/1.200 điểm.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc tế, Đại học An Giang và phân hiệu Đại học Quốc gia TPHCM ở Bến Tre cùng công bố mức điểm sàn 600. Trường Đại học Công nghệ thông tin với mức 700 điểm trở lên, áp dụng cho tất cả ngành đào tạo
Năm 2022, điểm chuẩn xét điểm thi đánh giá năng lực ở các trường này dao động 600-1.001 điểm.
Thí sinh có cơ hội đỗ đại học sớm nhờ tham gia xét tuyển bằng điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực. Ảnh: Hải Nguyễn
Ở khu vực phía nam, nhiều trường cũng đã công bố điểm sàn xét tuyển của các phương thức tuyển sinh sớm, đặc biệt là phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực.
Trường Đại học Nha Trang thông báo nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn) từ kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM từ 550 đến 675 điểm. Thí sinh lưu ý khi một số ngành học kèm theo điều kiện thành phần Tiếng Anh trong điểm đánh giá năng lực, mức điểm từ 100-130 điểm.
Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển ở mức 600 điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM.
Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cao nhất đến nay là Trường Đại học Ngoại thương. Cụ thể, điểm sàn theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM là từ 850 theo thang 1.200 điểm. Mức điểm sàn theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là 100 theo thang 150 điểm.
Ngoài ra, thí sinh còn cần điều kiện có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 từ 7,0 trở lên; hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng vừa công bố các điều kiện, điểm sàn để xét tuyển vào trường. Đặc biệt, nhà trường cho phép thí sinh sử dụng cả điểm thi đánh giá năng lực, tư duy từ năm 2022 để xét tuyển.
Năm nay, nhà trường xét tuyển 3 nhóm không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhóm 1 (N1), thí sinh có chứng chỉ quốc tế trong thời hạn 02 năm tính đến ngày 1.6.2023 đạt SAT từ 1200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên, tốt nghiệp THPT chương trình trong nước hoặc nước ngoài.
Nhóm 2 (N2), thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 hoặc năm 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 85 điểm trở lên hoặc của Đại học Quốc gia TPHCM đạt từ 700 điểm trở lên hoặc điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội đạt từ 60 điểm trở lên.
Nhóm 3, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 02 năm tính đến ngày 1.6.2023 đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC trở lên và có điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 hoặc năm 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 85 điểm trở lên hoặc của Đại học Quốc gia TPHCM đạt từ 700 điểm trở lên hoặc điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội đạt từ 60 điểm trở lên.
Thí sinh tham khảo thêm mức điểm sàn của các trường đại học sử dụng điểm của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học quốc gia Hà Nội để xét tuyển trong năm 2023:
Trường Đại học Kiến trúc TPHCM: Sử dụng điểm của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM để xét tuyển. Điểm sàn nhà trường đưa ra là 700
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM: Điểm sàn là 600-700.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng: Điểm sàn là 600 .
Trường Đại học Nha Trang: Điểm sàn từ 500-675 tùy từng ngành.
Trường Đại học Gia Định: Điểm sàn từ 600-700.
Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM: Điểm sàn từ 600.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng: Điểm sàn là 600.
Trường Đại học Hoa Sen: Điểm sàn là 700 .
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Điểm sàn của kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức là 550, của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức là 70.
Học viện Ngân hàng năm 2023 cũng xét tuyển bằng điểm của kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, điểm sàn là 85. Còn trường Đại học Công nghiệp Hà Nội lấy điểm sàn từ 75 điểm.