Tại Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân được lấy dịch ổ áp xe để nuôi cấy vi khuẩn, phát hiện cóburkholderia pseudomallei, vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch, dẫn lưu các ổ áp xe tại vị trí dưới mạng sườn trái và lưng trái. Hiện, sức khỏe người bệnh ổn định.
Whitmore còn gọi bệnh Melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Vi khuẩn gây bệnh sống trong đất. Đường lây nhiễm chính là các vết trầy xước trên da tiếp xúc đất hoặc nước có vi khuẩn, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn.
Bác sĩ Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, phức tạp, diễn tiến âm thầm như lao. Người mắc có thể bị viêm phổi, viêm mô mềm, áp xe các cơ quan như gan, lách, thận, nhiễm trùng huyết, tỷ lệ tử vong tương đối cao nếu không điều trị kịp thời.
Người có bệnh nền như đái tháo đường, suy thận, gan, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch nguy cơ cao mắc bệnh.
Thời gian ủ bệnh từ một đến 21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, hãy sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
“Người bệnh nếu có các vết loét ở ngoài da, sốt, nhức mỏi tay chân, ho, đau bụng, đi lỏng nhiều lần cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời”, bác sĩ Đức khuyên.
Thúy Quỳnh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nguoi-dan-ong-bi-vi-khuan-whitmore-tan-cong-4581644.html