Đại học Quốc gia Hà Nội tối 14/5 cho biết thí sinh này ở Thái Bình, thi lần thứ nhất vào ngày 8/4, đạt 114/150 điểm. Hôm qua, thí sinh dự thi lần thứ hai, cũng đạt mức điểm trên, nhưng bị phát hiện vi phạm quy chế.
Theo quy định, em này bị hủy tất cả kết quả thi đánh giá năng lực (HSA). Đại học Quốc gia Hà Nội còn ba đợt thi nữa nhưng thí sinh này sẽ không được thi tiếp.
Đây là mức điểm cao, bởi trong số 44.000 thí sinh dự thi của bốn đợt trước đó, chỉ 52 em đạt điểm từ 110 trở lên.
Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết đề thi là dữ liệu bảo mật. Việc công bố đề sau khi kết thúc kỳ thi thường áp dụng nếu thi chung 1-2 đề, nhưng với thi đánh giá năng lực, mỗi thí sinh thi một đề riêng.
“Cho thí sinh mang đề thi về thì không còn gọi là ngân hàng đề thi nữa”, ông Thảo nói, cho biết quy định này tương tự với các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế như SAT, IELTS, ACT.
Trong hai ngày 13-14/5, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đợt thi đánh giá năng lực thứ 5. Gần 12.500 thí sinh đăng ký dự thi tại Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa và Hải Phòng.
Tính chung cả 5 đợt, khoảng 55.900 thí sinh đã dự thi, 38 em bị đình chỉ do vi phạm quy chế.
Trước đó, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố phổ điểm bốn đợt thi đầu tiên. Điểm trung bình thí sinh đạt được là 75,2 trên thang điểm 150. So với cùng kỳ năm ngoái, mức này giảm 2,4 điểm.
Số thí sinh đạt từ 100 điểm trở lên chiếm 4,4%. Chỉ 5 em đạt từ 120 điểm trở lên. Trong đó, thí sinh đạt cao nhất là em Nguyễn Đăng Huy, lớp 12 trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc với 129 điểm.
Ba đợt thi đánh giá năng lực còn lại trong mùa tuyển sinh năm nay của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ diễn ra vào tháng 5 và đầu tháng 6.
Hiện, 74 trường đại học, học viện cho biết sẽ dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển. Nhiều trường đã công bố điểm sàn cho phương thức này ở mức 75-85. Riêng Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương lấy 120 điểm cho ngành Y khoa, các ngành còn lại 100. Học viện Tài chính cũng lấy điểm sàn 100 song chỉ dành 5% chỉ tiêu mỗi ngành cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực.
Năm 2022, các trường đại học dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/chep-de-mang-ve-thi-sinh-bi-huy-diem-thi-danh-gia-nang-luc-4605285.html