Học thạc sĩ Đầu tư – Tài chính tại Đại học Queen Mary London, chàng trai 29 tuổi, người Long An, thường tranh thủ thời gian du lịch vào ngày nghỉ giữa học kỳ, ngày lễ, hoặc thời gian viết khóa luận.
Đi qua 34 quốc gia, cùng 15 thành phố, thị trấn ở Anh, nhưng Sơn nói không chỉ “check-in” qua loa. Sơn lên kỹ lịch trình mỗi ngày để trải nghiệm, ở cùng để tiếp xúc với người dân bản địa thay vì ở khách sạn. Để tiết kiệm chi phí, Sơn dùng Couchsurfing – website tìm chủ nhà để xin ở nhờ. Sau các chuyến đi, 58 người ở cùng đã để lại nhận xét về Sơn trên ứng dụng này. Tất cả đều đánh giá tốt về chàng trai người Việt.
“Tôi đã tận dụng được cơ hội mà học bổng toàn phần mang lại để vừa học tốt, vừa trải nghiệm văn hóa ở châu Âu”, Sơn nói.
Cho rằng mọi trải nghiệm đều quý giá, Sơn cố gắng đi nhiều nhất có thể thay vì chọn lựa theo xu hướng. Chẳng hạn với Luxembourg, không nhiều người đến châu Âu chọn tới đất nước bé nhỏ này. Tuy nhiên, đây là một trong những quốc gia thú vị nhất mà Sơn từng đặt chân đến.
Sơn cho hay, đi dạo trung tâm thành phố Luxembourg chỉ mất vài tiếng nhưng anh cảm nhận được rõ nét sức sống của một thành phố dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính vì đây là nơi đặt trụ sở của rất nhiều cơ quan trong liên minh châu Âu, các tập đoàn tài chính lớn. Nhiều người Pháp, Đức, Italy đến đây làm việc vào mỗi sáng, rồi trở về biên giới vào buổi chiều.
“Tôi ngạc nhiên khi biết nếu sinh ra và lớn lên tại đây, người dân sẽ biết ít nhất ba ngôn ngữ ngoài tiếng Anh, đó là tiếng Luxembourg, Pháp và Đức”, Sơn nói.
Không chỉ mở mang kiến thức về lịch sử, văn hóa, đến mỗi quốc gia, Sơn cũng quan tâm tìm hiểu cách vận hành các hệ thống, đặc biệt là giáo dục và môi trường sống của người dân. Chẳng hạn ở Thụy Sĩ, Sơn biết thêm về hệ thống giáo dục với hai hướng riêng biệt về học thuật và dạy nghề. Dù lựa chọn con đường nào, mọi người đều được tôn trọng. Hay ở Đan Mạch, khi trò chuyện cùng người hướng dẫn bản địa, Sơn lý giải được động lực học tập của người dân khi có hệ thống giáo dục miễn phí và được tạo điều kiện, gồm cả trợ cấp tiền để theo đuổi việc học.
“Tôi thấy được sự khác biệt rõ ràng về chất lượng sống giữa Tây Âu, Nam Âu, Đông Âu và Bắc Âu. Những trải nghiệm này giúp tôi biết bản thân ở đâu và cần làm gì để phát triển hơn nữa”, Sơn chia sẻ. Ở góc độ của một nhà đầu tư, khi đi nhiều nơi, Sơn cũng nhìn ra những cơ hội để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và giải pháp môi trường kêu gọi đầu tư. Theo Sơn, đây là những đối tượng khó khăn khi tiếp cận thị trường tài chính.
Dù đi nhiều, Sơn vẫn tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ ở Đại học Queen Mary London – ngôi trường xếp thứ 124 trong bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education năm 2023.
Sơn nói động lực rời bỏ vị trí trưởng nhóm kiểm toán và tư vấn quản trị tài chính tại KPMG – một trong bốn công ty kiểm toán nổi tiếng thế giới (big 4), trụ sở tại Việt Nam, năm 2020 để du học bởi muốn nâng cao năng lực trong lĩnh vực đầu tư tạo tác động.
“Khi tham gia một tổ chức phi chính phủ, đánh giá các dự án lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho nhà dân hay xây dựng trường học, tôi nhận ra các tổ chức thực hiện còn thiếu nhiều kỹ năng khi viết đề xuất, lập ngân sách và kêu gọi đầu tư. Đáng lẽ tôi có thể đưa ra những gợi ý thiết thực hơn nhưng lại chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm”, Sơn nhớ lại. Vì thế, trong thời gian học ở Anh, Sơn tập trung cao độ để thu nạp kiến thức tốt nhất có thể.
“Khi lên lớp, tôi ngồi gần bục giảng để có thể tiếp thu tốt hơn, cố gắng trao đổi và đặt câu hỏi những điểm chưa rõ tại lớp, hoặc email hỏi giảng viên”, Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, Sơn tích cực học nhóm để có thể tự động viên mình và được bạn bè hỗ trợ khi làm bài tập, giải thích những kiến thức khó và ôn thi. Tổng cộng, Sơn hoàn thành 135 tín chỉ ở 8 môn học và 45 tín chỉ khóa luận. Đề tài của Sơn về định giá doanh nghiệp theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, phương pháp bội số và triển vọng ESG đạt 80/100 điểm.
Bên cạnh đó, Sơn tham gia điều hành một quỹ đầu tư mạo hiểm tạo tác động tại trường và đi thực tập ở một công ty tư vấn, kiêm quản lý quỹ tại London để học hỏi kinh nghiệm thực tế.
Hồi tháng 1, Sơn nhận bằng tốt nghiệp Đại học Queen Mary London loại xuất sắc với điểm tốt nghiệp đạt 78%. Đồng thời, chàng trai quê Long An nhận tin trở thành ủy viên của Hiệp hội Hoàng gia Anh về Xúc tiến Nghệ thuật, Sản xuất và Thương mại (RSA) – tổ chức có lịch sử 260 năm về các sáng kiến xã hội.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Kiểm toán tại KPMG, nhận xét Tùng Sơn là người có khả năng suy nghĩ, trình bày ấn tượng; ham học hỏi và cầu tiến.
“Sơn luôn lập kế hoạch một cách khoa học và tận dụng triệt để thời gian để hoàn thành các mục tiêu trong cuộc đời. Em biết cách huy động mọi nguồn lực xung quanh để đạt được các mục tiêu đó”, chị Hà nhận xét.
Trở về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp, Sơn hiện làm việc cho một tổ chức trong lĩnh vực đầu tư tạo tác động có trụ sở tại Singapore.
“Tôi hỗ trợ các doanh nghiệp Việt chuẩn bị hồ sơ tài chính, các tài liệu huy động vốn và kết nối họ với các nhà đầu tư trên thế giới”, Sơn nói.
Nhìn lại quãng thời gian học ở Anh, Sơn cho rằng cũng phải đánh đổi khi gần như không có thời gian tụ tập ở London cùng bạn bè. Dù vậy, các trải nghiệm học tập, du lịch cũng như tham gia các tổ chức và cộng đồng sinh viên sau đại học đã đặt nền móng vững chắc cho Sơn về con đường sắp tới. Đó là sự khiêm tốn và kiên trì tinh thần life-long learning (học tập suốt đời), để trở thành nhà đầu tư tạo tác động giỏi như Sơn mơ ước.
Doãn Hùng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/chang-trai-di-34-nuoc-chau-au-trong-mot-nam-du-hoc-4597143.html