Ngày 13/3, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết ca tử vong là nữ, 42 tuổi, điều trị từ ngày 28/2 với triệu chứng mờ mắt, đau đầu, buồn nôn, lơ mơ dần rồi hôn mê, não tổn thương nặng. Bác sĩ cấp cứu giải độc, lọc máu, tuy nhiên não bệnh nhân không thể hồi phục, gia đình xin đưa về nhà.
Trung tâm đang điều trị ba ca nặng khác là thiếu niên 17 cũng hôn mê, tổn thương não cả hai bên, sau khi giải độc, lọc máu thì tri giác cải thiện nhưng não, mắt vẫn bị tổn thương. Một thanh niên 18 tuổi bị mất thị lực gần hoàn toàn (chỉ phân biệt được sáng tối), đồng tử giãn hai bên. Một nam công nhân khác, 16 tuổi, nhiễm độc methanol nặng giai đoạn muộn, cũng bị tổn thương mắt nặng nề, mù.
Ngoài ra, hai bệnh nhân khác bị tổn thương mắt mức độ nhẹ hơn. Những bệnh nhân còn lại hiện sức khỏe ổn định.
37 công nhân này làm việc tại Công ty TNHH HSTECH Vina, trụ sở ở Bắc Ninh. Đây là công ty sản xuất linh kiện điện tử, trong đó có một loại sản phẩm được sản xuất từ công đoạn cắt bằng dao. Trong công đoạn này, máy có phun cồn ethanol để làm mát dao cắt. Ngoài ra, một số linh kiện sau đó không sạch sẽ, được các công nhân lau sạch bằng hóa chất này.
Tuần cuối tháng 2, công ty sử dụng lô cồn ethanol mới. Sau đó, nhiều công nhân có dấu hiệu mệt, đau đầu nên xin về nghỉ, lần lượt có triệu chứng ngộ độc và nhập viện cấp cứu. Người nhà bệnh nhân lấy mẫu loại cồn công ty sử dụng gửi Trung tâm Chống độc xét nghiệm bằng phương pháp sắc ký khí. Kết quả cho thấy nồng độ methanol trong máu các bệnh nhân hơn 77%, là mức rất cao, và không có ethanol.
“Các công nhân đã nhiễm độc methanol qua đường hô hấp do hít phải không khí có methanol, và một phần qua da khi da tiếp xúc với độc chất”, bác sĩ Nguyên kết luận.
Hiện, Bệnh viện Bạch Mai đã báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan chức năng về vụ nhiễm độc, yêu cầu công ty khẩn cấp cho công nhân đi khám, đưa người có biểu hiện bất thường vào viện cấp cứu.
Methanol là cồn công nghiệp, công thức hóa học là CH3OH, được sử dụng để làm dung môi pha sơn, dung dịch tẩy rửa, nước hoa, chất chống đông lạnh, chất lỏng máy photo… Do độc tính cao, methanol được khuyến cáo dùng một lượng hạn chế trong công nghiệp.
Đây là vụ nhiễm độc methanol qua đường hô hấp và qua da trong điều kiện lao động đầu tiên, có tính chất tập thể. Những vụ ngộ độc methanol trước đây chủ yếu do uống rượu.
Theo bác sĩ Nguyên, ngộ độc methanol bằng đường uống chỉ ảnh hưởng đến người uống rượu chứa methanol, còn nhiễm độc qua da hay đường hô hấp cùng lúc có thể gây ngộ độc cho nhiều người. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm cho nạn nhân là như nhau, tùy hít hoặc nhiễm lượng methanol nhiều hay ít. Do đó, các doanh nghiệp có sử dụng methanol cần lưu ý đảm bảo an toàn lao động cho công nhân, tránh gây ngộ độc.
Vài năm trước, Trung tâm Chống độc điều trị một công nhân xưởng sản xuất cồn khô bị nhiễm độc methanol, do tiếp xúc qua da và đường hô hấp, tổn thương mắt và di chứng não.
Lê Nga
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hon-hai-tuan-chua-tri-37-cong-nhan-ngo-doc-methanol-4580763.html