Cholesterol là một chất có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, nó có mặt ở khắp mọi nơi trong cơ thể bạn. Vậy Cholesterol là gì? Nó có những loại nào. Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây.
Để giúp cơ thể hoạt động khỏe mạnh, bình thường chắc chắn phải có sự giúp sức của Cholesterol bởi đây là chất thiết yếu mà các tế bào trong cơ thể đều cần, từ quá trình sinh hóa đến quá trình hoạt động của tim mạch.
Cholesterol là gì?
Cholesterol là chất mỡ cơ thể bạn cần để hoạt động. Nó có trong các loại thực phẩm như mỡ động vật, thịt, trứng, sữa, bơ, nội tạng động vật… thậm trí là hình thành ngay trong gan của bạn. Cholesterol giúp hỗ trợ trong quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh, cũng như trong việc sản xuất một số loại hormone để giúp cho cơ thể con người hoạt động bình thường, khỏe mạnh.
Tính chất của Cholesterol chính là kém tan trong nước, mặc dù không được di chuyển tự do trong máu nhưng nó lại được vận chuyển trong máu bởi các “va-li phân tử” tan trong nước và bên trong mang theo cholesterol và mỡ. Cholesterol là chất cần thiết không thể thiếu trong cơ thể người, ở người mức Cholesterol luôn ổn định nhưng nếu như nó tăng lên quá cao sẽ có nguy cơ gây bệnh.
Các loại Cholesterol
Cholesterol có 2 loại chính là: LDL (Cholesterol xấu) và HDL (Cholesterol tốt).
LDL hay còn gọi là Cholesterol xấu (mỡ xấu)
LDL là chữ viết tắt tiếng anh low density lipoprotein cholesterol có nghĩa là lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp. LDL giúp cho quá trình chuyên chở hầu hết cholesterol của cơ thể tuy nhiên nêu chất này có quá nhiều trong máu sẽ gây nên hiện tượng lắng đọng mỡ, gây xơ vữa động mạch đây cũng là nguyên nhân chính gây nên bệnh lý về tim như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Ở người lớn mức LDL của người bình thường khi tiến hành xét nghiệm máu mức LDL < 100 mg/dL được coi là mức bình thường tuy nhiên nếu ở khoảng 130 – 159 mg/dL là ở giới hạn cao, 160 – 189 mg/dL là ở mức cao và từ 190 mg/dL trở lên là rất cao. Còn đối với trẻ em, bình thường là ở ngưỡng < 110 mg/dL, mức giới hạn cao là 110 – 129 mg/dL, và từ 130 mg/dL trở lên là mức cao.
HDL hay còn gọi là Cholesterol tốt (mỡ tốt)
HDL là chữ viết tắt tiếng anh (high density lipoprotein cholesterol): lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao, chức năng của chất này là lấy cholesterol dư thừa ra khỏi máu và ngăn chúng không xâm nhập vào thành động mạch bảo vệ thành động mạch tránh khỏi các tác nhân gây sơ vữa thành động mạch.
Chỉ số bình thường của HDL-Cholesterol trong máu bình thường khoảng 40-50 mg/dL (1.0-1.3 mmol/L) ở nam và khoảng 50-59 mg/dl (1.3-1.5 mmol/L) ở nữ.
Vai trò của Cholesterol trong cơ thể
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Viết Lệ Diễm – Bác sĩ Nội tổng quát – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, Cholesterol có nhiều tác dụng đối với cơ thể:
Sản sinh hormone
Cholesterol được sử dụng để sản sinh hormone steroid cần thiết cho sự phát triển và hoạt động bình thường của cơ thể. Bao gồm:
– Hormone giới tính: Estrogen và progesteron ở phụ nữ, teststeron ở nam giới.
– Cortisol – hormone tham gia điều tiết hàm lượng đường huyết và bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng.
– Aldosteron: Vốn rất quan trọng để giữ muối và nước trong cơ thể.
Tạo vitamin D
Hai loại vitamin D quan trọng D2 và D3 là dẫn xuất của steroid, tức chúng được tổng hợp từ nguồn Cholesterol, khi da được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Hỗ trợ tiêu hóa
Cholesterol được sử dụng để gan tạo ra mật, giúp tiêu hóa thức ăn chứa chất béo, giúp cơ thể hấp thu nó. Mật còn giúp hấp thu các Vitamin A, D, E và K và các Vitamin tan trong nước.
Thành phần cấu trúc của tế bào
Cholesterol cùng với các lipid phân cực tạo ra cấu trúc của tất cả các tế bào trong cơ thể. Về cơ bản nó là hàng rào bảo vệ tế bào.
Trong nhiều tế bào thần kinh, holesterol còn có vai trò thiết yếu trong sự hình thành lớp vỏ myelin, giúp “cách ly” sự dẫn truyền các xung thần kinh hiệu quả hơn.
Tác động trên hệ miễn dịch
Cholesterol giúp hệ miễn dịch hoạt động đúng chức năng. Tế bào miễn dịch dựa vào Cholesterol để chống nhiễm trùng và tự phục hồi.
Ngoài ra, LDL Cholesterol trực tiếp gắn và bất hoạt các độc tố vi khuẩn nguy hiểm, ngăn ngừa chúng gây ra tổn thương trong cơ thể. Khi cơ thể bị tổn thương hay nhiễm trùng, Cholesterol xấu tăng lên để đối phó với các tấn công của virut hoặc vi khuẩn.
Vì thế mà người có Cholesterol trong máu thấp dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng.
Chất chống oxy hóa
Cholesterol đóng vai trò như chất chống oxy hóa trong cơ thể. Các gốc tự do dư thừa trong cơ thể sản sinh từ các vết thương phải được trung hòa và Cholesterol thực hiện chức năng này.
Cholesterol đối với thai phụ
Các nghiên cứu chứng minh với 1 thai kỳ khỏe mạnh cũng có thể làm mức Cholesterol trong máu cao hơn bình thường, bao gồm cả HDL và LDL.
Nguyên do, các hormone sẽ kích thích gan tăng mức sản xuất Cholesterol để kích thích màng tế bào, nội tiết tố… rất cần cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
Nếu xét nghiệm máu cho kết quả lượng Cholesterol cao hơn 1 chút so với bình thường thai phụ không nên quá lo lắng. Nhưng nếu mức này tăng quá cao thai phụ sẽ cần thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng hoặc dùng thuốc nếu cần thiết theo tư vấn từ bác sỹ.
Nguồn cung cấp Cholesterol có lợi cho cơ thể
Gan sản xuất khoảng 1000 milligram Cholesterol mỗi ngày, phần còn lại đến từ thức ăn.
Lòng đỏ trứng, thịt gia súc và gia cầm, hải sản…
Sữa và các chế phẩm từ sữa như phomat, kem…
Xem thêm: Những thực phẩm chứa nhiều Cholesterol bạn nên hạn chế ăn.
Nguồn: Vinmec
Như vậy, qua bài viết này các bạn đã biết được Cholesterol là gì rồi đúng không nào? Cholesterol không hoàn toàn xấu mà trái lại rất cần thiết với cơ thể. Quan trọng, cần điều tiết chế độ dinh dưỡng và lối sống để điều hòa lượng Cholesterol trong cơ thể, tăng cường Cholesterol có lợi và giảm Cholesterol có hại, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Kinh nghiệm hay Neu-edutop.edu.vn