Lactose Intolerance là hội chứng gì, các nguyên nhân và và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng Neu-edutop.edu.vn tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Lactose Intolerance là hội chứng gây ra những sự khó chịu trong cơ thể nếu sử dụng sản phẩm sữa. Để hiểu rõ hơn về hội chứng Lactose Intolerance, các triệu chứng và cách điều trị, Neu-edutop.edu.vn mời bạn theo dõi bài viết sau đây nhé!
Lactose Intolerance là gì?
Lactose Intolerance hay còn được biết đến là bệnh không dung nạp lactose. Lactose là một loại đường đôi, thường có nhiều trong sữa các loại động vật. Lactose còn là thành phần chính của sữa mẹ. Bệnh không dung nạp lactose là tình trạng rối loạn tiêu hóa do cơ thể không tiêu hóa và hấp thu được lactose trong các sản phẩm từ sữa.
Khi cơ thể không thể hấp thụ đường lactose điều đó có nghĩa là khi uống sữa hay các chế phẩm sữa như bánh mì, phô mai… thì quá trình tiết ra enzyme lactase để hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu đường sẽ diễn ra không đầy đủ. Hậu quả là bị tiêu chảy và nôn ói sau khi ăn hoặc uống các sản phẩm từ sữa. Hội chứng này phổ biến ở cả người lớn và trẻ em nhưng rất ít khi xuất hiện ở trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân bệnh Không dung nạp lactose
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh lý này là do enzyme lactase sản xuất không đủ hoặc không sản xuất được. Một số nguyên nhân khiến thiếu hụt enzyme lactase có thể kể đến như:
Không dung nạp lactose nguyên phát
Trong giai đoạn sơ sinh, nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ là từ lactose trong sữa mẹ, trong giai đoạn này nồng độ enzyme lactase cao giúp tiêu hóa sữa. Nghiên cứu cho thấy nếu trẻ không được uống sữa mẹ mà thay thế bằng các loại sữa khác thì việc sản xuất lactase thường sẽ giảm, nhưng vẫn đủ để tiêu hóa lượng sữa trong chế độ ăn. Sau thời gian dài chức năng sản xuất lactase sẽ giảm mạnh, khiến các sản phẩm sữa khó tiêu hóa khi trưởng thành.
Không dung nạp lactose thứ phát
Tình trạng thiếu hụt enzyme lactase xảy ra sau khi cơ thể bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, chấn thương hoặc phẫu thuật liên quan đến ruột non.
Thiếu hụt enzyme lactase bẩm sinh
Trường hợp thiếu hụt enzyme lactase bẩm sinh rất hiếm khi gặp phải và thường do nguyên nhân di truyền từ cha mẹ. Theo nghiên cứu, trẻ sinh non trước 32 tuần có mức độ hoạt động của enzyme lactase sẽ thấp hơn những trẻ khác.
Đối tượng nguy cơ bệnh Không dung nạp lactose
Bên cạnh các nguyên nhân gây ra hội chứng không dung nạp lactose thì các đối tượng sau cũng là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao:
- Người trưởng thành và cao tuổi: Không dung nạp lactose thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành và ở nhóm người lớn tuổi.
- Trẻ sinh non: Trẻ bị sinh non có khả năng giảm nồng độ lactase vì enzyme này sẽ sản xuất mạnh và tăng lên trong bào thai ở giai đoạn cuối thai kỳ.
- Người mắc bệnh liên quan đến ruột non: Các vấn đề về ruột non có thể gây ra tình trạng không dung nạp lactose bao gồm loạn khuẩn, bệnh celiac và bệnh Crohn.
- Người điều trị ung thư: Nếu bạn từng xạ trị để chữa trị ung thư hoặc từng bị các biến chứng về tiêu hóa do hoá trị, nguy cơ mắc chứng không dung nạp đường lactose của bạn sẽ cao hơn.
Phòng ngừa bệnh Không dung nạp lactose
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách để phòng người bệnh không dung nạp lactose. Nhưng bạn nên lưu ý các điểm sau để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm:
- Cần khám sức khỏe tổng quát định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi sức khỏe của bạn.
- Quan sát phản ứng của cơ thể sau khi uống sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa chứa lactose.
- Cần kiểm tra hàm lượng lactose trong các thực phẩm, nhất là các thực phẩm chế biến từ sữa.
- Nếu bạn gặp phải chứng không dung nạp lactose, bạn nên chú ý đến biểu hiện của các con bạn, bởi hội chứng có tính di truyền, con bạn cũng có nguy cơ rối loạn dung nạp lactose.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Không dung nạp lactose
Nếu cơ thể có những phản ứng sau khi sử dụng các sản phẩm từ sữa, bạn cần đến các trung tâm y tế, bệnh viện kiểm tra sàng lọc để biết chính xác về tình trạng bệnh của mình. Một số phương pháp dưới đây hiện đang được áp dụng để chẩn đoán hội chứng:
Xét nghiệm dung nạp lactose
Xét nghiệm dung nạp lactose xác định phản ứng của cơ thể với các dạng chất lỏng có chứa hàm lượng lactose cao. Lượng glucose trong máu được đo để xác nhận nguy cơ mắc hội chứng, nếu mức glucose không tăng, điều đó có nghĩa là cơ thể người bệnh không tiêu hóa và hấp thụ đúng cách lactose.
Xét nghiệm hơi thở hydro
Trong cơ thể người, chỉ có vi khuẩn kị khí ở đại tràng có khả năng tạo ra hydro. Khi tiếp xúc với thực phẩm không hấp thụ như đường và carbohydrate, vi khuẩn sẽ tạo ra hydro. Thông qua nồng độ hydrogen trong hơi thở có thể chẩn đoán một số tình trạng gây ra các triệu chứng tiêu hóa trong đó có bệnh không dung nạp lactose.
Kiểm tra độ axit phân
Phương pháp này thường áp dụng với các trẻ nhỏ. Nếu lactose không được tiêu hóa, lactose sẽ được lên men, quá trình này tạo ra axit lactic và các axit khác. Thông qua thực hiện kiểm tra phân, bác sĩ có thể được xác định được loại axit cũng như nồng độ lactose trong phân.
Các biện pháp điều trị bệnh Không dung nạp lactose
Khi mắc hội chứng không dung nạp lactose sẽ buộc chúng ta phải giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm từ sữa, tuy nhiên việc cắt giảm này có thể khiến bạn thiếu canxi và một số chất quan trọng.
Hiện tại không có phương pháp điều trị dứt điểm vì không có cách nào để tăng sản xuất enzyme lactase của cơ thể người bệnh, người bệnh thường có thể tránh được sự khó chịu khi không dung nạp lactose bằng cách:
Điều trị bằng kiểm soát chế độ ăn
Tránh ăn nhiều sữa và các sản phẩm từ sữa, có thể thay thế bằng các sản phẩm không chứa lactose. Để tránh tình trạng thiếu hụt canxi, bạn nên bổ sung canxi bằng các loại thực phẩm như:
- Súp lơ xanh, rau bó xôi, cải kale
- Thực phẩm chức năng tăng cường canxi
- Cá hồi
- Các sản phẩm thay thế sữa, như sữa đậu nành, sữa hạt
- Cam, chuối
Ngoài ra, hãy đảm bảo cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể, bằng cách ăn các sản phẩm như trứng, sữa chua…
Điều trị bằng thuốc thay thế
Hiện nay, probiotic được sử dụng như một biện pháp để làm tăng lượng lactose trong đường ruột. Probiotic là những sinh vật sống có trong ruột giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh và chữa các bệnh đường tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy và hội chứng ruột kích thích. Probiotic thường được xem là biện pháp an toàn để điều trị bệnh không dung nạp lactose.
Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến hội chứng không dung nạp đường lactose. Nếu bạn có những triệu chứng trên, hãy đến bệnh viện để kiểm tra sớm nhất có thể nhé!
Nguồn: Vinmec
Neu-edutop.edu.vn