Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 39 giúp các em học sinh lớp 12 trả lời các câu hỏi phần bài tập trang 182, 183. Đồng thời hiểu được kiến thức về các vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ
Địa lí 12 bài 39 Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ được biên soạn bám sát theo chương trình SGK trang 177→183. Qua đó giúp học sinh nhanh chóng nắm vững được kiến thức lý thuyết, biết trả lời các câu hỏi để học tốt môn Địa. Vậy sau đây là nội dung chi tiết bài Soạn Địa lí 12 bài 39, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Lý thuyết Địa lí 12 bài 39
1. Khái quát chung
– Gồm các tỉnh thành: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và TP.HCM.
– Diện tích nhỏ: 23,6 nghìn km² (2006).
– Dân số thuộc loại trung bình: 12 triệu người (2006).
– Là vùng kinh tế dẫn đầu cả nước về GDP (42%), giá trị sản xuất công nghiệp và hàng hóa xuất khẩu.
– Sớm phát triển nền kinh tế hàng hóa.
– Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu là vấn đề kinh tế nổi bật của vùng.
2. Các thế mạnh và hạn chế của vùng
a) Vị trí địa lí
– Giáp Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia, có vùng biển rộng. Vị trí địa lí thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của vùng, nhất là trong điều kiện có mạng lưới giao thông vận tải hiện đại.
b) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
– Thế mạnh:
- Đất đai: đất bazan chiếm 40% diện tích của vùng, đất xám bạc màu trên phù sa cổ, thoát nước tốt.
- Khí hậu: cận xích đạo. Hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả cận nhiệt đới quy mô lớn.
Giải Địa lí 12 bài 39 trang 182
Câu 1
Hãy nêu các thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ trong việc phát triển tổng hợp nền kinh tế.
Lời giải:
a) Vị trí địa lí
– Đông Nam Bộ giáp Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia, có vùng biển rộng.
– Trong điều kiện giao thông vận tải ngày càng hiện đại, vị trí địa lí đó đã cho phép Đông Nam Bộ mở rộng giao lưu trong và ngoài nước, mở rộng vùng cung cấp nguyên liệu, năng lượng cũng như vùng tiêu thụ sản phẩm.
b) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
– Đất: Các vùng đất bazan khá màu mỡ chiếm tới 40% diện tích đất của vùng nối tiếp với miền đất bazan của Tây Nguyên và cực Nam Trung Bộ. Đất xám bạc màu trên phù sa cổ chiếm tỉ lệ nhỏ hơn chút ít, phân bố thành vùng lớn ở các tỉnh Tây Ninh và Bình Dương. Đất phù sa cổ tuy nghèo dinh dưỡng hơn đất bazan, nhưng thoát nước tốt.
– Khí hậu cận xích đạo tạo điều kiện phát triển các cây công nghiệp lâu năm (cao su, cà phê, điều, hồ tiêu), cây ăn quả và cả cây công nghiệp ngắn ngày (đậu tương, mía, thuốc lá…) trên quy mô lớn.
– Nằm gần các ngư trường lớn là ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu và ngư trường Cà Mau – Kiên Giang. Có điều kiện lí tưởng để xây dựng các cảng cá. Ven biển có rừng ngập mặn, thuận lợi để nuôi trồng thuỷ sản nước lợ.
– Tài nguyên rừng: Cung cấp gỗ dân dụng và gỗ củi cho TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nguyên liệu giấy cho Liên hiệp giấy Đồng Nai. Có Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên (Đồng Nai) nổi tiếng còn bảo tồn được nhiều loài thú quý, VQG Bù Gia Mập (Bình Phước), VQG Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh) và Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh).
– Tài nguyên khoáng sản nổi bật là dầu khí trên vùng thềm lục địa. Ngoài ra có sét cho công nghiệp vật liệu xây dựng và cao lanh cho công nghiệp gốm, sứ.
– Hệ thống sông Đồng Nai có tiềm năng thuỷ điện lớn.
– Khó khăn: mùa khô kéo dài, có khi tới 4 tháng.
c) Điều kiện kinh tế- xã hội
– Là địa bàn thu hút mạnh lực lượng lao động có chuyên môn cao. TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất cả nước về diện tích và dân số, đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp, giao thông vận tải và dịch vụ lớn nhất cả nước.
– Là địa bàn có sự tích tụ lớn về vốn và kĩ thuật, lại tiếp tục thu hút đầu tư trong nước và quốc tế.
– Có cơ sở hạ tầng phát triển tốt, đặc biệt về giao thông vận tải và thông tin liên lạc.
Câu 2
Hãy trình bày một số phương hướng chính để khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong công nghiệp của vùng.
Lời giải:
– Giải quyết vấn đề về cơ sở năng lượng: Cơ sở năng lượng của vùng đã từng bước lược giải quyết nhờ phát triển nguồn điện và mạng lưới điện,
+ Một số nhà máy thuỷ điện được xây dựng trên hệ thống sông Đồng Nai. Các nhà máy điện tuốc bin khí sử dụng khí thiên nhiên được xây dựng và mở rộng. Một số nhà máy nhiệt điện chạy bằng dầu phục vụ cho các khu chế xuất được đầu tư xây dựng.
+ Đường dây cao áp 500kV Hòa Bình – Phú Lâm (TP. Hồ Chí Minh) được đưa vào vận hành từ giữa năm 1994. Các trạm biến áp 500kV và một số mạch 500kV được tiếp tục xây dựng như tuyến Phú Mỹ – Nhà Bè, Nhà Bè – Phú Lâm…
– Gắn sự phát triển công nghiệp của vùng với xu thế mở rộng quan hệ đầu tư với nước ngoài.
– Cần phải luôn luôn quan tâm vấn đề môi trường; phát triển công nghiệp tránh làm tổn hại đến du lịch.
Câu 3
Chứng minh rằng việc xây dựng các công trình thuỷ lợi có ý nghĩa hàng đầu trong việc sử dụng hợp lí tài nguyên nông nghiệp của vùng.
Lời giải:
– Đông Nam Bộ có một mùa khô kéo dài và sâu sắc. Đồng thời cũng có nhiều vùng thấp dọc sông Đồng Nai, sông La Ngà bị úng ngập trong mùa mưa. Do vậy, vấn đề thuỷ lợi có ý nghĩa hàng đầu.
– Nhiều công trình thuỷ lợi đã được xây dựng: Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng trên thượng lưu sông Sài Gòn (tỉnh Tây Ninh) là công trình thuỷ lợi lớn nhất nước ta. Dự án thuỷ lợi Phước Hòa được thực thi để chia một phần nước sông Bé cho sông Sài Gòn và sông Vàm cỏ Tây, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất.
– Nhờ giải quyết nước tưới cho các vùng khô hạn về mùa khô và tiêu nước cho các vùng thấp dọc sông Đồng Nai và sông La Ngà, diện tích đất trồng trọt tăng lên, hệ số sử dụng đất trồng hằng năm cũng tăng và khả năng đảm bảo lương thực, thực phẩm của vùng cũng khá hơn.
Câu 4
Lấy ví dụ chứng minh rằng sự phát triển tổng hợp kinh tế biển có thể làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kinh tế vùng. Thử nêu một số phương hướng khai thác tổng hợp tài nguyên biển và thềm lục địa.
Lời giải:
– Trước đây, Đông Nam Bộ đã phát triển mạnh khai thác tài nguyên sinh vật biển, du lịch biển và giao thông vận tải biển. Việc phát hiện dầu khí ở vùng thềm lục địa Nam Biển Đông của nước ta và việc khai thác dầu khí (từ năm 1986) với quy mô ngày càng lớn, có sự hợp tác đầu tư của nhiều nước, đã tác động mạnh đến sự phát triển của vùng, nhất là ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vũng Tàu là nơi nghỉ mát lí tưởng cho vùng Nam Bộ và cả nước, nay còn là cơ sở dịch vụ lớn về khai thác dầu khí. Việc phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và các ngành dịch vụ khai thác dầu khí thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế và sự phân hoá lãnh thổ của vùng Đông Nam Bộ.
– Một số phương hướng:
+ Đẩy mạnh việc khai thác tài nguyên sinh vật biển, khai thác khoáng sản vùng thềm lục địa, du lịch biển và giao thông vận tải biển.
+ Xây dựng các tổ hợp sản xuất khí – điện – đạm, phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và các ngành dịch vụ khai thác dầu khí.
+ Cần đặc biệt chú ý giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển và chế biến dầu mỏ.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Địa lí 12 Bài 39: Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ Soạn Địa 12 trang 182 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.