Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013
QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: 30/2013/QH13 |
Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2013 |
LUẬT
GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tuân theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan về giáo dục quốc phòng và an ninh.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kiến thức quốc phòng và an ninh bao gồm hệ thống quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc và kỹ năng quân sự.
2. Kỹ năng quân sự là khả năng thực hành những nội dung cơ bản cần thiết về kỹ thuật, chiến thuật quân sự.
Điều 4. Mục tiêu giáo dục quốc phòng và an ninh
Giáo dục cho công dân về kiến thức quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Điều 5. Nguyên tắc giáo dục quốc phòng và an ninh
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
2. Giáo dục quốc phòng và an ninh là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
3. Kết hợp giáo dục quốc phòng và an ninh với giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến, giáo dục pháp luật và gắn với xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.
4. Giáo dục toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm bằng các hình thức phù hợp; kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý thuyết và thực hành.
5. Chương trình, nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh phải phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng kịp thời tình hình thực tế.
6. Bảo đảm bí mật nhà nước, tính kế hoạch, kế thừa, phát triển, khoa học, hiện đại, dễ hiểu, thiết thực và hiệu quả.
Điều 6. Chính sách của Nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh
1. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh, có chính sách ưu tiên đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp trí tuệ, công sức, tiền, tài sản cho giáo dục quốc phòng và an ninh.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong giáo dục quốc phòng và an ninh được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh
Công dân có quyền và trách nhiệm học tập, nghiên cứu để nắm vững kiến thức quốc phòng và an ninh. Người tham gia giáo dục quốc phòng và an ninh được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh
1. Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh là cơ sở giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, kỹ năng quân sự cho các đối tượng theo quy định của Luật này.
2. Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh bao gồm:
a) Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc nhà trường quân đội;
b) Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc cơ sở giáo dục đại học.
3. Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh phải phù hợp với quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đáp ứng yêu cầu giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng.
4. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống và quy định điều kiện thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.
Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Lợi dụng hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiết lộ bí mật nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Cản trở việc thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh.
3. Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Chương II
GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TRONG NHÀ TRƯỜNG
Điều 10. Trường tiểu học, trung học cơ sở
1. Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khoá phù hợp với lứa tuổi.
2. Bảo đảm cho học sinh hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
Điều 11. Trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề
1. Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề là môn học chính khóa.
2. Bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.
3. Tổ chức dạy và học theo phân phối chương trình. Trong năm học, căn cứ vào điều kiện cụ thể, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tổ chức cho học sinh học tập ngoại khoá với nội dung và hình thức thích hợp.
Điều 12. Trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học
1. Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học là môn học chính khóa.
2. Bảo đảm cho người học có kiến thức cơ bản về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; bổ sung kiến thức về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.
3. Tổ chức dạy và học tập trung tại trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh hoặc trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học. Trong chương trình đào tạo, căn cứ vào điều kiện cụ thể phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tổ chức cho người học nghiên cứu, học tập ngoại khoá với nội dung và hình thức thích hợp.
Điều 13. Trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội
1. Giáo dục quốc phòng và an ninh cho người học trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội là môn học chính khóa.
2. Bảo đảm cho người học nắm vững quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; nghệ thuật quân sự Việt Nam; tình hình, nhiệm vụ quốc phòng và an ninh; khu vực phòng thủ; phòng thủ dân sự; kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh; kết hợp quốc phòng và an ninh với đối ngoại.
3. Căn cứ chương trình khung của Bộ Quốc phòng và quy định của cơ quan có thẩm quyền, trường của tổ chức chính trị xây dựng và thực hiện chương trình, nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong hệ thống trường của tổ chức chính trị.
4. Căn cứ chương trình khung của Bộ Quốc phòng, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội xây dựng và thực hiện chương trình, nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh đối với người học trong trường.
Chương III
BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH
Điều 14. Đối với đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội
1. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.
2. Đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh bao gồm:
a) Cán bộ, công chức; viên chức quản lý;
b) Đại biểu dân cử;
c) Người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước;
d) Những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã); trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố (sau đây gọi là thôn); trưởng các đoàn thể ở thôn;
đ) Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
3. Chương trình, nội dung, hình thức, thời gian bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý và yêu cầu nhiệm vụ.
Điều 15. Đối với người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập
1. Người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phải tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh bao gồm:
a) Doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên;
b) Doanh nghiệp hoạt động phục vụ quốc phòng và an ninh;
c) Doanh nghiệp hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
2. Người quản lý đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.
3. Nội dung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho người quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này tập trung vào chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh.
4. Quy định tại Điều này không áp dụng cho người nước ngoài.
Điều 16. Đối với cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư
1. Cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh là chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
3. Căn cứ chương trình khung của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nhiệm vụ quốc phòng và an ninh của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và thực hiện chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh phù hợp với cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Điều 17. Thẩm quyền triệu tập, quy định cơ sở bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh
Chính phủ quy định thẩm quyền triệu tập, cơ sở bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng quy định tại các điều 14, 15 và 16 của Luật này.
Điều 18. Chế độ, quyền lợi đối với đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh
1. Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật này khi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh được hưởng nguyên lương, phụ cấp; trường hợp xa nơi cư trú được bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi, về và hỗ trợ tiền ăn do ngân sách nhà nước bảo đảm.
2. Đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 của Luật này khi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh được hưởng nguyên lương, phụ cấp, hỗ trợ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi, về và hỗ trợ tiền ăn do doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bảo đảm; chi phí bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, nơi nghỉ cho đối tượng xa nơi cư trú do ngân sách nhà nước bảo đảm.
3. Đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 và Điều 16 của Luật này khi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh xa nơi cư trú được bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi, về và hỗ trợ tiền ăn do ngân sách nhà nước bảo đảm.
4. Người hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh được cấp giấy chứng nhận.
Chương IV
PHỔ BIẾN KIẾN THỨC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH CHO TOÀN DÂN
Điều 19. Nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh
Những hiểu biết cần thiết về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trong từng thời kỳ; phòng thủ dân sự; trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Điều 20. Hình thức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh
1. Thông qua báo cáo viên, tuyên truyền viên và các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức đoàn thể, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao, hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở và các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống.
3. Lồng ghép vào các đợt gọi công dân nhập ngũ, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống.
4. Thông qua hoạt động của cơ quan, tổ chức quản lý di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, khu bảo tồn thiên nhiên, khu tưởng niệm, đài kỷ niệm, nghĩa trang liệt sỹ, nhà truyền thống, nhà bảo tàng, cung văn hóa, thể thao thanh niên, thiếu niên, câu lạc bộ thể thao quốc phòng và an ninh.
5. Các hình thức khác phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và cộng đồng dân cư.
Điều 21. Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa
1. Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này và bảo đảm yêu cầu sau đây:
a) Gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, hải đảo;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể, tổ chức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người có vai trò và ảnh hưởng tích cực trong đồng bào dân tộc thiểu số, chủ tàu, thuyền hoạt động dài ngày trên biển; chủ hộ gia đình, người lao động ở khu vực biên giới, hải đảo.
2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật cho người dân khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa; cấp tài liệu giáo dục quốc phòng và an ninh cho đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo cơ quan quân sự cùng cấp chủ trì, phối hợp với Bộ đội biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Công an địa phương tổ chức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Điều 22. Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp
1. Người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước không thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, người lao động trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này.
2. Người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức công đoàn tổ chức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người lao động.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự, công an, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp phối hợp tổ chức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013 Luật số: 30/2013/QH13 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.