Giải bài tập SGK Địa lí 12 trang 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56 sách Kết nối tri thức với cuộc sống giúp các em học sinh lớp 12 xem gợi ý giải các câu hỏi Bài 11: Vấn đề phát triển ngành nông nghiệp thuộc Phần 3: Địa lí các ngành kinh tế.
Soạn Địa lí 12 Kết nối tri thức Bài 11 các em sẽ biết cách trả lời toàn bộ các câu hỏi bài học, luyện tập, vận dụng. Đồng thời, qua tài liệu này giúp quý thầy cô tham khảo để soạn giáo án cho học sinh của mình theo chương trình mới. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Neu-edutop.edu.vn:
Trả lời câu hỏi Hình thành kiến thức mới Địa 12 Bài 11
I. Thế mạnh và hạn chế đối với phát triển nông nghiệp
Câu hỏi trang 50: Dựa vào thông tin mục 1, hãy:
- Phân tích các thế mạnh của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đối với phát triển nông nghiệp ở nước ta.
- Nêu một số khó khăn của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đối với phát triển nông nghiệp ở nước ta.
Trả lời:
– Các thế mạnh:
+ Địa hình, đất: ¾ diện tích là đồi núi, chủ yếu đồi núi thấp, các cao nguyên. Đất feralit thuận lợi trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, các đồng cỏ lớn phát triển chăn nuôi gia súc lớn. ¼ diện tích đồng bằng với đất phù sa có độ phì cao, màu mỡ, thích hợp trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi lợn và gia cầm.
+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có sự phân hóa tạo nên đặc điểm khí hậu khác nhau giữa các vùng, miền => phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới; cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, phát triển quanh năm cho năng suất cao; quy hoạch các vùng chuyên canh, chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp.
+ Nguồn nước: mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều hồ, đầm tự nhiên và nhân tạo, lượng mưa hàng năm tương đối lớn, nguồn nước ngầm phong phú, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Các hệ thống sông bồi đắp phù sa cho các đồng bằng châu thổ.
+ Sinh vật: hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về giống và chủng loại, là cơ sở để thuần dưỡng, lai tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi, tạo ra các loại đặc sản vùng miền, có giá trị kinh tế cao.
– Khó khăn:
+ Nằm trong khu vực chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu => ảnh hưởng năng suất, sản lượng và gây rủi ro cho sản xuất.
+ Bình quân đất tự nhiên và đất sản xuất nông nghiệp trên đầu người thấp, hạn chế việc mở rộng nông nghiệp hàng hóa.
Câu hỏi trang 50: Dựa vào thông tin mục 2, hãy phân tích các thế mạnh và hạn chế của điều kiện kinh tế – xã hội đối với phát triển nông nghiệp ở nước ta.
Trả lời:
– Các thế mạnh:
+ Dân số đông là thị trường tiêu thụ lớn, lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào, có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Trình độ người lao động ngày càng được nâng cao, thuận lợi cho áp dụng khoa học – công nghệ mới vào sản xuất.
+ Khoa học – công nghệ được ứng dụng trong nhiều khâu sản xuất (lai tạo giống có năng suất chất lượng cao), kĩ thuật tiên tiến được sử dụng trong canh tác, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm,… tạo ra các sản phẩm an toàn, có giá trị cao. Cơ sở vật chất – kĩ thuật ngày càng được hoàn thiện (công trình thủy lợi, kênh, mương dẫn nước). Các cơ sở chế biến nông sản và các dịch vụ nông nghiệp ngày càng được mở rộng, thúc đẩy sự phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.
+ Thị trường trong và ngoài nước được mở rộng, thúc đẩy sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, có mặt ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,…
+ Chính sách phát triển nông nghiệp thúc đẩy nông nghiệp phát triển: thu hút vốn đầu tư, cho vay vốn ưu đãi, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu,…
– Hạn chế:
+ Cơ sở vật chất – kĩ thuật ở một số vùng còn hạn chế, chưa hoàn thiện và đồng bộ. Công nghiệp chế biến ở một số vùng chưa phát triển, công nghệ còn lạc hậu nên giá trị sản phẩm không cao.
+ Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp biến động, việc đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu còn hạn chế.
II. Sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
Câu hỏi trang 51: Dựa vào thông tin mục II, hãy trình bày sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của nước ta.
Trả lời:
– Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp.
– Phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; hướng tới nông nghiệp thông minh; nông nghiệp bền vững, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, dựa trên việc tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ và thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp vào các hoạt động nông nghiệp.
– Phân bố sản xuất nông nghiệp thay đổi phù hợp với điều kiện sinh thái, dưới tác động của khoa học – công nghệ và thu hút đầu tư.
III. Hiện trạng phát triển và phân bổ
Câu hỏi trang 54: Dựa vào thông tin mục 1 và hình 11.2, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành trồng trọt của nước ta (cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây thực phẩm).
Lời giải:
– Cây lương thực:
+ Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt năm 2021 chiếm 56,4% tổng diện tích các loại cây trồng. Sản xuất đảm bảo an ninh lương thực và tạo nguồn hàng lớn cho xuất khẩu. Cây lúa chiếm vị trí chủ đạo (88,9%). Diện tích trồng lúa xu hướng giảm nhưng nhờ áp dụng khoa học – công nghệ mới nên năng suất không ngừng tăng lên.
+ Ngoài lúa còn có ngô, sắn, khoai lang,… phát triển ở nhiều địa bàn, tạo nguồn nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp chế biến, thức ăn chăn nuôi.
+ ĐB sông Cửu Long là vùng sản xuất lương thực lớn nhất, chiếm 53,8% diện tích gieo trồng, 55,5% sản lượng lúa cả nước. ĐB sông Hồng là vùng sản xuất lương thực lớn thứ 2.
– Cây công nghiệp:
+ Đang được phát triển theo chiều sâu, gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Tổng diện tích gieo trồng cây công nghiệp năm 2021 là hơn 2,6 triệu ha.
+ Cây công nghiệp lâu năm diện tích khoảng 2,2 triệu ha, một số cây công nghiệp lâu năm có giá trị ngày càng được mở rộng, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; chè ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên. Là nước xuất khẩu cà phê, hồ tiêu và điều hàng đầu thế giới.
+ Cây công nghiệp hàng năm: phát triển không ổn định, diện tích có xu hướng giảm. Chủ yếu là mía, đậu tương, lạc, bông, dây, cói, dâu tằm,… Hình thành một số vùng tập trung như mía ở ĐB sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; lạc ở khu vực đồng bằng của Bắc Trung Bộ; đậu tương ở Trung du và miền núi Bắc Bộ.
– Cây ăn quả: diện tích tăng nhanh, đạt 1171,5 nghìn ha năm 2021. Chủ yếu là cam, chuối, xoài, nhãn, vải thiều, chôm chôm, dứa, sầu riêng,… Nhiều loại phát triển thành vùng đặc sản có chỉ dẫn địa lí (nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang, bưởi Phúc Trạch – Hà Tĩnh, sầu riêng Cai Lậy – Tiền Giang,…). Các mô hình trồng cây ăn quả hữu cơ, VietGAP, công nghệ cao được ứng dụng rộng rãi nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Tập trung trồng ở 3 vùng: ĐB sông Cửu Long, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đông Nam Bộ.
– Cây thực phẩm: diện tích trồng cây thực phẩm (rau, đậu,…) ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Được trồng rộng khắp, tập trung ở ĐB sông Cửu Long, ĐB sông Hồng. Xu hướng phát triển các vành đai cây thực phẩm ven các thành phố lớn đang được đẩy mạnh, áp dụng các kĩ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm an toàn, có chất lượng.
Câu hỏi trang 56: Dựa vào thông tin mục 2 và hình 11.2, hãy trình bày sự phát triển và phân bố của ngành chăn nuôi nước ta.
Trả lời:
– Giá trị sản xuất và tỉ trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ngày càng tăng, năm 2021 đạt 34,7%.
– Có những chuyển biến tích cực, kĩ thuật và công nghệ tiên tiến được áp dụng vào các mô hình trang trại; phát triển phương thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ, xây dựng vùng nuôi an toàn để kiểm soát dịch bệnh; chế biến sâu, gắn với phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi công nghiệp.
– Chăn nuôi lợn, gia cầm:
+ Lợn: là vật nuôi lấy thịt quan trọng nhất, năm 2021 đàn lợn có khoảng 23,1 triệu con, cung cấp trên 62% sản lượng thịt các loại. Chăn nuôi gắn với vùng sản xuất lương thực và dựa vào nguồn thức ăn công nghiệp, phát triển mô hình trang trại tập trung. Các vùng nuôi nhiều là Trung du và miền núi Bắc Bộ (23,8%) và ĐB sông Hồng (20,6% tổng số lượng đàn lợn cả nước).
+ Gia cầm: số lượng gia cầm tăng nhanh, năm 2021 tổng đàn gia cầm là 524,1 triệu con. Gà được nuôi nhiều ở vùng ĐB sông Hồng và ĐB sông Cửu Long (lần lượt là 23% và 22% tổng lượng đàn gà cả nước). Vịt được nuôi nhiều ở vùng ĐB sông Cửu Long.
– Chăn nuôi trâu, bò:
+ Số lượng đàn trâu xu hướng giảm, 2 vùng nuôi trâu nhiều nhất là Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, lần lượt là 55% và 33,1% tổng lượng đàn trâu cả nước.
+ Số lượng đàn bò tăng nhanh, được nuôi theo hướng chuyên môn hóa. Bò lấy sữa được nuôi nhiều trên các vùng cao nguyên với quy mô lớn, công nghệ chăn nuôi hiện đại, gắn với chế biến sữa thành phẩm. Chăn nuôi bò thịt phát triển mạnh theo hướng tập trung, con giống, nguồn thức ăn, dịch vụ thú y được chú trọng đầu tư, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Các vùng nuôi nhiều bò: Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Trung du và miền núi Bắc Bộ, lần lượt chiếm 37,7% và 19% tổng số lượng đàn bò cả nước.
– Chăn nuôi dê, cừu cũng đang được phát triển trong những năm gần đây ở một số địa phương.
IV. Xu hướng phát triển
Dựa vào thông tin mục IV, hãy nêu xu hướng phát triển của nông nghiệp nước ta.
Trả lời:
– Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh. Sản xuất gắn với bảo quản sau thu hoạch, đẩy mạnh công nghiệp chế biến và phát triển thị trường nông sản cả trong và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ,…
– Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.
– Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hiện đại với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Giải Luyện tập – Vận dụng Địa lý 12 Bài 11
Luyện tập 1
Nêu ví dụ về một nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp ở nước ta.
Trả lời:
Ví dụ: Ứng dụng khoa học – công nghệ trong việc lai tạo các giống lúa mới có khả năng thích ứng với sự bất thường của thời tiết và biến đổi khí hậu, khả năng chống chịu hạn mặn và kháng sâu bệnh hại tốt từ đó nâng cao năng suất và chất lượng.
Luyện tập 2
Dựa vào bảng 11.4, hãy nhận xét và giải thích sự phát triển số lượng đàn gia súc, gia cầm nước ta giai đoạn 2010 – 2021.
Trả lời:
Nhìn chung sự phát triển số lượng đàn gia súc, gia cầm nước ta giai đoạn 2010 – 2021 đã có sự thay đổi, đàn gia súc giảm số lượng trâu và lợn, tăng số lượng đàn bò, và đàn gia cầm tăng nhanh. Cụ thể:
– Đàn gia cầm tăng nhanh trong giai đoạn này, từ 301,9 triệu con năm 2010 lên 524,1 triệu con năm 2021, tăng 222,2 triệu con. Đàn gia cầm tăng nhanh do sự phát triển mạnh của công nghiệp chế biến thức ăn.
– Đàn bò tăng từ 5,9 triệu con năm 2010 lên 6,3 triệu con năm 2021, đàn bò tăng vì cả chăn nuôi bò sữa và bò thịt đều được đẩy mạnh nuôi theo hướng chuyên môn hóa, con giống, dịch vụ thú y và nguồn thức ăn đều được chú trọng đầu tư.
– Đàn trâu giảm nhẹ từ 2,9 triệu con năm 2010 xuống còn 2,2 triệu con năm 2021.
– Đàn lợn giảm, từ 27,3% năm 2010 xuống 23,1% năm 2021.
Vận dụng
Sưu tầm thông tin, tìm hiểu xu hướng phát triển trồng trọt của nước ta hiện nay.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Địa lí 12 Bài 11: Vấn đề phát triển ngành nông nghiệp Soạn Địa 12 Kết nối tri thức trang 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56 của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.