Một tuần sau lễ tuyên dương của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phúc ở Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật Thụy An, Ba Vì, vẫn nhớ như in cảm xúc hồi hộp khi đứng trên sân khấu. Hôm 24/5, Phúc là một trong 6 học sinh tiêu biểu, xuất sắc được Sở khen thưởng vì nỗ lực vượt khó.
“Em không ngủ được. 5h đã dậy chọn bộ quần áo đẹp nhất, đeo khăn quàng đỏ sẵn sàng chờ mẹ Hà và thầy hiệu trưởng tới đón”, Phúc, học sinh lớp 5A7, trường Tiểu học Thụy An, kể.
Phúc khoe nhận được 450.000 đồng tiền thưởng nên đã nhờ mẹ Hà mua quẩy, kem và nước ngọt để khao các bạn cùng phòng.
Chị Lê Thị Bích Hà, mẹ nuôi của Phúc tại trung tâm, hạnh phúc khi chứng kiến cậu bé nặng 27-28 kg, cao 1m45, được vinh danh trên sân khấu.
“Tôi rất mừng. Sự ghi nhận này là động lực giúp Phúc tự tin và nối dài ước mơ đi học của con”, chị Hà chia sẻ.
Theo chị Hà, Phúc bị bỏ ngoài cổng trung tâm từ khi mới chào đời. Cậu bé sinh thiếu tháng và không có hai tay. Tay phải của Phúc cụt tới nách, còn tay trái teo tóp, ngắn ngủn, nhú ra hai ngón tay nhỏ. Cậu bé yếu ớt và được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Từ đó, Phúc lớn lên trong tình yêu thương của các mẹ nuôi trong trung tâm.
Chị Hà đón Phúc vào tổ của mình khi em lên 3 tuổi. Tổ có 5 người thay phiên nhau ở cùng các con 24/24. Mẹ nuôi cho hay ngày nhỏ Phúc mặc cảm vì không có tay, hay kể chuyện với mẹ bị bạn bè trêu nhưng khi lớn lên, em ít chia sẻ hơn.
Phúc tự lập trong hầu hết sinh hoạt hàng ngày. Không có bàn tay, Phúc móc thìa vào hai ngón nhô ra hoặc kẹp vào ngón chân để xúc cơm ăn. Phúc cũng tự học viết chữ trước khi vào lớp một.
“Em tập mãi mới viết được. Em kẹp hòn sỏi vào ngón chân và viết đi viết lại lên đất. Khi đã quen, em tập với que, sau đó là phấn”, Phúc nhớ lại những ngày đầu tự học chữ.
Ở lớp, Phúc thích tham gia hoạt động với các bạn, mê nhất chơi cờ và hay giành chiến thắng. Em được các mẹ nuôi ở trung tâm dạy đánh cờ và tìm thấy niềm vui ở trò chơi này. Lần ngoại khóa cuối cấp mới đây, Phúc dùng chân di chuyển các quân cờ khổng lồ, lần lượt loại các đối thủ và là người duy nhất còn lại trên bàn cờ. Ngoài ra, em còn thích lắp lego và vẽ.
“Em học tốt nhất môn Mỹ thuật và Toán nhưng hơi kém môn tiếng Việt. Kỳ vừa rồi em được 8,5 điểm môn Toán”, Phúc khoe.
Cậu bé cho biết các bạn giờ không còn trêu nữa mà giúp đỡ em học tập. Gặp bài khó, Phúc nhờ bạn giảng giúp. Các bạn cũng cho em mượn vở để chép bài khi không ghi kịp lời cô giảng.
Để thuận tiện cho việc học trên lớp, các mẹ ở trung tâm đóng cho Phúc một chiếc bàn thấp bằng gỗ. Mỗi đầu năm học, chiếc bàn cũng được di chuyển đến lớp mới cho em. Chiếc bàn được đặt gần bảng, ở trên cùng của lớp học. Phúc ngồi lên đó, kẹp bút vào chân để viết bài. Lúc nào mỏi quá, Phúc nằm xuống bàn nghỉ một lát rồi lại ngồi dậy học tiếp.
“Viết bằng chân nhưng chữ của Phúc đẹp hơn một số bạn. Con chỉ không viết được nhiều như bạn khác”, cô Phùng Thị Giáp, giáo viên chủ nhiệm 5A7, cho hay.
Cô Giáp nhớ có lần Phúc muốn lên bảng viết bài nhưng vì nghĩ em không cầm được phấn, cô hỏi đi hỏi lại nhưng đều nhận được câu trả lời “con viết được, cô cứ cho con lên bảng đi”. Phúc sau đó đứng bằng một chân, chân còn lại kẹp phấn và với lên bảng để viết.
Theo cô Giáp, học lực của Phúc ở mức trung bình khá, chưa theo kịp các bạn bình thường nhưng với điều kiện sức khỏe hạn chế, việc em biết đọc, viết, tính toán các dạng bài cơ bản như vậy là xuất sắc.
Về nhận công tác cách đây 2-3 năm, thầy hiệu trưởng Trần Đăng Tá chú ý tới Phúc trong một lần đến lớp dự giờ. Biết hoàn cảnh của Phúc, thầy Tá thường quan sát em mỗi giờ ra chơi và gọi lại khích lệ tinh thần. Thầy dặn mọi người cẩn thận trong cách trò chuyện và quan tâm để tránh Phúc cảm thấy bị chú ý, trở nên tự ti.
“Tôi kể cho Phúc nghe tấm gương về thầy Nguyễn Ngọc Ký hay diễn giả Nick Vujicic – những người cũng không có tay nhưng đã vượt qua được nghịch cảnh để vươn lên. Qua đó, truyền cho Phúc sự tự tin và cố gắng”, thầy Tá chia sẻ.
Thầy cũng hay tuyên dương Phúc trước cờ và tặng thưởng em sách vở trong dịp tổng kết năm học.
Lên lớp 6, Phúc sẽ đi học ở ngôi trường cách trung tâm 2 km. Em không tự đi được xe đạp, sức khỏe yếu và hay đau đầu. Trước đó, nhiều lần cô giáo phải gọi cho mẹ nuôi đến đón Phúc giữa giờ vì em mệt.
“Phúc bảo con không muốn đi học nữa nên tôi và các thầy cô đã nói chuyện riêng, động viên con”, cô Giáp nói.
Các mẹ trong trung tâm cũng khuyên Phúc đến trường để được vui chơi, gặp gỡ bạn bè. Cả huyện Ba Vì chỉ có Phúc được tuyên dương, con nên cố gắng học để có một công việc và giúp ích cho xã hội.
Theo chị Hà, nghe những lời thầy cô và các mẹ phân tích, Phúc thấy tự hào vì là tấm gương để các bạn khác vươn lên. Lần đi nhận phần thưởng của Sở mới đây có ý nghĩa lớn, khiến Phúc quyết định đi học. “Con đồng ý đi học rồi. Trung tâm cũng tạo điều kiện, cử một người chở con và một bạn khác cùng đi”, chị Hà cho biết.
Phúc nói ngưỡng mộ và yêu quý thầy Tá, cô Giáp vì đã luôn quan tâm em. Với mẹ Hà và các cô nuôi khác trong trung tâm, Phúc xem họ như người mẹ thứ hai của mình. Em chưa biết tương lai muốn làm công việc gì hay học ngành nào, chỉ mong học tốt để thầy cô và các mẹ vui.
“Lên lớp 6 em sẽ phải cải thiện hơn môn Văn”, Phúc dự định.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/duong-den-truong-cua-cau-hoc-tro-cut-hai-tay-4611982.html