Chị cho hay dù người dân đã một số lần sang nhắc nhở, việc này vẫn tái diễn. Chị muốn biết, mình và cư dân nên phản án tình trạng này tới cơ quan nào. “Cơ quan văn hóa công quyền để tiếng ồn lúc nửa đêm có bị xử phạt không?”, chị thắc mắc.
Chia sẻ với chị Linh, nhiều độc giả VnExpress cho hay, ngoài tiếng ồn từ các nhà văn hoá, khu thi đấu thể thao, họ cũng bị phiền từ nguồn phổ biến khác như karaoke tại nhà, quán nhậu, bar, club…
Độc giả Theon tâm sự, nhà gần trường học, liên tục diễn ra hoạt động văn nghệ, hát suốt mấy tuần, âm lượng cực lớn. “Mình mà ý kiến thì thành ra hẹp hòi không cho các cháu sinh hoạt nghệ thuật. Nhưng không ý kiến thì cả trăm hộ xung quanh đau hết cả tai”, độc giả chi sẻ và hy vọng cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có giải pháp sớm.
“Stress gây hại rất nặng nề, đánh nhau chửi nhau, thậm chí phạm tội cũng từ stress không ít”, độc giả này bình luận.
Trên phương diện luật pháp, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An, Hà Nội) cho hay ngày 7/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định này gồm: Cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài… Hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân.
Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định này bao gồm:
a) Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;
c) Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư; pháp nhân nước ngoài hoạt động trên vùng biển Việt Nam;
d) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
đ) Tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
e) Các đơn vị sự nghiệp;
g) Tổ hợp tác;
h) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu những quy định trên, nhà văn hoá quận gần nơi chị Linh sống là đơn vị sự nghiệp thuộc quản lý của UBND quận (mục e). Nếu có vi phạm quy định tiếng ồn sẽ bị xử phạt theo điều 22 với 10 mức phạt tương ứng.
Cụ thể, mức nhẹ nhất là bị cảnh cáo với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA. Mức nặng nhất là bị phạt tiền đến 160 triệu đồng với cá nhân, có hành vi gây tiếng ồn từ 40 dBA trở lên.
Luật sư Vinh cho hay, điều 6 Nghị định này quy định với cùng vi phạm, mức phạt của tố chức cao gấp 2 lần mức phạt tiền với cá nhân. Do đó, mức phạt tối đa với đơn vị, tổ chức gây ồn 40 dBA trở lên, là 320 triệu đồng.
Về thẩm quyền xử phạt, khoản 1 Điều 68 Nghị định này quy định, Chủ tịch UBND các cấp hoặc thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao du lịch có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm về quy định tiếng ồn.
Để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như bảo vệ môi trường chung, bạn có thể làm đơn gửi UBND quận nơi đặt trung tâm văn hoá này, hoặc thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao du lịch của Sở Văn hoá và Thể thao, luật sư Vinh cho hay.
Hải Thư
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/gay-on-nua-dem-nha-van-hoa-co-the-bi-phat-toi-320-trieu-dong-4591355.html