Tử Cấm Thành, hay vẫn còn được biết với tên gọi Cố Cung, tọa lạc ở ngay trung tâm thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Du khách đến với Tử Cấm Thành không khỏi lặng người trước vẻ tráng lệ, nguy nga, và trước cả những bí sử tiền triều, hậu cung từ hàng trăm năm trước của tòa kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử to lớn này.
Đôi nét về Tử Cấm Thành
Lịch sử hình thành
Cái tên Tử Cấm Thành của Trung Quốc được nhiều người lý giải khác nhau, nhưng cách giải thích được chấp nhận rộng rãi nhất thì khá dễ hiểu. Xưa kia, hoàng đế tự xưng là “con trời”, nghĩa là “thiên tử”. Sách cổ thường gọi cung điện của Thiên đế là Tử Cung hay Tử Vi Cung, từ “Tử” nghĩa là màu tím. Vậy nơi ở của con ông trời thì cũng là “Tử”. Nơi của Thiên tử thì dân chúng bị “cấm”, không được vào. Do đó, nơi ở của hoàng đế được gọi là Tử Cấm Thành.
Một góc tráng lệ trong cố cung Tử Cấm Thành. Ảnh: PxHere.
Nơi đây từng là trung tâm chính trị quan trọng bậc nhất giai đoạn cuối thời phong kiến Trung Quốc. Nơi đây đã chứng kiến lịch sử thăng trầm của tất thảy 14 đời vua triều Minh và 10 vương triều nhà Thanh.
Tử Cấm Thành ở Trung Quốc. Ảnh: Picresize.
Tử Cấm Thành là cung điện hoàng gia được bảo tồn tốt nhất của Trung Quốc. Năm 1987, tòa thành này được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây cũng là quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất và là một trong những công trình kiến trúc lâu đời nhất trên thế giới. Bên trong cung điện có khoảng một triệu hiện vật được coi là di sản quốc gia và nằm dưới sự bảo vệ của chính phủ Trung Quốc.
Đến với cố cung Tử Cấm Thành, du khách sẽ được tham quan nơi ở thực sự của vua quan Trung Hoa xưa, được chiêm ngưỡng những vật phẩm lịch sử vô giá và khám phá nghệ thuật hoa viên truyền thống Trung Hoa.
Đặc điểm kiến trúc
Tòa kiến trúc đồ sộ này được khởi công xây dựng vào giữa năm 1406, tức năm thứ tư đời vua Vĩnh Lạc. Đến tận 14 năm sau (năm 1420), quá trình xây dựng mới hoàn thành. Toàn bộ tòa cung điện có 980 tòa nhà với tổng diện tích lên đến 720.000 m2. Để dựng lên Cố Cung, người ta sử dụng toàn những vật liệu cao cấp như gạch Tô Châu, gỗ Phương Nam, ngói men ngọc An Huy, đá quý Phòng Sơn… Đặc biệt, tổng công trình sư của Tử Cấm Thành là thái giám Nguyễn An, một người Việt Nam.
Kiến trúc truyền thống Trung Hoa trong Tử Cấm Thành. Ảnh: bookish.
Tường cung điện được sơn màu đỏ tươi. Hầu hết các mái của các cung đều lợp ngói lưu ly vàng. Theo văn hóa lịch sử Trung Quốc, đỏ là màu sắc tượng trưng cho sự thịnh vượng, may mắn còn vàng là màu của sự quyền lực tối cao, được xem là màu cao quý nhất. Thời xưa, chỉ có hoàng cung, phủ các thân vương và đền miếu quan trọng mới được phép sử dụng màu đỏ.
Sắc đỏ trong cố cung Tử Cấm Thành. Ảnh: family.
Tổng cộng cả tòa thành có 9.999 căn phòng. Phòng càng quan trọng thì càng có nhiều tượng trang trí, nhiều nhất là 10 bức tượng. Vì số 9 tượng trưng cho hoàng đế, nên tòa cung điện tráng lệ này còn có 9 cửa dẫn vào nội đình (hậu cung). Nói là cửa nhưng thực chất chúng đều là những tòa lầu được trang trí lộng lẫy. Để thể hiện quyền lực của “Thiên tử”, nơi hoàng đế sống phải đặt ở trung tâm của thế giới. Do vậy, tất cả các cổng điện và công trình trong Tử Cấm Thành đều được sắp xếp xoay quanh tâm trục Bắc – Nam của Bắc Kinh cổ.
Mái ngói lưu ly của Tử Cấm Thành. Ảnh: ivivu.
Thời gian đi tham quan Tử Cấm Thành
Giờ mở cửa
Tòa cung điện này mở cửa quanh năm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm du lịch Trung Quốc, thời gian cụ thể có sự chênh lệch vào mùa ít khách và mùa nhiều khách du lịch. Trong trường hợp bạn đến du lịch Tử Cấm Thành vào đúng các ngày lễ, sự kiện lớn hay gặp các hoàn cảnh đặc biệt (như đại dịch COVID-19 hiện nay), hãy lên website Bảo Tàng Cố Cung để theo dõi chính xác nhất các thông báo về lịch mở cửa. Như lệ thường, giờ mở cửa của Tử Cấm Thành như sau:
Ngày 1/4 đến 31/10: 8h30 – 17h (Lượt vào cuối cùng: 16h10).
Ngày 1/11 đến 31/3: 8h30 – 16h30 (Lượt vào cuối cùng: 15h40).
Giá vé tham quan Tử Cấm Thành
Tháng 4 – Tháng 10: 60 tệ (tương đương 203,000 VND).
Tháng 11 – Tháng 3: 40 tệ (tương đương 135,000 VND).
Du khách đến tham quan nên sắp xếp lịch trình phù hợp. Nếu có ít thời gian, bạn có thể tham quan trong 2 – 3 tiếng. Nếu thời gian dư dả và có nhu cầu xem chi tiết từng nơi, bạn có thể sẽ mất nửa ngày hoặc thậm chí cả một ngày đấy.
Những địa điểm du lịch trong Tử Cấm Thành
Ngoại Đình, hay còn gọi là Tiền Triều, là nơi diễn ra các nghi lễ, lễ tế quan trọng, địa điểm tổ chức thi cử… Khu vực này nằm ở phía Nam, lấy điện Thái Hòa làm trung tâm. Phía sau là điện Bảo Hòa. Hai bên Đông – Tây là các điện Văn Hoa – nơi lưu giữ thư pháp, sách cổ của hoàng đế và điện Võ Anh – nơi hoàng đế thiết triều, tiếp đãi quan đại thần.
Nội Đình, hay còn gọi là Hậu Cung, chính là nơi ở của Hoàng đế và Hoàng thất. Dưới thời nhà Thanh, nơi đây còn là nơi hoàng đế làm việc. Tại Nội Đình có ba cung chính là cung Càn Thanh, cung Khôn Ninh và điện Giao Thái, gọi là Hậu Tam Điện.
Điện Thái Hòa
Để bước vào khu vực Tiền Triều, trước tiên du khách sẽ đi qua cửa Ngọ Môn. Ngọ Môn là cửa chính của Cố Cung, nằm ở phía Nam. Ngay sau khi bước qua cổng, ta sẽ bắt gặp khung cảnh trác tuyệt với dòng Kim Thủy vắt ngang quảng trường rộng lớn. Chính giữa có năm chiếc cầu, hai bên cầu và sông đều có lan can lát đá trắng. Tất cả vẽ nên một bức tranh chào mừng vừa cổ kính vừa nên thơ.
Sông Kim Thủy trước cửa Ngọ Môn trong Tử Cấm Thành. Ảnh: PxHere.
Nằm ngay sau khu vực cửa Ngọ Môn là điện Thái Hòa. Đây là cung điện có kiến trúc tráng lệ nhất Tử Cấm Thành. Cửa dẫn vào điện có bảy gian dựng trên nền đá cao, hai bên đặt hai con sư tử đồng uy nghiêm dũng mãnh. Trang trí trong điện chủ yếu là các hoa văn hình rồng với số lượng lên đến 13.000 hoa văn.
Điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành. Ảnh: tripcom.
Điện Thái Hòa là nơi quan trọng nhất trong Cố Cung Tử Cấm Thành. Nơi đây tượng trưng cho sự tập trung quyền lực của hoàng đế. Dưới thời Minh, điện này được dùng làm nơi thiết triều và bàn luận chính sự. Đến thời Thanh, địa điểm thiết triều được chuyển sang cung Càn Thanh và điện Thái Hòa trở thành nơi tổ chức nghi lễ.
Tranh mô phỏng điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành. Ảnh: Unsplash.
Cung Càn Thanh
Cung Càn Thanh vô cùng rộng lớn và xa hoa. Toàn bộ cung được chia làm hai phần, gồm tất cả 9 phòng và 27 chiếc giường. Mỗi đêm, vua sẽ chọn ngẫu nhiên một giường để nghỉ ngơi. Khi Ung Chính lên ngôi, ông đã chuyển qua nghỉ ngơi tại Dưỡng Tâm điện nằm ở phía Tây. Từ đó, Càn Thanh cung trở thành nơi thiết triều, xét xử, tiếp đón sứ thần và tổ chức yến tiệc.
Càn Thanh cung tại Tử Cấm Thành. Ảnh: ivivu.
Phía trên ngai vàng đặt chính giữa Càn Thanh cung có tấm biển lớn viết dòng chữ “Chính Đại Quang Minh”. Trên trần cung điện được chạm khắc hình rộng uốn lượn vô cùng tráng lệ, tinh tế.
Chính diện ngai vàng cung Càn Thanh trong Tử Cấm Thành. Ảnh: family.
Cung Khôn Ninh
Đây là một trong ba cung điện chính ở Hậu Cung. Nơi đây đã được tu sử nhiều lần trong cả triều Minh và Thanh. Cung Khôn Ninh là chính cung của hoàng hậu, tuy nhiên dưới thời nhà Thanh, hoàng hậu chuyển sang Dưỡng Tâm điện cùng hoàng đế nên nơi này chỉ còn là nơi làm lễ động phòng và các lễ tế thần.
Cung Khôn Ninh trong Tử Cấm Thành. Ảnh: Unsplash.
Cung này vô cùng rộng lớn, gồm cả thảy chính hành lang và ba phòng ở. Mái cung được lợp nói lưu ly vàng óng. Đây cũng là nơi được truyền lại là đã xảy ra rất nhiều chuyện ghen tuông, thị phi và nhuốm đầy máu tươi, tội lỗi. Chính những câu chuyện huyền bí, xa xưa, nhuốm màu tăm tối vừa như thật lại như ảo này cũng là một phần lý do thu hút rất nhiều du khách đến với cố cung Tử Cấm Thành.
Dưỡng Tâm điện
Dưỡng Tâm điện có vị trí ở phía tây nam cung Càn Thanh. Nơi đây vốn được dùng làm thư phòng hoàng đế. Về sau, khi Ung Chính lên ngôi, ông quyết định lấy điện này làm thư phòng kết hợp phòng bàn bạc chính sự, kiêm luôn phòng nghỉ ngơi.
Nơi làm việc của hoàng đế ở Dưỡng Tâm điện trong Tử Cấm Thành. Ảnh: PxHere.
Điện này được bài trí sang trọng, tinh tế nhưng cũng rất thực tế. Trong điện có đầy đủ phòng nhỏ bàn việc cơ mật, có khu nghỉ ngơi, gian điện bái Phật…
Ngự Hoa viên
Nằm phía sau cùng của Tử Cấm Thành là Ngự Hoa viên, hay còn gọi là vườn Thượng Uyển. Cảnh sắc nơi đây được bao bọc trong thiên nhiên như gấm như họa, gần như đối lập hoàn toàn với vẻ nghiêm trang, có phần nặng nề của các cung điện khác. Trong Ngự Hoa viên trồng rất nhiều các loài cây quý. Có những cây cổ thụ đã hàng tram năm tuổi vẫn tỏa bóng rợp một góc vườn. Du lịch Trung Quốc nhất định đừng bỏ lỡ khu vườn xinh đẹp này nhé.
Cây xanh tỏa bóng trong Ngự hoa viên ở Tử Cấm Thành. Ảnh: family.
Nơi đây cũng có nhiều vọng lâu, đình đài để hoàng đế và phi tần nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ, ngắm trăng…
Đài nghỉ chân trong Ngự Hoa viên tại Tử Cấm Thành. Ảnh: tripcom.
Tử Cấm Thành vẫn luôn là báu vật vô giá đối với người dân Trung Hoa nói riêng và toàn thế giới nói chung. Đây là công trình lịch sử đã đi qua những năm tháng cuối thời phong kiến, là minh chứng sừng sững về một nền văn hóa và những kiệt tác nghệ thuật của đất nước đã tồn tại hàng nghìn năm. Đừng quên cập nhật các tin tức du lịch Trung Quốc cùng với chúng tôi để có thêm nhiều lựa chọn những địa điểm du lịch, văn hoá và ẩm thực thú vị nhé.
An
Đăng bởi: Nguyễn Tuấn Anh
Từ khoá: Đến Bắc Kinh, lặng người trước cố cung huyền bí Tử Cấm Thành
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Đến Bắc Kinh, lặng người trước cố cung huyền bí Tử Cấm Thành của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.