Em sắp thi vào lớp 10 nhưng còn nhiều phân vân về lựa chọn thi vào trường THPT chuyên.
Thứ nhất, trường chuyên cách nhà em khoảng 50 km. Nếu học, em chỉ có thể ở ký túc xá và về nhà vào thứ 7, chủ nhật. Em lo về ăn uống, tự lập, vì em kén ăn từ nhỏ.
Thứ hai là vấn đề áp lực. Từng trong môi trường toàn học sinh giỏi, em luôn phải lấy các bạn làm tiêu chuẩn để phấn đấu, không thể thoát khỏi ổ kén mang tên “con nhà người ta”. Vậy nên, em muốn lên cấp ba tập trung vào những điều mình thích, mục tiêu mình đề ra và không phải chạy theo bóng lưng người khác.
Cuối cùng, em có bệnh mãn tính và hay mắc các bệnh vặt nên sợ không đủ sức khoẻ để chiến đấu với việc học như các bạn.
Em từng quyết định không thi trường chuyên nhưng rồi vẫn băn khoăn. Các bạn học bồi dưỡng giống em đều muốn đi chuyên. Em cũng muốn trải nghiệm hoạt động ngoại khoá đa dạng và học hỏi những kiến thức nâng cao mới, giúp cho hồ sơ xin việc sau này. Mong mọi người tư vấn giúp đỡ ạ.
Mây
Chia sẻ từ thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội:
Có lẽ, đây không phải là câu hỏi của riêng em mà còn của nhiều học sinh lớp 9 khác. Để trả lời cho câu hỏi của em cần hiểu 2 yếu tố: 1) học sinh trường chuyên ngày nay như thế nào? 2) bản thân em có đủ sẵn sàng để ra quyết định?
Các học sinh lớp 9 phải trải qua những kì thi rất gắt gao mới trở thành học sinh trường chuyên. Các em là những học sinh giỏi, không chỉ về kiến thức mà còn giỏi về kỹ năng, hầu hết có đạo đức tốt. Vì giỏi, nên nhiều em có cá tính đặc biệt.
Ngoài ra, các trường cũng tạo điều kiện cho học sinh phát triển những tài năng khác nhau. Những em muốn theo đuổi môn chuyên, việc đào sâu môn học thậm chí vượt tầm kiến thức đại học giúp các em học tập chuyên ngành sau này. Trong quá trình đó, các em có thể tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, vừa để đánh giá kiến thức, vừa để “sưu tập” những giải thưởng, chứng nhận, dùng xét tuyển vào các bậc học cao hơn.
Với các học sinh không muốn đi quá sâu vào môn chuyên, vẫn muốn học môn yêu thích có thể lựa chọn hướng đi khác, học tập rộng để chuẩn bị vào đại học. Những em không còn đam mê với môn chuyên cũng có thể tự do “quay xe”. Ngoài ra, các em có thể tham gia các câu lạc bộ, rèn luyện các kỹ năng hoạt động và qua đó hoàn thiện năng lực bản thân… Rất nhiều thủ lĩnh đoàn ở các trường đại học xuất thân từ học sinh trường chuyên.
Có thể nói rằng, trường chuyên ngày nay không còn là một môi trường gò bó, khép kín mà đầy năng động. Em hoàn toàn có thể tập trung vào những điều em thích, những mục tiêu đề ra và phát triển theo hướng mình mong đợi.
Còn về áp lực, nếu bảo ở trường chuyên không có áp lực cũng không đúng, có áp lực về duy trì thành tích, có áp lực học, áp lực đồng trang lứa nhưng ai bảo rằng các trường phổ thông khác không có những áp lực đó? Áp lực đôi khi không đến từ bên ngoài, từ những “con nhà người ta” mà chính tự trong bản thân em. Ở đâu cũng có áp lực, chỉ là chúng ta lựa chọn cách xử lý áp lực ấy như thế nào mà thôi. Ở một khía cạnh khác, chính áp lực mới rèn luyện cho chúng ta bản lĩnh.
Về vấn đề xa nhà, vấn đề sức khỏe và những đặc điểm sinh học của riêng em thì em băn khoăn là đúng. Đi học xa nhà, xa gia đình, xa bố mẹ là không còn được quan tâm, chăm sóc, hỏi han thường xuyên. Xa vòng tay bố mẹ cũng đòi hỏi chúng ta có một kỷ luật tốt để không sa ngã. Nhưng các em có cơ hội để xây dựng lối sống độc lập, học cách ra quyết định và chịu trách nhiệm về nó. Em được gặp, làm quen, giao lưu với nhiều người mới, có thể làm cho thế giới của em rộng mở hơn, nhiều cơ hội đến với em hơn.
Để quyết định có theo học trường chuyên không, em cứ cân nhắc được và mất, bên nào trọng hơn khi đó em sẽ có câu trả lời của mình.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/muon-thi-truong-chuyen-nhung-so-ap-luc-song-xa-nha-4597098.html