Bạn đang xem bài viết EPA là gì? Tác dụng, cách dùng, tác dụng phụ, thực phẩm chứa EPA tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
EPA là một acid béo không no thuộc Omega 3, EPA có rất nhiều tác dụng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ cũng như lợi ích đối người trưởng thành. Vậy EPA là gì, có tác dụng gì đối với sức khỏe, cách dùng và các thực phẩm chứa nhiều EPA. Cùng đọc bài viết dưới đây nhé
EPA là một axit béo thiết yếu có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, chúng đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình của cơ thể, bao gồm viêm, sức khỏe tim và chức năng não. EPA có nhiều trong các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá mòi,.. Thiếu EPA có thể gây một số ảnh hưởng đến chức năng tim mạch, trí não và sự phát triển của thai kỳ…
EPA là gì?
EPA là tên viết tắt của acid eicosapentaenoic, một acid béo omega-3, EPA được coi là một chất có tính “thanh lọc máu”. Trong cơ thể, EPA sẽ được chuyển hóa thành các chất sinh học quan trọng như prostaglandin, leukotriene B5 và thromboxane A3, tham gia các phản ứng miễn dịch và viêm. Prostaglandin có tác dụng ức chế sự kết tập tiểu cầu, nên EPA giảm và phòng ngừa hình thành huyết khối, đồng thời có thể giảm triglyceride, làm giảm độ quánh của máu, khiến máu lưu thông tốt hơn và giảm tình trạng xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.
Ngoài ra EPA là dưỡng chất có vai trò quan trọng trong việc phát triển bình thường, khỏe mạnh của thai kỳ, phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ.
Cơ thể con người không thể tự tổng hợp nên EPA mà chủ yếu phải nạp từ bên ngoài. Trong tự nhiên EPA được tìm thấy nhiều trong các loại sinh vật biển như cá hồi, cá trích, cá mòi, hàu,…Tuy nhiên các thực phẩm này có thể khó tìm thấy ở một số nước không phong phú về hải sản và sinh vật biển nên mọi người thường lựa chọn các thực phẩm chức năng chứa EPA như dầu cá, dầu tảo để bổ sung qua đường uống.
Hầu hết các nghiên cứu hiện có liên quan đến EPA là từ việc sử dụng các sản phẩm dầu cá có chứa các kết hợp khác nhau của EPA và DHA.
Tác dụng của EPA
EPA làm giảm viêm
Cơ thể bạn sử dụng axit eicosapentaenoic (EPA) để tạo ra các phân tử tín hiệu gọi là eicosanoid, đóng nhiều vai trò sinh lý và giảm viêm. Viêm mãn tính mức độ thấp được biết đến là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh thông thường, nên EPA được sử dụng trên thực tế như một loại thực phẩm vàng để chống viêm [1].
EPA làm giảm chất béo trung tính triglyceride trong máu
Nghiên cứu cho thấy rằng việc dùng một sản phẩm cụ thể có chứa axit eicosapentaenoic (EPA) bằng đường uống cùng với chế độ ăn kiêng và thuốc giảm cholesterol nhóm “statin” làm giảm mức độ chất béo trung tính ở những người có mức độ rất cao. Nó cũng có thể cải thiện mức cholesterol đáng kể.
Viên kết hợp của eicosapentaenoic acid (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA) được FDA chấp thuận để điều trị tăng triglyceridemia nặng. Với liều hàng ngày 3-12g có thể giảm triglyceride 20-50% so với giả dược [2].
EPA tốt cho bà bầu và trẻ nhỏ
Theo Viện y tế quốc gia Mỹ, khẩu phần ăn người mẹ chứa nhiều hải sản và lượng omega-3 (chứa EPA và DHA) tác động lên cân nặng của trẻ sơ sinh, thời gian mang thai, phát triển thị giác và nhận thức, và các kết quả sức khỏe khác của trẻ [3].
Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, ăn 8 đến 12 ounce (từ 226.8g đến 340.2g) cá và các loại hải sản khác mỗi tuần có thể cải thiện sức khỏe của em bé. Tuy nhiên, điều quan trọng là chọn cá có hàm lượng EPA và DHA cao hơn và ít thủy ngân hơn. Ví dụ như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu…
Việc bổ sung Omega 3 có chứa EPA và DHA khi mang thai có thể làm giảm tỉ lệ sinh non (trước 37 tuần và trước 34 tuần) và có thể ít có khả năng sinh con nhẹ cân hơn [4].
EPA hỗ trợ điều trị trầm cảm
Omega 3 được đánh giá là một acid béo không thể thiếu đối với sự phát triển của não bộ. Một số người tin rằng những người bị trầm cảm có thể không có đủ EPA và DHA. Đây chính là tiền đề để các nhà nghiên cứu sử dụng khi họ nghiên cứu những lợi ích có thể có của việc sử dụng omega-3 và dầu cá để điều trị trầm cảm.
Vào năm 2009, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ ba nghiên cứu sử dụng EPA trong điều trị ba loại trầm cảm khác nhau: trầm cảm nặng tái phát ở người lớn, trầm cảm nặng ở trẻ em và trầm cảm lưỡng cực. Phần lớn các đối tượng dùng EPA đều cho thấy sự cải thiện đáng kể, và EPA cho kết quả điều trị khả quan hơn so với giả dược [5]. Một tổng quan nghiên cứu từ năm 2014 cho thấy: những người bị trầm cảm nhẹ, trầm cảm sau sinh và có ý định tự tử có mức EPA và DHA thấp hơn so với người bình thường [6].
Trong một phân tích tổng hợp về tác dụng của axit eicosapentaenoic (EPA) trong các thử nghiệm lâm sàng ở bệnh trầm cảm cho thấy: các thực phẩm bổ sung chứa EPA ≥ 60% tổng EPA + DHA, với liều lượng từ 200 đến 2.200 mg/ngày (EPA vượt quá DHA), có hiệu quả chống trầm cảm nguyên phát [7].
EPA giảm số lần bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh
Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ đã công bố một số nghiên cứu cho thấy bổ sung axit béo omega-3 có chứa EPA làm giảm tần suất bốc hỏa thời kỳ mãn kinh vàcải thiện điểm chất lượng cuộc sống của họ hơn so với giả dược. Cụ thể hiện tượng bốc hỏa giảm từ 2,8 lần/ngày, nay còn 1,6 lần sau khi dùng acid béo omega-3 có chứa EPA [8].
EPA có tác dụng với các cơn đau tim
Sau cơn đau tim, mọi người có thể trải qua một thủ thuật gọi là can thiệp mạch vành qua da (PCI) để cải thiện lưu lượng máu đến tim. Dùng EPA bằng đường uống cùng với một loại thuốc thuộc nhóm “statin” trong vòng 24 giờ sau PCI làm giảm nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ liên quan đến tim như nhịp tim không đều (loạn nhịp tim) hoặc tử vong sau thủ thuật. Ngoài ra, dùng EPA bằng đường uống cùng với “statin” trước khi trải qua PCI để giảm đau ngực, làm giảm nguy cơ bị đau tim sau thủ thuật.
Cách dùng EPA
Thông thường EPA được bổ sung qua thực phẩm hằng ngày và qua đường uống. Liều lượng sử dụng EPA cho mỗi tình trạng bệnh lý, mỗi độ tuổi là khác nhau. Liều lượng hiệu quả dao động từ 200–4000 mg tùy vào nhu cầu của cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ em, từ 50–100 mg mỗi ngày kết hợp EPA và DHA.
Nên sử dụng EPA trong các bữa ăn, đặc biệt một bữa ăn giàu chất béo sẽ giúp EPA được hấp thu tốt nhất.
– Đối với các bệnh nhân máu nhiễm mỡ (tăng triglyceride máu): Một loại thuốc theo toa cụ thể có chứa EPA nguyên chất đã được dùng với liều lượng 2 gam hai lần mỗi ngày cùng với chế độ ăn kiêng và đôi khi với thuốc giảm cholesterol nhóm “statin”.
– Đối với bệnh tim (bệnh tim mạch): Một loại thuốc theo toa cụ thể có chứa EPA nguyên chất 4 gam mỗi ngày đã được sử dụng trong khoảng 4,9 năm.
– Đối với cơn đau tim: 1,8 gam EPA mỗi ngày kết hợp với “statin” đã được thực hiện trong một tháng hoặc một năm sau một thủ tục được gọi là can thiệp mạch vành qua da (PCI). Dùng 1,8 gam mỗi ngày kết hợp với “statin” trong một tháng trước khi PCI cũng đã được sử dụng.
Trên đây là liều lượng được kê cụ thể bởi các bác sĩ sau khi chẩn đoán và xem xét tình trạng bệnh, vậy nên bệnh nhân không tự ý sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng chứa hàm lượng lớn EPA khi không có sự đồng ý của bác sĩ.
Tác dụng phụ của EPA
Khi dùng bằng đường uống: EPA an toàn đối với hầu hết người lớn khi được dùng dưới dạng sản phẩm kê đơn hoặc dưới dạng dầu cá.
Hầu hết các tác dụng phụ đều nhẹ và có thể bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, khó chịu ở bụng trên hoặc ợ hơi. Dùng EPA trong bữa ăn thường có thể làm giảm các tác dụng phụ này. EPA có thể an toàn khi được sử dụng như một phần của dầu từ tảo (dầu tảo) trong tối đa 12 tuần. Nhưng mọi người nên hạn chế tiêu thụ EPA và các axit béo omega-3 khác ở mức 3 gam mỗi ngày.
Liều lượng EPA và các axit béo omega-3 khác lớn hơn 3 gam mỗi ngày có thể không an toàn. Uống hơn 3 gam axit béo omega-3 mỗi ngày có thể làm chậm quá trình đông máu và có thể làm tăng khả năng chảy máu.
Các thực phẩm chứa EPA
EPA có mặt trong một số loại cá biển và tảo. Bạn có thể bổ sung EPA từ các loại cá và hải sản sau: Cá hồi (đặc biệt là cá hồi Đại Tây Dương), cá trích, cá mòi, cá thu, cá ngừ, hàu, sò điệp, dầu gan cá tuyết…
Trong khẩu phần ăn hàng ngày có thể sẽ không thường xuyên có các loại thực phẩm trên. Vậy nên mọi người có thể bổ sung thêm các viên uống có chứa EPA như dầu cá, dầu tảo. Khi lựa chọn các thực phẩm chức năng, mọi người nên chú ý hàm lượng EPA có trong một viên uống để sử dụng hợp lý cho từng đối tượng khác nhau và mang lại hiệu quả điều trị.
Mong rằng qua bài viết trên, mọi người có thể hiểu rõ hơn về EPA cũng như tầm quan trọng của việc bổ sung EPA hàng ngày. Tuy nhiên mọi người không nên tự ý sử dụng EPA ở hàm lượng cao để điều trị bệnh lý khi chưa được kê đơn từ y bác sĩ.
Nguồn: webmd, INH, healthline
Có thể bạn quan tâm:
>>>>> Thực phẩm giàu EPA bạn nên bổ sung hàng ngày
>>>>> Omega 3 là gì? Tác dụng, cách dùng, tác dụng phụ
Nguồn tham khảo
-
Dietary eicosapentaenoic acid and docosahexaenoic acid equally incorporate as decosahexaenoic acid but differ in inflammatory effects
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18312787/
-
Omega-3 Fatty Acids EPA and DHA: Health Benefits Throughout Life
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3262608/
-
Omega-3 Fatty Acids
https://ods.od.nih.gov/factsheets/Omega3FattyAcids-HealthProfessional/
-
Omega‐3 fatty acid addition during pregnancy
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6516961/
-
Omega-3 fatty acids in depression: a review of three studies
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19499625/
-
Omega-3 fatty acids and major depression: A primer for the mental health professional
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC533861/
-
Meta-analysis of the effects of eicosapentaenoic acid (EPA) in clinical trials in depression
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21939614/
-
Effects of ethyl-eicosapentaenoic acid omega-3 fatty acid supplementation on hot flashes and quality of life among middle-aged women: a double-blind, placebo-controlled, randomized clinical trial
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19034052/
Cảm ơn bạn đã xem bài viết EPA là gì? Tác dụng, cách dùng, tác dụng phụ, thực phẩm chứa EPA tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.