Chàng trai 23 tuổi cho biết anh muốn học cao hơn, lấy bằng sau đại học để tăng cơ hội kiếm được việc làm. Nhưng việc này cũng không đơn giản. Cạnh tranh khốc liệt khiến Bie thi ba lần vẫn chưa đỗ.
“Tôi không biết liệu ngày đó sẽ đến (thi đỗ) hay không bao giờ đến trong cuộc đời này”, Bie nói.
Alan Rong, 26 tuổi, ở Sơn Đông thì bất ngờ mất việc khi đang làm cho một công ty bất động sản hồi tháng 2. Rong vốn có bằng quản lý kỹ thuật, nhìn nhận nguyên nhân là sự suy giảm nghiêm trọng của thị trường bất động sản trong ba năm qua.
“Các công ty bất động sản gặp áp lực khi căn hộ không thể bán được. Doanh nghiệp không có khả năng trả lương cho nhân viên vì nhiều vấn đề về dòng tiền”, Rong nói.
Bie và Rong nằm trong khoảng 30 triệu người trẻ thất nghiệp tại Trung Quốc. Dữ liệu Cục Thống kê Trung Quốc công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở nước này trong tháng 3 là 19,5%, tăng gần 3% so với cách đây ba tháng và cao nhất kể từ khi chỉ số này được ghi nhận (2018).
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng ở Tập đoàn tài chính Macquarie, nhìn nhận tỷ lệ thất nghiệp thường gia tăng vào thời điểm này, khi sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm việc làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hiện các công ty không muốn thuê thêm nhân công vì người tiêu dùng đang rất thận trọng.
Trong khi đó, sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc tăng với tốc độ chậm hơn dự kiến vào tháng trước. Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng châu Á Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, nói sản xuất chậm hơn và lĩnh vực công nghệ thông tin sụt giảm có thể là hai nguyên nhân khiến thanh niên thất nghiệp dai dẳng.
Mặt khác, Tao Yu, giảng viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Tây Australia, nhận định kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường việc làm.
“Bằng tốt nghiệp không đảm bảo một công việc tốt hay dễ dàng nên họ cảm thấy mông lung”, ông Tao nói.
Vào thời điểm nền kinh tế đang phải đối mặt với lạm phát cao và thị trường việc làm khó khăn, một số thanh niên chọn mở gian hàng ở chợ đêm để có thu nhập, đồng thời tránh áp lực làm việc “996” (từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần).
Nhưng nhiều người khác vẫn phải sống dựa vào sự hỗ trợ của gia đình. Tina Li, cử nhân ngành truyền thông, 24 tuổi, là một trong số đó. Li không có việc và sống dựa vào bố mẹ gần hai năm qua.
“Việc học đại học không mang lại cho tôi nhiều lợi thế so với những người có kỹ năng, vì tôi thiếu kinh nghiệm”, ABC dẫn lời Li.
Còn Rong thì sống nhờ vào gói trợ cấp của công ty kể từ tháng 2. Anh nói chưa thể tìm được việc làm mới trong một thị trường cạnh tranh như hiện tại.
“Bố mẹ tôi thỉnh thoảng nói những người không học đại học đang làm việc tại các công trường xây dựng còn có thể kiếm được hơn 2.000 USD mỗi tháng, vậy mà tôi không tìm nổi một công việc tốt”, Rong chia sẻ. Rong thấy lo lắng, nghĩ bản thân “không có tương lai” và việc học đại học đã bị “lãng phí”.
Trong khi đó, Bie mong bố mẹ gây áp lực cho mình vì họ không thể hiện sự căng thẳng ở bất cứ điều gì.
“Càng được an ủi, tôi càng cảm thấy có lỗi với họ”, Bie nói.
Bình Minh (Theo ABC, SCMP)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/cu-nhan-trung-quoc-lo-lang-vi-that-nghiep-4597268.html