Khác với cái tên thông thường “Graduation” (tốt nghiệp), buổi lễ được gọi là “Commencement” (tạm dịch: sự khởi đầu). Qua đây, đội ngũ sáng lập, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam muốn truyền tải thông điệp: “Tốt nghiệp là một trong nhiều cột mốc của sự trưởng thành, thay vì dấu chấm hết cho việc học tập. Thế hệ cử nhân của trường sẽ khai phá nhiều hơn, không ngừng theo đuổi, chinh phục ước mơ”.
Trong khóa đầu tiên này, 18 sinh viên tốt nghiệp loại Danh dự, 15 bạn đạt loại Xuất sắc và nhiều cá nhân đạt thành tích cao trong quá trình ứng tuyển công việc, học bổng bậc cao hơn.
Trong đó, bạn Lý Minh Tú (ngành Kinh tế học) và Phan Cảnh Minh Phước (ngành Khoa học Máy tính) đã vượt qua hàng trăm thí sinh trong “cuộc đua” chinh phục hai tập đoàn tư vấn toàn cầu: Boston Consulting Group (BCG) và Bain & Company.
Bạn Nguyễn Hữu Phúc Ngân (ngành Tâm lý học và ngành phụ Khoa học Xã hội), Nguyễn Thu Huyền (ngành Khoa học Máy tính và ngành phụ Toán ứng dụng) lần lượt nhận học bổng tiến sĩ ngành Tâm lý Phát triển ở Đại học Minnesota (Mỹ) và 100.000 USD chương trình thạc sĩ Vận trù học và Tính toán tại trường William & Mary (Mỹ).
Bên cạnh đó, sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam đã phát triển nhiều ý tưởng startup góp phần thay đổi và đóng góp tích cực cho xã hội. Seesaw – startup được thành lập năm 2021 được xây dựng bởi bạn Đào Hải Nhật Tân (ngành Tâm lý học) và nhóm sinh viên cùng trường nhằm nghiên cứu, phát hành sản phẩm trò chơi, dịch vụ giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam. Dự án đã kêu gọi thành công hai tỷ đồng vốn đầu tư trên chương trình Shark Tank.
Bạn Nguyễn Phùng Nhật Khôi (ngành Khoa học Máy tính ) cũng thuyết phục được startup công nghệ nông nghiệp Koidra rót vốn đầu tư 4,5 triệu USD để phát triển đề án tốt nghiệp về công nghệ dạy máy tính trồng cây. Nam sinh đã trúng tuyển học bổng chương trình Tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính Đại học Texas tại Dallas.
Tiến sĩ Đinh Vũ Trang Ngân – Giám đốc Chương trình Cử nhân Fulbright cho biết, trường hướng tới kiến tạo nên những cá nhân tràn đầy khao khát và cá tính, vững vàng tự quyết định lối đi riêng.
“Chúng tôi tin hành trình học tập vừa qua đã xây dựng nền móng vững chắc, từ đó, các em có thể giữ thái độ tự tin và can đảm khi đứng trước thử thách, sẵn sàng thử sức với những điều mới mẻ, kiến tạo nên những thay đổi ý nghĩa cho xã hội”, bà nói thêm.
Đại học Fulbright Việt Nam tuyển sinh và khai giảng khóa cử nhân đầu tiên vào năm 2018, một năm sau khi Chính phủ cấp giấy phép hoạt động. Trước đó, năm 2014, Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách sáng lập một đại học Việt Nam theo mô hình giáo dục khai phóng của nước này.
Theo ông Thomas J. Vallely – Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, nếu Fulbright là một chi nhánh của một trường đại học Mỹ, trường sẽ nhanh chóng nổi tiếng. Tuy nhiên, nhìn nhận lâu dài, các trường chi nhánh thường có xu hướng biến thành “con gà đẻ trứng vàng” thay vì trở thành một tổ chức học thuật xuất sắc và có ảnh hưởng ở nước sở tại.
“Fulbright phải trở thành một cơ sở giáo dục của Việt Nam, cho Việt Nam, với không gian tri thức riêng, với đội ngũ giảng viên và cơ chế quản trị độc lập”, ông Vallely nhấn mạnh.
Theo đó, Đại học Fulbright Việt Nam hướng tới đáp ứng cơn “khát” nguồn nhân lực có kỹ năng tư duy đa chiều ở Việt Nam. Bà Bà Đàm Bích Thủy – Chủ tịch Sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, dưới tác động của công nghệ, tư duy truyền thống – “học theo khuôn mẫu, một công việc làm cả đời” đã không còn phù hợp. Vì vậy, các trường cần giúp sinh viên có hành trang để thích ứng với những thay đổi.
Đại học Fulbright Việt Nam xây dựng mô hình và triết lý giáo dục khai phóng tương tự các trường đại học hàng đầu ở Mỹ. Trường cung cấp cho các cá nhân nền tảng kiến thức sâu rộng, năng lực cảm thụ các giá trị đạo đức nhân văn và kỹ năng có thể chuyển đổi trong bất kỳ môi trường nào.
Giáo dục khai phóng là giúp người học khả năng tiếp cận với nhiều lĩnh vực trước khi nhận biết mình nên đi sâu vào lĩnh vực gì. “Dù đã chọn, người học cũng không phải hy sinh các thói quen hay niềm đam mê nào đó. Một người học chuyên ngành máy tính vẫn có quyền hiểu biết về âm nhạc; người muốn làm ngân hàng cũng không phải từ bỏ ước mơ để hiểu biết về lĩnh vực tâm lý”, bà Thủy phân tích.
Với triết lý này, sinh viên Fulbright Việt Nam tham gia các lớp học học thuật, đồng thời, học cách tự vấn bản thân. Trường cũng hướng đến khuyến khích người học tự đặt câu hỏi, thay vì tiếp nhận thông tin một chiều.
Qua chương trình học tại đây, sinh viên có thể biết cách phát hiện vấn đề và trang bị khả năng tư duy giải pháp. Các bạn không chỉ đặt mục tiêu là tấm bằng đại học, mà còn được định hướng xây dựng cuộc đời ý nghĩa với tinh thần phụng sự.
Nhật Lệ
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/dai-hoc-fulbright-viet-nam-to-chuc-le-tot-nghiep-dau-tien-4619734.html