Nghị luận Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến gồm dàn ý và 2 mẫu siêu hay trong bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn học sinh lớp 10, lớp 11 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức, biết cách viết bài văn nghị luận văn học hay đủ ý để đạt được điểm cao trong các bài kiểm tra sắp tới.
Qua 2 bài nghị luận văn học Câu cá mùa thu không chỉ giúp chúng ta cảm nhận được bức tranh thiên nhiên tươi đẹp mà còn là bức tranh tâm trạng vì nỗi lo lớn chưa tìm được giải đáp. Vậy sau đây là 2 bài nghị luận Câu cá mùa thu hay nhất, mời các bạn cùng đón đọc nhé. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu phân tích Câu cá mùa thu.
Dàn ý nghị luận câu cá mùa thu
1. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề: Vẻ đẹp cô đơn của cảnh vật, con người trong bài thơ Câu cá mùa thu
– Trích đề.
2. Thân bài:
– Vẻ đẹp của cảnh vật mùa thu trong Thu điếu
+ Mùa thu gợi ra với hai hình ảnh vừa đối lập vừa cân đối hài hoà “ao thu”, “chiếc thuyền câu” bé tẻo teo; ⇒ bộc lộ rung cảm của tâm hồn thi sĩ trước cảnh đẹp mùa thu và của tiết trời mùa thu, gợi cảm giác yên tĩnh lạ thường.
+ Tiếp tục nét vẽ về mùa thu giàu hình ảnh, đan xen là những chuyển động nhẹ nhàng ⇒ Nét đặc sắc rất riêng của mùa thu làng quê được gợi lên từ những hình ảnh bình dị, đó chính là “cái hồn dân dã”.
+ Cảnh thu đẹp một vẻ bình dị nhưng tĩnh lặng và đượm buồn ⇒ Không gian của mùa thu làng cảnh Việt Nam được mở rộng lên cao rồi lại hướng trực tiếp vào chiều sâu, không gian tĩnh lặng và thanh vắng
– So sánh điểm giống và điểm khác khi tác giả sử dụng các hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ với các tác phẩm khác, các nhà thơ khác.
– Vẻ đẹp của cô đơn của con người giữa mùa thu trong bài Câu cá mùa thu
– Xuất hiện hình ảnh con người câu cá trong không gian thu tĩnh lặng với tư thế “Tựa gối buông cần”;
⇒ Nói câu cá nhưng thực ra không phải bàn chuyện câu cá, sự tĩnh lặng của cảnh vật cho cảm nhận về nỗi cô quạnh, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ, đó là tâm sự đầy đau buồn trước tình cảnh đất nước đầy đau thương
3. Kết luận
– Đánh giá ý nghĩa của vấn đề.
-Rút ra bài học cho bản thân.
Nghị luận Câu cá mùa thu – Mẫu 1
Nhắc đến Nguyễn Khuyến người ta không thể nào không nhắc đến chùm thơ thu của ông. Trong chùm thơ thu ấy có ba bài thơ thôi nhưng lại mang đến tất cả những cảnh mùa thu trên làng cảnh quê hương Việt Nam. Đặc biệt trong đó có bài thơ Câu cá mùa thu (Thu điếu) không những mang đến cho ta cảnh vật mùa thu mà còn mang đến những tâm trạng của nhà thơ và thú câu cá mùa thu.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, bài thơ có tám câu, mỗi câu có bảy tiếng. Theo như đặc điểm của thể thơ này thì mấy câu đầu chuyên về tả cảnh còn những câu thơ về sau thì nghiêng về tả tình. Tóm lại bằng những hiệu quả của thể thơ này thì Nguyễn Khuyến đã mang đến cho chúng ta một bức tranh thu và một bức tranh tâm trạng của người đang câu cá.
Trước hết là hai câu đề, hai câu thơ ấy có thể nói là những tả cảnh đẹp tiêu biểu của mùa thu. Bằng những cảm nhận của cảm giác trực quan Nguyễn Khuyến đã mang đến một bức tranh tuyệt vời của mùa thu:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
Đúng là mùa thu câu cá, ngay mở đầu bài thơ Tam Nguyên Yên Đổ đã dựng lên một cảnh ao thu lạnh lẽo mà trong trẻo đến mức có thể thấy đáy của nó. Chính vì câu cá cho nên tác giả nhắc đến ao cá trước sau đó mới có bầu trời thu. Mùa thu đến không chỉ in dấu mình trên bầu trời cảnh vật mà nó còn in trên dòng nước của ao cá kia. Trên mặt ao người câu cá vẫn đang ngồi đợi cá cắn câu mà ngắm nhìn cái trong veo của nước. Nước ao ấy không có mà trong xanh như mùa hè mà nó mang một màu trong trắng trong trẻo.
Có thể là bầu trời thu kia đã làm cho màu của nước trở nên như thế. Và cũng trên mặt ao ấy cái se lạnh của mùa thu làm cho không gian thêm phần lạnh lẽo hơn. Trên cái bao la sâu thẳm của ao nước thì một chiếc thuyền câu bé tẻo teo trên xuất hiện. Nhà thơ thể hiện sự nhỏ bé của chiếc thuyền hay cũng chính là con người trữ tình trong cái rộng lớn của không gian nơi đây. Phải chăng nhà thơ đang thể hiện tâm trạng lạc lõng, lạnh lẽo cô đơn của bản thân mình qua sự nhỏ bé của con thuyền ấy. Hai chữ “tẻo teo” gợi cho ta sự nhỏ bé vô cùng của con thuyền, dường như trong bức tranh thu ấy con thuyền chỉ như một dấu chấm to hay có thể là to hơn dấu chấm một chút mà thôi.
Như vậy nhà thơ không bắt đầu vẽ bức tranh thu bằng một bầu trời trong trẻo, cũng không làm dấu hiệu thu bằng hương ổi như nhà thơ Hữu Thỉnh mà tập trung vào miêu tả những màu sắc không khí lạnh lẽo của ao thu.
Đến hai câu thơ tiếp theo chúng ta lại được đắm chìm trong sự hấp dẫn của cảnh vật nơi đây. Và đặc biệt chúng ta cũng thấy được sự chuyển động của mùa thu trên ao cá ấy:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”
Nói là chuyển động nhưng thật sự phải nói là cố gắng nhìn lắm thì mới có thể phát hiện ra được. Mùa thu vốn nhẹ nhàng như thế nên nó luôn hội tụ tất cả những gì gọi là nỗi niềm của con người. Trên ao cá ấy những con sóng cũng xuất hiện tuy nhiên nó không phải là cái sóng dữ dội mà nó chỉ “gợn tí”. Một chữ sóng gợn thôi cũng đã đủ làm cho ta thấy được sự im ắng đến chuyển động cũng như không huống chi ở đây nhà thơ lại dùng đến ba từ là “hơi gợn tí”. Có thể thấy nhà thơ đã quan sát tinh tế lắm mới miêu tả được như thế. Sóng mang màu xanh biếc và sự chuyển động của sóng còn lá thì sao.
Trong bức tranh mùa thu ấy Nguyễn Khuyến đã điểm thêm chiếc lá vàng trước gió nhè nhẹ của mùa thu mà khẽ đưa vèo. Ở đây ta thấy lạ vì “vèo” thường dùng để chỉ trạng thái nhanh chứ không phải chậm như thế kia. Có thể nói Nguyễn Khuyến đã sử dụng từ đó để thể hiện ý đồ nghệ thuật của bản thân mình. Chiếc lá vàng kia rơi nhẹ thật nhưng nó chao nghiêng rồi lượn lượn mấy vòng như là lao đầu xuống thì tác giả gọi nó là vèo chứ không phải là nó rơi nhanh.
Như vậy hai câu thơ này đã mang đến cho chúng ta thêm những hình ảnh và sự chuyển động của những hình ảnh ấy. Vậy là bức tranh thiên nhiên không chỉ có màu sắc hình ảnh mà còn có cả những không khí những chuyển động đậm chất mùa thu.
Hai câu thơ trên với những chuyển động nhẹ nhàng khép lại để nhường cho hai câu thơ tiếp bật lên:
“Tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo”
Lại là những màu sắc hình ảnh của mùa thu nhưng trong cái cảnh thu ấy lại thấy được cái tình thu của lòng người. Bây giờ tác giả không quan sát những vật trên mặt ao nữa mà nhìn lên trên phía bầu trời với những đám mây lơ lửng. Nhà thơ như ngắm nhìn màu trời của mùa thu. Những đám mây thì lơ lửng trên cao nhẹ nhàng lắm còn bầu trời khoác lên mình màu xanh ngắt yêu làm sao. Nhìn lên bầu trời rồi nhà thơ lại nhìn xuống dưới những ngõ trúc quanh co của làng quê mà không thấy bất cứ một ai cả. Có thể nói đến hai câu thơ này không gian không chỉ bó hẹp trong cái ao thu kia nữa mà nó mở rộng lên cả không gian của bầu trời và ngõ trúc. Ấy thế mà không có bất cứ một tiếng động của một chú chim nào hay một tiếng đi của bước chân người. Không gian càng rợn ngợp bao la hơn như đang dần nuốt lấy cái cô đơn của nhà thơ.
Tâm trạng của nhà thơ được thể hiện rõ, đó là sự cô đơn lạc lõng buồn khi không có ai bầu bạn, buồn vì tuy về ở ẩn rồi nhưng tâm trạng không thấy khá hơn. Nỗi lo cho nhân dân bấy lâu nay không bao giờ nguôi nhưng lại bất lực không thể giúp gì.
Kết thúc bài thơ và dòng tâm trạng của mình Nguyễn Khuyến lại trở lại với những hình ảnh của một cụ già ngồi câu cá, ngồi đợi cá cắn câu:
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
Trạng thái “tựa gối ôm cần” cho thấy sự buồn chán của nhà thơ, có lẽ nhà thơ không phải ngồi ở đó để câu cá mà ngồi ở đó trong tư thế của người trầm tư đang suy nghĩ về một vấn đề gì đó. Không phải không có cá cũng không phải cá không cắn câu mà nhà thơ tay thì ôm cần nhưng đầu lại không nghĩ đến việc câu cá. Còn những con cá kia lại đớp động dưới chân bèo. Những hình ảnh thơ vô cùng gần gũi với làng cảnh Việt nam và cũng rất đặc trưng cho thu bởi hình ảnh nhẹ nhàng. Cuối cùng thì kết lại bài thơ cũng có những âm thanh tuy là rất nhỏ của tiếng cá.
Tóm lại qua bài thơ ta thấy được một bức tranh thu có đầy đủ màu sắc âm thanh, hình ảnh, chuyển động thế nhưng màu sắc ấy chỉ là những màu nhẹ nhàng, âm thanh ấy chỉ là những âm thanh nhỏ nhẹ, hình ảnh chuyển động ấy gần như là không. Và cảnh dường như mang tâm trạng của nhà thơ. Đó chính là tâm trạng lo lắng cho nhân dân, buồn trước cuộc đời không như ý mong muốn của mình.
Nghị luận Câu cá mùa thu – Mẫu 2
Nhà thơ Nguyễn Khuyến hiệu là Quế Sơn quê ở Nam Định, là người đỗ đạt cao nhưng với cốt cách thanh cao cùng tấm lòng yêu nước thương dân nên phần lớn cuộc đời ông là dạy học và sống an nhàn nơi quê nhà. Nguyễn Khuyến được mệnh danh là một trong những nhà thơ của làng cảnh Việt Nam qua những sáng tác thơ đậm đà tính dân tộc và lấp lánh vẻ đẹp thiên nhiên trong đấy, cùng với bút pháp chấm phá tài hoa cùng sự kết hợp tuyệt vời giữa thi ca và hội họa qua “chùm thơ thu” thì tên tuổi Nguyễn Khuyến trở nên bất tử khi khắc họa thành công những bức tranh thu kinh điển của làng quê Việt Nam. Thu điếu nằm trong “chùm thơ thu” với thể thơ đường luật thất ngôn bát cú đã vẽ nên cảnh trời thu bao trùm bởi khung cảnh rộng lớn màu xanh và trong veo.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
…
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Khuyến là những hình ảnh thân quen và dung dị, là kết tinh những nét đặc trưng nhất của làng quê Việt Nam. Nguyễn Khuyến vẽ nên trong thơ của mình bằng những nét cọ thuần khiết về cảnh vật mùa thu qua sự quan sát tinh tế của đôi mắt và của tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu quê hương. Khung trời cao rộng được thu nhỏ vào tầm mắt để có thể quan sát được những chuyển biến dù là bé nhất của không gian cùng sự kết hợp màu sắc hài hòa của muôn vật trong cái tĩnh lặng bao trùm. Xuất hiện đầu tiên trong bài thơ là cái “ao thu” quê hương cùng “chiếc thuyền câu” đang gập ghềnh bởi làn nước lăn tăn những vòng sóng nhỏ
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Giữa làng quê xuất hiện một chiếc gương phản chiếu cảnh trời dưới dòng nước lạnh mà trong veo. Làng mạc Yên Đổ là vùng đồng chiêm đồng trũng quanh năm nước ngập, dân phải lấy đất đắp cho cao nên ao cứ thế nối tiếp ao và Nguyễn Khuyến đã đưa cái ao nhỏ quê hương vào thơ với thái độ trân trọng trìu mến. Ao nhỏ thì thuyền câu cũng bé lại.
Xung quanh thực tĩnh lặng với hình ảnh chiếc thuyền câu nhẹ thênh thênh đang lững lờ mặc dòng nước chảy. Tiếng động nhỏ ấy càng làm tăng thêm phút lặng trong cảnh mà còn trong tâm của người đi câu đang say sưa với cảnh trời đất bao la cao vợi. Từ láy “tẻo teo” nhấn mạnh sự trơ trọi đơn độc của một chiếc thuyền giữa không gian cao rộng của trời thu. Tiếp đó là nhịp thở của thu bắt đầu bằng những bước chuyển nhẹ nhàng
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Ao bây giờ không còn tĩnh lặng nữa mà đã bắt đầu gợn lăn tăn theo làn hơi, lá thì theo gió heo may bay lững lờ. Sóng với màu biếc hòa cùng lá vàng mới đẹp và thanh tao làm sao, ngòi bút nhà thơ lúc này mới thật chi tiết khi kết hợp thành vế đối hoàn chỉnh “sóng biếc” với “lá vàng” “hơi gợn tí” với “khẽ đưa vèo”, thật tài tình. Tâm hồn nhà thơ lúc này dường như cũng hòa theo nhịp gợn của sóng nhịp rơi của chiếc lá vàng trong từng khoảnh khắc. Cách phác họa một góc mùa thu bằng nét duyên dáng nhẹ nhàng giữa màu sắc và âm thanh khéo léo. Mọi cử động của thu đều như say say và mơ màng đến lạ ngay chính nhà thơ cũng bị cuốn hút theo.
Gió nhẹ thổi vào tâm hồn những gì êm ái và dịu dàng. Bức tranh thu lúc này đã thêm được chút màu sắc tươi tắn hơn. Tầm nhìn của nhà thơ nâng cao hơn khi nhà thơ khẽ ngẩng đầu nhìn lên và bắt gặp thêm một màu xanh nữa, xanh trong mà thanh khiết hơn
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Trời thu cao vời vợi qua những tầng mây, có cái thăm thẳm của chiều cao, khoáng đạt hơn. Màu xanh ấy sao mà đẹp mà tha thiết. Điểm xuyết bởi những cụm mây trắng cứ lơ lửng nơi ấy. Bất giác quay về với làng quê hình ảnh ngõ trúc vắng làm lắng đọng trong tác giả nỗi cô đơn vắng vẻ. Đường làng quê yêu dấu vẫn cứ quen thuộc làm sao bởi bóng tre bóng trúc trùm mát rượi, nét thơ vừa thi vị thơ mộng vừa đặc trưng cho miền làng quê Bắc Bộ. Dường như tình yêu quê vẫn chưa bao giờ nguôi dù chỉ là thoáng nhánh trúc chiếc lá rơi trước mắt tác giả. Trong khoảnh khắc đó sự trống trải từ đâu lan tỏa và làm đượm buồn đi mất bức tranh thu trong cái yên ắng và vắng lặng.
Cái hồn của cảnh vật xung quanh của đồng quê hiện rõ trong từng câu từng chữ mộc mạc giản dị và đôn hậu. Bằng hình ảnh đẹp giàu màu sắc và cách nhìn khái quát từ gần đến xa từ thấp đến cao từ tĩnh đến động nhà thơ tạo nên khung cảnh trời thu bao la trong xanh và tươi đẹp. Và cảnh thiên nhiên bấy giờ cũng như đồng điệu với những xúc cảm, tâm trạng ưu tư của nhà thơ. Giữa cảnh thơ mộng tác giả lặng thinh với thú vui câu cá tao nhã của mình, dáng người đi câu như là một phần trong khung cảnh thu nhỏ ấy. Nhà thơ đắm mình vào thiên nhiên như muốn quên đi những phút bận lòng vì nỗi lo lớn:
Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo
Tư thế ngồi ưu tư trong dòng suy nghĩ mênh mông khi tác giả ngồi đã lâu mà chưa câu được cá, trong lòng cứ nhưng đang chất chứa một nỗi lòng sâu kín. Đâu đó tiếng cá đớp mồi xao động mặt nước rồi cũng vô tình làm xao động tâm hồn nhạy cảm đang lặng yên của tác giả, có cá hay không tác giả cũng không chắc chỉ biết lúc này đây tâm trí vẫn đang rối bời vì lo cho dân cho nước, ray rứt băn khoăn mãi không thôi. Tâm trạng thời thế là động lực để nhà thơ quay về với thú vui đi câu mong khuây khỏa được nỗi lòng nhưng giữa cái tĩnh quá đỗi nơi đây cùng sự cô đơn thì nỗi u hoài vẫn dấy lên trong lòng không dứt. Câu thơ hay với nghệ thuật lấy động tả tĩnh, mọi vật giống như đứng yên nhưng thật ra vẫn âm thầm vận động.
Cảnh làng quê hiện lên một cách chân thực đậm đà phong vị Việt Nam trong thơ Nguyễn Khuyến cũng vì lòng yêu nước và tâm hồn như hòa quyện vào thiên nhiên. Bài thơ gieo vần độc đáo cùng cách sử dụng từ ngữ tài tình có sức gợi hình mạnh tạo nên quang cảnh sống động hấp dẫn. Ngôn ngữ thơ chính xác, trong sáng và dễ hiểu càng làm nổi bật tài năng của Nguyễn Khuyến.
Sở trường của Nguyễn Khuyến không chỉ trong thơ trữ tình mà còn trong thơ tả cảnh nhất là trong chùm thơ thu. Xuất phát từ tâm hồn tinh tế bức tranh Nguyễn Khuyến vẽ nên không chỉ là bức tranh thiên nhiên cao đẹp mà còn là bức tranh tâm trạng vì nỗi lo lớn chưa tìm được giải đáp. Qua đó cốt cách thanh cao yêu nước thương dân càng bộc lộ rõ nét hơn, ta thầm ngưỡng mộ tài đức của nhà thơ Nguyễn Khuyến.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị luận bài Câu cá mùa thu (Dàn ý + 2 Mẫu) Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.