Nguyễn Lê Hà, 22 tuổi, hiện là sinh viên năm thứ ba, chuyên ngành Báo chí tài chính và dữ liệu, theo học bổng toàn phần của Đại học Baptist Hong Kong năm 2020.
Đây là ngôi trường khai phóng hàng đầu châu Á, xếp thứ 281 trong bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2023 của QS (một trong ba bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới).
Ngày mới 5-6 tuổi, Hà được một người bác kể chuyện du học và khuyến khích cháu tìm cơ hội ra thế giới. Từ đó, đi học nước ngoài luôn nằm trong suy nghĩ của Hà.
Trong những năm học cấp ba ở trường THPT Yên Hòa, Hà đều tham gia câu lạc bộ tổ chức sự kiện. Trải qua các công việc, từ lên kế hoạch, sáng tạo nội dung đến viết kịch bản, Hà hứng thú với ngành Báo chí, truyền thông và mong du học ngành này.
Gia đình cũng ủng hộ nhưng muốn đi Hà phải xin được học bổng toàn phần. Tính du học Mỹ nên Hà đã “cày” SAT đạt 1450/1600 điểm cùng IELTS 7.5. Tuy nhiên, cô cuối cùng phải từ bỏ ý định vì nhận ra cơ hội giành được học bổng ở Mỹ thấp. Hà sau đó chuyển sang nộp vào các trường ở Singapore nhưng đều không được như mong đợi.
Dù đã vào học đại học, Hà tiếp tục “rải” hồ sơ vào bốn trường tại Phần Lan, Italy và Hong Kong. Vì không tìm được nhiều trường cấp học bổng toàn phần ngành Truyền thông, nữ sinh chọn nộp thêm cả ngành Kinh doanh.
“Kiểu gì em cũng đi và học những ngành mình có thể học được, miễn bước ra thế giới”, Hà nói. Lần này cô trúng cả bốn trường. Nữ sinh quyết định chọn Đại học Baptist Hong Kong vì đây là nơi gửi kết quả đầu tiên, cấp học bổng toàn phần cho Hà theo đuổi ngành học mà mình yêu thích.
“Nhưng lúc đầu, bố mẹ không đồng ý. Gia đình muốn ưu tiên chọn các nước châu Âu vì các trường ở đó được du học sinh Việt Nam biết tới nhiều là Hong Kong “, Hà nhớ lại. Ngoài ra, bố mẹ Hà lo lắng ngành truyền thông bị giới hạn về cơ hội việc làm so với các ngành kinh tế, cũng như lo ngại về tình hình an ninh tại Hong Kong.
Mong muốn được theo đuổi ngành học yêu thích tại thành phố này, Hà tìm cách “mưa dầm thấm lâu” bằng việc mở video du lịch về Hong Kong, nói chuyện về cuộc sống, học tập ở đây cho bố mẹ nghe. Sau một tháng, thấy được quyết tâm và khao khát được theo đuổi ngành học truyền thông tại Hong Kong của Hà, gia đình cũng đã đồng ý.
Sau kỳ đầu tiên phải học online từ Việt Nam vì Covid, Hà sang Hong Kong vào giữa học kỳ 2, tháng 2/2021. Lần đầu tiên xa nhà, Hà sốc khi đột nhiên phải làm mọi thứ một mình. Những sinh viên quốc tế đến trước đều đã kịp kết thân với bạn bè khiến trong khoảng 6 tháng đầu tiên, Hà luôn cảm thấy cô đơn.
“Em phải đăng ký dịch vụ tâm lý của trường và đã òa khóc trước mặt cô tư vấn”, Hà cho biết.
Nữ sinh nói sau đó bài vở trên lớp nhiều, sức ép học tập lớn khiến cô không còn thời gian để buồn. Hà thường xuyên phải thức đêm học, nhiều hôm từ thư viện trở về phòng lúc hai giờ sáng.
Để không bị quá tải, Hà phải sắp xếp thời gian cho từng môn học. Bốn học kỳ đã qua, Hà có ba lần giành giải thưởng President’s Honour Roll dành cho sinh viên xuất sắc của trường với điểm trung bình GPA từ 3.5/4.0 trở lên.
Dạy Hà môn Báo chí đa nền tảng, thầy Dean C.K. Cox, giảng viên Đại học Hong Kong Baptist, ấn tượng với cô học trò người Việt cởi mở, chăm chỉ và tận tâm.
“Hà là một trong những học sinh top đầu của lớp, hoàn thành bài tập đúng hạn cùng với sự chỉn chu và cầu tiến. Em ấy hiểu được các cách thức đưa tin và cố gắng tìm những đề tài hay và có giá trị”, thầy Dean chia sẻ.
Thông thường, các sinh viên báo chí sẽ được nhà trường sắp xếp đi thực tập vào mùa hè năm thứ ba, nhưng vì muốn trải nghiệm sớm, Hà ở lại Hong Kong để tìm cơ hội. Cuối năm học trước, biết tờ nhật báo South China Morning Post (SCMP) tuyển trợ lý sản xuất video qua một giảng viên, Hà ứng tuyển. Sau vòng phỏng vấn và một bài kiểm tra với yêu cầu viết phụ đề, biên tập video từ 6 phút thành sản phẩm hoàn chỉnh 2-3 phút, Hà được nhận.
Nhiệm vụ của Hà tại đây là biên tập video và viết phụ đề tiếng Anh. Những video đầu tiên chưa đạt, thậm chí khiến biên tập phải viết lại từ đầu khiến Hà hoang mang, nghi ngờ khả năng của mình. Tuy nhiên, nhờ chú ý quan sát và được chỉ bảo, Hà dần dần bắt được yêu cầu của tòa soạn. Cô nhận ra thông tin mới nhất sẽ luôn được giới thiệu ở hình ảnh đầu tiên và câu mở đầu phụ đề có thể viết theo dạng câu hỏi để gây tò mò. Tốc độ hoàn thiện video cũng vì thế được đẩy nhanh, từ một, rồi 1,5 và hiện giờ là hai video mỗi ngày.
Bà Claudia Hinterseer, trưởng bộ phận sản xuất video của SCMP, đánh giá Hà là phóng viên trẻ tích cực, có nền tảng học vấn và kỹ năng tiếng Anh tốt, luôn cố gắng vượt mong đợi trong công việc và trau dồi kỹ năng kể chuyện bằng hình ảnh.
“Cô ấy còn có trí tò mò phù hợp, một điều quan trọng với phóng viên mới bắt đầu sự nghiệp”, bà nói.
Làm việc ở SCMP, Hà được trả lương 450 HKD (1,3 triệu đồng) một ngày. Hết mùa hè, em nhận được khoảng 30 triệu đồng. Hiện Hà làm việc ở đây hai ngày mỗi tuần và viết bài cho The Young Reporter, tờ nội san thuộc khoa báo chí của trường khi học môn thực hành báo chí. Cô nói trải nghiệm ở SCMP giúp mình tiến bộ trong kỹ thuật viết báo bằng tiếng Anh, tự tin tác nghiệp và biết cách đánh giá đề tài. Nhờ đó, Hà được điểm A môn thực hành báo chí kỳ vừa rồi.
Sắp tới, nữ sinh sẽ tham gia một số khóa học ngắn hạn ở Anh và trao đổi một học kỳ ở Singapore. Hà dự định ở lại Hong Kong làm việc một thời gian sau khi tốt nghiệp để lấy kinh nghiệm trước khi về Việt Nam hoặc tới một nước khác.
Nhìn lại hành trình đã qua, Hà nói mình trưởng thành hơn, thêm nhiều bạn bè và trải nghiệm mới.
“Nếu biết rõ ngành muốn học, hãy kiên định với mục tiêu của mình, bạn sẽ gặt hái thành quả”, Hà nói, cho biết bố mẹ cô hiện giờ rất tự hào về con gái.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/mot-thang-thuyet-phuc-bo-me-de-du-hoc-hong-kong-4582941.html