Đầu tháng 6, Iran đã gây tiếng vang khi khẳng định đã phát triển thành công “sản phẩm điện toán xử lý lượng tử đầu tiên” phục vụ hoạt động quân sự. Sự xuất hiện của chuẩn đô đốc Habibollah Sayyari của Iran càng “tăng thêm độ uy tín” cho buổi ra mắt.
Theo giới thiệu, bo mạch có hình vuông, thiết kế bắt mắt, một phần mạ vàng, được tạo bởi Đại học Imam Khomeini International (IKIU). Nhiệm vụ của nó là xử lý các tình huống đánh lừa trong hệ thống định vị tàu trên mặt nước bằng thuật toán.
Tuy nhiên, những người theo dõi sự kiện nhanh chóng nhận ra bo mạch khá giống với một sản phẩm tương tự có sẵn trên Amazon, có tên FPGA dựa trên chip ARM. Trên Twitter, Gabriel Noronha, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ về Iran, phát hiện bộ xử lý lượng tử này thực chất là bo mạch FPGA có giá 589 USD được bán phổ biến trên Amazon.
Lúc này, phía IKIU mới cho biết bo mạch không phải là bộ xử lý lượng tử và đổ lỗi cho truyền thông. “Việc ra mắt sản phẩm đã truyền tải một thông điệp sai lầm, rằng nó là một bộ xử lý lượng tử, điều này không đúng”, đại diện IKIU nói với Tasnim News tuần này. “Vấn đề không nằm ở thông báo và cách diễn đạt nó. Vấn đề đến từ các phương tiện truyền thông của đất nước”.
Tuy nhiên, người này, là phó hiệu trưởng kiêm đứng đầu nhóm phát triển, nhấn mạnh Iran thực sự đang phát triển điện toán lượng tử, xem đây là công cụ hỗ trợ cho các nhiệm vụ của lực lượng vũ trang.
Theo một số chuyên gia, bo mạch FPGA chủ yếu được sử dụng để xử lý video, điều khiển motor, phát triển Android/Linux. Nó cũng xuất hiện trong một số thành phần của máy tính lượng tử, được triển khai trong các cơ chế kiểm soát lượng tử với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa điện toán tiêu chuẩn và điện toán lượng tử. Dù vậy, các cỗ máy lượng tử lớn không sử dụng loại bo mạch này.
Bảo Lâm (theo Toms Hardware)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/chip-luong-tu-dau-tien-cua-iran-la-gia-4623619.html