Ngô Lâm biết mình mắc ung thư máu hệ bạch huyết cuối năm 2017. Anh phát hiện bệnh sau thời gian dài bị lở miệng và chảy máu mũi. Trước đó, anh làm trong ngành xây dựng, thường xuyên uống bia rượu. Bỏ lại công việc để vào viện điều trị, anh đã trải qua 6 đợt hóa và 25 lần xạ trị. Cơ thể kiệt sức, ốm yếu, gần như chỉ nằm một chỗ.
“Ban đầu bác sĩ nói tôi chỉ sống thêm được ba tháng, mong tôi sẽ lạc quan và lo liệu mọi chuyện. Nhìn lại các con còn quá nhỏ, cha mẹ chưa kịp phụng dưỡng, tôi ra đi sẽ để lại gánh nặng cho vợ”, anh kể. Sinh tử đã kề cận, nhưng người chủ doanh nghiệp này lại nghĩ khác. “Nếu phải ra đi thì sẽ là lúc khác. Tôi không muốn đầu hàng số phận”, Ngô Lâm nói với bác sĩ trong những ngày điều trị đầu tiên.
Quyết tâm vượt qua bạo bệnh, anh Lâm bước vào quá trình điều trị kéo dài hơn một năm. Tỷ lệ sống dự đoán ở mức thấp. Với 31 lần hóa xạ trị, lượng hóa chất đưa vào cơ thể anh nhiều đến nỗi không còn nhớ nổi. Hậu quả nhìn thấy sớm nhất là các phần cơ bắp chính bị teo lại, mềm nhũn, không còn sức lực. “Tôi nhìn cơ thể gầy gò, rụng tóc còn không nhận ra mình”, anh Lâm nói. Không có bảo hiểm, gia đình đã phải bán nhiều tài sản chạy chữa.
May mắn sau vài tháng, quá trình điều trị chuyển biến tích cực. Bác sĩ khuyến khích anh tập thể dục, vận động mỗi ngày để bổ trợ. Việc đi bộ 100 m lúc đó với Ngô Lâm cũng là quá sức, toàn thân đau nhức đến tận tủy, nhưng anh không muốn bỏ cuộc vì còn gia đình phía sau. Dần dà, anh có thể chạy vài trăm mét quanh khu mình sống. Thay vì chạy trên đường nhựa, runner chọn đi bộ trên bãi biển hay giữa rừng. Quãng đường cứ thế tăng dần lên 500 m, 1 km, 3 km. Nửa năm sau, anh có thể chạy 5 km – điều bình thường với mọi người nhưng là kỳ tích với một bệnh nhân ung thư.
Ngoài tập luyện, Ngô Lâm tìm hiểu về chế độ ăn thuần chay, kết hợp nguyên lý âm dương, ngũ hành. Ví dụ, buổi sáng chế độ ăn cần có vị chua và ngọt để tốt cho gan, buổi trưa bổ sung vị đắng tốt cho máu huyết, buổi tối thêm vị cay giúp hệ hô hấp tốt hơn… Anh còn học thêm về y học cổ truyền và vật lý trị liệu để tự áp dụng cho bản thân, những người trong gia đình. Ban đầu, gia đình không đồng ý khi anh chuyển sang ăn chay.
“Mẹ tôi nói bệnh rồi thì ráng ăn thịt, cá, chuyển qua ăn chay có được gì đâu. Nhưng tôi hiểu bản thân mình, thấy cơ thể đáp ứng tốt, thoải mái hơn nên vẫn tiếp tục”, anh Lâm chia sẻ.
Hơn một năm kể từ ngày nhập viện, Ngô Lâm được chuẩn đoán sức khoẻ hồi phục, đủ điều kiện về nhà nhưng vẫn phải theo dõi thêm. “Với tôi đó là một hành trình dài khi phải thay đổi tư duy, chế độ ăn uống. Tôi tìm thấy niềm vui, động lực khi cơ thể cải thiện từng ngày”, Ngô Lâm chia sẻ. “Nhưng tôi còn muốn nhiều hơn. Tôi phải chiến thắng căn bệnh để truyền cảm hứng cho cộng đồng, giúp những người đã ở hoàn cảnh tương tự có thêm niềm tin, động lực”, anh nói thêm.
Anh tập gym để bổ trợ các nhóm cơ, tăng thể lực cho cơ bắp mỗi tuần ba buổi. Runner kết hợp chạy ngắn, chạy dốc và biến tốc xen kẽ các ngày trong tuần. Cuối tuần dành cho chạy dài hoặc chạy trail với các địa hình khác nhau trên núi Lớn, núi Nhỏ ở Vũng Tàu. Sau khi chạy xong, anh đều tranh thủ xuống biển để ngâm chân giãn cơ bằng nước muối tự nhiên.
Ba năm sau khi được chẩn đoán ung thư máu, Ngô Lâm tham gia giải chạy full marathon đầu tiên tại Gia Lai. Những bước chạy của anh vững chãi, dứt khoát. Khó ai có thể nhận ra anh từng là bệnh nhân ung thư tiên lượng chỉ sống được ba tháng.
Từ đó, runner giữ thói quen mỗi tháng tham gia một giải marathon. Thậm chí, cuối năm 2022, anh chạy trail 70km. Anh mất 20 giờ để hoàn thành hành trình qua những cung đường hiểm trở, cao gần 2.000 mét so với mực nước biển. Đồng hành cùng anh là gia đình. Anh xem các giải thể thao không chỉ là nơi để chứng minh sự phi thường của con người, truyền cảm hứng cho cộng đồng mà còn để gia đình có những khoảnh khắc gần gũi, gắn kết bên nhau. Đây là điều mà trước năm 2017 anh không mấy để tâm vì lao vào vòng xoáy của công việc.
Cuối tuần này, anh lại cùng gia đình đến Huế tham gia VnExpress Marathon. Anh cho biết chưa có nhiều trải nghiệm tại thành phố này nên rất háo hức trước ngày tham gia. Anh lên kế hoạch dự một buổi hội thảo về sức khỏe và môi trường, tham quan nhiều di tích, danh thắng ở Huế. “Tôi nghĩ bản thân đã đi qua giai đoạn khó nhất. Giờ là lúc tôi muốn cổ vũ mọi người sống tích cực, chăm lo cho sức khỏe”, Ngô Lâm khẳng định.
Hiện tại, anh Lâm mở một nhà hàng chay tại Vũng Tàu, làm chủ một trung tâm chăm sóc sức khỏe hướng dẫn cộng đồng chế độ ăn, tập luyện lành mạnh. Một phần lợi nhuận từ nhà hàng anh gửi cho các tổ chức về môi trường, làm nhiều chiến dịch trồng cây chống xói mòn, vệ sinh biển. “Nghĩ lại, tôi biết ơn căn bệnh đã giúp thay đổi con người. Tôi học được sự tích cực, gắn bó với thiên nhiên. Tôi thấy mình khỏe gấp 10 lần lúc chưa bệnh và mong mọi người hãy chăm lo cho sức khỏe từ sớm để có được hạnh phúc, tự do”, anh bộc bạch.
Hoài Phương
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/chay-42km-sau-31-lan-hoa-xa-dieu-tri-ung-thu-mau-4592450.html