Gia Lai là tỉnh có điện tích lớn thứ 2 Việt Nam, và là một tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc của vùng Tây Nguyên, miền Trung, Việt Nam. Nhắc đến Gia Lai, du khách thường nghĩ đến những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, thiên nhiên hùng vĩ với những thác, ghềnh trải dài theo sườn núi, hay đồi chè, đồi cafe bạt ngàn xanh thẳm. Bên cạnh đó, ẩm thực tại Phố Núi cũng rất đa dạng và phong phú, là một trải nghiệm thú vị khi đặt chân đến vùng đất này.
Thưởng thức đặc sản, món ngon Gia Lai cũng là cách để tìm hiểu nền văn hóa đa dạng, độc đáo, cùng với những tinh hoa ẩm thực nơi đây. Vì vậy, nếu có dịp khám phá vùng đất Tây Nguyên này, du khách đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức các món ngon ở Gia Lai được giới thiệu ngay dưới đây nhé.
1. Phở Khô Gia Lai
Phở khô hay còn gọi phở 2 tô, đây là món ăn đặc trưng của người Gia Lai. Khi thưởng thức món ăn này, du khách sẽ được phục vụ 2 tô, một tô bánh phở và một tô nước lèo chế biến theo phương thức gia truyền của mỗi quán. Khi thưởng thức, cả bánh phở và nước lèo sẽ hòa quyện cùng nhau tạo nên một hương vị khó quên với du khách.
Khác với những nơi khác, phở Gia Lai có sợi nhỏ như hủ tiếu, nhưng săn và dai hơn. Bánh phở được làm từ bột gạo cay, nên sợi nhỏ mềm và dai. Ngoài sợi phở, nước dùng là yếu tố quan trọng làm nên sự ngon miệng của món ăn. Nước lèo của phở khô Gia Lai trong veo và thanh ngọt, vì nước lèo được ninh từ xương lợn và bò. Ngoài ra, tô nước lèo còn được cho thêm vài viên chả bò, đôi ba miếng bò tái thái lát mỏng hay thịt gà, điểm xuyết màu xanh của hành lá rau thơm hấp dẫn vô cùng.
2. Gà Nướng
Du lịch Gia Lai thì nhất định phải thưởng thức gà nướng, đó là thói quen của nhiều du khách khi tới xứ cao nguyên trù phú này. Loại gà được chọn là gà nuôi thả ở các mé rừng, với kiểu chăn thả tự do, nên thịt rất săn chắc, da mỏng và thơm ngon. Gà được chọn làm món nướng thường hơn 1kg, gà được làm sạch để ráo nước, được đâm thủng nhiều chỗ trên da để gia vị được thấm đều nên trông không đẹp mắt. Tuy công thức gia vị để ướp món gà này không được tiết lộ, nhưng khi thưởng thức sẽ cảm nhận được hương mật ong, hương tỏi, sả, ngũ vị hương hòa quyện.
Trong quá trình nướng phải chú ý điều chỉnh cho than vừa đủ để làm thịt chín mà không bị cháy, thường xuyên quay trở các bề mặt của gà chín đều. Để tăng thêm hương vị khi thưởng thức, gà nướng được chấm với loại muối hạt, ớt, lá é, loại lá này sẽ làm tăng mùi vị đặc trưng cho món gà. Tại Pleiku, gà nướng được bán ở một số quán nổi tiếng, chỉ cần hỏi thăm người đân địa phương thì sẽ được hướng dẫn tận tình.
3. Heo Sọc Dưa
Giống heo sọc dưa nhỏ con nhưng thịt rất ngon, được người dân nuôi thả rông cạnh các bìa rừng. Thường ngày, chúng chạy từng đàn vào rừng suối dạo chơi, tìm thức ăn từ củ riềng, lá cỏ, giun dế, ếch nhái, côn trùng… Để chế biến thành món ăn, heo được chọn phải thon dài, chân cao, mỏ dài, cổ thon mới đạt chuẩn. Một con heo với trọng lượng 6-7kg cho mười thực khách, và chế biến được nhiều món như: heo giả cầy được nấu với mẻ chua, heo chiên mắm ăn kèm cùng bánh hỏi, lòng dồi, heo hấp, ba chỉ nướng giòn, lòng đắng, xương nấu măng dùng chung với bún tươi…
Để thưởng thức các món ăn từ heo sọc dưa, du khách có thể đến các nhà hàng, hiện nay heo sọc dưa trở thành món ăn đặc sản, mang hương vị bản địa nhận được nhiều sự ưa thích của thực khách. Đặc biệt, món lòng đắng được chế biến từ heo sọc dưa trở thành món ăn đặc trưng của người dân bản địa. Món ăn là kết hợp của vị đắng từ khổ qua, vị cay nồng của ớt, vị chát của chuối và chua chua của khế lá giang. Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức món xương nấu măng, hoặc su su cũng rất ngon.
4. Bún Cua Thối
Bún cua thối là món ăn đặc sản Gia Lai nặng múi rất đặc biệt, với những ai chưa từng thưởng thức món này thì khi nghe tên gọi có thể làm du khách chùn bước bởi mùi hương đặc trưng của món ăn. Cũng với các nguyên liệu quen thuộc như: cua đồng, thịt ba chỉ, bún, măng, nem, bánh phồng tôm, da lợn chiên giòn và nhiều loại gia vị… cùng với bàn tay khéo léo của người chế biến đã tạo nên món ăn lạ lùng này.
Cua là nguyên liệu chính của món ăn, người đầu bếp thường chọn cua đông chắc thịt. Sau đó được làm sạch và nấu mắm. Loại mắm cua này được lên men tự nhiên nên sẽ có mùi vị nồng khiến nhiều người sẽ phải e dè khi tiếp xúc. Tuy nhiên, nếu đã trải nghiệm các món ăn độc lạ tại Tây Nguyên thì món bún cua thối này lại có sức hấp dẫn khó cưỡng lại. Khi thưởng thức món bún cua thối, du khách sẽ ăn kèm với các loại rau sống tươi ngon như: xà lách, bắp chuối, giá đỗ, rau kinh giới, rau thơm, rau ngổ… Món bún cua thôi có mùi vị đặc trưng nên kén người ăn, thế nhưng chỉ cần thưởng thức một lần sẽ khiến người ta gật đầu trầm trồ món ăn gây thương nhớ này.
5. Cá Sông Sê San
Nhắc đến đặc sản từ sông Sê San người ta nhớ ngay đến các món từ cá như: cá Anh Vũ, cá Lăng, cá Sọc dưa…. Cá sông Sê San được nhiều người biết đến trong thời gian gần đây, với cách chế biến đa dạng và giàu chất dinh dưỡng. Có thể kể tên một số món ăn từ cá sông Sê San tại các nhà hàng Gia Lai như: Cá nấu măng, cá hấp gừng, cá hấp hoa chuối, cá um chuối xanh, cá chiên gừng, cá nướng, gỏi cá, lòng cá xào cà đắng….
Nổi bật nhất là cá lăng, cứ vào đầu mùa mưa cá lăng bơi theo từng đàn, đua nhau vùng vẫy làm náo động cả một vùng sông nước mênh mông. Vào mùa mưa lũ, cá lăng thỏa sức vùng vẫy, người dân khi đó chỉ cần dùng những dụng cụ thô sơ như lao, dao, thòng lọng… là có thể săn bắt được cá lăng lớn. Vì thế, cá lăng luôn được nhiều du khách lựa chọn bởi đây là loại cá sạch, an toàn, bổ dưỡng, có giá trị sức khỏe cao, làm tăng thị giác, thính giác….
6. Cá Chốt Nướng Chắc Thịt
Cá chốt Gia Lai thuộc họ cá da trơn, thịt có màu vàng óng hoặc màu trắng, chỉ sống ở những khe đá tại khu vực nước chảy xiết. Do đặc tính thích bơi ngược dòng nước nên thịt cá thường rất chắc và thơm ngon, đặc biệt là dai và béo ngậy. Để thưởng thức món cá chốt ngon nhất, du khách nên đến Gia Lai vào khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch. Lúc này Tây Nguyên vào mùa lũ, nước chảy xiết nên cá chốt thường bơi ngược dòng.
Cá chốt được chế biến thành nhiều món, du khách có thể thưởng thức món canh chua cá chốt ngon ngọt, món cá chốt kho tộ, và ngon nhất là cá chốt nướng. Cá chốt sau khi được làm sạch đầu, vây, ruột… thì được bỏ lên bếp than nướng. Cá chốt nướng thường được ăn cùng với các loại rau sống, rau gia vị, bánh tráng và đặc biệt phải có muối é hoặc muối kiến cỏ. Vị cay ngọt thơm của muối, cùng với thịt cá nướng thơm ngon béo ngậy sẽ mang đến cho thực khách một món ăn tuyệt vời.
7. Lá Mì Xào Cà Đắng
Lá mì xào cà đắng là món ăn thường ngày của người đân địa phương ở Gia Lai. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây món ăn này trở nên quen thuộc với nhiều du khách khi đến vùng đất đỏ bazan này. Món ăn chính là sự kết hợp giữa lá mì non hơi chan chát xào cùng với các loại cà đắng giòn thơm tạo nên một hương vị đặc trưng của món ăn. Nhờ hương vị đặc trưng đó, mà món ăn này không chỉ phục vụ thực khách trong tỉnh, mà còn ghi dấu ấn khó phai với thực khách phương xa.
Để làm được món ăn này, người chế biến phải dùng lá mì non, rửa sạch để ráo nước rồi vò và giã nhuyễn. Phần cà đắng cũng được sơ chế sạch, bỏ phần núm cá rồi bổ đôi. Thêm vào đó là ớt xanh cắt lát hoặc để nguyên quả, cho thêm gia vị rồi trộn hỗn hợp lên, nêm cho vừa miệng là có thể thưởng thức. Món lá mì xào cà đắng được người dân ăn quanh năm, người chế biến có thể cho thêm chút thị cho món ăn hấp dẫn hơn. Để thưởng thức món ăn này một cách ngon và đúng vị nhất, du khách nên tới làng Plei Ốp, làng Choét nhờ đồng bào nơi đây chế biến ăn thử.
8. Cơm Lam
Cơm lam hay còn được gọi cơm nướng ống là món ăn quen thuộc của người dân núi rừng Tây Nguyên, món ăn chứa đựng sự ngọt ngào của suối và hương vị thơm ngon của loại gạo đặc biệt nơi đây. Cơm lam là món ăn đặc sản Gia Lai được ăn kèm với gà sa lửa ngon đúng điệu. Để có được món cơm lam nướng ống ngon đòi hỏi sự chuẩn bị tỉ mỉ, sự khéo léo khi chọn nguyên liệu, và công đoạn nướng cơm trên than hồng.
Đầu tiên là lựa chọn cây nứa, tre. Loại tre, nứa này phải còn non chặt lấy gióng lưng chừng bỏ đầu mặt, lấy lá làm nút. Kế tiếp là chọn gạo, phải chọn loại gạo dẻo, thơm, sau đó ngâm với nước, vo sạch và thêm một ít muối trộn đều sau cùng là cho gạo vào ống tre, nứa dùng lá dong nút chặt lại rồi mang đi nướng. Khi lửa cháy đượm, cơm lam sẽ chín nhưng người nướng phải thật khéo thì mới cho ra được mẻ cơm ngon. Cơm lam sau khi chín được bày trí đẹp mắt, du khách nên thưởng thức khi còn ấm nóng. Cơm lam ngon khi được ăn cùng với thịt gà nướng sa lửa. Khi đó hương vị của cơm lam sẽ càng hấp dẫn gấp bội.
9. Yaourt Thủy
Du lịch Gia Lai chắc chắn ai cũng được nghe qua món sữa chua chấm muối, là một món đặc sản Gia Lai với cách ăn thật khác biệt. Sức hút của món sữa chua chấm muối thật sự rất đáng gờm khi nó trở thành món đặc sản, độc đáo hợp khẩu vị của nhiều người. Đến với phố núi Gia Lai ngày nắng nóng, được thưởng thức món Yaourt hay một ly kem là điều tuyệt vời. Món Yaourt Pleiku là sự kết hợp giữa vị chua ngọt lên men tự nhiên và kèm theo một chút béo ngậy của dừa, sữa và thêm vị mặn ăn kèm với muối nên rất ngon và lạ miệng.
Để thưởng thức món ăn này, du khách ghé đến quán Yaourt Thủy trên đường Nguyễn Du (gần sân vận động) hay các quán yaourt trên đường Cù Chính Lan điểm đến thích hợp nếu du khách muốn thưởng thức món ăn này. Không chỉ có tác dụng giải nhiệt, sữa chua chấm muối ở Gia Lai còn có giá rẻ. Thế nên, khám phá phố núi Pleiku mà không thưởng thức món ăn này thì quả thật sẽ rất tiếc nuối đấy.
10. Măng Chua Rừng
Là một vùng đất gần với núi rừng, Gia Lai có nhiều món ăn truyền thống gắn liền với rừng cây. Đặc biệt phải kể tên món măng chua, một sản vật tươi ngon được Mẹ thiên nhiên ban tặng. Măng ngon và tươi sẽ được làm sạch và giã dập cùng với ớt rồi mang đi ngâm cùng với một chút ớt, tỏi, muối, gừng. Khoảng chừng hai tuần, măng chua đến độ vừa dùng, miếng măng giòn tan, cả nước lẫn cái đều có vị chua, cay, đắng, ngọt. Măng chua nấu với cá trê, măng chua nấu gà khiến bạn ăn quên no…
Khoảng tháng 5 âm lịch, mùa mưa bắt đầu cũng là lúc rừng le cho những búp măng ngon ngon ngọt. Măng sau khi được hái về thì thái mỏng, phơi nắng hoặc sấy lò, làm thành món măng khô đặc sản không phải ở đâu cũng có được. Trong tất cả các loại măng thì măng le là được ưa chuộng nhất bởi đặc ruột, ngọt, bùi, và không có vị đắng, lúc tươi thì mát lành, lúc khô thì có độ giòn dai. Nếu có dịp ghé thăm Gia Lai, du khách nên thưởng thức món măng chua rừng, hoặc có thể mua món quà đặc sản về làm quà cho gia đình, và bạn bè.
11. Thịt Bò Nướng Ống Pleiku
Thịt bò nướng ống Pleiku là đặc sản thơm ngon pha trộn hương thơm của các loại rau rừng, cùng cách chế biến độc đáo đã tạo nên một món ăn thơm ngon với hương vị khó quên. Nguyên liệu chính của món ăn là thịt bò, thịt được thái miếng vừa ăn, trộn cùng với các loại gia vị như sả, lá é… được giã nát, ướp khoảng 30 phút cho vào ống. Sáu đó được nướng chín nhưng không có mùi khói, thay vào đó là vị ngọt của thịt bò cùng hương thơm quyến rủ của các loại rau rừng trong món ăn.
Loại thịt bò được chọn chế biến món ăn phải là loại bò tơ, có thịt mềm, là thịt bò được chăn thả rong trên các cánh đồng. Bên cạnh đó, chọn những cây tre “nứa” tươi còn non khoảng bằng cổ tay người lớn. Ống tre được súc với nước suối, cho thịt vào, lấy lá dứa bịt kín lại rồi cho vào bếp than và nướng chín. Khi ống nứa bên ngoài chuyển màu vàng cháy xém, hương thơ ngào ngạt là lúc món ăn đã chín.
12. Lẩu Lá Rau Rừng
Lẩu là món ăn quen thuộc với hầu hết mọi người, và nơi đâu cũng cõ. Tuy nhiên, để thưởng thức món lẩu lá râu rừng thì chắc chắn du khách phải đến Gia Lai. Lẩu lá rau rừng là món ăn đặc sản dân dã, bởi món này chỉ có ở phố núi, và rất ít chứ không không phổ biến như những món đặc sản khác. Món lẩu lá rau rừng cũng là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng con người nơi đây, không chỉ hương vị quê hương mộc mạc, mà còn là món ăn đặc sản Gia Lai thu hút du khách nhất.
Lẩu lá rau rừng về cơ bản cũng gần giống các món lẩu thông thường. Nhưng điều khác biệt ở đây chính là các loại lá rừng được thay cho các loại rau củ vẫn thường thấy. Rau rừng gồm 10 loại khác nhau được người dân bản địa hái từ trển rừng về. Các loại lá cây này không có độc tố, không kị nhau và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Mỗi loại rau rừng đều có công dụng tốt cho sức khỏe, nên món ăn có một không hai này luôn hấp dẫn du khách thập phương. Khi thưởng thức lá rau rừng, du khách đừng quên thưởng thức cùng mắm thịt, nem thính thơm ngon được cuốn vào lá rừng.
13. Lụi Nướng Gia Lai
Lụi nướng Gia Lai là món ăn đơn giản của người dân Gia Lai, đặc biệt là người dân phố núi Pleiku. Từ lâu, món ăn này luôn có chỗ đứng trong lòng mỗi du khách. Món ăn được nướng trên bếp than hồng ấm áp của những ngày đầu đong lạnh nhẹ, làm cho vỏ bánh tráng của lụi càng trở nên giòn tan. Món ăn là sự kết hợp giữa thịt xay, nấm mèo được cuốn trong vỏ bánh tráng và được dậy mùi bởi lửa nóng khiến thực khách không khỏi thèm thuồn.
Món lụi nướng Gia Lai được thưởng thức cùng với nước chấm tương me hoặc tương đậu, khiến du khách ăn mãi không muốn ngừng. Du khách sẽ cảm nhân được độ giòn, nhân thì nóng hổi cùng với hương vị ngon ngọt từ thịt và các gia vị. Ngoài món Lụi nướng, còn có rất nhiều món ăn “gây nghiện” khác như Bò lá lốp, lụi thịt nướng, cuốn…
Trên là danh sách những món ngon Gia Lai mang hương vị đậm đà bản sắc núi rừng Tây Nguyên. Nếu có dịp đến Gia Lai, du khách phải thử cho bằng hết những món ngon ở trên nhé, chúng tôi có chia sẻ địa điểm ăn uống hi vọng giúp du khách dễ dàng tìm đến và thưởng thức.
Đăng bởi: Nguyễn Ánh
Từ khoá: Gợi Ý 13+ Đặc Sản, Món Ngon Gia Lai Đậm Đà Bản Sắc Phố Núi
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Gợi Ý 13+ Đặc Sản, Món Ngon Gia Lai Đậm Đà Bản Sắc Phố Núi của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.