Năm nay, chương trình giáo dục phổ thông mới (còn gọi là chương trình 2018) bắt đầu áp dụng với lớp 3, 7, 10, trong đó chương trình với lớp 10 khác biệt hơn cả. Thay vì học 17 môn bắt buộc, học sinh chỉ học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng một số môn, chuyên đề lựa chọn.
Nếu sách giáo khoa lớp 1 gây tranh cãi ngay năm đầu chương trình 2018 được triển khai, chủ đề Lịch sử là môn lựa chọn hay bắt buộclà tâm điểm của năm nay. Ban đầu đây là môn lựa chọn và được Quốc hội thông qua từ 5 năm trước.
Tuy nhiên, hồi tháng 5, trước kỳ họp Quốc hội thứ ba, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng việc không bắt buộc học Lịch sử có thể gây “hậu quả, hệ lụy khó lường”. Quan điểm này của ông Chiến được nhiều cử tri, người dân đồng tình. Khảo sát trên VnExpress hôm 13/5 với hơn 8.200 người tham gia, có 79% cho rằng cần đưa Lịch sử là môn bắt buộc ở cấp THPT như cũ; 21% đồng ý giữ Lịch sử là môn lựa chọn.
Theo yêu cầu của Quốc hội, hai tháng trước khi năm học mới bắt đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh chương trình giáo dục THPT, đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc với 52 tiết mỗi năm, tổng số môn bắt buộc tăng lên 8. Thay đổi này tác động trực tiếp tới hơn một triệu học sinh lớp 10, thay đổi số môn và tổ hợp môn lựa chọn.
Chương trình mới ở bậc THCS cũng có thay đổi lớn khi tích hợp ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thành Khoa học tự nhiên, còn Lịch sử, Địa lý thành môn tích hợp cùng tên. Tuy nhiên, không trường THCS nào có giáo viên được đào tạo đại học về dạy tích hợp. Nhiều hiệu trưởng nói việc này đặt giáo viên “vào thế khó” khi giáo viên môn Vật lý phải dạy cả Hóa học, Sinh học, nhiều giáo viên cảm thấy áp lực, mất tự tin khi đứng lớp. Theo các nhà giáo, tình trạng chắp vá dạy tích hợp phải sau 2 – 4 năm tới mới có thể khắc phục.
Dù vậy, việc triển khai chương trình mới năm nay cũng có một số điểm sáng, khi ngành giáo dục “phát lệnh” đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra môn Văn, khuyến khích sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để ngăn chặn tình trạng sử dụng văn mẫu. Ở môn Toán, nhiều nội dung thực tế được đưa vào sách giáo khoa lớp 10 như đầu tư chứng khoán, lãi suất. Thể dục, Mỹ thuật được giảng dạy sinh động và khoa học hơn trước.
2022 cũng là năm bắt đầu áp dụng khung học phí mới, theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Theo đó, học phí mọi bậc đều tăng, ảnh hưởng đến 25 triệu trẻ mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên đại học.
Trong hai năm 2020 và 2021 khi Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và đời sống người dân, hầu hết địa phương duy trì mức thu học phí từ năm 2019. Do đó, khi mức thu theo Nghị định 81 được áp dụng, học phí năm 2022 ở một số địa phương tăng vọt, như Hà Nội gấp đôi, TP HCM tăng năm lần.
Vùng | Năm học 2022-2023 (Đơn vị: nghìn đồng/tháng/học sinh) |
Năm học 2015-2016 | |||
Mầm non | Tiểu học | THCS | THPT | ||
Thành thị | 300-540 | 300-540 | 300-650 | 300-650 | 60-300 |
Nông thôn | 100-220 | 100-220 | 100-270 | 200-330 | 30-120 |
Miền núi và vùng dân tộc thiểu số | 50-110 | 50-110 | 50-170 | 100-220 | 8-60 |
Ở bậc đại học, mức trần học phí tất cả khối ngành tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm, khối Y, Dược tăng mạnh nhất. Với trường công lập tự chủ, tùy mức độ, học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần trên. Với chương trình đạt chuẩn kiểm định trong và ngoài nước, các trường được tự xác định học phí.
Trước khi năm học 2022-2023 bắt đầu, nhiều đại học công bố mức học phí dự kiến, tăng 30-70% so với năm ngoái. Đã có thí sinh phải từ bỏ ngành và trường mong muốn vì không kham nổi chi phí.
Do phụ huynh gặp áp lực và gánh nặng tài chính, nhiều tỉnh, thành quyết định cấp bù chênh lệch giữa học phí mới và cũ ở bậc phổ thông, tức số tiền thực nộp của phụ huynh như năm 2021. TP HCM dự chi 1.541 tỷ đồng, Hà Nội 1.330 tỷ, Đà Nẵng 450 tỷ, Quảng Ninh 458 tỷ, Hải Phòng 400 tỷ.
Hôm 20/12, Chính phủ ra Nghị quyết yêu cầu các địa phương, Bộ, ngành giữ mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học trước ở tất cả cấp học. Với bậc đại học, nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022. Với bậc mầm non và phổ thông, nếu tăng học phí thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm.
Xét tuyển đại học 2022 cũng có nhiều điểm mới. Lần đầu tiên, 940.000 thí sinh được đăng ký xét tuyển đại học sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi đã biết điểm. Mọi công đoạn được thực hiện trực tuyến, từ việc nộp lệ phí, đăng ký hay sửa đổi nguyện vọng, xác nhận nhập học.
Việc hơn 200 trường đại học lọc ảo chung sáu lần trên hộ thống của Bộ, áp dụng với mọi phương thức xét tuyển, cũng chưa từng có tiền lệ. Các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm, mà chỉ được công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.
Bộ nhận định những thay đổi này giúp giảm tỷ lệ thí sinh ảo, các trường đại học được cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và tuyển được số lượng sát với chỉ tiêu. “Nhìn tổng thể, có thể coi hệ thống tuyển sinh năm nay là ví dụ tiêu biểu, đột phá cho việc chuyển đổi số trong ngành”, Bộ đánh giá.
Mùa tuyển sinh đại học năm 2022 còn chứng kiến việc bùng nổ phương thức xét tuyển với hơn20 phương thức, thay đổi rõ nét nhất của tuyển sinh đại học sau khi kỳ thi “2 trong 1” chấm dứt kể từ năm 2020. Chỉ tiêu dành cho kết quả thi tốt nghiệp THPT – vốn là phương thức chủ đạo – giảm mạnh từ 10 đến 50%. Phương thức đa dạng, song cũng khiến phụ huynh và học sinh lúng túng. Nhiều thí sinh nhầm lẫn khi các phương thức có tên gần giống nhau, trượt đại học dù đủ điểm.
“Quá nhiều phương thức còn gây rắc rối cho toàn hệ thống”, Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy, nói hồi tháng 9. Từ năm 2023, Bộ yêu cầu các đại học loại bỏ những phương thức không hiệu quả.
Phương thức xét tuyển dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có xu hướng tăng trong hai năm qua, với khoảng 60 đại học áp dụng. Năm 2022, chỉ tiêu cho các phương thức này là hơn 10.000 và được dự đoán tiếp tục tăng. Đây là một nguyên nhân, bên cạnh nhu cầu du học, khiến các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS, ngày càng được chuộng ở Việt Nam.
Giữa lúc các thí sinh lớp 12 chuẩn bị chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển đại học trong nước và nộp hồ sơ đợt tuyển sinh sớm ở Mỹ, thông báo hoãn thi IELTS hôm 10/11 của Hội đồng Anh và Tổ chức giáo dục IDP gây xôn xao. Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó lên tiếng, cho biết lý do là các đơn vị chưa hoàn thiện hồ sơ theo những yêu cầu của Thông tư số 11 hồi tháng 7 nhằm cụ thể hóa Nghị định số 86 năm 2018 của Chính phủ. Bộ nhận định việc tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn tràn lan, không được kiểm soát chất lượng.
Các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh khác như Cambridge, kỳ thi chứng chỉ tiếng Trung (HSK, HSKK), Nhật (Nat-test) và tiếng Hàn (TOPIK) cũng phải tạm hoãn. Hiện, nhiều đơn vị tổ chức thi chứng chỉ đã được cấp phép trở lại.
IELTS hoãn thi là cơ hội để chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam – VSTEP được quan tâm. Đại học Quốc gia TP HCM và một số trường khác nhắc tới khả năng dùng thêm VSTEP để tuyển sinh, đào tạo và công nhận chuẩn đầu ra. VSTEP có lệ phí thi rẻ – 1,8 triệu đồng, so với mức hơn 4 triệu của IELTS hay TOEFL, cấu trúc đề có nhiều điểm tương đồng với các bài thi này. Tuy nhiên, chất lượng và độ phổ biến của chứng chỉ này chưa được đánh giá cao.
Giữa lúc việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được đánh giá là gian nan, đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do yêu cầu dạy hai buổi trên ngày, phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi của chương trình mới, cần số lượng giáo viên rất lớn để thực hiện. Ngoài ra, chương trình mới có môn Tin và Ngoại ngữ cho bậc tiểu học, hai môn tích hợp ở khối THCS. Do đó, các trường đều có nhu cầu tuyển dụng giáo viên để đảm nhận các môn này.
PGS.TS Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đánh giá công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, chiến lược “chưa chuẩn chỉ”, dẫn tới việc đào tạo giáo viên chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn, gây thừa thiếu số lượng lớn. Thiếu 94.700 giáo viên nhưng ngành giáo dục cũng thừa cục bộ hơn 10.300 người.
Trong khi chương trình mới cần nguồn nhân lực lớn, ngành giáo dục vẫn chưa giải quyết được bài toán về thu nhập của nhà giáo, nên có chỉ tiêu mà vẫn khó tuyển dụng. Bên hành lang Quốc hội hôm 4/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói thu nhập bình quân của giáo viên mầm non sau 5 năm đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, đã gồm phụ cấp và thâm niên. Còn giáo viên mới chỉ nhận khoảng 3 triệu đồng trong 2-3 năm đầu.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, khoảng 16.000 giáo viên bỏ việc, trong đó mầm non có nhiều nhất – 6.391, tiểu học 4.493, THCS 3.425 và THPT 1.956. Bộ trưởng và nhiều nhà quản lý nhận định lương “quá thấp” là nguyên nhân chủ yếu khiến giáo viên bỏ nghề, khiến ngành giáo dục kém thu hút, khó tuyển dụng.
Việc giáo viên vừa thiếu, vừa bỏ việc nhiều khiến việc triển khai chương trình mới gặp nhiều khó khăn. Trường học không đủ người dạy các môn mới, phải “chắp vá giáo viên” như thầy Toán dạy Tin, cô Văn kiêm nhiệm nội dung giáo dục địa phương, các giáo viên chủ nhiệm dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Hiệu trưởng một trường THCS ngoại thành Hà Nội gọi đây là tình trạng “bánh mỳ kẹp” và nếu kéo dài, chất lượng giáo dục không đảm bảo, các mục tiêu của chương trình mới cũng không thể thực hiện.
Điều này cũng gây áp lực tới tỷ lệ học sinh trên một giáo viên. Tỷ lệ học sinh/giáo viên trung bình cả nước đạt 19,97, theo Niên giám thống kê 2021. Các khu vực đông dân như đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ có tỷ lệ cao hơn, khoảng 24-25 học sinh/giáo viên. Tỷ lệ này càng cao có nghĩa một thầy cô phải quản lý nhiều học sinh. Theo các tiêu chí đánh giá, đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
Để giữ chân 1,6 triệu giáo viên hiện có, đồng thời thu hút thêm, hôm 8/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ đề xuất mức phụ cấp ưu đãi 100% với giáo viên mầm non làm việc tại xã khu vực III, thuộc các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới; còn lại hưởng 70% – gấp đôi mức 50 và 35% hiện hành. Theo đề xuất, mức phụ cấp mới sẽ được áp dụng từ 1/7/2023, cùng thời điểm tăng lương cơ sở.
Thực hiện chương trình mới với nhiều áp lực, ngành giáo dục đang nỗ lực thực hiện các giải pháp linh hoạt. Vì thiếu giáo viên, các lớp học ảo đang được mở, nhiều địa phương điều chuyển giáo viên giữa các bậc học, huy động dạy tăng cường, kết hợp đẩy mạnh tuyển dụng.
Tại lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định với vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, ngành giáo dục và đào tạo được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để mở đường, tạo điều kiện cho sự phát triển.
Theo ông, để thực hiện sứ mệnh và trọng trách này, ngành đang thực hiện một cuộc cải cách lớn. “Sự nghiệp đổi mới trong giáo dục đang triển khai này nhất định thành công và chỉ được phép thành công, vì sự thành bại của giáo dục không chỉ là việc riêng của ngành, mà thành bại của giáo dục can hệ với sự thành bại của quốc gia”, ông Sơn nói.
Thanh Hằng – Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/giao-duc-nam-2022-no-luc-doi-moi-va-doi-pho-thieu-giao-vien-4547978.html