Anh Thư, học sinh lớp 5 tại Hà Nam, được nghỉ Tết từ 20 đến hết 29/1 (29 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng), tổng 10 ngày. Hai ngày trước kỳ nghỉ, Thư nhận được 22 trang bài tập Tiếng Việt, 8 trang đề tiếng Anh và gần chục trang bài tập Toán cùng lời dặn “nộp bài vào buổi học đầu tiên của năm mới” từ cô giáo.
Mỗi ngày, Thư đều dành một, hai tiếng để làm bài tập. Chị Hải, mẹ của Thư, động viên “Cố gắng, nhưng làm được bao nhiêu thì làm”. “Nhưng con sợ cô mắng nếu không làm xong”, Thư mếu máo trả lời mẹ. Đến ngày nghỉ Tết cuối cùng, thấy Thư “sợ xanh mặt” vì chưa làm hết bài, chị Hải và dì của Thư quyết định làm nốt. Chị làm trắc nghiệm Tiếng Việt, dì làm đề tiếng Anh. “Biết vậy là làm đối phó, nhưng cháu đã quá mệt mỏi vì bài tập Tết”, chị Hải nói.
Thụy Anh, học sinh lớp 12 ở TP HCM, cũng làm bài tập Tết theo kiểu “cho xong”. Trước kỳ nghỉ, nữ sinh được giao gần 50 trang đề luyện Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa, Tiếng Anh và Giáo dục công dân, cùng 5 đề cương ôn tập Văn. Trừ thời gian di chuyển về quê và những lúc đi chơi nhà họ hàng, Thụy Anh đều ngồi vào bàn để làm bài. Tuy nhiên, cứ được một lúc, em lại chạy ra xem gói bánh, cắm hoa, trò chuyện với ông bà. Không được thong thả vui chơi mà cũng không thể tập trung ôn luyện, Thụy Anh bực bội vì “chẳng đâu vào đâu”. Đến ngày đi học, nữ sinh mới làm được hơn một nửa số bài tập, “tặc lưỡi” nghĩ có thể sẽ bị phạt.
Trên một số diễn đàn học sinh, chủ đề “bài tập Tết” thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Dưới một bài viết hôm mùng 5 Tết về chủ đề này, hàng trăm tài khoản bình luận, cho biết chưa xong bài tập, “còn nguyên”, hoặc “giờ mới làm”.
Tuy nhiên, với nhiều học sinh cuối cấp, Tết lại là khoảng thời gian hiệu quả để ôn tập, chuẩn bị cho các kỳ thi vào mùa hè này.
Nguyễn Hoàng Long, lớp 9A10, trường THCS Sài Đồng (Hà Nội), làm hết bài tập khi kỳ nghỉ mới trôi qua được một nửa. Nam sinh nói cần ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, mục tiêu là đỗ nguyện vọng 1 vào trường THPT Nguyễn Gia Thiều hoặc Phúc Lợi.
Còn Hùng, học sinh lớp 12 ở Sóc Sơn, Hà Nội dành thời gian làm đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước, theo gợi ý của thầy giáo chủ nhiệm. “Mỗi ngày em làm khoảng 4 đề, ở các môn”, Hùng chia sẻ, nói cảm thấy thoải mái vì nghỉ Tết em không vướng bận nhiều, việc ôn tập rất “yên tĩnh và hiệu quả”.
Cô Trâm, giáo viên lớp 1 tại Hà Nội, nói việc phụ huynh giúp con hoặc học sinh bỏ, làm chưa hết bài tập Tết không hiếm. Hôm 27/1, khi học sinh đến trường sau 8 ngày nghỉ, cô Trâm ghi nhận năm học sinh không làm bài tập, 6 em khác được phụ huynh làm giúp trên tổng số 46 học sinh trong lớp.
Trước Tết, cô Trâm giao ba đề Tiếng Việt cho học trò, mỗi đề có phần đọc hiểu với bốn câu hỏi, khoảng 3-4 dòng chính tả và bài tập điền âm, vần. Cô giáo cho biết đề này tương tự đề thi hết học kỳ, thời gian làm bài 60 phút và nhẹ nhàng hơn so với mọi năm.
Dù vậy, cô Trâm mới kịp thu bài, còn “chưa xem đúng, sai thế nào”. Nữ giáo viên nói không chấm và lấy điểm bài tập Tết, nhưng sẽ cố gắng chữa một số bài trong tiết tự học của tuần này.
Còn cô Thanh Hải, 52 tuổi, giáo viên tiểu học ở Hà Nam, cho biết giao khoảng 40 bài tập Toán, Tiếng Việt và Tập làm văn cho học trò vào dịp Tết. Tuy nhiên, cô “không có thời gian” kiểm tra bài từng em xem đủ hay thiếu, đúng hay sai mà chỉ xem ngẫu nhiên vở của hai, ba học sinh, rồi dạy bài mới.
Nhiều giáo viên khác cũng xử lý tương tự với bài tập đã giao cho học sinh. Trả lời VnExpress hồi giữa tháng, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng khi giao quá nhiều bài, giáo viên khó kiểm tra, chấm và chữa tất cả. “Nhiều khi giao bài chỉ để học sinh dành thời gian làm, chứ các em làm hết hay không, đúng hay sai thầy cô cũng không biết”, ông nói.
Năm nay, nhiều giáo viên giao bài tập Tết khác lạ, hoặc bỏ hẳn.
Trước Tết, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An), đưa ra một bài tập chung, khuyến khích 1.400 học sinh của trường cùng làm, kèm yêu cầu giáo viên không giao thêm bài tập khác. Bài tập gồm 10 câu hỏi liên quan tới phong tục, hoạt động ngày Tết, ví dụ: “Ở Quỳnh Phương có phong tục đi tảo mộ cho người thân đã mất vào sáng 30 Tết. Em có tham gia buổi tảo mộ vào sáng 30 Tết của dòng họ không? Nếu tham gia thì em có cảm nhận như thế nào?” hay “Em có cùng bố, mẹ dọn dẹp nhà để đón Tết không? Hãy miêu tả một số việc mà em đã tham gia”.
Hôm 29/1, thầy Tuấn Anh đã trực tiếp “kiểm tra” bài tập Tết trong một tiết học lớp 7. Vị hiệu trưởng nói một số em kể sáng 30 Tết năm nay lần đầu dậy sớm, cùng bố mẹ đi tảo mộ, cảm nhận được sự linh thiêng khi thắp nén nhang mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Em khác chia sẻ cách ứng xử khi nhận lì xì và kế hoạch dùng số tiền đó hay cách đi chợ Tết ở quê, chọn mua cành đào, chậu hoa.
Theo thầy Tuấn Anh, học sinh không phải viết thành bài nộp cho giáo viên. Thay vào đó, các em chia sẻ, kể cho nhau nghe câu chuyện ngày Tết trong giờ sinh hoạt lớp hoặc tiết học hoạt động trải nghiệm. “Tôi vui khi nhiều phụ huynh, đồng nghiệp thấy rằng những bài tập này thiết thực và hứa hướng dẫn con cái, học trò trải nghiệm các phong tục ngày Tết, thay vì đốc thúc các con làm thật nhiều bài tập như trước”, thầy nói.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Toán, trường THPT Nguyễn Du (TP HCM), cho biết nhiều năm nay không giao bài tập Tết cho học sinh, dù thầy dạy lớp 12. Thầy chỉ đưa ra những nội dung cần ôn tập để thi giữa học kỳ sau Tết, học sinh nếu cảm thấy cần thiết sẽ tự giác ôn, làm bài.
“Bài tập Tết mang tính tự giác cao, bạn nào chủ động làm thì hiệu quả, còn không thì giáo viên cũng cho qua”, cô Trâm nói, cho biết chỉ nhắc nhở chung những em không làm bài tập Tết hoặc nhờ bố mẹ làm hộ.
Còn Long nhìn nhận bài tập Tết của em chỉ khoảng 2-3 đề ở mức độ cơ bản mỗi môn Toán, Văn và Tiếng Anh, nên em không quá áp lực mà vẫn có thời gian du xuân cùng gia đình.
“Nếu lượng bài tập vừa phải, khả thi trong thời gian nghỉ, em nghĩ học sinh sẽ bớt làm theo kiểu đối phó hơn”, Long nói.
Thanh Hằng – Nhật Lệ
* Tên phụ huynh, giáo viên đã thay đổi
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/doi-pho-voi-bai-tap-tet-4564680.html