Những ngày đầu tháng 12, khi miền Nam bước vào mùa khô, khi trời lồng lộng và sầm sập những cơn gió chướng, đi trên tuyến đường Xuyên Á từ Cà Mau sang Kiên Giang, người lữ khách sẽ chìm đắm trong không gian mênh mông của vùng sông nước miền Tây: đây dòng kênh xanh xanh, đó ruộng đồng bạt ngàn, và đặc biệt là khung cảnh thơ mộng của những bông lau sậy bung nở, chập chờn trước gió…
Đường Xuyên Á là tuyến đường ven biển phía Nam trải dài từ Cà Mau qua thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) rồi qua Campuchia, Thái Lan. Đây là đường hành lang thứ hai xuyên quốc gia sau tuyến Đông – Tây ở Tp. Hồ Chí Minh.
Lau sậy, hay cây sậy, sậy trúc là một loại cây sống lâu năm có phần rễ bò dài và rất khỏe. Tại Việt Nam, lau sậy mọc hoang ở những nơi ẩm ướt, đầm lầy, bờ nước. Đây là một loại dược liệu mọc hoang dại, có tính mát và không độc. Trong y học cổ truyền, ngoài công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chữa cảm nắng, đầy bụng, kém ăn, lau sậy còn được dùng trong bài thuốc điều trị bệnh viêm dạ dày, viêm phế quản mãn tính, sỏi thận,…
Hãy cùng An ngắm no say và thỏa lòng những hình ảnh của một phần tuyến đường Xuyên Á trong mùa lau sậy đầu tháng 12 này nha!
Đường Xuyên Á mùa lau sậy
Nhìn những hình ảnh này, chợt nghĩ ngay đến bài tản văn ấn tượng của nữ nhà văn quê Cà Mau, chị Nguyễn Ngọc Tư (mà thật ra đọc bài tản văn, tạp bút nào của chị cũng có cảm giác ấn tượng sâu sắc, buồn miên man da diết nhiều ngày nhiều tháng):
“Gần với con người lắm, lẫn giữa con người, vây bọc con người, nhưng lau sậy thì cực kỳ cô đơn. Mùa nối mùa chẳng người nào ngó ngàng tới. Một năm chỉ một lần, lúc thân sậy già, ngã màu vàng, rám nắng, má tôi mới đi lựa đám sậy tốt nhất, chặt về vài bó, dìm dưới ao, đợi sa mưa ôm lên đồng cặm gò sạ lúa. Sậy còn tươi mà đem cắm lên đất thì lúa chưa xanh thân sậy đã mọc nhánh rồi. Cứ sống mãnh liệt vậy, nên những thân sậy người ta dùng dây bện chặt thành những tấm đăng rào nhốt gà, vịt hay ven dưới sông đón bắt tôm, cá… cũng chẳng bao lâu đâm nhánh mới, làm thành những viền xanh uốn lượn giữa dòng.
Tha thiết sống, bất chấp yêu ghét, lau sậy cũng trổ bông. Bông cũng không níu kéo bất cứ cái nhìn nào. Lơ thơ. Nhợt nhạt. Chỉ trẻ con là chờ đợi mùa bông chín, mùa gió chướng thổi sòng, mùa áo mới, mùa Tết. Mảnh mai mình hạc, bông lau vươn cao óng mượt, trắng muốt giữa ngút ngàn bông sậy bạc đầu, chảy thành dòng rập rờn trong gió. Trên cái nền dòng sông bông chín, ông trời mặc sức vẽ gió, vẽ nắng lên.
Bông lau, sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, lúc đang phai. Dường như có vài thứ giống vậy, như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa… lúc đẹp là lúc mất. Chẳng hiểu đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp. Gió chướng thông ngọn thì bông sậy lìa cây, vào khi ngọt ngào và mỹ miều nhất, rút lui, buông bỏ vào lúc vinh quang nhất. Nên tôi, trong vai người đứng ngắm phải ngẩn ngơ nhớ tiếc. Đôi lúc nghĩ, có người nào dám và được rời đi nhẹ nhõm như cái bông sậy nhỏ nhoi này?
Và có kẻ giang hồ nào lại vào đời lơ đãng, ngơ ngác như bông lau, bông sậy?”
Chiều buông!
Bình minh ven đường Xuyên Á
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet.
Đăng bởi: K. Nguyễn
Từ khoá: Mùa lau sậy thơ mộng trên đường Xuyên Á từ Cà Mau đi Kiên Giang
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Mùa lau sậy thơ mộng trên đường Xuyên Á từ Cà Mau đi Kiên Giang của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.