Tại cuộc họp chiều 12/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trước đây, cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng viễn thông. Quản lý doanh nghiệp hạ tầng mạng là quản lý luôn được dịch vụ viễn thông.
Còn ngày nay, trên nền Internet có thể cung cấp được dịch vụ viễn thông cơ bản, thậm chí xuyên biên giới mà không cần hạ tầng mạng. Những công ty cung cấp dịch vụ này không có hạ tầng mạng nên không bị quản lý. Vì vậy, luật sửa đổi cần đặt ra thiết chế quản lý dịch vụ OTT viễn thông.
Bên cạnh đó, 90% dung lượng mạng lưới do nhà mạng đầu tư vốn là để cung cấp dịch vụ viễn thông và nhà mạng thu tiền từ dịch vụ viễn thông này để trang trải đầu tư. Còn hiện nay, 90% dung lượng phục vụ dịch vụ của công ty OTT, tức các dịch vụ chạy trên mạng viễn thông.
“Làm cách nào để phát triển hạ tầng mạng khi các OTT ngày một giàu lên, còn nhà mạng đang nghèo đi?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Trong khi đó, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng cần bổ sung, hoàn thiện quy định quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới vào Việt Nam. Dự thảo đang đề xuất các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam; có phương án kỹ thuật cần thiết để bảo đảm an ninh thông tin và thực hiện ngăn chặn khẩn cấp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đồng tình việc cần có chế tài để quản lý chặt chẽ dịch vụ xuyên biên giới.
Tuy nhiên, việc áp dụng phải được cân nhắc để tránh “tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến lợi ích mà dịch vụ này mang lại cho nền kinh tế”. Thiết chế quản lý cũng cần tính toán kỹ tác động tiêu cực đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển trung tâm dữ liệu, cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.
Trước đó, một số nhà mạng phản ánh họ phải đầu tư cho hạ tầng Internet, nhưng bị cạnh tranh bởi chính các dịch vụ trên mạng, nên cần được chia sẻ. Tại cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6/4, ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, cho biết trong khi các doanh nghiệp viễn thông đang chứng kiến sự suy giảm lớn trong các dịch vụ như gọi điện thoại và SMS, những OTT nước ngoài hoạt động tại Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ, với một số OTT tăng trưởng ở mức hai con số.
“Trong sự dịch chuyển này, nhà mạng luôn đảm bảo hạ tầng cho các OTT phát triển, tuy nhiên lại không được chia sẻ về đầu tư hạ tầng. Gánh nặng cho nhà mạng trong đầu tư hạ tầng là vấn đề lớn”, ông Sơn nói.
Đồng quan điểm, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc MobiFone, nói các nhà mạng luôn cố gắng đầu tư hạ tầng viễn thông. Tuy nhiên, doanh thu của các nhà mạng thời gian qua có xu hướng giảm, trong khi nền tảng xuyên biên giới hoạt động dựa trên hạ tầng được họ đầu tư lại tăng trưởng.
“Mong dự luật mới của Bộ có biện pháp để các nền tảng xuyên biên giới đang tận dụng hạ tầng để kinh doanh có lợi nhuận, cần có chia sẻ với nhà mạng để chúng tôi có thể tăng cường đầu tư cho hạ tầng”, ông Nam nói.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nen-tang-ott-ngay-mot-giau-len-trong-khi-nha-mang-ngheo-di-4592615.html