Tại IT Space (cơ sở mô phỏng doanh nghiệp), sinh viên thực hiện dự án thông qua môi trường làm việc thực tế, bao gồm: không gian, thiết bị, quy trình và các công nghệ đang sử dụng tại doanh nghiệp. Qua đó, các bạn trẻ có thể tiếp cận nhanh với công việc thực tế sau khi tốt nghiệp.
Nguyễn Hải Ngân – cựu sinh viên Đại học Thái Bình Dương chia sẻ, việc cập nhật kiến thức mới là khó khăn lớn nhất của cậu. Công nghệ thay đổi hàng giờ, đòi hỏi nhân sự phải thường xuyên bổ sung kiến thức, tự phát triển bản thân để tránh nguy cơ đào thải. Do đó, dù là ngành “hot”, có thể đem lại nguồn thu nhập cao, người làm nghề phải có đam mê và quyết tâm lớn.
Với chương trình học tại Đại học Thái Bình Dương, Ngân được tham gia làm dự án từ năm nhất. Qua đó, nam sinh tích lũy kinh nghiệm, xây dựng kiến thức nền tảng vững và nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc thực tế.
Theo đại diện trường, chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin tại đây tập trung vào bốn vấn đề quan trọng, bao gồm: mắm bắt xu hướng công nghệ, chương trình đào tạo bám sát yêu cầu thực tế, kết nối sinh viên với môi trường doanh nghiệp và tăng cường trải nghiệm cho sinh viên.
“Chương trình đào tạo được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh của sinh viên, đảm bảo khả năng thích nghi và thăng tiến sau khi tốt nghiệp”, vị đại diện khẳng định.
Theo đó, sinh viên có thể trau dồi kiến thức, kỹ năng về phát triển phần mềm trên các nền tảng (máy tính, web, điện thoại, cloud); trí tuệ nhân tạo; quản trị cơ sở dữ liệu hay triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) và toàn thông tin. Đồng thời, Đại học Thái Bình Dương định hướng tăng cường kiến thức liên ngành, khả năng tiếng Anh, ngoại ngữ thứ hai và ý thức chuyên nghiệp, trải nghiệm thực tế để cạnh tranh với nhân lực trong thị trường chung ASEAN.
Bên cạnh đó, Đại học Thái Bình Dương liên tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết với doanh nghiệp để trang bị kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên. Hiện tại, trường hợp tác với nhiều tố chức lớn trong lĩnh vực tin học như IVS, VHEC, ADAI lab, FOIS, FPT, Kaspersky Vietnam và Valley Campus Saigon (VCS).
Mối quan hệ này mang đến cho sinh viên cơ hội thực hành, trải nghiệm Phòng thí nghiệm Internet vạn vật (IoT Lab); giáo trình giảng dạy công nghệ IoT cập nhật theo nhu cầu của doanh nghiệp; cung cấp cơ hội thực tập và việc làm tại các công ty trong nước và Nhật Bản.
Ngoài ra, Đại học Thái Bình Dương cam kết cung cấp 100% việc làm không qua phỏng vấn với nhiều doanh nghiệp trong hệ thống Tập đoàn Sovico, trong đó có Ngân hàng HDBank, Vietjet Air, Địa ốc Phú Long. Các đơn vị này cũng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, chương trình giảng dạy với đội ngũ giảng viên.
TS. Nguyễn Trùng Lập – Trưởng Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Thái Bình Dương, cho biết, đặc trưng của mô hình đại học trường đã thực hiện trong nhiều năm qua là tính thực tiễn, đào tạo để sinh viên ra trường làm được việc ngay, không cần đào tạo lại.
Theo ông, thị trường lao động lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng khan hiếm, đặc biệt là khu vực miền trung khi Đà Nẵng đang tham gia vào mục tiêu trở thành “thung lũng silicon” khu vực Đông Nam Á. Quy Nhơn (Bình Định) cũng xây dựng khu công viên phần mềm nhằm hình thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo công nghệ, phát triển sản phẩm.
Theo số liệu thống kê của khoa Công nghệ thông tin – Trường Đại học Thái Bình Dương, mỗi năm các trường đại học cung cấp khoảng 50.000 kỹ sư. Trong khi đó, thị trường đang thiếu 190.000 nhân lực.
“Vì vậy, trong 10 năm tới nhân lực nhóm ngành công nghệ thông tin vẫn được ưa chuộng. Việc theo đuổi ngành này là một sự lựa chọn khôn ngoan và đúng đắn cho những ai yêu thích công nghệ”, ông nói thêm.
Nhật Lệ
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/co-hoi-thuc-chien-cong-nghe-thong-tin-tu-dai-hoc-thai-binh-duong-4590911.html