Chủ nghĩa cá nhân đúng đắn sẽ khiến cho xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ và tích cực. Ngược lại, chủ nghĩa vị kỷ sẽ kìm hãm sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu chủ nghĩa cá nhân là gì, những đặc điểm của chủ nghĩa cá nhân và sự khác biệt của chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa vị kỷ.
Một hôm nhân lúc trà dư tửu hậu đàm đạo với một ông bạn, tôi có đưa ra nhận xét rằng muốn đất nước phát triển lên tự do dân chủ và công bằng văn minh, chủ nghĩa cá nhân phải được tôn trọng và phải được khuyến khích. Chưa nghe hết lời tôi nói, ông bạn đã giãy nảy lên bảo rằng, con người bây giờ ai cũng ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân mình vậy chưa đủ hay sao mà còn khuyến khích chủ nghĩa cá nhân. Ông bạn tôi cũng như rất nhiều người trong chúng ta có một sự nhầm lẫn giữa chủ nghĩa cá nhân (individualism) và chủ nghĩa vị kỷ (egoism). Sự hiểu lầm này là kết quả của sự đánh tráo khái niệm một cách cố ý. Nếu chủ nghĩa vị kỷ kìm hãm sự phát triển của cộng đồng và xã hội thì chủ nghĩa cá nhân ngược lại sẽ khiến cho xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ và tích cực. Bài viết này sẽ giúp chúng ta hiểu đúng về ý nghĩa của chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân là gì?
Theo Wikipedia, chủ nghĩa cá nhân là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một cách nhìn nhận trên phương diện xã hội, chính trị hoặc đạo đức trong đó nhấn mạnh đến lợi ích của mỗi cá nhân, sự độc lập của con người và tầm quan trọng của tự do và tự lực của mỗi cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân còn được gọi là cá nhân chủ nghĩa, chủ nghĩa cá thể.
Chủ nghĩa cá nhân là một khái niệm triết học ra đời ở châu Âu vào khoảng thế kỉ 17-18, cùng thời với trào lưu triết học khai sáng (Enlightenment), sự phát triển của đạo Tin Lành, và những cuộc thám hiểm của những nhà hàng hải châu Âu đi tìm những vùng đất mới để làm thuộc địa. Chủ nghĩa cá nhân cũng là tiền đề cho các cuộc cách mạng tư sản một thế kỷ sau đó trên khắp lục địa châu Âu. Khi được du nhập vào Mỹ, chủ nghĩa cá nhân được phát triển thành chủ nghĩa tiên nghiệm (transcendentalism), nền tảng triết lý của người Mỹ. Vậy chủ nghĩa cá nhân có những đặc điểm gì?
Những đặc điểm của chủ nghĩa cá nhân
1. Trước tiên, chủ nghĩa cá nhân phát triển dựa trên một chân lý, mỗi người đều là một cá thể độc lập về trí tuệ, tư duy và hành động. Chính vì vậy mỗi cá nhân phải được tôn trọng và khuyến khích phát triển sự khác biệt cá nhân để có thể phát triển tới mức tối ưu những sở trường của mình. Chủ nghĩa cá nhân hiểu rõ một điều, mỗi người đều có mặt mạnh và mặt yếu khác nhau. Chúng ta không thể bắt cá leo cây như khỉ hoặc khỉ phải bơi giỏi như cá.
2. Vì năng lực khác nhau nên năng suất lao động, hiệu quả công việc cũng như đóng góp của mỗi cá nhân cho xã hội cũng sẽ khác nhau. Người có năng lực thấp dĩ nhiên không thể cống hiến bằng người có tài năng. Điều đó dẫn đến một hệ quả tất yếu: mức độ hưởng thụ cũng sẽ tỉ lệ thuận với mức độ cống hiến.
Nói một cách dễ hiểu: người bỏ nhiều công sức sẽ được hưởng nhiều, người bỏ ít công sức sẽ được hưởng ít và người không bỏ công sức để đóng góp sẽ không được hưởng gì cả. Điều này thúc đẩy sự cố gắng nỗ lực của mỗi cá nhân để hoàn thiện bản thân mình vì xét cho cùng, ai cũng muốn được no đủ hạnh phúc. Không ai muốn nghèo đói khổ cực.
3. Chủ nghĩa cá nhân bắt buộc và đề cao tính tự lập của mỗi người vì không ai muốn nuôi một kẻ ăn bám mình suốt đời cho dù là cha mẹ lo cho con cái thì cũng chỉ tới khi con cái đủ tuổi thành niên, chúng dứt khoát phải tự lập để lo cho bản thân mình. Đổi lại, khi con cái đã tự lập, chúng có toàn quyền quyết định cuộc đời, sự nghiệp và hạnh phúc tương lai của chúng mà không phải chịu sự chi phối của cha mẹ.
Trong một xã hội mà chủ nghĩa cá nhân được xem là triết lý nền tảng, sẽ không có chỗ dành cho những kẻ ăn không ngồi rồi và dựa dẫm vào người khác. Những kẻ lười biếng sẽ bị khinh bỉ và tẩy chay.
4. Khi con người có thể tự thân vận động tức là có thể tự lập về tài chính nuôi sống bản thân mình, họ có quyền đòi hỏi những quyền tự do khác của họ như quyền tư duy độc lập hoặc tự do ngôn luận, quyền tự do về nhân thân được tôn trọng.
Điều này cũng dễ hiểu. Một khi bạn phải dựa dẫm vào người khác để có hai bữa ăn và chỗ ở, bạn không thể mạnh miệng đòi hỏi này nọ. Chỉ cần bị khống chế về mặt tài chính, bạn sẽ khốn đốn và phục tùng.
Sự khác nhau giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vị kỷ
Khi đọc tới đây, chắc có một số người sẽ hỏi rằng: nếu ai cũng muốn mình phát huy tối đa thế mạnh của mình thì chắc chắn sẽ không thể nào tránh khỏi chuyện kẻ mạnh sẽ chèn ép thậm chí triệt tiêu kẻ yếu hơn mình để chiếm thể độc tôn. Cho dù điều đó không xảy ra đi nữa thì chắc chắn một điều những kẻ không tự lo cho bản thân mình được như người già yếu, người tàn tật sẽ bị bỏ rơi vì trên thực tế họ không thể nào đóng góp nhiều cho xã hội hay tự nuôi sống bản thân họ. Những mảnh đời bất hạnh cơ nhỡ trong xã hội sẽ ra sao khi không ai quan tâm đến họ?
Đúng vậy, chủ nghĩa cá nhân nếu chỉ dừng ở những đặc điểm kể trên thì không thể được gọi là chủ nghĩa cá nhân đúng đắn mà phải gọi đó là chủ nghĩa vị kỷ: mọi người bất chấp tất cả để làm lợi cho bản thân mình mà không màng tới sự sống chết của đồng loại. Tuy nhiên chủ nghĩa cá nhân khác chủ nghĩa vị kỷ ở những đặc điểm sau.
1. Chủ nghĩa cá nhân không cho phép việc vì lợi ích cá nhân mà xâm phạm lợi ích của người khác. Hiểu đơn giản nhất là bạn làm gì ở nhà bạn thì đó là chuyện của bạn, nhưng bạn không được làm phiền hàng xóm vì họ cũng có những lợi ích riêng tư cần được tôn trọng.
Bạn có thể không cảm thấy mệt và muốn hát karaoke giải trí lúc 1 giờ trưa hay nửa đêm, nhưng anh phải hiểu rằng hàng xóm bạn cần phải nghỉ ngơi và họ không muốn nghe bạn hát. Giải pháp tốt nhất là anh đóng cửa lại, mở volume vừa đủ thế nào đó để hàng xóm không bị phiền.
2. Chủ nghĩa cá nhân tôn trọng và bảo vệ những quyền riêng tư của cá nhân nếu nó không ảnh hưởng trực tiếp tới quyền riêng tư của cá nhân khác hoặc lợi ích chung của xã hội.
Ví dụ, bạn ăn mặc như thế nào, để đầu tóc như thế nào, thích ăn gì đó là quyền riêng tư của bạn. Bạn là gay là les, da đen hay da vàng, theo đạo Hồi, đạo Phật hay đạo Cơ Đốc hay không có tín ngưỡng thì bạn vẫn phải được đối xử công bằng như những người khác vì những điều đó của bạn không gây hại cho xã hội và không gây hại cho người khác. Người nào cố tình cản trở hoặc cấm đoán đều sẽ bị xử lý theo pháp luật.
3. Chủ nghĩa cá nhân khuyến khích sự đóng góp cho xã hội và giúp đỡ những trường hợp bất hạnh không có khả năng tự lo cho bản thân mình. Vì những cá nhân nổi trội sẽ tạo ra được thặng dư vật chất, những thặng dư này sẽ được đóng góp theo hướng bắt buộc thông qua thuế và tự nguyện thông qua hình thức các quỹ xã hội và các hoạt động thiện nguyện.
Điều này đảm bảo hầu hết mọi người trong xã hội được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất trong tháp nhu cầu Maslow (ăn, ở, giáo dục căn bản). Những đóng góp và cống hiến cho xã hội sẽ được ghi nhận và tưởng thưởng để đảm bảo việc đóng góp này được tiếp tục thực hiện trong tương lai. Đồng thời những sự tưởng thưởng và ghi nhận của một cá nhân đối với xã hội cũng chính là cách thỏa mãn được những nhu cầu cao hơn của con người trong tháp Maslow: nhu cầu được xã hội công nhận và tôn trọng thông qua những đóng góp cho cộng đồng.
Via/Ảnh: Dkoding
Đăng bởi: Phương Vũ Thị
Từ khoá: Chủ nghĩa cá nhân là gì? Đặc điểm và sự khác biệt với chủ nghĩa vị kỷ?
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Chủ nghĩa cá nhân là gì? Đặc điểm và sự khác biệt với chủ nghĩa vị kỷ? của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.