Giải Lịch sử 9 Bài 2: Châu Âu và nước Mỹ từ năm 1918 đến năm 1945 giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, biết cách trả lời toàn bộ câu hỏi trong sách giáo khoa Lịch sử – Địa lí 9 Cánh diều trang 8, 9, 10, 11, 12.
Với lời giải trình bày rõ ràng, cẩn thận, dễ hiểu nhằm giúp học sinh nhanh chóng biết cách làm bài. Đồng thời, cũng là tài liệu hữu ích giúp thầy cô thuận tiện trong việc hướng dẫn học sinh ôn tập Bài 2 Chương 1: Thế giới từ năm 1918 đến năm 1945. Vậy chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Neu-edutop.edu.vn:
Trả lời câu hỏi Lịch sử 9 Cánh diều Bài 2
I. Phong trào cách mạng 1918 – 1923 và sự thành lập Quốc tế Cộng sản
Câu hỏi: Trình bày những nét chính về phong trào cách mạng ở châu Âu những năm 1918-1923.
Trả lời:
– Do hậu quả nặng nề của Chiến tranh thế giới thứ nhất và tác động của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, vào những năm 1918-1923, một phong trào cách mạng đã bùng nổ ở hầu khắp các nước tư bản châu Âu, tiêu biểu là Đức và Hung-ga-ri.
+ Công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động tiến hành đấu tranh dưới nhiều hình thức, đặc biệt là tổng bãi công và khởi nghĩa, với mục tiêu ban đầu chống chế độ quân chủ, chống chính quyền tư sản, sau đó là xây dựng mô hình nhà nước mới theo kiểu Xô viết Nga.
+ Từ phong trào này, đảng cộng sản được thành lập ở một số quốc gia như Đức (1918), Pháp (1920), Anh (1920), I-ta-li-a (1921).
+ Đỉnh cao của phong trào là việc thành lập nhà nước Cộng hòa Xô Viết Hung-ga-ri (3-1919), Cộng hòa Xô viết Ba-vi-e (Đức, 4-1919).
– Cuối năm 1923, phong trào tạm lắng khi các chính quyền của giai cấp tư sản tiếp tục tăng cường đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân.
Câu hỏi: Trình bày những nét chính về sự thành lập Quốc tế Cộng sản.
Trả lời:
– Sự phát triển của phong trào cách mạng 1918 – 1923, đặc biệt là sự ra đời của một số đảng cộng sản, đã đặt ra yêu cầu cần phải thành lập một tổ chức quốc tế để lãnh đạo cách mạng thế giới. Tháng 3-1919, Đại hội thành lập Quốc tế thứ 3 (Quốc tế Cộng sản) được tổ chức tại Mát-xcơ-va.
=> Sự thành lập của Quốc tế Cộng sản đã đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân lúc bấy giờ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân ở các nước châu Âu.
II. Cuộc đại suy thoái kinh tế 1929 – 1933
Trình bày những nét chính về cuộc đại suy thoái kinh tế 1929 – 1933.
Trả lời:
– Nguyên nhân của đại suy thoái kinh tế: Trong những năm 1924-1929, kinh tế ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ, sản xuất tăng lên nhanh chóng. Nhưng do sản xuất ồ ạt, nhu cầu và sức mua của thị trưởng không có sự tăng lên tương ứng, làm cho hàng hoá trở nên ế thừa và dẫn tới suy thoái trong sản xuất.
– Biểu hiện:
+ Tháng 10/1929, cuộc đại suy thoái kinh tế bùng nổ ở Mỹ, sau đó lan rộng ra toàn thế giới tư bản chủ nghĩa. Cuộc khủng hoảng diễn ra trên tất cả các lĩnh vực: tài chính, công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp…
+ Khủng hoảng kéo dài gần 4 năm, trầm trọng nhất là năm 1932.
– Hậu quả của khủng hoảng:
+ Kinh tế suy thoái nghiêm trọng.
+ Khiến hàng triệu người thất nghiệp; đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
+ Dẫn đến sự thắng thế của chủ nghĩa phát xít, đặc biệt ở Đức và góp phần gia tăng mâu thuẫn giữa các nước tư bản và đặt nhân loại đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới.
III. Sự hình thành chủ nghĩa phát xít ở châu Âu
Trình bày những nét chính về sự hình thành của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu.
Trả lời:
– Sự bất mãn với Trật tự Véc-xai – Oa-sinh-tơn (được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất) cùng với hậu quả nặng nề của cuộc đại suy thoái kinh tế (1929 – 1933) đã dẫn đến sự hình thành và thắng thế của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu.
– Để thoát khỏi đại suy thoái, Đức và I-ta-li-a đã phát xít hoá bộ máy chính quyền, chuẩn bị chiến tranh nhằm phân chia lại thế giới.
+ Tại I-ta-li-a, chủ nghĩa phát xít hình thành từ sớm. Năm 1919, B. Mút-xô-li-ni thành lập Đảng Quốc gia phát xít. Năm 1922, hàng chục nghìn đội viên phát xít tiến quân chiếm Rô-ma, gây áp lực buộc nhà vua phải dưa Mút-xô-li-ni lên làm Thủ tướng. Năm 1925, chế độ độc tài phát xít được thiết lập, quyền lực tập trung vào B. Mút-xô-li-ni.
+ Tại Đức, tháng 1-1933, A. Hit-le, lãnh tụ của Đảng Quốc xã, được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Tháng 8-1934, A. Hit-le trở thành Quốc trưởng, xoá bỏ nền cộng hoà, thiết lập chế độ độc tài, tái vũ trang đất nước, chuẩn bị chiến tranh.
+ Năm 1936, trục phát xít Béc-lin – Rô-ma được thiết lập.
=> Sự thắng thế của chủ nghĩa phát xít ở I-ta-li-a và Đức đã dẫn đến hình thành lò lửa chiến tranh ở châu Âu.
IV. Nước Mỹ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 -1939)
Câu hỏi: Nêu những nét nổi bật về tình hình chính trị của nước Mỹ giai đoạn 1918 – 1939.
Trả lời:
– Về đối nội:
+ Trong những năm 20 của thế kỉ XX, Đảng Cộng hoà liên tục nắm chính quyền, đề cao sự phồn vinh của nền kinh tế, ngăn chặn các cuộc đấu tranh của công nhận, đàn áp những người có tư tưởng tiến bộ…
+ Năm 1932, Đảng Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội Mỹ. Việc thực hiện “Chính sách mới” giúp Tổng thống P. Ru-dơ-ven bước đầu ổn định tình hình chính trị, xã hội Mỹ vào cuối thập niên 30 của thế kỉ XX.
– Về đối ngoại:
+ Trong những năm 20 của thế kỉ XX, giới cầm quyền Mỹ theo đuổi lập trường chống Liên Xô, tiếp tục thực hiện học thuyết Mơn-rô (châu Mỹ của người châu Mỹ) để bành trướng, thậm chí can thiệp về quân sự khi cần thiết đối với khu vực Mỹ La-tinh.
+ Từ năm 1933, Chính phủ của Tổng thống Ph. Ru-dơ-ven đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô, thực hiện chính sách “láng giềng thân thiện” đối với các nước Mỹ La-tinh.
Câu hỏi: Nêu các giai đoạn phát triển của kinh tế Mỹ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.
Trả lời:
– Các giai đoạn phát triển của kinh tế Mỹ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới:
+ 1918 – 1924, kinh tế Mỹ phát triển nhanh chóng nhưng xen kẽ với khủng hoảng, suy thoái nhẹ vào năm 1920 – 1921.
+ 1924 – 1929, kinh tế Mỹ thực sự bước vào giai đoạn phồn vinh, đưa nước Mỹ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính quốc tế.
+ 1929 – 1933, Mỹ lâm vào đại suy thoái khiến sản lượng công nghiệp suy giảm một nửa, hàng nghìn ngân hàng, công ty công nghiệp và thương mại bị phá sản.
+ Từ 1932, sau khi lên cầm quyền, Tổng thống P. Ru-dơ-ven đã thực hiện “Chính sách mới” (được gọi là Thoả thuận mới) nhằm giải quyết hậu quả của đại suy thoái.
Giải Luyện tập và vận dụng Lịch sử 9 Cánh diều Bài 2
Luyện tập
Tóm tắt những nét chính về các giai đoạn phát triển của châu Âu và nước Mỹ từ năm 1918 đến năm 1939.
Vận dụng
Sưu tầm tư liệu về hậu quả của cuộc đại suy thoái kinh tế 1929 – 1933, giới thiệu với thầy cô và bạn học thông qua các hình thức như sơ đồ tư duy, băng hình, áp phích,…
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Lịch sử 9 Bài 2: Châu Âu và nước Mỹ từ năm 1918 đến năm 1945 Soạn Sử 9 sách Cánh diều trang 8, 9, 10, 11, 12 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.