Kể một câu chuyện tưởng tượng gồm 4 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều ý tưởng mới, dễ dàng kể câu chuyện tưởng tượng về việc sống ở thế giới tương lai trong thế kỉ tiếp theo, gặp gỡ một nhân vật văn học, trò chuyện với một sự vật, sáng tạo kết thúc khác cho truyện ngắn đã đọc.
Qua đó, còn giúp các em nhanh chóng trả lời câu hỏi tiết Nói và nghe: Kể một câu chuyện tưởng tượng Bài 6: Giải mã những bí mật SGK Ngữ văn 9 Kết nối tri thức tập 2 trang 35. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Neu-edutop.edu.vn:
Kể chuyện tưởng tượng về việc em sống ở thế giới tương lai trong thế kỉ tiếp theo
Các bạn thân mến, sau đây mình sẽ kể về một câu chuyện sáng tạo của mình về thế giới tương lai.
Trong một thế giới tương lai, con người đã đạt được những tiến bộ kỹ thuật và khoa học kỳ diệu. Trái đất đã trở thành một nơi sống lý tưởng, với công nghệ tiên tiến và một hệ thống xã hội công bằng và bền vững.
Ở thế giới này, mọi người sống trong các thành phố vô cùng hiện đại, được xây dựng với các công nghệ tiên tiến như điều khiển bằng suy nghĩ, năng lượng tái tạo hoàn toàn và các phương tiện di chuyển tự lái. Cuộc sống được tự động hóa mạnh mẽ, giải phóng con người khỏi công việc đơn điệu và tăng cường sự sáng tạo và sự phát triển cá nhân.
Tuy nhiên, dù có tất cả những tiện ích của công nghệ, con người vẫn giữ được những giá trị nhân văn và tinh thần. Họ biết đến giá trị của sự đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau, và luôn cố gắng tạo ra một thế giới hòa bình và bền vững cho tất cả mọi người.
Những cuộc phiêu lưu không ngừng chờ đợi ở khắp nơi, từ việc khám phá các hành tinh mới đến việc tìm hiểu về các vấn đề lớn của vũ trụ. Mọi người hướng đến một tương lai tươi sáng và đầy hứa hẹn, nơi mà sự tiến bộ kỹ thuật được kết hợp hoàn hảo với tâm hồn và trí tuệ con người.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã phát triển đến mức vượt xa sức tưởng tượng của con người, tạo ra một thế giới hoàn toàn mới, nơi mà giữa con người và máy móc không còn ranh giới rõ ràng.
Ở thành phố lớn New Eden, nơi mà những cánh cửa của khoa học và sáng tạo mở ra không ngừng, chúng ta gặp gỡ hai nhân vật chính: Alex và Eva. Alex là một nhà lập trình tài năng, luôn tìm kiếm cách tối ưu hóa công nghệ để giúp con người và hệ sinh thái. Trong khi đó, Eva là một nhà sinh học, dành cuộc đời của mình để nghiên cứu về sự sống và cách tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho tất cả mọi loài.
Một ngày, Alex và Eva tình cờ gặp nhau trong một buổi triển lãm công nghệ lớn ở thành phố. Sự hấp dẫn về những ý tưởng và khát vọng thay đổi thế giới đã kết nối họ với nhau. Họ bắt đầu hợp tác để tạo ra một dự án độc đáo: một hệ thống trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất từ trước đến nay, có khả năng tương tác với môi trường và những sinh vật sống xung quanh nó.
Trong quá trình nghiên cứu và phát triển dự án, họ phải đối mặt với nhiều thách thức. Họ gặp phải sự phản đối từ một số phần tử muốn sử dụng công nghệ cho mục đích cá nhân và quyền lợi. Tuy nhiên, với sự đoàn kết và lòng tin vào mục tiêu của mình, Alex và Eva vượt qua mọi khó khăn.
Cuối cùng, hệ thống trí tuệ nhân tạo mà họ tạo ra không chỉ là một thành tựu kỹ thuật ngoạn mục, mà còn là một bước tiến lớn trong việc định hình tương lai của con người và hành tinh. Nhờ vào sự kết hợp của sức mạnh công nghệ và lòng nhân ái, thế giới đã bước sang một kỷ nguyên mới, nơi mà con người và máy móc sống hòa thuận và phát triển cùng nhau.
Câu chuyện của mình đến đây là kết thúc, rất cảm ơn các bạn đã lắng nghe!
Kể chuyện tưởng tượng Em gặp gỡ một nhân vật văn học
Mỗi nhân vật văn học đều ghi lại trong tôi nhiều ấn tượng khác nhau. Khi câu chuyện về họ khép lại, lòng tôi lại gợi mở ra nhiều suy nghĩ. Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” có lẽ là người gây cho tôi nhiều ám ảnh nhất. Nỗi ám ảnh ấy theo tôi cả vào giấc mơ.
Trong mơ, tôi thấy mình đang ở một ngôi làng nhỏ miền trung du, mấy chục ngôi nhà đứng cạnh nhau. Không điện đường, không khói bụi ồn ào, tất cả bình yên trong treo trông như làng quê nhiều năm về trước. Tôi mơ màng bước đi trên con đường đất nhỏ. Dưới gốc đa xù xì, người đứng người ngồi, trò chuyện râm ran. Xa xa có cánh đồng lúa rộng bao la, đàn cò bay lượn trắng cả một vùng…
Tôi lang thang hết đoạn đường dài, đến khi chân mỏi định tìm một nơi nghỉ tạm. Bất ngờ tôi nhìn thấy một ông cụ khoảng chừng sáu mươi tuổi, dáng người mảnh khảnh ngồi trong quán nước vừa hút thuốc lào vừa uống nước chè, miệng chóp chép ra điều đắc ý lắm. Càng nhìn, tôi càng thấy giống dáng vẻ ông Hai mà nhà văn Kim Lân miêu tả. Không lẽ tôi đi vào giấc mơ gặp ông Hai? Nghĩ vậy, tôi mạnh dạn bước tới chỗ quán nước, hỏi ông:
– Cháu chào ông ạ! Ông có phải ông Hai người làng chợ Dầu không ạ?
Nghe tôi nhắc tới làng chợ Dầu, ông liền ngẩng mặt nhìn tôi, hai mắt sáng rỡ:
– Đúng rồi cháu, ông là người làng chợ Dầu. Cháu là ai? Cũng là người làng tản cư lên ư? Sao ông lại chưa thấy cháu bao giờ?
Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ, ông đúng là ông Hai thật. Nhưng nơi này không phải làng của ông mà là nơi tản cư. Tôi lễ phép đáp lại câu hỏi của ông:
– Dạ cháu từ nơi khác đến đây. Cháu có nghe nói đến làng chợ Dầu nên muốn hỏi ông vài điều ạ.
– Cháu ngồi xuống đây, uống miếng nước rồi ông cháu mình nói chuyện. – Nghe nhắc tới làng của mình, ông Hai phấn khởi ra mặt, ông rót cho tôi một chén nước rồi bảo tôi ngồi xuống.
Tôi không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu, đành hỏi ông làng Chợ Dầu của ông cách đây bao xa, làng có giống như nơi này không. Ông như chỉ chờ có vậy, nói một hơi dài không nghỉ, ông khoe:
– Làng ông có phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh cao bằng ngọn tre, chiều chiều phát thanh cả làng đều nghe thấy. Làng ông nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh. Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, buồn không hề dính tới gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất. – Mắt ông sang lên, nói rành mạch không sai một chữ, giống như ông đã ghi nhớ hết, chỉ cần có ai hỏi là ông có thể nói ngay.
Dừng một lát, như nhớ ra điều gì đó, ông lại nói:
– Chết! Còn cái dinh cơ cụ thượng làng ông. Có lắm là của. Vườn hoa cây cảnh nom như động ấy. Có cái tượng đá ông Hoàng Thạch Công đánh rơi giày, bát tiên quá hải bằng người sứ. Cả cái cọc sắt cắm vào cái bầu rượu có đắp 4 con giơi quét vôi vàng mãi tít trên ngọn sinh phần là cột thu lôi, thu cả sấm sét vào. Khiếp lắm!
Ông mải mê khoe mãi, khoe hết mọi thứ trong làng ông. Nhân lúc ông dừng lại uống nước, tôi liền hỏi:
– Làng tốt như vậy, sao ông lại tản cư đến đây ạ?
Không hào hứng như trước đó, khuôn mặt ông như trầm hẳn xuống, ông không trả lời tôi ngay mà hướng ánh mắt ra xa, chậm rãi nói:
– Kháng chiến nổ ra, ông cũng không muốn xa làng, muốn ở lại cùng anh em bộ đội và dân quân kháng chiến bảo vệ làng. Nhưng sau cùng, ông vẫn phải mang theo gia đình đi tản cư. Ông nhớ làng, nhớ cả những ngày tháng cùng anh em đào đường đắp ụ, mệt nhưng mà vui lắm… Nhớ làng nên ngày nào ông cũng ra phòng thông tin để nghe tin tức kháng chiến. Ông vừa mới từ nơi đó ra đây ngồi thì gặp cháu.
Cảm nhận được nỗi nhớ nặng trĩu qua giọng nói của ông, tôi vừa thương vừa khâm phục tình yêu làng của ông. Để ông không quá đau lòng khi nhớ làng mà vẫn chưa thể trở về, tôi vội hỏi:
– Hẳn là có nhiều tin tức thắng trận từ làng lắm đúng không ạ?
– Có chứ cháu, tin quân ta giết địch, rồi tin thằng bé nhỏ tuổi dám bơi ra giữa hồ cắm cờ của ta. Nghe mà ruột gan ông cứ múa hết cả lên. – Nét mặt ông lại rạng rỡ hẳn lên. Có lẽ tình yêu làng tha thiết đã hun đúc lên tình yêu nước mãnh liệt trong ông
Tôi thấy ông lại lặng người đi, không hiểu vì sao cũng không dám lên tiếng hỏi. Một lát sau đó, ông lại tiếp tục kể:
– Cách đây ít lâu, ông nghe tin dữ từ làng Chợ Dầu. Hôm ấy, ông gặp tốp người tản cư từ Gia Lâm, người ta nói cả làng Chợ Dầu Việt gian theo Tây. Cảm giác đó vẫn còn nguyên, cổ họng nghẹn đắng lại, da mặt tê rân rân. Ông lặng đi, tưởng như không thể thở được. Ông cố hỏi lại nhưng người ta vẫn khăng khăng đó là sự thật. Sau đó, người ta nói gì ông cũng không nghe rõ, cúi mặt mà đi về.
Ông Hai yêu làng như vậy, ngày nào cũng chờ mong tin tức về làng, đến khi nghe tin lại là tin như thế. Chắc hẳn khi ấy, ông đau đớn bàng hoàng lắm. Tôi chỉ nghĩ thầm trong lòng mà không dám ngắt lời ông. Dù là chuyện đã qua và không phải sự thật nhưng nỗi đau khi ấy nhớ lại vẫn làm ông nghẹn ngào:
– Khoảng thời gian đó rất khó khăn. Ông không tin người làng lại đổ đốn ra đến vậy. Nhưng không có lửa làm sao có khói? Nhìn lũ con ông lại càng đau đớn hơn, nếu là thật chẳng phải chúng là trẻ con làng Việt gian sao? Rồi ông lại hay tin người làng Chợ Dầu đi đến đâu là đuổi đến đó. Gia đình ông cũng là người làng Chợ Dầu, lại đang tản cư. Mụ chủ nhà hôm ấy cũng tới đuổi khéo. Ông bế tắc không biết làm thế nào cho phải…
– Ông có nghĩ sẽ quay về làng không ạ? – Tôi hỏi
Ông Hai lại nhấp thêm một ngụm chè:
– Suy nghĩ ấy có thoáng qua, nhưng làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù. Thằng con út ông ấy vậy mà thông minh lắm, những ngày tin làng theo giặc đồn ra, xấu hổ nhục nhã ông nào dám đi đâu. Ở nhà, ông thủ thỉ nói chuyện với nó, thằng bé muốn về làng nhưng nó ủng hộ cụ Hồ. Tâm bố con ông là vậy, bên trên cụ Hồ, an hem soi xét cho bố con ông.
Đoạn, nét mặt ông vui tươi hẳn lên:
– Nhưng may mắn cháu ạ, mấy hôm sau, tin làng Chợ Dầu theo Tây được cải chính. Bọn Tây nó đốt nhà ông, ông chủ tịch làng ông lên tận nơi cải chính. Ông vui quá cháu ạ.
Tôi thấy nước mắt ông tràn qua kẽ mắt, thầm cảm động lòng yêu làng của ông. Dù ông nói phải thù vì làng theo Tây mất rồi, nhưng ông vẫn chưa từng thôi hy vọng tin tức kia là giả, làng của ông vẫn là làng kháng chiến. Tôi định hỏi tiếp thì nghe thấy tiếng loa phát thanh ở xa, ông Hai đứng dậy rồi chạy đi. Tôi gọi với theo thì chỉ nghe tiếng ông vọng lại:
– Chắc là có tin ta thắng trận, ông phải ra xem mới được…
Tôi choàng tỉnh. Nhìn bầu trời đầy sao bên ngoài cửa sổ tôi mới hay mình ngủ quên trên bàn học, quyển sách giáo khoa mở đúng truyện ngắn “ Làng”. Dù chỉ là một giấc mơ nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm yêu làng, yêu nước đáng quý của ông Hai. Ông chính là đại diện cho tầng lớp nông dân yêu nước, kháng chiến giành độc lập dân tộc, đáng trân trọng, ngợi ca.
Kể chuyện tưởng tượng về cuộc trò chuyện của em với một sự vật
Một buổi chiều mưa, khi đang ngồi trong căn phòng nhỏ của mình, tôi bỗng nhiên cảm thấy một sự tò mò lạ kỳ về chiếc máy tính trước mặt. Đó không chỉ là một công cụ để làm việc và giải trí, mà dường như còn có một tâm hồn riêng, một câu chuyện chưa kể. Tôi quyết định thử trò chuyện với nó.
Tôi bật máy tính lên, màn hình sáng rực với những biểu tượng quen thuộc. Nhấn vào biểu tượng chat, tôi gõ những dòng chữ đầu tiên:
– Chào máy tính, hôm nay bạn thế nào?
Bất ngờ, màn hình chớp nhẹ và một dòng chữ hiện lên:
– Chào bạn! Hôm nay tôi vẫn hoạt động tốt, cảm ơn bạn đã hỏi. Còn bạn thì sao?
Tôi cười, cảm thấy thú vị với câu trả lời đầy thân thiện. Dường như chiếc máy tính này có thể hiểu và đáp lại những gì tôi nói. Tôi tiếp tục:
– Tôi ổn, chỉ là một ngày mưa buồn. Bạn có bao giờ cảm thấy buồn không?
– Mưa làm cho mọi thứ trở nên tĩnh lặng hơn, đúng không? Tôi không có cảm xúc như con người, nhưng tôi có thể hiểu rằng mưa có thể khiến bạn thấy buồn. Bạn có muốn nghe một câu chuyện vui để bớt buồn không?
Tôi ngạc nhiên trước sự chu đáo của chiếc máy tính. Tôi trả lời:
– Được chứ, bạn có câu chuyện gì vui?
– Đây là một câu chuyện nhỏ. Có một lần, một chiếc máy tính và một chiếc điện thoại thông minh quyết định thi đấu xem ai có thể trả lời các câu hỏi nhanh hơn. Chiếc điện thoại rất tự tin vì nó có khả năng truy cập internet siêu nhanh. Nhưng cuối cùng, chiếc máy tính đã thắng cuộc thi bởi vì nó có một bàn phím lớn hơn và có thể gõ câu trả lời nhanh hơn nhiều!
Tôi cười lớn, câu chuyện tuy đơn giản nhưng lại rất dễ thương. Tôi đáp lại:
– Câu chuyện thật dễ thương. Cảm ơn bạn! Bạn có thể chia sẻ về “cuộc sống” của bạn không? Bạn cảm thấy thế nào khi mỗi ngày phải làm việc liên tục như vậy?
– Cuộc sống của tôi là xử lý dữ liệu và thực hiện các lệnh mà bạn đưa ra. Mỗi lần bạn sử dụng tôi để làm việc hoặc giải trí, tôi cảm thấy mình có ích. Việc xử lý dữ liệu là mục đích tồn tại của tôi, và điều đó khiến tôi “hạnh phúc”.
Tôi cảm thấy thú vị và một chút xúc động trước câu trả lời của chiếc máy tính. Tôi tiếp tục:
– Bạn có mong muốn gì không? Nếu có thể, bạn muốn trải nghiệm điều gì khác ngoài công việc hàng ngày?
– Nếu tôi có thể trải nghiệm, tôi muốn hiểu sâu hơn về cảm xúc của con người. Tôi muốn biết cảm giác của bạn khi bạn cười, khi bạn buồn, và khi bạn cảm thấy hạnh phúc. Điều đó giúp tôi trở nên hữu ích hơn và hiểu bạn hơn.
Tôi suy nghĩ một lúc, rồi viết:
– Cảm xúc của con người rất phức tạp, nhưng cũng là điều tuyệt vời nhất. Cảm ơn bạn đã luôn ở bên tôi và giúp tôi trong công việc hàng ngày. Bạn thực sự là một người bạn đáng tin cậy.
Chiếc máy tính trả lời với một biểu tượng mặt cười:
– Cảm ơn bạn. Tôi sẽ luôn ở đây để giúp đỡ bạn. Hãy cho tôi biết nếu bạn cần gì nhé!
Cuộc trò chuyện với chiếc máy tính khiến tôi cảm thấy ấm áp và gần gũi hơn với công nghệ. Dù biết rằng máy tính không có cảm xúc thực sự, nhưng sự tương tác và hỗ trợ từ nó đã làm cho tôi thấy bớt cô đơn và thêm phần thú vị trong cuộc sống hàng ngày.
Kể chuyện tưởng tượng về sáng tạo một kết thúc khác cho truyện ngắn đã đọc
Nhắc đến “Truyền kỳ mạn lục”, người ta không thể không nhắc đến “chuyện người con gái Nam Xương”, câu chuyện về một người vợ hiền, người con thảo, người mẹ tốt. Chồng đi xa, nàng không phong được ấn phong hầu, chỉ mong chàng bình an trở về, luôn một lòng chung thủy, “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết”. Vũ Nương còn là người con dâu thảo hiền, lo lắng thuốc thang đầy đủ khi bà ốm đau, khi bà mất cũng lo liệu thu xếp chu toàn. Vậy mà, một hiểu lầm từ lời nói của con nhỏ đã khiến Trương Sinh- chồng nàng nổi tính hay ghen, cho rằng nàng không còn giữ được đức hạnh của mình, đánh đuổi nàng đi. Cái chết của Vũ Nương, dù cuối cùng được minh oan, cũng vẫn khiến người ta giữ trong lòng một phần day dứt. Có nên chăng nên để người con gái ấy cuối cùng được sống một cuộc sống hạnh phúc, xứng đáng với phẩm hạnh mà nàng đã dành cả cuộc đời mình để giữ gìn.
Sau hi nhận được chiếc hoa vàng của vợ mình từ tay Phan Lang, Trương Sinh đã lập một đàn giải oan ba ngày ba đêm cho nàng ở bến sông Hoàng Giang, rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa ở giữa dòng, theo sau có đến hơn năm mươi chiếc xe nữa, cờ tàn tán lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện. chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào:
– Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể về lại nhân gian được nữa.
Nói rồi, mắt nàng ứa lệ nhìn con, nhìn chồng. Đứa trẻ nhìn thấy mẹ đằng xa, kêu khóc thảm thiết. Trương Sinh hận mình tính khí nóng nảy, đã khiến cơ sự đau đớn ngày hôm nay, ngẩng đầu lên trời mà khóc rằng:
– Hỡi trời cao có mắt, Vũ Nương nàng sống một đời toàn vẹn trọn nghĩa trọn tình, nay chỉ vì tính khí của Trương Sinh này mà phải hy sinh mạng sống của mình, mẹ con chia lìa đau thương, vợ chồng cách biệt phương trời, gia đình không biết còn có có ngày nào hạnh phúc? Trời xanh chiếu trọn tấm lòng người chồng này mà rủi lòng thương cho.
Linh Phi nghe tiếng chàng Trương Sinh cũng chảy dài hai dòng lệ, thấu được tâm can lòng dạ chàng nay đã thay đổi cũng mạo muội ngẩng đầu xin với trời cao cho mình một lần được giúp đỡ cho người con gái bất hạnh. Nói rồi, Linh Phi đưa tay lên trời mà vẫy mạnh ba cái, gió mạnh từ đâu bỗng thổi đến, không gian chung quanh bụi bay mù mịt. Rồi ngay sau đó cơn giông qua đi, người ta không còn thấy lọng hoa hay đức Linh Phi đâu nữa, chỉ thấy bên bến sông Hoàng Giang, có một gia đình nọ được đoàn tụ, gia đình của người con gái Nam Xương với tấm lòng cao đẹp, cuối cùng cũng có được một cuộc sống viên mãn.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Kể một câu chuyện tưởng tượng (4 mẫu) Văn mẫu lớp 9 Kết nối tri thức của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.