Thúy Quỳnh, 21 tuổi, đang theo học năm thứ hai ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Quỳnh trúng tuyển thực tập tại L’Oréal, Rolls Royce và Shiseido hồi tháng 12/2022 và quyết định chọn L’Oréal. Nữ sinh nói mình là thực tập sinh người Việt đầu tiên của công ty này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi.
Trước đó, Quỳnh đã xin vào thực tập tại một công ty tổ chức sự kiện. Suốt ba tháng ở đây, Quỳnh làm việc trong mảng SEO, viết bài cho website của công ty và tối ưu hóa các từ khóa tìm kiếm để trang web trong top tìm kiếm của Google.
Theo Thúy Quỳnh, em dành cả năm thứ nhất để chuẩn bị CV (sơ yếu lí lịch) và luyện kỹ năng trả lời phỏng vấn trước khi ứng tuyển vào các công ty lớn. “Nếu không thành công thì em cũng biết thiếu sót ở đâu để năm sau làm tốt hơn”, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore nói.
Dưới đây là kinh nghiệm chuẩn bị CV và phỏng vấn của Quỳnh:
Viết CV thật cụ thể
Quỳnh cho hay viết CV là môn học bắt buộc với sinh viên năm thứ nhất tại NUS. Sinh viên được chuyên gia hướng dẫn cách viết một CV chuẩn, rồi thực hành. Sản phẩm sẽ do một ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) chấm điểm làm điều kiện qua môn.
CV luôn bắt đầu bằng thông tin cá nhân, gồm tên, số điện thoại, địa chỉ email hoặc thêm đường dẫn Linkedin; sau đó đến phần học thuật (học ở đâu, có bằng cấp gì); kinh nghiệm làm việc; các hoạt động ngoại khóa hoặc giải thưởng.
Phần quan trọng nhất là kinh nghiệm làm việc, theo Quỳnh. Dưới phần này, các gạch đầu dòng sẽ bắt đầu bằng một động từ chủ động, ví dụ “lead a team” (lãnh đạo nhóm). Quỳnh dẫn chứng, nếu liệt kê kinh nghiệm viết bài trên mạng xã hội, thay vì động từ “write” (viết), em sẽ dùng “plan communication strategy” (xây dựng kế hoạch truyền thông).
“Cuối cùng, bạn phải nói được hiệu quả công việc mình làm và bắt buộc đưa ra một con số”, nữ sinh chia sẻ. Quỳnh có 6 tháng làm truyền thông tại Việt Nam và có đóng góp vào sự tăng trưởng của công ty. Vì thế, nữ sinh viết: “Optimized communication plans and obtained 10% increase in click rate after 3 months” (tối ưu hoá kế hoạch truyền thông và đạt 10% tăng trưởng về tỷ lệ click chuột sau ba tháng).
Quỳnh cho rằng, nếu không có con số, CV không khác gì phần mô tả công việc mà bộ phận nhân sự đăng lên. Một bản CV cho thấy ứng viên từng trải qua công việc gì và kết quả ra sao sẽ giúp nhà tuyển dụng xác định xem bạn có phù hợp với công việc, môi trường làm việc ở công ty hay không.
Ngoài ra, sinh viên có thể ghi thêm thông tin về sở thích hay mối quan tâm trong CV. Tuy nhiên, ứng viên nên viết những gì thực sự là của bản thân để tự tin trình bày nếu vào được vòng phỏng vấn.
Tìm hiểu về công ty và người phỏng vấn
Theo Quỳnh, NUS có nhiều hội thảo hướng dẫn sinh viên chu trình phỏng vấn trong một tập đoàn đa quốc gia. Quỳnh tranh thủ tham gia tất cả để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, gặp gỡ các huấn luyện viên nghề nghiệp.
Trước các cuộc phỏng vấn, Quỳnh tìm hiểu về công ty, ngành hàng họ đang tham gia và những bài báo nói về họ, những từ ngữ thường dùng trong lĩnh vực.
“Rolls Royce Singapore là trụ sở chính của khu vực và hiện tại bán động cơ máy bay. Nếu không tìm hiểu kỹ, bạn có thể mắc sai lầm vì công ty đã bán mảng bán xe hơi cho hãng khác”, Quỳnh nói, cho biết đã tìm các anh, chị từng làm ở đây để hỏi thăm và xin lời khuyên.
Quỳnh cũng lên danh sách câu hỏi phỏng vấn rồi tưởng tượng các tình huống và phương án trả lời.
Trong ba cuộc phỏng vấn, Quỳnh thích nhất cuộc gặp với quản lý tuyển dụng của L’Oréal. Khác với hai công ty trên, sau khi nộp CV, ứng viên phải trả lời một số câu hỏi trên website tuyển dụng của công ty để bộ phận nhân sự xem xét, quyết định người vào vòng tiếp theo. Vượt qua phỏng vấn với nhân sự, ứng viên mới được gặp quản lý tuyển dụng.
Quỳnh đã lên Linkedin tìm hiểu và biết quản lý phỏng vấn mình là người Ấn Độ, có thâm niên trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Người này làm chính về nghiên cứu thị trường nên hiểu rõ về công việc liên quan đến dữ liệu.
“Nhờ đọc hồ sơ của cô trên Linkedin trước nên khi đi phỏng vấn, em có cảm giác gặp lại cô. Em cảm thấy thoải mái và yên tâm hơn”, Quỳnh cho hay.
Quỳnh nhớ nhất câu hỏi “em đã làm việc với dữ liệu như thế nào?”. Nữ sinh đã kể về thời gian quản lý mạng xã hội ở một trường phổ thông tại TP HCM năm 2020. Qua quá trình làm việc, Quỳnh nhận ra khi đăng các bài viết có hình ảnh học sinh tham gia hoạt động ở trường, lượng tương tác cao hơn hẳn dạng bài khác. Từ đó, em thay đổi cách viết, thường kể lại các hoạt động để phụ huynh thấy con học ở trường như thế nào, sau đó lồng ghép với các thông tin của nhà trường.
“Cô ấy hiểu em đã nhìn được vào biểu đồ của Facebook và biết tại sao hiệu quả nội dung đó cao hay thấp”, Quỳnh nói.
Quỳnh muốn làm trong lĩnh vực quản lý thương hiệu. Lĩnh vực này cần làm việc với nhiều bộ phận như nghiên cứu thị trường, tài chính và các công ty cung cấp dịch vụ truyền thông, marketing, quảng cáo. Kỳ thực tập là cơ hội giúp em hiểu quy trình làm việc, có nền tảng kiến thức và kinh nghiệm.
Nữ sinh cho hay, sinh viên Singapore có lợi thế xin việc hơn do các công ty ở đây có cam kết với chính phủ tạo việc làm cho sinh viên bản địa. Những sinh viên quốc tế như Quỳnh phải nỗ lực để chứng minh khả năng mới được tuyển.
Quỳnh gợi ý khi chọn nơi thực tập, sinh viên nên chọn công việc mình có hứng thú, thay vì thương hiệu của công ty. Một số công ty tuyển thực tập sinh không lương. Tuy nhiên, Quỳnh khuyên nên cân nhắc bởi đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
“Việc công ty sẵn sàng bỏ ra cái gì đó để giữ bạn chứng tỏ bạn có khả năng đem lại giá trị và họ cần bạn thực sự. Bạn cũng cảm thấy có động lực để đóng góp”, Quỳnh nói.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hai-kinh-nghiem-ung-tuyen-thuc-tap-sinh-tai-singapore-4567777.html