Năm 2022, Đại học Quốc tế có 3.505 chỉ tiêu tuyển sinh đại học, trong đó chỉ tiêu các ngành đào tạo theo chương trình liên kết do đại học đối tác cấp bằng là 1.460. Tuy nhiên, số thí sinh đủ điều kiện nhập học hiện chỉ gần 500 em. Các năm trước, chương trình cũng chỉ tuyển được từ 400 đến 650 sinh viên.
Chương trình cử nhân quốc tế Conventry hợp tác với Đại học Coventry (Anh) của Học viện Ngân hàng năm nay tuyển 221 chỉ tiêu, nhưng hôm 21/9, Học viện này thông báo tuyển bổ sung gần 100 sinh viên cho ngành Ngân hàng và Tài chính Quốc tế, Kinh doanh Quốc tế và Digital Marketing.
Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, cũng không có sinh viên cho các chương trình liên kết với Đại học Upper Iowa (Mỹ), Đại học Conventry (Anh) và Đại học Medaille (Mỹ). Một số ngành như ngành khách sạn của Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM thậm chí “sập” vì không tuyển được người học, đặc biệt trong những năm dịch Covid-19.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM không có chỉ tiêu cứng cho các chương trình liên kết, trung bình hàng năm tuyển khoảng 100 sinh viên. Năm học 2021-2022, trường tuyển được gấp đôi các năm trước do dịch bệnh Covid-19, khiến nhiều học sinh chọn học tại Việt Nam. Nhưng đến mùa tuyển sinh này, số tuyển sinh quay lại như trước.

Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: IU
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm 2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Các quốc gia có chương trình liên kết đào tạo nhiều là Anh (101 chương trình), Mỹ (59 chương trình), Pháp (53), Australia (37) và Hàn Quốc (27).
Ở từng trường, chương trình liên kết cũng đa dạng về ngành nghề và phương thức.
PGS.TS Lê Văn Cảnh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế, cho biết trường có gần 30 chương trình liên kết theo nhiều hình thức, như 2+2 (2 năm học trong nước, 2 năm học ở nước ngoài); 3+1 (3 năm học trong nước, 1 năm học ở nước ngoài) và 4+0 (du học tại chỗ). Tùy chương trình, sinh viên có 2-3 năm học tại Việt Nam, sau đó chuyển sang các trường đối tác ở Anh, Mỹ, Australia, New Zealand để học tiếp và tốt nghiệp. Sinh viên được nhận bằng đại học từ trường liên kết thuộc top 30 của Anh và Mỹ.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM liên kết đào tạo với nước ngoài từ năm 2006 và đang thực hiện 18 chương trình với các trường đối tác ở Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Australia và Singapore. Các ngành học phong phú từ tiếng Anh đến kinh tế và kỹ thuật, cũng theo mô hình 2 + 2, 3+1 và 4+0.
Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM chỉ liên kết đào tạo theo mô hình tại chỗ (4+0) với hai đại học công lập của Anh và một trường của Mỹ. Sinh viên có 5 ngành học để lựa chọn, gồm Quản trị kinh doanh, Marketing, Du lịch khách sạn, tiếng Anh và Kinh doanh quốc tế.
PGS.TS Trương Đình Nhơn, Phó trưởng Khoa phụ trách khoa Đào tạo Quốc tế, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho hay ưu điểm của việc này là chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, bằng cấp được cả Việt Nam và quốc tế công nhận, giúp tỷ lệ sinh viên có việc làm cao sau khi ra trường. Trong khi đó, học phí và chi phí sinh hoạt thấp. Học phí chương trình liên kết du học tại chỗ của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM hiện khoảng 40-150 triệu đồng một năm.
Tại Đại học Quốc tế, giai đoạn học tại Việt Nam có mức học phí trung bình một năm là 50 triệu đồng, còn giai đoạn chuyển tiếp, tùy vào mỗi đối tác, học phí từ 500 đến 900 triệu đồng một năm. Theo nhà trường, mức này giúp người học tiết kiệm được gần 50% chi phí học tập và sinh hoạt so với du học tự túc.
Tuy nhiên, việc tuyển sinh của một số trường gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong số này, theo PGS.TS Lê Văn Cảnh, sau dịch Covid-19 các trường đại học trên thế giới cũng có thêm chính sách thu hút người học nên việc lựa chọn học ở trong nước được cân nhắc nhiều hơn. Ngoài ra, việc nhiều chương trình tạo nên sự cạnh tranh trong việc thu hút người học. Còn học phí tuy hợp lý nhưng vẫn tương đối cao nếu so với các ngành đào tạo đại trà, đòi hỏi người học cần có sự chuẩn bị tốt về tài chính khi lựa chọn chương trình.
Bên cạnh đó, chương trình này giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, yêu cầu đầu vào tiếng Anh cao.
“Đây là một thách thức không nhỏ đối với người học khi tiếng Anh được đào tạo ở bậc phổ thông cơ bản chưa hoàn toàn trang bị đủ để đáp ứng yêu cầu học tập của chương trình”, ông Cảnh nói.
Ở góc nhìn của tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM, việc tuyển được sinh viên hay không còn do cách các trường triển khai, như vận hành và quảng bá. Thầy Lộc cho biết trường có thế mạnh về truyền thông, quảng cáo nên việc tuyển sinh các chương trình liên kết dù “không có đột biến” song năm nay, số tuyển được tăng 100% so với năm 2021 và 30-50% so với các năm trước dịch Covid-19.
“Trường nói sinh viên được giao lưu quốc tế, được giáo sư qua giảng dạy thì cần phải có video, hình ảnh chứng minh. Khi làm thật, bạn mới có chất liệu để nói cho mọi người tin”, thầy Lộc cho hay.

Cơ sở chính Đại học Sư phạm Kỹ thuật tại TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Để khắc phục khó khăn tuyển sinh, năm 2022, Đại học Quốc tế có thêm phương thức xét học bạ với 10-20% tổng chỉ tiêu để tuyển sinh riêng cho chương trình liên kết. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT nhiều năm trước cũng có cơ hội tham gia xét tuyển. Ngoài ra, thí sinh đăng ký tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh, nếu có chứng chỉ IELTS Academic hoặc TOEFL iBT thì được quy đổi điểm trung bình môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển. Nhà trường hy vọng phương thức mới sẽ thu hút được nhiều thí sinh hơn.
Học viện Ngân hàng cũng tăng cường các hoạt động truyền thông, trực tiếp gặp gỡ học sinh, phụ huynh để chia sẻ thông tin của chương trình. Bên cạnh đó, trường cũng xây dựng chương trình đào tạo với năm đầu tiên tập trung hỗ trợ người học phát triển tiếng Anh (đối với bậc cử nhân).
“Trường xây dựng đa dạng các giá trị bổ sung cho người học như các chương trình trao đổi sinh viên tại nước ngoài, tham quan và làm việc tại các doanh nghiệp để tối ưu hóa chi phí học tập của người học”, đại diện nhà trường nói.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nhieu-chuong-trinh-lien-ket-quoc-te-kho-tuyen-sinh-4529332.html