Hôm nay, Neu-edutop.edu.vn xin giới thiệu đến cho các bạn học sinh một số bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về ý kiến Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.
Đây là tài liệu vô cùng hữu ích giúp cho có thêm cách viết văn nghị luận xã hội lớp 12, cũng như chuẩn bị hành trang để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp tới. Sau đây chúng tôi xin mời tất cả các bạn cùng tham khảo dàn ý chi tiết và 3 bài văn mẫu nghị luận về ý kiến Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.
Dàn ý nghị luận về ý kiến Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn
I. Mở bài:
– Giới thiệu khái niệm chi tiết, chức năng của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm.
– Đề cập quan điểm của M.Gorki- vấn đề cần nghị luận “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.
II. Thân bài:
– Nêu một số khái niệm liên quan đến vấn đề cần nghị luận: khái niệm văn học, tác phẩm văn học, cảm thụ văn học, hình tượng văn học, nhãn tự, tứ thơ…
– Lý giải tại sao chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn?. Ý nghĩa của chi tiết trong tác phẩm.
– Phân tích cụ thể về quan điểm chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn qua một số tác phẩm cụ thể và điển hình.
III. Kết bài:
– Tóm lược ý chính trong bài viết, giá trị của chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.
– Bày tỏ cảm nghĩ khi phân tích và nghị luận chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.
Nghị luận về ý kiến Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn – Mẫu 1
Một tác phẩm văn học ra đời đều là một quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Từng chi tiết, từng hình ảnh nhân vật trong tác phẩm đều là tâm huyết của nhà văn. Có thể là từ những gì đời thường mà nhà văn nhìn thấy, hay có thể là do chính nhà văn sáng tạo ra để mang đến cho độc giả một ý nghĩa nào đó. Mỗi chi tiết trong tác phẩm đều nói lên một điều gì đó, có chi tiết nhỏ, có thể làm nên được nhà văn lớn.
Chi tiết trong mỗi tác phẩm được hiểu như thế nào? chi tiết là những sự việc, tình tiết mà nhà văn thấy hoặc tự sáng tạo ra. Nhằm cho ta thấy rõ hơn, sâu sắc hơn, ý nghĩa mà tác phẩm hay chính Nhà văn mang lại. Một chi tiết nhỏ trong tác phẩm có thể làm nên tên tuổi sức, sống của một nhà văn. Trong kho tàng văn học có vô số những tác phẩm, hay nhiều chi tiết đặc sắc. Từ nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, Chí Phèo con quỷ dữ của làng Vũ Đại, nhưng cũng có lúc rơi nước mắt vì cảm động, tự kết liễu đời mình để nói lên phần nhân tính trong con người vẫn còn. Đến Lão Hạc, một người nông dân hiền lành, chất phát, giàu lòng tự trọng, thà chết chứ không chịu nhận sự giúp đỡ của một ai. Chi tiết liên nhớ đến ngọn đèn leo lét của chị tí, giữa màn đêm tăm tối, đặc biệt không thể thiếu chi tiết Huấn Cao cho chữ, trong cảnh vô cùng khác biệt trong “Chữ Người Tử Tù” của Nguyễn Tuân.
Trong tác phẩm “Chữ Người Tử Tù”, Có nhiều chi tiết viên quản ngục với tấm lòng chân thành đến chỗ Huấn Cao. Nhưng được đáp lại bằng thái độ khinh thường, rẻ mạt. Huấn Cao nhận ra tấm lòng của viên quản ngục, cảnh cho chữ vô cùng đặc biệt. Từng chi tiết, sự việc trong tác phẩm đều mang một ý nghĩa riêng. Nó nói lên tính cách con người của nhân vật Huấn Cao, một người chính trực, rất tự trọng, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn giữ được phẩm chất tốt đẹp của mình. Dù trong cảnh tù hãm vẫn không ngần ngại sỉ nhục viên quản ngục, vì ông cho rằng tất cả mọi kẻ tay sai cho xã hội đó đều không ra gì. Viên quản ngục người luôn bị nói là ác độc, làm tay sai cho bọn ác nhân hẳn là người không ra gì. Chịu mọi tai tiếng, nghe đủ điều không hay nhưng không bao giờ con người ấy trách mắng một ai. Ngược lại luôn ân cần, quan tâm đến Huấn Cao. Tuy không có tài, nhưng viên quản ngục lại hiểu thấu được tâm tư, nỗi lòng của người tài. Với tấm lòng chân thành, thái độ điềm đạm không oán trách của viên quản ngục. Huấn Cao đã vô cùng hối hận, vì chút nữa đã bỏ lỡ một tấm lòng cao quý trên đời này. Ta vẫn thường nói, hoàn cảnh làm nên tính cách con người. Điều kiện sống tốt, thì con người tốt. Còn hoàn cảnh tối tăm, thì con người cũng xấu xa, không tốt. Nhưng qua chi tiết trên ta đã thấy, không phải cứ sống trong ánh sáng là tốt. Còn người sống trong hoàn cảnh xấu là con người xấu. Viên quản ngục sống trong môi trường khắc nghiệt, sự tàn bạo của xã hội phong kiến nhưng ông vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp của mình, không vì danh lợi mà đánh mất đi nhân phẩm của mình và của con người nói chung, tấm lòng ấy đã làm cảm động Huấn Cao.
Một sự chân thành đến vậy Huấn Cao sao nỡ từ chối nguyện vọng muốn xin chữ của viên quản ngục được. Trong cảnh tù ngục tối tăm, bẩn thỉu, trên nền toàn những phân chuột, phân gián, mùi hôi thối bốc lên. Vậy mà người nghệ sĩ ấy vẫn có thể sáng tạo nghệ thuật một cách say sưa, “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”, một người trước ngưỡng cửa của sự sống và cái chết. Nhưng vẫn thản nhiên không chút bận tâm mình sẽ chết, sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật nơi tù túng, quả là một điều phi thường “Chính tấm lòng biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục đã khiến Huấn Cao vô cùng cảm động. Dồn hết tâm huyết tác giả lại cho tấm lòng ấy.
Chỉ một chi tiết nhỏ trong tác phẩm, cũng để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, làm nên một nhà văn lớn “Chữ Người Tử Tù” như một bản nhạc, đầy những bản nhạc xô bồ của cuộc sống. Nổi bật lên âm thanh trong trẻo, tươi sáng của viên quản ngục. Những lời nói ân cần của Huấn Cao khi khuyên viên quản ngục tìm một nơi mình có thể sống là chính, con người mình không bị gò ép trong một khuôn khổ nào. Cho thấy Huấn Cao thật sự không những là người tài, mà tấm lòng đạo đức rất sáng, lại luôn tràn đầy trong con người nghệ sĩ.
Thạch Lam một con người dịu dàng, nhẹ nhàng coi văn chương là một thứ khí giới thành cao, để thanh lọc tâm hồn. Tìm cái đẹp ở những nơi tầm thường nhất, ít ai để ý. Nhân vật Liên trong “Hai đứa trẻ” như hiện thân của Thạch Lam, một cô gái mới lớn nhưng mang nỗi u sầu, ngồi lặng trong đêm tối, nghĩ về cuộc sống, nghĩ về ngọn đèn leo lét giữa màn đêm đen tối của Phố huyện nghèo. Về những con người với số phận hẩm hiu, cùng với niềm hi vọng mong manh về một tương lai tươi sáng phía trước. Đồng thời Thạch Lam cũng muốn nói lên tinh thần của những con người, dù trong hoàn cảnh nào vẫn không bao giờ hết hy vọng, hết ước mơ, vẫn luôn sống vì một tương lai tốt đẹp.
Hay Nam Cao cũng đã thành công trong nhân vật Chí Phèo của mình, từ một chi tiết rất nhỏ, rất tầm thường, tưởng chừng như ít ai để ý đến cũng nói lên nam cao là một người rất tinh tế. Một con cóc xuất hiện trong cuộc tình của Chí Phèo và Thị Nở, thì hầu như mọi thứ đều xoay về phía con cóc, Nam Cao có thể tự mình nhìn ra và cảm nhận nhưng không. Nhà văn đã dùng con cóc làm ống kính nhìn, quan sát sự việc diễn biến một cách rất tinh tế, điều đó cho thấy nam cao là một người nghệ sĩ luôn biết chừng của một người nghệ sĩ, cái gì nên tự mình quan sát, cái gì không nên.
Có rất nhiều chi tiết tử mỗi tác phẩm, quan trọng là chi tiết đó nói lên cái gì? Nguyễn Tuân một người quan niệm về cái đẹp phải tuyệt mỹ, không ai có được. Đúng vậy con người ấy đã làm được một cảnh tượng Xưa nay chưa từng có, một chi tiết làm nên nhà văn Nguyễn Tuân. Nếu như viên quản ngục là người biệt những thiên tài, chỉ Huấn Cao là người biệt nhưỡng thiên lương, sáng tạo nghệ thuật trong Huấn cao còn căn dặn viên quản ngục những lời chí cốt “đây không phải là nơi treo những chữ như vậy, tìm một nơi treo để nói lên hoài bão của mình”.
Qua cảnh cho chữ Nguyễn Tuân muốn nói lên cái đẹp luôn đi cùng với cái đạo đức, cái thiên lương “Tài mà không đức, thì cũng không là gì hết”, vậy nên cái quan trọng là phải có đức, có tâm.
Chi tiết nhỏ nhà văn lớn Nguyễn Tuân cùng nhiều các nhà văn đã làm nên được tên tuổi bằng tâm huyết nghệ thuật của mình, không cần phải những cái gì to lớn, mà chỉ cần một chi tiết nhỏ ta cũng có thể nói lên tính cách con người đó.
Nghị luận về ý kiến Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn – Mẫu 2
Làm nên thành công của một tác phẩm tự sự cần phải kể đến nhiều yếu tố trong đó không thể không kể đến chi tiết nghệ thuật. Chi tiết là một trong những yếu tố nhỏ nhất, quan trọng nhất để tạo nên một tác phẩm. Chi tiết vốn cụ thể, sống động vì thế khi tạo được một chi tiết độc đáo thì chi tiết đó sẽ có khả năng gợi mở, tạo nhiều ý nghĩa, nhiều liên tưởng thú vị cho người đọc. Bởi thế mới có ý kiến cho rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Để làm nên một chi tiết nhỏ có giá trị đòi hỏi nhà văn phải có sự thăng hoa về cảm hứng và tài năng nghệ thuật. Nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù vì thế tầm vóc của người nghệ sĩ có thể được làm nên từ những yếu tố nhỏ nhất ấy. Những nhà văn lớn thường có khả năng sáng tạo được những chi tiết nhỏ nhưng giàu giá trị biểu đạt, góp phần đắc lực trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Chi tiết chiếc bóng trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ là một chi tiết như thế.
Chiếc bóng trong “Chuyện người con gái Nam Xương” gắn liền với cốt truyện và gắn liền với cuộc đời, số phận của nhân vật Vũ Nương, nó xuất hiện ba lần trong truyện.
Lần thứ nhất, cái bóng xuất hiện trong lời nói của bé Đản nói với Trương Sinh khi Trương Sinh vừa từ chiến trận trở về: “Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.”, “có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.” Ở chi tiết này, người đọc có thể thấy được lòng vị tha cao cả cũng Vũ Nương. “Chiếc bóng” tô đậm thêm nét đẹp phẩm chất của Vũ Nương trong vai trò người vợ, người mẹ. Đó là nỗi nhớ thương, sự thuỷ chung, ước muốn đồng nhất “xa mặt nhưng không cách lòng” với người chồng nơi chiến trận; đó là tấm lòng người mẹ muốn khỏa lấp sự trống vắng, thiếu hụt tình cảm người cha trong lòng đứa con thơ bé bỏng. Nàng muốn kéo xích gần hơn tình cảm cha con cho bé Đản. Nhưng cái bóng ấy lại chính là điểm thắt nút của câu chuyện. Cái bóng đó chẳng phải là bóng của chính nàng sao!
Giống như người con gái trong ca dao xưa:
Nhớ chàng như mảnh trăng đầy,
Đêm đêm vầng sáng, hao gầy đêm đêm.
Bóng ấy chính là bóng nàng hàng đêm thao thức, không ngủ vì mong nhớ, thậm chí thấp thỏm lo âu cho chồng nơi chiến trận. Cảnh ngộ của Vũ Nương khiến ta nhớ tới cảnh người vợ nhớ chồng trong “Lá thư thành phố” của Giang Nam:
Con nhớ anh thường đêm biếng ngủ
Nó khóc làm em cũng khóc theo
Anh gởi về em manh áo cũ
Đắp cho con đỡ nhớ anh nhiều
Vũ Nương đã làm vơi đi nỗi nhớ, nỗi khát khao cha nơi bé Đản, nhưng lại càng khắc sâu thêm nỗi nhớ chồng của mình. Nếu như có ai đó hiểu được tâm trạng này của nàng, đặc biệt là Trương Sinh thì nàng đã được an ủi phần nào. Song, chiếc bóng trong lời nói của đứa con thơ dại lại chính là lời tố cáo sự không đoan chính của nàng. Nó gieo vào lòng Trương Sinh mối nghi ngờ về tiết hạnh của Vũ Nương, nó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nàng sau này!
Trớ trêu thay, một lời nói của tình mẫu tử lại bị chính đứa con ngây thơ đẩy vào vòng oan nghiệt; chiếc bóng của tình chồng nghĩa vợ, thể hiện nỗi khát khao đoàn tụ, sự thuỷ chung son sắt lại bị chính người chồng nghi ngờ “thất tiết”. Trương Sinh đinh ninh một mực cho là vợ hư, hết lời mắng nhiếc, mặc cho nàng biện bạch, hàng xóm khuyên can để minh oan, Trương Sinh cũng không nghe. Không chỉ vậy, Vũ Nương còn bị Trương Sinh đánh đuổi đi. Trương Sinh quá đa nghi, hồ đồ, Vũ Nương thì yếu đuối, không đủ sức chống chọi nên đã để sức mạnh của cái bóng gieo vào gia đình họ bi kịch đau đớn, chia lìa. Vũ Nương chịu không nổi, bị đẩy đến đường cùng, nàng đã tìm đến cái chết để bảo toàn danh dự và phẩm giá. Và đến đây, cái bóng lại xuất hiện lần thứ hai. Nó làm nhiệm vụ cởi nút cho câu chuyện, giải oan cho Vũ Nương.
Trong một đêm khuya, Trương Sinh ngồi với bé Đản và bất ngờ được bé chỉ bóng chàng trên vách mà nói: Cha Đản lại đến kia kìa! Nghe con nói lúc này Trương Sinh mới tỉnh ngộ, thấu nỗi oan của vợ. Chẳng cần nói năng điều gì, cái bóng chỉ lặng lẽ xuất hiện đã hóa giải được nỗi oan khuất của Vũ Nương và khiến người đọc như vỡ òa trong tiếng khóc thương cho số phận của nhân vật chính. Hạnh phúc thật là mong manh, hư ảo. “Chiếc bóng” là một ẩn dụ – nó mong manh như số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Dù là người phụ nữ đức hạnh nhưng họ có thể bất hạnh bởi bất cứ một nguyên nhân vô lí nào mà bản thân không lường trước được. “Chiếc bóng” xuất hiện lần thứ hai đã nói lên một điều: người phụ nữ trong xã hội phong kiến là nạn nhân của bi kịch gia đình, bi kịch xã hội.
“Chiếc bóng” đã xuất hiện bất ngờ và hợp lí vì nó đã diễn tả được mối nhân duyên khập khiễng giữa Trương Sinh với Vũ Nương. Mối nhân duyên chứa đựng nguy cơ tiềm ẩn (Vũ Nương kết duyên cùng Trương Sinh thất học, đa nghi, ghen tuông, độc đoán; còn Vũ Nương tính tình thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp) cộng với cảnh ngộ chia ly bởi chiến tranh chính là nguy cơ tiềm ẩn bùng phát. Câu chuyện thắt nút và cởi nút bởi cái bóng. Cái bóng là cái không thực nhưng nó lại quyết định số phận con người. Nó lặng lẽ nhưng lại đem đến cho tác phẩm một chiều sâu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Chẳng những thế nó còn đem đến cho tác phẩm một sức hấp dẫn kỳ lạ.
“Chiếc bóng” xuất hiện ở cuối tác phẩm: “Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất”. Chi tiết này thể hiện sự sáng tạo của Nguyễn Dữ so với tích cũ (Vợ chàng Trương), tạo nên vẻ đẹp lung linh cho tác phẩm và đem đến cho câu chuyện một kết thúc tưởng như có hậu nhưng lại càng tô đậm thêm bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ. Nguyễn Dữ đã để Vũ Nương trở về, nhưng nàng chỉ trở về trong chốc lát, thấp thoáng, lúc ẩn, lúc hiện giữa dòng sông rồi biến mất. Đối với Vũ Nương, đàn giải oan chỉ là một chút an ủi với người bạc phận chứ không thể làm sống lại tình xưa; nỗi oan được giải, nhưng hạnh phúc thực sự đâu có thể tìm lại được. Tiếng nói của nàng từ giữa dòng sông vọng vào vừa xiết bao đau xót vừa như một lời kết tội đanh thép xã hội đương thời đã đày đọa, đã tàn nhẫn cướp đi cả cuộc đời, cả hạnh phúc của một con người hoàn toàn có quyền được sống và hạnh phúc. Và như thế “chiếc bóng” còn mang ý nghĩa là bài học về hạnh phúc muôn đời: Một khi đánh mất niềm tin, hạnh phúc chỉ còn là chiếc bóng hư ảo.
Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, “chiếc bóng” đã ba lần xuất hiện, nếu ta thử cắt bỏ đi sự xuất hiện của chi tiết này, một điều chắc chắn là cốt truyện không thể phát triển hoặc nếu phát triển thì sẽ theo hướng khác. Như vậy, chi tiết “chiếc bóng” là một chi tiết quan trọng, là một nét nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công cho câu chuyện đồng thời nó còn thể hiện tài năng nghệ thuật và tấm lòng nhân đạo vô bờ của nhà văn Nguyễn Dữ. Vì thế, quả là không sai khi người ta nói: Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.
Nghị luận về ý kiến Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn – Mẫu 3
Văn học là đứa con tinh thần của nhà văn nhà thơ được cấu thành từ nhiều yếu tố. Đó là sự chắt lọc về mặt ngôn ngữ, việc xây dựng hình ảnh đầy dụng tâm của nhà văn, nhà thơ. Một tác phẩm dài ngắn không quan trọng, mà hơn cả đó chính là sự neo đậu trong lòng người. Đôi khi chỉ cần một chi tiết nhỏ nhưng lại để lại dấu ấn muôn đời, tạo thành nét riêng độc đáo của tác giả. Đó là lý do vì sao nhà văn lớn người Nga Maksim Gorky đã khẳng định “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.
Văn học trong khái niệm thuộc về nghệ thuật chính là dạng văn bản hoặc bất kỳ một tác phẩm nào được coi là có giá trị nghệ thuật hoặc trí tuệ. Văn học còn được hiểu là hình thái ý thức của xã hội, văn học còn là một bộ môn nghệ thuật nhưng khác biệt lại ở chính nhờ đặc trưng trong chất liệu sáng tác văn học.
Theo định nghĩa thì tác phẩm văn học chính là một bức tranh đầy sinh động về đời sống của con người. Một tác phẩm văn học bao giờ cũng là một sáng tác cụ thể với ngôn ngữ hoàn chỉnh. Qua một tác phẩm văn học bất kỳ, tác giả bao giờ cũng gửi gắm thái độ, tư tưởng, tình cảm và quan điểm của chính mình trước nhân tình thế thái.
Trong khái niệm thì cảm thụ văn học được hiểu là những cảm nhận sâu sắc, đẹp đẽ đầy tế nhị mang những giá trị nổi bật được thể hiện trong lời văn, ý thơ, truyện ngắn hoặc một bộ phận của tác phẩm văn học…
Hình tượng văn học còn được hiểu là hình tượng nghệ thuật – theo khái niệm chính là việc thể hiện, chiếm lĩnh hay tái tạo lại hiện thực theo quy luật của tưởng tượng hay hư cấu nghệ thuật. Thông qua hình tượng văn học, người nghệ sĩ làm sống lại một cách chân thực, chi tiết và đầy cụ thể về những hiện tượng, sự việc khiến người đọc phải ngẫm nghĩ, suy luận về những triết lý được gửi gắm, về tình đời, tình người, về số phận được gửi gắm.
Cũng như nhiều khái niệm trong văn học nghệ thuật, tứ thơ là một khái niệm quen thuộc được nhiều người quan tâm từ xưa đến nay. Có thể hiểu tứ thơ chính là cách liên kết và sắp xếp một cách hợp lý chặt chẽ các ý thơ cũng như mọi yếu tố cấu thành nhằm tập trung làm nổi bật chủ thể trữ tình cũng như biểu đạt hiệu quả nội dung tư tưởng của bài thơ.
Bên cạnh đó, tứ thơ còn được hiểu là khung kết cấu mà trong đó mạch thơ luôn luôn vận động. Luôn cần phải có tứ thơ dẫn dắt, nếu không ý thơ sẽ bị tản mạn. Có thể thấy, nhà thơ là người phải giúp tứ thơ được “đầu thai” từ nghệ thuật của ngôn từ. Do đó, tứ thơ có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thẩm mỹ của toàn bài thơ. Thi nhân Xuân Diệu từng quan niệm về tứ thơ “Thơ chính là sự hóa thân từ một hình tượng cụ thể”.
Nhãn tự hay còn được gọi là “thi nhãn” nghĩa là “con mắt của bài thơ, của tác phẩm”. Nhãn tự chính là điểm sáng giúp làm phát lộ tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Một tác phẩm xuất sắc, một bài thơ hay không thể thiếu “nhãn tự”, ví dụ trong tác phẩm Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh thì từ “hồng” chính là nhãn tự của bài thơ.
Về vai trò và chức năng của chi tiết nghệ thuật trong một tác phẩm, nhà văn lớn người Nga M.Gorki đã cho rằng “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Trước khi bàn luận về tính xác đáng của nhận định ta phải tìm hiểu nội dung của nhân định ấy.
Chi tiết là gì? Theo định nghĩa, chi tiết chính là một trong yếu tố cấu thành nên cốt truyện, diễn biến sự việc. Chi tiết đó có thể chỉ là một sự kiện nhỏ, một ánh mắt, một câu nói hay một sự thay đổi của cảnh vật. Trong nhận định đã sử dụng hai hình ảnh có phần đối lập nhau “chi tiết nhỏ” – “nhà văn lớn” để nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của chi tiết nghệ thuật. Chi tiết nghệ thuật không chỉ làm nên sự thành công của cốt truyện, của tác phẩm mà còn góp phần nâng tầm giá trị của nhà văn.
Trong tác phẩm có nhiều chi tiết nhưng không phải chi tiết nào cũng làm nên thành công lớn của tác giả. Mà đó phải là những chi tiết chứa đựng giá trị nghệ thuật sâu sắc cũng như giá trị nhân sinh mà tác giả muốn truyền tải qua tác phẩm. Chi tiết ấy vừa là sự cô đọng của nghệ thuật và nội dung, lại vừa làm nên sự độc đáo không trùng lặp với bất kỳ tác phẩm của tác giả nào khác.
Chi tiết chính là một lát cắt của đời sống được nhà thơ chắt lọc qua lăng kính chủ quan của mình và thổi hồn cũng như cảm xúc vào đó. Vì vậy, chi tiết vừa thể hiện được tài năng của tác giả vừa thể hiện được góc nhìn, quan điểm của tác giả về vấn đề nào đó được nói đến. Ngoài ra, chi tiết ấy còn phải đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cốt truyện, tạo ra bước ngoặt để nhân vật bày tỏ thái độ, tình cảm. Đó cũng là cách để nhân vật bộc lộ nhân cách của mình.
Nói “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” là vì chi tiết ấy thể hiện tài năng của nhà thơ, nhà văn. Và điều quan trọng là phải gắn với một tầm vóc tư tưởng của nhà thơ, nhà văn. Vì vậy đây là một nhận định hoàn toàn chính xác. Tác phẩm văn học chỉ gói gọn vài khoảnh khắc cô đọng của cuộc sống nên chính chi tiết đã góp phần dồn nén cái tình cái cảnh mà nhà văn muốn nói. Đó là chất nhựa của cuộc sống căng tràn hòa quyện cùng tình cảm của người nghệ sĩ để tạo nên. Và đó cũng là cái ghi dấu trong lòng người đọc. Khi nhắc về tác giả, về tác phẩm người đọc sẽ không nhớ đến tác giả ấy đã sáng tác nên những tuyệt phẩm nào gây được nao tiếng vang mà điều duy nhất người đọc nhớ đến đó là chi tiết. Cái chi tiết ấy chứa đầy tình cảm lắng đọng những suy tư.
Ước muốn có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà là cái sở nguyện cả đời của viên quản ngục. Huấn Cao đồng ý cho chữ là vì hiểu tấm lòng của viên quản ngục – đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu chứ không phải vì được đối đãi thân tình. Chữ của Huấn Cao không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà nó còn có giá trị về mặt tinh thần. Phân tích nhân vật viên quản ngục, ta cũng nhận thấy đây là con người rất say mê cái đẹp, trân trọng sự thiện lương.
Có thể nói chữ thư pháp ấy là kiệt tác cuối đời của Huấn Cao cũng là di nguyện của ông. Bởi ngày mai ông sẽ ra pháp trường chịu tội nhưng cái đẹp, cái tài ấy không sao bị lãng quên bởi nó đã gieo mầm vào trong tâm khảm của viên quản ngục của thầy thơ lại. Chữ viết ấy còn mang sức mạnh phục thiện làm cho những kẻ u mê tỉnh ngộ như chính viên quản ngục đã nói “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Khi phân tích cảnh cho chữ, ta thấy đó cũng chính là sức mạnh của cái đẹp. Với hình tượng nhân vật Huấn Cao, ta thấy cái đẹp thật mong manh có thể bị hủy hoại bị giết chết nhưng khi nó đi chung với cái thiện thì sẽ mãi mãi trường tồn.
Một tác phẩm hay không chỉ nằm ở giá trị nội dung mà còn nằm ở giá trị nghệ thuật. Hai giá trị ấy đã được kết tinh trong từng chi tiết được nhà thơ đặc tả. Một chi tiết hay không chỉ gợi nội dung liên tưởng độc đáo mà còn phải là một sự chỉn chu thăng hoa về mặt nghệ thuật, có như vậy mới neo đậu được trong lòng người. Nhà văn nhà thơ lại càng phải nghiêm túc với công việc sáng tạo của mình để có thể tạo nên một tác phẩm hay đến với người đọc. Còn bản thân người đọc cần phải suy ngẫm chiêm nghiệm nghiêm túc hơn tránh cái nhìn hời hợt nông cạn. Có như thế người đọc mới có thể giải mã những dụng ý nhà văn đã sáng tạo.
Nhận định trên là một nhận định hoàn toàn chính xác. Sự thành công của tác phẩm được cấu thành do nhiều yếu tố nhưng không thể không nhắc đến những chi tiết nhỏ đắt giá. Đó là hạt bụi vàng làm nên sức sống trường tồn của tác phẩm cùng với thời gian.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị luận về ý kiến Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn (Dàn ý + 3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.