Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức là một thiền viện lớn, rộng và đẹp thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) khoảng 43 km.
Thiền Viện Trúc Lâm Trí Đức có tổng diện tích gần 10 mẫu, gồm hai viện Tăng – Ni riêng biệt.
Cách tính diện tích theo đơn vị mẫu hay công (sào) khá tùy tiện, tùy theo từng vùng. Một mẫu bằng 10 công. 1 công hay 1 sào đất Nam bộ Việt Nam là 1.000 m², ở Trung bộ là 500 m², ở Bắc bộ là 360 m².
Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức được khởi công xây dựng vào tháng 5 năm 2009, kiến trúc theo hình mẫu chung của giáo phái Trúc Lâm với nhiều hạng mục công trình như: chánh điện, tổ đường, trai đường, thính pháp đường, khách đường, thư viện, các khu tịnh thất, thiền thất… cho cả hai viện Tăng và Ni. Thiền viện đã được khánh thành hồi tháng 1 năm 2020, và vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, bổ sung.
Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức là một thiền viện nghiên cứu và thực hành về Thiền tông, theo dòng Trúc Lâm Yên Tử.
Thiền phái Trúc Lâm (hay Trúc Lâm Yên Tử) là một dòng thiền Việt Nam được hình thành từ thời nhà Trần, do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm vốn là Pháp hiệu của Trần Nhân Tông từ khi xuất gia ở động Vũ Lâm (tỉnh Ninh Bình), đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng thiền này. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ). Thiền phái này được xem là sự tiếp nối nhưng là hợp nhất ba dòng thiền Việt Nam trong thế kỷ XII – đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi, cùng với sự pha trộn ảnh hưởng của Tông Lâm Tế. Với việc lập ra phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông đã thống nhất các Thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối.
Theo thông lệ, vào ngày chủ nhật của tuần thứ hai mỗi tháng, thiền viện sẽ tổ chức sinh hoạt đạo tràng cho hàng ngàn Phật tử đến theo học về thiền, bao gồm các hoạt động: tụng kinh, sám hối, ngồi thiền, thọ trai, nghe giảng pháp. Du khách có thể tham quan cả hai viện Tăng và Ni, tuy nhiên, vào giờ thiền, du khách không được phép vào. Ngoài ra, ở viện Ni – khu dành cho nữ tu – du khách cũng hạn chế đi vào.
Về ý kiến cá nhân của mình, có cảm giác cực kỳ an yên và thoải mái khi đi vào thiền viện Trúc Lâm Trí Đức. Có lẽ giữa không gian Phật giáo yên tĩnh, giữa chốn thiền môn thanh vắng, giữa một vùng kiến trúc rộng rãi (cực kỳ rộng), nhiều cây xanh, cùng tiếng chuông chùa ngân vang đầy thức tỉnh, tâm trạng con người ta cũng trở nên tĩnh lặng và thư thái, hành vi cũng mặc nhiên nhẹ nhàng và có ý thức hơn.
Cổng tam quan thiền viện trúc lâm Trí Đức
Đường vào thiền viện đi qua một cánh rừng cao su xanh um
Khu vực gửi xe (miễn phí) và khu vệ sinh ở phía sau
Khu vực chánh điện
Gác trống
Gác chuông
Phòng ăn
Khu Ni
Vườn cây
Hồ cá Koi trong khu thiền thất
*** Bài viết có sử dụng tài liệu từ nhiều nguồn trên Internet, được tổng hợp và biên tập lại.
*** Ảnh chụp bằng điện thoại iPhone 7, chỉnh sửa qua ứng dụng (app) PS Express.
Đăng bởi: Thư Nguyễn Minh
Từ khoá: Cửa thiền an yên ở thiền viện Trúc Lâm Trí Đức Đồng Nai
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Cửa thiền an yên ở thiền viện Trúc Lâm Trí Đức Đồng Nai của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.