Bạn đang xem bài viết Nguyên nhân và cách xử trí tiêu chảy cấp trong các ngày lễ tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Tiêu chảy cấp là bệnh lý đường tiêu hóa hay gặp ở mọi lứa tuổi nhất là trong các ngày lễ, tết. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người mắc bệnh, thậm chí là tử vong. Cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu về bệnh tiêu chảy cấp qua bài viết sau nhé!
Tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng, tóe nước nhiều hơn 2 lần/ngày
Vì sao bạn thường bị tiêu chảy cấp vào dịp lễ?
Trong đường tiêu hóa có hệ vi sinh vật có lợi rất phong phú, giúp hỗ trợ cơ thể tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng. Hệ vi sinh vật này sẽ phát triển để thích nghi với chế độ ăn uống hàng ngày của cơ thể.
Vào những dịp nghỉ lễ, hầu hết chúng ta đều tham gia vào các buổi họp mặt, liên hoan khiến chế độ ăn uống hàng ngày bị xáo trộn nghiêm trọng như ăn uống quá nhiều, ăn nhiều thức ăn dầu mỡ và được chế biến nhiều gia vị hoặc uống quá nhiều rượu, bia, nước ngọt.
Chính nguyên nhân trên đã gây mất cân bằng hệ lợi khuẩn có sẵn tại đường ruột dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng đường tiêu hóa gây tiêu chảy cấp.
Ngoài ra, việc sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như chứa các thuốc trừ sâu, chất bảo quản, thực phẩm chưa được rửa sạch và chế biến kỹ cũng là nguyên nhân gây ra bệnh.
Tiêu chảy cấp trong ngày lễ thường do thay đổi chế độ ăn đột ngột
Nguyên nhân gây ra tiêu chảy cấp
Do virus
Hai loại virus phổ biến gây ra tiêu chảy cấp ở cả trẻ em và người lớn là rotavirus và norovirus, thường gặp ở trẻ nhỏ hơn. Cả hai loại virus này đều lây truyền qua nguồn nước, thức ăn hoặc do tiếp xúc với bề mặt chứa virus.
Các triệu chứng thường gặp trong tiêu chảy do virus gồm:
- Đi ngoài phân lỏng, toàn nước hoặc phân xanh và không có nhầy máu.
- Nôn trước khi tiêu chảy 6 – 12 giờ và có thể kéo dài từ 2 – 3 ngày.
- Sốt từ 38 – 38.5 độ C.
- Đau bụng.
Đau bụng là triệu chứng có thể gặp trong tiêu chảy do virus
Nhiễm khuẩn
Tiêu chảy cấp cũng có thể do một số loại vi khuẩn gây ra như Escherichia coli (E. coli), Shigella gây bệnh lỵ, Salmonella gây bệnh thương hàn, vi khuẩn tả hoặc Campylobacter,… Các biểu hiện của tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn thường gặp như:
- Đi ngoài phân lỏng tính chất tùy thuộc vào từng loại vi khuẩn: phẩy khuẩn tả có thể gây đi ngoài phân đục như nước vo gạo, số lượng nhiều hoặc trực khuẩn Shigella gây bệnh lỵ với đặc trưng là đi cầu ra máu nhầy.
- Buồn nôn hoặc nôn nhiều kèm theo đau bụng.
- Sốt nhẹ.
- Người mệt lả, khát nước hoặc thậm chí không thể uống nước.
Vi khuẩn E.Coli là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp
Nhiễm ký sinh trùng
Các loại ký sinh trùng có thể xâm nhập vào đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh và gây bệnh tiêu chảy cấp hoặc tiêu chảy mạn tính, viêm ruột, viêm đại tràng.
Một số loại ký sinh trùng gây bệnh đường tiêu hóa hay gặp gồm: Entamoeba histolytica (gây bệnh lỵ amip), Cryptosporidium enteritis (gây bệnh ở đường tiêu hóa và hô hấp) và Giardia lamblia (gây viêm ruột).
Ký sinh trùng lây lan qua đường ăn uống và gây nên tiêu chảy cấp
Tác dụng phụ của thuốc
Ngoài các căn nguyên do viêm nhiễm ở trên thì tiêu chảy cấp còn có thể xảy ra do tác dụng phụ của một số thuốc như:
- Thuốc kháng sinh: gây rối loạn hệ lợi khuẩn đường ruột dẫn đến tiêu chảy cấp.
- Thuốc điều trị ung thư.
- Thuốc kháng acid có magnesium: do tăng khả năng nhu động của đường ruột những như hấp thu nước vào lòng ống tiêu hóa gây tiêu chảy.
Thuốc kháng sinh gây rối loạn hệ vi sinh có thể gây tiêu chảy cấp
Cách điều trị tiêu chảy cấp
Bù nước và điện giải
- Nước lọc: là phương pháp đơn giản nhất để bù lại lượng nước đã mất. Người bệnh nên uống nước thành từng ngụm nhỏ và bổ sung tối thiểu 8 ly nước/ngày.
- Oresol: được khuyến cáo sử dụng nhằm bù nước và điện giải trong các trường hợp tiêu chảy cấp. Lưu ý rằng, cần pha dung dịch oresol đúng với lượng nước đã được quy định trên bao bì và uống từng thìa hoặc ngụm nhỏ để tránh gây rối loạn điện giải.
- Nước ép trái cây: với thành phần gồm nhiều nước, các chất điện giải và vitamin thiết yếu, nước ép trái cây tươi có thể sử dụng để bù nước khi bị tiêu chảy cấp. Các loại nước ép có thể sử dụng như nước ép nguyên chất từ cam, táo, cà rốt,…
- Trà gừng: trong gừng có chứa hoạt chất chống viêm gingerol có thể hạn chế tiến triển của bệnh tiêu chảy. Đồng thời, trà gừng có tính ấm nóng nên có thể làm giảm bớt triệu đau bụng, khó chịu khi mắc bệnh.
- Nước dừa: là thức uống tự nhiên chứa hàm lượng lớn các chất điện giải, ít ngọt nên có thể được sử dụng với mục đích bù nước và điện giải cho người bị tiêu chảy cấp tương đối hiệu quả.
Pha dung dịch Oresol đúng cách giúp điều trị tiêu chảy cấp
Sử dụng thuốc
Đa số các trường hợp tiêu chảy cấp có thể tự hết sau vài ngày, khi cơ thể đã đào thải hết tác nhân gây bệnh ra ngoài. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc giúp cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn như:
- Thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa: actapulgite, bismuth subsalicylate hoặc smecta.
- Thuốc cầm tiêu chảy: berberin, loperamid.
Tuy nhiên với các trường hợp tiêu chảy do ký sinh trùng hoặc vi khuẩn với biểu hiện đi ngoài phân nhầy máu hoặc sốt thì người bệnh không được phép tự mua thuốc ở nhà mà cần đến điều trị tại cơ sở y tế gần nhất.
Có thể sử dụng thuốc để điều trị tiêu chảy cấp
Bổ sung men vi sinh
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm các loại men vi sinh để điều trị tiêu chảy. Do men vi sinh giúp cung cấp một lượng lớn lợi khuẩn đường ruột và giúp chống lại các tác nhân gây tiêu chảy cấp.
Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn loại men vi sinh phù hợp với từng độ tuổi cũng như căn nguyên gây tiêu chảy.
Bổ sung men vi sinh là cách điều trị tiêu chảy cấp
Chú ý chế độ dinh dưỡng
Khi bị tiêu chảy, người bệnh không được nhịn ăn vì có thể gây thiếu dinh dưỡng và suy nhược cơ thể. Thay vào đó, cần phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho người bệnh để rút ngắn thời gian điều trị.
- Những loại thực phẩm nên ăn: các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo thịt bằm, cháo gà, các loại súp, khoai lang, yến mạch,… Ngoài ra, người bệnh cần được bổ sung chất xơ và vitamin từ hoa quả tươi như chuối, táo hoặc cam,…
- Những loại thực phẩm không nên ăn: các loại đồ ăn, đồ uống chứa nhiều đường tinh luyện, đồ ăn tái sống như gỏi hoặc nộm, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ,…
Tiêu chảy cấp nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Để tránh những biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được điều trị sớm nếu gặp các triệu chứng sau:
- Dấu hiệu mất nước như khát nước nhiều, da và mắt khô, miệng đắng, mệt lả,…
- Nôn nhiều, liên tục, nôn ra hết thức ăn.
- Xuất hiện nhầy máu trong phân hoặc đi ngoài phân nâu, mùi khó chịu do bị xuất huyết tiêu hóa.
Trẻ mệt lả, mất nước cần đến gặp bác sĩ sớm
Nơi khám chữa bệnh hiệu quả
Nếu phát hiện những triệu chứng nguy hiểm của tiêu chảy cấp, bạn có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào hoặc gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán. Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ chữa tiêu chảy uy tín như:
- Tp. Hồ Chí Minh: bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM, bệnh viện Nhi đồng TP.HCM,…
- Hà Nội: bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Nhi Trung Ương, bệnh viện Bạch Mai,…
Phòng ngừa tiêu chảy cấp
Đảm bảo vệ sinh cá nhân và môi trường sống
- Rửa tay sạch sẽ với nước sạch và xà phòng thường xuyên, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
- Vệ sinh môi trường và các bề mặt sạch sẽ.
- Xây dựng nhà vệ sinh tự hoại hợp vệ sinh, không sử dụng phân tươi, chưa qua xử lý để bón cho cây trồng.
- Không đi du lịch đến những nơi đang có các dịch bệnh về đường tiêu hóa.
Rửa tay sạch sẽ giúp phòng ngừa tiêu chảy cấp
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn các thức ăn chưa qua chế biến hoặc được lên men như thịt chua, cá chua, tiết canh, gỏi,…
- Bảo quản thức ăn thừa đúng cách, đậy kỹ thức ăn để tránh côn trùng đậu vào khiến lây lan bệnh tật.
Nấu chín thức ăn giúp phòng ngừa tiêu chảy cấp
Đảm bảo nguồn nước dùng sạch
- Sử dụng nguồn nước đã qua xử lý, được loại bỏ tạp chất và các mầm bệnh.
- Đậy kín bể nước.
- Không đổ phân và các loại rác thải sinh hoạt xuống sông, hồ, ao,…
- Tại nơi đang có dịch tiêu chảy cần sát khuẩn nguồn nước với cloramin B.
Đảm bảo nguồn nước dùng sạch giúp ngăn chặn tiêu chảy cấp
- 4 nguyên nhân tiêu chảy cấp giúp bạn nhận biết bệnh chính xác
- Các nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài bạn cần biết
- Những thực phẩm nên và không nên ăn khi bị tiêu chảy
Nhà thuốc An Khang hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh tiêu chảy cấp. Để phòng bệnh trong thời gian nghỉ lễ hoặc đi du lịch bạn cần: ăn chín, uống sôi, hạn chế hoặc tránh ăn hàng rong, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguồn: Bộ Y Tế, Medical News Today, Cleveland Clinic, UpToDate.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Nguyên nhân và cách xử trí tiêu chảy cấp trong các ngày lễ tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.