Hôm nay, Neu-edutop.edu.vn xin giới thiệu đến cho các bạn học sinh một số bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về nghệ thuật gây thiện cảm đối với người khác.
Đây là tài liệu vô cùng hữu ích giúp cho có thêm cách viết văn nghị luận xã hội lớp 12, cũng như chuẩn bị hành trang để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp tới. Sau đây chúng tôi xin mời tất cả các bạn cùng tham khảo dàn ý và 3 bài văn mẫu nghị luận về nghệ thuật gây thiện cảm đối với người khác.
Dàn ý nghị luận về nghệ thuật gây thiện cảm đối với người khác
I. Mở bài:
– Giới thiệu dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: ” Nghệ thuật gây thiện cảm”
II. Thân bài:
– Giải thích khái niệm: “thiện cảm”, “nghệ thuật”
– Phân tích nghệ thuật gây thiện cảm, lấy dẫn chứng:
+ Trong giao tiếp, ứng xử
+ Trong cách ăn mặc
+ Trong cách xử lý tình huống
– Tác dụng:
+ Được đánh giá cao, nhận được sự tôn trọng của người khác
+ Thành công trong công việc và cuộc sống
+ Dễ dàng hòa nhập với mọi người
+ Hoàn thiện hơn về nhân cách
– Người không có nghệ thuật gây thiện cảm sẽ ntn trong cuộc sống?
– Mở rộng vấn đề, liên hệ thực tế :
Gây thiện cảm với người khác không có nghĩa là phải sử dụng thủ đoạn hay cách thức xấu xa nhằm thu hút sự chú ý của người khác, gây thiện cảm cũng không có nghĩa là tự biến mình trở nên giả tạo
III. Kết bài:
– Khẳng định lại quan điểm đã đưa ra
Nghị luận về nghệ thuật gây thiện cảm đối với người khác – Mẫu 1
Giữa con người với con người luôn cần có mối quan hệ hài hòa, tích cực và thiện cảm. Lấy được sự thiện cảm của người khác chúng ta mới được người khác quan tâm, yêu thương hay giúp đỡ khi ta gặp khó khăn, hoạn nạn. Bản thân không gây được thiện cảm đối với người khác ta sẽ sớm bị người khác xa lánh và lãng quên trong cuộc sống này.
Thiện cảm là trạng thái tình cảm tốt đẹp, sự ưa thích đối với ai đó mà mình tiếp xúc, gặp gỡ. Thiện cảm có thể nảy sinh tự nhiên, cũng có thể do cảm mến mà gây ra thiện cảm của bản thân đối với người khác.
Nghệ thuật gây thiện cảm có liên quan đến tất cả những gì làm nên bản thân một con người: trang phục, vẻ mặt, dáng điệu, lời lẽ, cách ứng xử, thái độ sống… Mỗi yếu tố nhỏ góp phần tạo dựng hình ảnh thiện cảm ở con người.
Khi bắt đầu tiếp xúc với một người lạ hay một môi trường mới, không thể không chú ý cách ăn mặc cho phù hợp. Với việc lựa chọn một bộ trang phục, bạn có thể dễ dàng hòa đồng hoặc hóa thành lạc lõng giữa mọi người. Vẻ mặt, dáng điệu, cử chỉ cũng giúp bạn san bằng khoảng cách. Sự lạnh nhạt hay rụt rè, e ngại sẽ tạo nên những rào chắn vô hình. Một ánh mắt ấm áp, một nụ cười tươi tắn và sự cởi mở, chân thành sẽ đưa chúng ta đến gần người khác…Nghệ thuật gây thiện cảm là sức mạnh gắn kết bản thân với mọi người.
Nhưng trang phục, lời lẽ, cách giao tiếp… chỉ là “phương tiện” tạo nên những thiện cảm ban đầu. Người ta có câu “Quen sợ dạ, lạ sợ áo”. Để có được thiện cảm bền vững, cần đến những giá trị tiềm ẩn bên trong mỗi con người. Khi chúng ta sống và làm việc trong một cộng đồng, thiện cảm sẽ chỉ được duy trì bằng sự quan tâm chân thành, bằng những việc làm thiết thực.
Nếu bạn thờ ơ, dửng dưng trước niềm vui, nỗi buồn của bạn bè cùng lớp hay của đồng nghiệp thì dẫu có ngọt ngào, tươi cười đến đâu cũng khó giữ được thiện cảm. Tôi có những người bạn ít nói, thậm chí còn vụng về trong giao tiếp nhưng ở môi trường nào cũng được yêu mến vì sự nhiệt tình với công việc và tấm lòng đôn hậu.
Thiện cảm còn phụ thuộc vào năng lực, trí tuệ và nhân cách của bạn. Nếu bạn không hoàn thành tốt công việc của mình, không làm được điều gì có ích cho gia đình, xã hội thì làm sao có được sự tôn trọng, quý mến của mọi người? Vốn tri thức phong phú, sự hiểu biết về cuộc sống, trái tim nhân hậu, tình cảm chân thành… luôn tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ cho một con người. Nó là thứ ánh sáng tỏa ra từ con người bạn và có khả năng sưởi ấm tâm hồn người khác. Cho nên, cốt lõi của nghệ thuật gây thiện cảm vẫn là sự rèn luyện, tu dưỡng bản thân mình.
Không có gì mạnh mẽ hơn tình yêu thương lẫn nhau. Hãy yêu thương tất cả mọi người ở xung quanh bạn vì chính họ làm nên cuộc sống tinh thần phong phú, giúp bạn nhận ra các giá trị đích thực của cuộc đời này.
Nghị luận về nghệ thuật gây thiện cảm đối với người khác – Mẫu 2
Mỗi người đều có những cách riêng để đạt được thành công nhất định trong cuộc đời mình, thật vậy một nhân tố không thể thiếu để làm nên những thành công ấy là nghệ thuật gây thiện cảm. Nó như cầu nối, là bước đệm đưa con người đến với thành công của cuộc đời mình.
Thật vậy nghệ thuật gây thiện cảm là gì? Tại sao nó lại đóng vai trò quan trọng trong con đường dẫn đến thành công của mỗi người? Câu trả lời rất đơn giản vì thiện cảm là cảm xúc, ấn tượng tốt của con người về hành động, việc làm của người khác, vì thiện cảm do cảm xúc của mỗi người nên nó mang tính chủ quan không theo một khuôn mẫu nào cả. Cùng là một hành động, sự việc nhưng với người này lại để lại thiện cảm còn với người khác thì lại không gây được thiện cảm hoặc thậm chí còn bị cho rằng đó là làm quá, gây ác cảm. Thiện cảm với mỗi người khác nhau vì đó là cảm xúc, do cá tính riêng biệt của mỗi người mà con người thì tính cách khác nhau nên không thể áp dụng phương pháp gây thiện cảm với người này để gây thiện cảm với người khác được. Nhưng sau cùng bí kíp gây thiện cảm với người khác là luôn phải thành thật, biết lắng nghe, sẻ chia và làm những điều đúng đắn với chuẩn mực xã hội.
Một khái niệm nữa chúng ta cũng cần phải tìm hiểu đó là khái niệm về nghệ thuật, nghệ thuật ám chỉ những thứ đẹp đẽ, mĩ miều mà tốn nhiều công sức, vì vậy nghệ thuật giao tiếp cũng là một kỹ năng mà con người phải học tập chứ không phải tự nhiên mà có được.
Chúng ta vẫn từng thấy có những người tại sao khi họ phát biểu hay trình diễn một thứ gì đó lại thu hút mọi người đến thế, tại sao cả một hội trường gồm rất nhiều khác nhau, họ không có chung sở thích, không cũng tính cách, vậy mà sao tất cả lại chăm chú lắng nghe rồi trầm trồ đầy thiện cảm trước con người nhỏ bé đang đứng trên sân khấu, điều đó không còn quá xa lạ bởi tất cả đều có kĩ năng và cách thức để gây thiện cảm với người khác.
Chúng ta vẫn thường bắt gặp suy nghĩ của mọi người khai họ thích nói chuyện, tâm sự với người này nhưng lại không thể kiên nhẫn khi nói chuyện với người khác. Mấu chốt ở đây là thiện cảm, họ không thích người kia bởi vì họ không có thiện cảm với người đó, có thể là do người ấy không biết giao tiếp, không biết cách diễn đạt và bày tỏ suy nghĩ của mình, họ thiếu đi lòng đồng cảm hay chỉ muốn người khác lắng nghe mình trong khi họ thì không. Một cuộc nói chuyện sẽ không thể tiếp tục nếu chỉ có một người nêu ra ý kiến hay mở rộng câu chuyện của mình, thật vậy hai người khi giao tiếp phải luôn có sự trao đổi lượt lời của mình, họ có thể sử dụng ngôn ngữ nói cũng có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể như gật đầu hoặc chăm chú tập trung nhìn về phía người đang trình bày vì đó cũng thể hiện là họ đang rất quan tâm đến câu chuyện của người ấy. Thêm nữa không nên cướp lượt lời hay chen ngang trong khi người khác nói chuyện vì đó thể hiện sự thiếu tôn trọng, thô lỗ với người mà mình đang giao tiếp. Có lẽ cũng vì sớm biết được các quy tắc của nghệ thuật giao tiếp như thế mà nhiều người có thể dễ dàng gây được thiện cảm với người đối diện, công việc sẽ thuận lợi và suôn sẻ biết mấy khi buổi gặp đầu tiên chúng ta để lại ấn tượng tốt với đối tác, thể hiện mình là người văn minh, lịch sử và phép tắc sẽ cho chúng ta những hiệu quả không ngờ đến.
Rồi lại thêm cách ăn mặc của mỗi người để tạo nên thiện cảm với người khác. Mọi người thường không chú trọng đến cách ăn mặc mấy mà họ chỉ mặc theo sở thích của bản thân nhưng điều đó là không đúng. Chúng ta có thể dễ dàng thấy nhiều bạn trẻ ngày nay khiến người khác gây thiện cảm khi ăn mặc quá hở hang hay trang phục không phù hợp với hoàn cảnh, vì vậy chọn trang phục cũng là một nhân tố quan trọng để gây thiện cảm với người đối diện. Hơn thế nữa chúng ta cũng cần chăm chút đến ngoại hình của mình bởi xã hội hiện đại ngày nay con người ta khá chú trọng đến ngoại hình, đó là yếu tố đầu tiên khiến nguoiwf khác có thiện cảm về mình. Dẫu ai cũng biết rằng ngoại hình vốn không thể do chúng ta quyết định mà do cha mẹ sinh ra nhưng hãy thử cải thiện những phần chưa được tốt để hoàn thiện bản thân mình hơn.
Nhiều người vẫn thường bày tỏ quan điểm ngoại hình không quan trọng, chỉ cần họ có tài năng là được, điều này cũng đúng nhưng bạn hãy thử nghĩ đến việc hợp tác của mình sẽ thuận lợi hơn khi mình giỏi ăn nói, có một ngoại hình ưa nhìn, trang phục phù hợp, ấn tượng đầu tiên cũng sẽ là ấn tượng quan trọng nhất để ghi điểm trong mắt người khác của bạn vì vậy hãy cố gắng hết sức vì sau cùng chúng ta cũng chỉ gặp nhau phút chốc.
Đã bao giờ bạn trầm trồ thán phục với những người có khả năng xử lí tình huống tốt? Thật vậy cách mà mỗi người xử lý tình huống cũng có thể gây thiện cảm với người khác, nó thể hiện tư duy cũng như sự logic trong suy nghĩ của người đang giải quyết vấn đề. Luôn giữ một tâm thế bình tĩnh, tập trung để giải quyết những vấn đề có thể xảy ra sẽ giúp chúng ta ghi điểm trong mắt người khác. Khi giải quyết hay suy nghĩ một vấn đề nào đó hãy tập trung và đưa ra đáp án tốt nhất, đừng sợ nó sẽ ảnh hưởng hay gây tổn thất cho mình, nếu bạn trần trừ vì sợ nó sẽ không có lợi cho mình thì có thể sẽ không thể tìm ra câu trả lời cho vấn, tổn thất nhỏ của bạn nhưng sẽ được bù đắp xứng đáng bởi sự kính trọng, ngưỡng mộ của người khác, đó cũng có thể là cơ sở để hình thành nên các mối quan hệ giúp ích cho công việc của bạn.
Nghệ thuật gây thiện cảm rất quan trọng và khi có được nó thì sẽ luôn thành công trong công việc và cuộc sống, nhận được sự ưu ái và quan tâm từ những người xung quanh, khi bạn có thiện cảm với một người thì sẽ dễ dàng hơn trong việc hòa nhập và được nhận sự giúp đỡ từ người khác. Chúng ta gây thiện cảm cho người khác bằng những hành động tốt, cư xử đúng mực sẽ giúp chúng ta hình thành nên một nhân cách tốt hơn, trở thành một con người hoàn thiện về cả đức và tài.
Dẫu biết gây thiện cảm với người khác là quan trọng thế nhưng không phải ai cũng làm được như vậy. Có người hễ tí là nổi nóng rồi lại không thể kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của người khác, họ luôn muốn mình nổi bật và họ ghen ghét những người giỏi hơn mình. Những người như thế sẽ không thể tạo dựng được những mối quan hệ tốt, không gây được thiện cảm với mọi người. Không công nhận khả năng của người khác cũng đồng nghĩa với việc bỏ đi sự giúp đỡ cũng như kinh nghiệm mà mình có thể học hỏi được họ. Ích kỷ, tham lam sẽ khiến con người ta trở nên xấu xa, bị cô lập rồi cuộc sống sẽ vô vị, mất đi ý nghĩa vốn có của nó.
Không biết gây thiện cảm đã là một bất lợi nhưng nếu không biết cách gây thiện cảm thì lại bất lợi hơn. Bạn thực sự muốn người khác chú ý đến mình, muốn có được thiện cảm của người kahcs nhưng không biết cách thể hiện vậy nên hình ảnh bạn trong mắt người kahcs trở nên xấu đi. Bạn có những hành động bị cho là quá khích, làm lố với người khác, rồi vì muốn gây thiện cảm tốt mà không phải bỏ nhiều sức lực nên nhiều người chọn cách giả dối, tạo ra nhwungx tình huống ngược đời để thu hút chú ý tạo thiện cảm. Nhiều người giả tạo chọn những câu chuyện bất hạnh và biến mình thành nhân vật chính để lấy sự thương hại, đồng cảm của người khác nhưng rồi khi sự thật được phơi bày họ sẽ chỉ nhận được sự khinh bỉ, ghê tởm từ người khác. Chưa dừng lại ở đó nhiều kẻ còn giả nghèo giả khổ để lừa gạt, vác bộ mặt giả tạo làm người tố để kuwaf những đồng tiền máu xương của người lương thiện, những kẻ như thế sẽ mãi mãi không gây được thiện cảm với người khác.
Nghệ thuật gây thiện cảm là một nhân tố quan trọng để làm nên thành công của mỗi người. Ai cũng cần học cách để tạo ấn tượng tốt, gây thiện cảm với người khác vì vậy cần nắm bắt các quy tắc và học cách gây ấn tượng với người khác. Hãy sống thật với bản thân mình nhưng không bảo thủ và luôn trao dồi đạo đức, phẩm chất để trở thành một người thực sự tốt đẹp trong mắt người khác. Vì cái đẹp luôn gây thiện cảm mạnh mẽ với người khác, nó góp phần hoàn thiện nhân cách và tâm hồn con người.
Nghị luận về nghệ thuật gây thiện cảm đối với người khác – Mẫu 3
Trong cuộc sống, do yêu cầu công việc và nhu cầu tình cảm, mỗi chúng ta thường trải qua nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc; nhiều mối quan hệ với mọi người xung quanh. Ai cũng muốn được mọi người yêu mến; được sống vui vẻ, thân thiện nhưng để đạt được mong ước đó không phải là điều dễ dàng, đơn giản. Vì thế, con người cần quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật gây thiện cảm.
Thiện cảm là những cảm tình tốt đẹp của người khác dành cho chúng ta. Nó chi phối cách nhìn nhận, đánh giá của họ và nhiều khi có ảnh hưởng đến cả những quyết định quan trọng. Nhiều khi, chút cảm tình từ cuộc gặp gỡ nào đó mở ra cho chúng ta những cơ hội quý giá trên con đường đời và con đường sự nghiệp. Hai người cùng dự cuộc phỏng vấn cuối cùng để giành lấy một vị trí trong công việc, nếu khả năng ngang bằng nhau thì thiện cảm của người tuyển dụng sẽ quyết định đối tượng cần lựa chọn. Một việc làm thất bại, nếu có thiện cảm sẽ là điều đáng tiếc cần rút kinh nghiệm, còn không có thiện cảm sẽ là sai lầm không thể chấp nhận! Nếu ở cương vị người lãnh đạo, thiện cảm của tập thể sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đối với thành công của bạn. Đôi khi, thiện cảm ban đầu hóa thành ấn tượng sâu đậm khó có thể đổi thay. Chính vì vậy, muốn tạo được niềm vui trong cuộc sống, thành công trong sự nghiệp, nhất thiết phải biết cách gây thiện cảm với mọi người.
Nghệ thuật gây thiện cảm liên quan đến tất cả những gì làm nên bản thân một con người. Song có lẽ, nó được thể hiện rõ nét nhất qua trang phục, lời lẽ, cách ứng xử trong giao tiếp và thái độ sống,… Khi bắt đầu tiếp xúc với một người lạ hay một môi trường mới, không thể không chú ý cách ăn mặc cho phù hợp. Với việc lựa chọn một bộ trang phục, bạn có thể dễ dàng hòa đồng hoặc hoá thành lạc lõng giữa mọi người. Khi bạn đi dự một buổi dạ hội sang trọng thì không thể ăn vận xuề xoà, thoải mái như đi dã ngoại. Khi bạn tham gia hoạt động tình nguyện ở trại mồ côi hoặc những xóm làng vừa bị thiên tai tàn phá thì không thể diện những bộ cánh đắt tiền. Hồi đầu năm, anh trai tôi kể với cả nhà về cô bạn xinh đẹp, thông minh, năng động,… mới quen ở trường đại học. Mẹ bảo mời chị ấy về nhà chơi. Đến nhà tôi buổi đầu tiên mà chị tự nhiên, thoải mái đi lại các tầng, dùng máy tính và máy nghe nhạc như ở nhà mình. Chiếc quần cạp quá trễ khiến lúc chị ngồi xuống hở cả một mảng lưng to đùng… Sau lần đó, không thấy anh tôi kể về chị ấy nữa và mẹ thở phào nhẹ nhõm…
Vẻ mặt, dáng điệu, cử chỉ cũng giúp bạn san bằng khoảng cách. Sự lạnh nhạt hay rụt rè, e ngại sẽ tạo nên những rào chắn vô hình. Một ánh mắt ấm áp, một nụ cười tươi tắn và sự cởi mở đưa chúng ta đến gần người khác. Tôi còn nhớ câu chuyện xưa kể về hai người hầu thiếp trong một gia đình giàu có, một xinh đẹp nhưng kiêu căng, đáo để; một xấu xí nhưng hoà nhã, vui vẻ. Người trong nhà ai cũng yêu quý người thiếp xấu mà ghét bỏ, xa lánh người thiếp đẹp. Khi được hỏi, họ nói rằng: “Người thiếp đẹp, cậy đẹp mà làm mất đẹp, nên chúng tôi không thấy đẹp nữa. Người thiếp xấu, tự biết mình xấu mà quên xấu, nên chúng tôi không còn thấy xấu nữa…”. Thái độ hòa nhã, khiêm nhường có thể xóa mờ đi những khiếm khuyết và làm tăng vẻ đẹp trong mỗi con người.
Cách ứng xử trong giao tiếp cũng góp phần quan trọng đối với mục đích gây thiện cảm. Vấn đề không phải là lựa lời cho “vừa lòng” người nghe mà là sự chân thành và thái độ tôn trọng. Không có gì buồn chán hơn phải trò chuyện với một người “gió chiều nào che chiều ấy”. Lời nói chân thật bao giờ cũng đáng quý nhưng cần phải biết nói vào thời điểm nào và cách nói như thế nào để người nghe dễ chấp nhận. Có thể bày tỏ ý kiến riêng nhưng không lấn át người đối thoại; giữa sự tế nhị, lịch thiệp nhưng không né tránh, giả dối. Một ý kiến sắc sảo, một câu nói đùa vui đúng lúc cũng sẽ mang đến cho chúng ta thiện cảm của người đối thoại. Biết nói, nhưng cũng phải biết lắng nghe, biết tạo cơ hội cho người khác bộc lộ, bày tỏ.
Nhưng trang phục, lời lẽ, cách giao tiếp,… chỉ là “phương tiện” tạo nên những thiện cảm ban đầu. Người xưa có câu “quen sợ dạ, lạ sợ áo”. Để có được thiện cảm bền vững, cần đến những giá trị tiềm ẩn bên trong mỗi con người. Khi chúng ta sống và làm việc trong một cộng đồng, thiện cảm sẽ chỉ được duy trì bằng sự quan tâm chân thành, bằng những việc làm thiết thực. Nếu bạn thờ ơ, dửng dưng trước niềm vui, nỗi buồn của bạn bè cùng lớp hay của đồng nghiệp thì dẫu có ngọt ngào, tươi cười đến đâu cũng khó giữ được thiện cảm. Tôi có những người bạn ít nói, thậm chí còn, vụng về trong giao tiếp nhưng ở môi trường nào cũng được yêu mến vì sự nhiệt tình với công việc và tấm lòng đôn hậu. Thiện cảm còn phụ thuộc vào năng lực và trí tuệ của bạn. Nếu bạn không hoàn thành tốt công việc của mình, không làm được điều gì có ích cho gia đình, xã hội thì làm sao có được sự tôn trọng, quý mến của mọi người? Cho nên, gốc lõi của nghệ thuật gây thiện cảm vẫn là sự rèn luyện, tu dưỡng chính bản thân mình. Vốn tri thức phong phú, sự hiểu biết về cuộc sống, trái tim nhân hậu… luôn tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ cho một con người. Nó là thứ ánh sáng tỏa ra từ con người bạn và có khả năng sưởi ấm tâm hồn người khác.
Thiện cảm là hoa trái đẹp trên cây đời xanh tươi. Để có được hoa trái ấy, mỗi chúng ta cần biết vun trồng cái gốc trong chính tâm hồn mình. Tôi tin rằng, nghệ thuật gây thiện cảm được khởi đầu bằng việc học cách sống chân thành, vị tha…
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị luận về nghệ thuật gây thiện cảm đối với người khác (Dàn ý + 3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.