“Sự phát triển toàn diện của trẻ không chỉ phụ thuộc vào kiến thức từ sách vở, trường học. Con luôn học tập từ môi trường sống xung quanh, các mối quan hệ thân thiết, nhất là cha mẹ”, thầy Lester Stephens – Hiệu trưởng Trường Mầm non và Tiểu học Quốc tế Saigon Pearl (ISSP) nhấn mạnh khi trò chuyện với phụ huynh về chủ đề “Dạy con không đòn roi”.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy tại New Zealand, Singapore và Việt Nam, ông đã đưa ra nhiều lời khuyên về cách giúp cha mẹ trở thành “bệ phóng” vững chắc cho con. Qua đây, phụ huynh có thể lắng nghe lời khuyên từ thầy Lester và các bậc cha mẹ khác để nâng cao hiểu biết và sẵn sàng áp dụng phương pháp, kiến thức mới vào việc nuôi dạy con.
Tại đây, Hiệu trưởng Trường ISSP cho biết, trẻ em ngày nay đang phải đối diện với nhiều áp lực, cả bên trong và bên ngoài. Trách nhiệm của gia đình và nhà trường là định hình “trái tim và khối óc” của trẻ. Giữa một xã hội không ngừng biến đổi, việc tập trung giúp trẻ phát huy sức mạnh nội tại là một trong những phương pháp cần thiết nhất. Trong đó, cha mẹ đóng vai trò quan trọng.
“Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một đứa trẻ có mối quan hệ tích cực với cha mẹ thường tự tin và đạt nhiều thành tích hơn những trẻ khác”, ông nói thêm.
Sự gắn bó tích cực với cha mẹ sẽ tạo điều kiện giúp trẻ củng cố sức khỏe tinh thần, khả năng tự nhận thức và rèn luyện nhiều kỹ năng xã hội quan trọng. Đây cũng là yếu tố đặt nền tảng cho tính cách, hành vi tổng thể, cách đương đầu với những khó khăn thử thách của trẻ. Khi đó, cha mẹ phải là người kiểm soát cảm xúc của mình trước bởi họ chính là tấm gương để con học theo trong mọi tình huống.
Trẻ sẽ tự tin hơn khi cảm nhận được tình yêu thương và sự tôn trọng của cha mẹ. Vì vậy, ông khuyên cha mẹ nên thường xuyên thể hiện tình cảm bằng nhiều cách, có thể thông qua cử chỉ, lời nói, ánh mắt… Đồng thời, các hành động như cùng chơi, đọc sách hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời sẽ giúp tăng sự gắn kết trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình. Nhờ đó, các con cảm thấy tin tưởng và dễ dàng chia sẻ suy nghĩ với cha mẹ hơn.
“Cha mẹ cũng có thể dành thời gian trò chuyện, đôi khi chỉ cần 10-15 phút, và bảo đảm hoàn toàn tập trung vào câu chuyện của trẻ. Lắng nghe và đồng cảm trên cơ sở tôn trọng sẽ giúp con trở nên tự tin, mạnh dạn bày tỏ quan điểm, cảm xúc của mình hơn”, thầy Lester gợi ý.
Bên cạnh đó, thầy Lester chia sẻ thêm về quy tắc nổi tiếng “3P” để giúp phụ huynh nói chuyện với con hiệu quả.
Chữ P thứ nhất là “Pause”, tức cha mẹ nên dừng nói hoặc các hoạt động khác để lắng nghe và khuyến khích con chia sẻ hết câu chuyện của mình. Thứ hai, với chữ P trong “Playback”, phụ huynh cần tóm tắt lại những ý chính từ chia sẻ của con theo cách hiểu của ba mẹ. Cuối cùng là “Probe”, lúc này, người lớn có thể đặt thêm các câu hỏi gợi mở để dẫn dắt đứa trẻ đi tới những kết luận hoặc giải pháp phù hợp nhất.
Nhật Lệ
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/ket-noi-gia-dinh-giup-tre-phat-trien-tu-duy-ky-nang-tot-hon-4611787.html