“Thế trường xét học bạ trước hay sau khi thi tốt nghiệp? Em phải chuẩn bị những gì?”, Giang, sống tại Hà Nam, ngơ ngác.
Giang còn nhầm lẫn về nguyên tắc xét tuyển đại học, em không biết dù đặt nguyện vọng 2 hay 3, em vẫn được xét tuyển tương đương với các bạn đặt ngành đó ở nguyện vọng 1.
“Em vẫn nghĩ các trường sẽ xét hết những bạn đặt nguyện vọng 1, rồi mới xét đến các nguyện vọng sau. Nên trượt cái đầu coi như trượt cả, rất khó trúng nguyện vọng sau”, Giang nói.
Minh Khang, lớp 12, trường THPT Ngô Quyền, Đồng Nai, nghĩ không cần đăng ký xét tuyển sớm với các đại học, chỉ cần đăng ký nguyện vọng lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 7. Tuy nhiên theo quy định, trước đó các em cần đăng ký, nộp hồ sơ cho trường đại học.
Giang và Khang nằm trong số nhiều học sinh đang lơ mơ, nhầm lẫn về phương thức xét tuyển sớm và quy trình xét tuyển đại học năm nay. Trong khi đó, số thí sinh nhập học theo các phương thức xét tuyển sớm năm ngoái chiếm hơn 50% trong tổng số 521.000 người trúng tuyển.
Thầy Nguyễn Văn Đức, giáo viên Toán, trường THPT Đồng Quan, Hà Nội, cho biết trong 47 học sinh của lớp 12 mà thầy chủ nhiệm, chỉ khoảng một nửa nắm rõ phương thức, quy trình xét tuyển đại học. Con số này tương tự tại trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội, theo khảo sát của một giáo viên chủ nhiệm khối 12.
Cuối tháng 4, Đại học Quốc gia TP HCM thấy bất thường khi lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sớm bằng điểm thi đánh giá năng lực chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số thí sinh dự thi cao kỷ lục – hơn 88.000. Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo khảo sát nhanh, kết quả cho thấy nhiều thí sinh nghĩ không cần đăng ký xét tuyển tại trường, mà chỉ cần đăng ký trên hệ thống chung của Bộ vào tháng 7.
Theo tiến sĩ Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, trường Đại học Thuỷ lợi, có ba nguyên nhân khiến thí sinh chưa nắm rõ các phương thức và quy trình xét tuyển đại học.
Đầu tiên là do các em chưa chủ động tìm hiểu kỹ. Quy chế tuyển sinh đại học năm nay gần như không thay đổi so với năm ngoái, trừ phần tính điểm ưu tiên. Nếu tìm hiểu từ năm ngoái, thí sinh vừa có thể tiết kiệm thời gian, vừa nắm chắc quy định.
Lý do thứ hai, học sinh và thầy cô đang tập trung ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, chưa tập trung tìm hiểu quy chế xét tuyển đại học. Các trường THPT cũng thường tổ chức tư vấn tuyển sinh, tập huấn quy chế xét tuyển đại học sau khi thi tốt nghiệp.
Thứ ba là hoạt động truyền thông của các trường đại học chưa thực sự hiệu quả. Các trường đại học chủ yếu chia sẻ thông tin tuyển sinh trên fanpage, website, các hoạt động tư vấn tuyển sinh chủ yếu tại các thành phố lớn, chưa đến được tới học sinh nông thôn.
Nguyên nhân thứ tư, theo thầy Nguyễn Văn Đức, là có quá nhiều phương thức tuyển sinh, khiến học sinh bối rối. Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và xếp mã cho 20 phương thức, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn, bởi phương thức 20 có tên “sử dụng phương thức khác”. Các trường đại học thuờng áp dụng đồng thời 3-5 phương thức, có trường 7, kết hợp cả thi tuyển, xét tuyển, phỏng vấn. Cùng một phương thức nhưng yêu cầu, cách tính điểm giữa mỗi trường vẫn có thể khác nhau.
“Giáo viên còn loạn, nói gì học sinh”, thầy Đức nói.
Cô Trần Thị Minh Đức, Phó hiệu trưởng trường THPT Đào Sơn Tây, TP HCM, cũng thừa nhận dù phụ trách tư vấn hướng nghiệp đã lâu vẫn có lúc bối rối với các trường có nhiều phương thức tuyển sinh.
Khi không nắm chắc các phương thức và nhầm lẫn yêu cầu, quy trình xét tuyển, thí sinh có thể trượt đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM, ví dụ xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực là một trong các phương thức xét tuyển sớm. Thí sinh cần đăng ký xét tuyển trên cổng của Đại học Quốc gia TP HCM hoặc những trường sử dụng điểm thi này. Sau đó, các trường sẽ công bố danh sách những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Để được công nhận trúng tuyển chính thức, những em này cần nhập nguyện vọng lên hệ thống chung của Bộ. Các phương thức xét tuyển sớm khác cũng tương tự.
Do đó, nếu bỏ qua bước đăng ký với các trường, hiển nhiên thí sinh không thể trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm, dẫn tới nguy cơ trượt đại học, dù có thể thừa điểm.
Để không “trượt oan”, học sinh nên tiếp cận các kênh thông tin chính thống như báo chí, website, fanpage của trường đại học, ông Thạc khuyên. Các em cần cảnh giác với các hội nhóm ôn thi trên mạng xã hội. Ông Thạc cho biết nhiều hội nhóm giả danh, đăng thông tin gây sốc nhằm tăng số thành viên, sau đó chuyển thành hội nhóm bán hàng hoặc mục đích khác. Do đó, khi có thắc mắc về tuyển sinh, các em nên liên lạc với giáo viên hoặc trường đại học để được hỗ trợ.
Mặt khác, trường đại học cũng cần chăm sóc các kênh thông tin của mình, chú trọng tiếp cận học sinh ở các vùng xa. Theo ông Thạc, học sinh hầu hết dùng Facebook, TikTok nên cần tận dụng các kênh này. Các trường cũng nên đăng ký “tích xanh” cho fanpage, tức là trang đã được xác minh, giúp học sinh yên tâm trước mỗi thông tin được phát ra.
Về phía trường, cô Trần Thị Minh Đức cho biết trường Đào Sơn Tây yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chủ động tìm hiểu các phương thức, nguyên tắc và quy định xét tuyển đại học, dự ngày hội tư vấn tuyển sinh do các trường đại học tổ chức để hỗ trợ học sinh. Theo cô Đức, thầy cô là đội ngũ “tư vấn viên” quan trọng.
“Giáo viên phải đóng vai trò như học sinh, dự đoán các em thường gặp khúc mắc trong vấn đề nào để hỏi các trường đại học thật kỹ”, cô Đức nói.
Hiện, hầu hết trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh, nhận hồ sơ xét tuyển sớm bằng các phương thức như xét học bạ; xét tuyển kết hợp điểm học bạ với giải học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế; xét điểm thi đánh giá năng lực…
Sau khi được giáo viên giải thích, Minh Khang đã hiểu mình nhầm lẫn ở đâu. Nam sinh quê Đồng Nai mới hoàn thành hồ sơ xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ, giải học sinh giỏi và chứng chỉ tiếng Anh để đăng ký vào trường Đại học Kinh tế TP HCM.
Còn Hương Giang, khi biết Học viện Báo chí và Tuyên truyền xét học bạ, nói “sẽ làm hồ sơ luôn”.
“Ngoài nguyện vọng vào báo chí, em còn thích ngành kinh tế. Em sẽ đọc các phương thức, nguyên tắc xét tuyển của các trường đại học, hy vọng bây giờ chưa quá muộn”, Giang nói.
Thanh Hằng – Lệ Nguyễn
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hoc-sinh-lo-mo-truoc-20-cach-xet-tuyen-dai-hoc-4604466.html