Giống như Trái Đất, sao Thổ nghiêng trên trục của nó và do đó có 4 mùa. Vì quỹ đạo của sao Thổ lớn hơn nhiều nên mỗi mùa trên hành tinh khí khổng lồ này kéo dài khoảng 7 năm. Trong thời gian điểm phân, khi các vành đai nghiêng về phía Mặt Trời, những đốm đen bí ẩn (hoặc đốm sáng tùy vào vị trí của thiết bị quan sát) thường xuất hiện và dường như di chuyển dọc theo các vành đai, một hiện tượng mà đến nay các nhà thiên văn học vẫn chưa thể giải thích chắc chắn.
NASA mới đây đã chia sẻ những hình ảnh và video từ kính viễn vọng không gian Hubble cho thấy hai đốm đen mờ nhòe trượt trên vành đai B của sao Thổ khi hành tinh này sắp tiến đến điểm thu phân ở bán cầu bắc, dự kiến xảy ra vào ngày 6/5/2025, CNN hôm 13/2 đưa tin.
Điểm phân cuối cùng của Sao Thổ xảy ra vào năm 2009, khi tàu vũ trụ Cassini của NASA vẫn còn quay quanh hành tinh để do thám cận cảnh. Với nhiệm vụ của Cassini đã kết thúc vào năm 2017, Hubble đang tiếp tục theo dõi những thay đổi trên sao Thổ và các thế giới ngoài Trái Đất.
Theo NASA, các đốm đen ngày càng nổi bật hơn khi đến gần điểm thu phân và sẽ biến mất khi gần đến ngày hạ chí hoặc đông chí trên sao Thổ, thời điểm Mặt Trời đạt đến vĩ độ cao nhất hoặc thấp nhất ở bán cầu bắc hoặc nam của hành tinh.
Dù chưa hiểu rõ ràng, giới thiên văn học nghi ngờ các đốm này gây ra bởi từ trường biến đổi của sao Thổ. Khi từ trường của hành tinh tương tác với gió Mặt Trời, nó tạo ra một môi trường tích điện. Các nhà khoa học nghĩ rằng ngay cả những hạt băng nhỏ nhất (có kích thước bằng hạt bụi) cũng có thể tích điện, làm chúng bay lên trên phần còn lại của các hạt băng và tảng đá lớn hơn trong vành đai, tạo nên những chỗ phình rõ ràng.
Có lẽ các hành tinh có vành đai khác cũng trải qua hiện tượng tương tự, nhưng đến nay chúng chỉ được quan sát thấy trên các vành đai dày đặc và rất nổi bật của sao Thổ, theo Amy Simon, nhà khoa học hành tinh cấp cao tại NASA.
Đoàn Dương (Theo CNN/NASA)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/chuyen-dong-bi-an-tren-vanh-dai-sao-tho-4570283.html