Bạn đang xem bài viết Cảnh báo 8 dấu hiệu sỏi thận có thể bạn chưa biết tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Sỏi thận là bệnh lý phổ biến thuộc đường tiết niệu, gây ra những đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Nhận biết sớm các dấu hiệu sỏi thận giúp bạn chủ động thăm khám và điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu các triệu chứng sỏi thận qua bài viết dưới đây của Nhà thuốc An Khang nhé!
Sỏi thận là tinh thể rắn hình thành từ quá trình kết tinh muối và các khoáng chất dư thừa (thường từ canxi oxalat) bên trong thận. Khi các khoáng chất này tích tụ quá nhiều trong cơ thể hoặc khi bạn không uống đủ nước, nước tiểu trở nên cô đặc với nồng độ chất khoáng cao tạo nên sỏi thận.
Sỏi thận nhỏ và nằm bên trong thận thường không gây ra triệu chứng lâm sàng nào. Tuy nhiên khi sỏi có kích thước lớn hoặc khi chúng di chuyển vào niệu quản (đoạn dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang) thì cơn đau và cảm giác khó chịu sẽ bắt đầu xuất hiện. Lúc đó, bạn có thể phải can thiệp ngoại khoa để lấy sỏi ra khỏi thận.
Đau lưng, bụng hoặc hai bên cơ thể
Đau do sỏi thận (hay còn gọi là cơn đau quặn thận) là một trong những loại đau kinh khủng nhất. Một số người từng bị đau sỏi thận so sánh cơn đau giống như đau đẻ hoặc đau khi bị dao đâm.
Thông thường, cơn đau xuất hiện khi sỏi thận theo nước tiểu di chuyển vào đoạn niệu quản hẹp, gây tắc nghẽn và tạo áp lực lên thận. Áp lực này sẽ kích hoạt các sợi dây thần kinh tại thận truyền tín hiệu đau đến não.
Đau do sỏi thận thường khởi phát đột ngột. Vị trí và mức độ đau sẽ thay đổi khi sỏi di chuyển. Cơn đau cũng có thể xuất hiện theo từng đợt do niệu quản co thắt để cố đẩy sỏi ra ngoài. Mỗi đợt đau quặn thận thường kéo dài trong khoảng vài phút.
Bạn sẽ cảm thấy đau dọc bên hông và lưng, dưới xương sườn. Cơn đau có thể lan rộng ra vùng bụng và bẹn khi sỏi di chuyển xuống đường tiết niệu
Sỏi lớn thường gây đau nhiều hơn so với những viên sỏi nhỏ nhưng mức độ nghiêm trọng của cơn đau không phải lúc nào cũng liên quan tới kích thước sỏi. Thậm chí, một viên sỏi nhỏ có thể gây đau khi chúng di chuyển hoặc gây tắc nghẽn.
Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
Khi sỏi thận di chuyển đến vị trí nối giữa bàng quang và niệu quản, bạn sẽ cảm thấy đau khi đi tiểu. Cơn đau rất rõ ràng và bỏng rát. Triệu chứng này thường dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng đường tiết niệu. Đôi khi, bạn cũng có thể bị nhiễm trùng do sỏi thận gây ra.
Đi vệ sinh thường xuyên hơn
Thường xuyên muốn đi tiểu hoặc đi tiểu với tần suất nhiều hơn bình thường là dấu hiệu cho thấy sỏi thận đã di chuyển vào bàng quang hoặc niệu quản. Điều này gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh vì có nhu cầu tiểu tiện liên tục, cả ban ngày lẫn ban đêm khi đang ngủ.
Tình trạng này cũng tương tự với nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, bạn có thể dễ nhầm lẫn hai tình trạng này với nhau.
Có máu trong nước tiểu
Tiểu ra máu cũng là một trong những triệu chứng thường gặp khi bị sỏi thận. Máu trong nước tiểu có thể có màu hồng, đỏ hoặc nâu. Đôi khi các tế bào máu quá nhỏ không thể quan sát bằng mắt thường mà chỉ được phát hiện dưới kính hiển vi khi thực hiện xét nghiệm nước tiểu được gọi là đái máu vi thể.
Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
Ở người khỏe mạnh, nước tiểu thường trong và không có mùi nặng. Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi là dấu hiệu của nhiễm trùng ở thận hoặc một bộ phận khác trong đường tiết niệu. Một nghiên cứu thống kê cho thấy khoảng 16% những người có sỏi thận cấp tính bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nước tiểu đục là dấu hiệu có mủ trong nước tiểu. Mùi hôi trong nước tiểu có thể do vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc do nước tiểu cô đặc hơn bình thường.
Nhiễm trùng tiểu có thể kèm theo sốt hoặc không. Và đây được coi là một cấp cứu ngoại khoa.[1]
Tắc nghẽn nước tiểu
Trường hợp sỏi thận có kích thước lớn trong quá trình di chuyển có thể tắc nghẽn ở niệu quản, bàng quang hoặc niệu đạo. Điều này làm chậm hoặc ngừng dòng chảy của nước tiểu khiến người bệnh đi tiểu khó, ngắt quãng, mỗi lần chỉ đi tiểu được một chút. Nếu dòng nước tiểu bị tắc hoàn toàn, bạn cần phải đi cấp cứu ngay.
Buồn nôn và nôn mửa
Những người bị sỏi thận thường có cảm giác buồn nôn và nôn. Các triệu chứng này xảy ra do có các kết nối thần kinh chung giữa thận và đường tiêu hóa. Sỏi trong thận có thể kích thích các dây thần kinh này trong đường tiêu hóa, gây khó chịu cho dạ dày.
Ngoài ra buồn nôn hoặc nôn cũng có thể là cách cơ thể phản ứng với những cơn đau dữ dội do sỏi thận gây ra.
Sốt và ớn lạnh
Sốt và ớn lạnh là những dấu hiệu cho thấy có nhiễm trùng ở thận hoặc cơ quan khác của đường tiết niệu. Đây là một biến chứng nghiêm trọng của sỏi thận cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Sốt do sỏi thận gây nhiễm trùng đường tiết niệu thường cao khoảng 38 độ C hoặc hơn. Tình trạng ớn lạnh hoặc rùng mình thường xảy ra cùng với sốt.
Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Khi có một trong các triệu chứng của bệnh sỏi thận bạn nên đến thăm khám bác sĩ sớm nhất để có thể thực hiện các bài test chẩn đoán bệnh sỏi thận.
Trong một số trường hợp sỏi thận đi kèm với các triệu chứng nghi ngờ nhiễm trùng hoặc biến chứng nghiêm trọng thì cần liên hệ y tế ngay để được cấp cứu chuyên khoa:
- Đau quặn dữ dội không thể chịu đựng.
- Buồn nôn, nôn, sốt hoặc ớn lạnh kèm theo đau.
- Xuất hiện máu trong nước tiểu.
- Khó đi tiểu.
Các xét nghiệm bệnh sỏi thận
Có nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán và theo dõi bệnh sỏi thận. Dưới đây là một số xét nghiệm thường được thực hiện tại các bệnh viện:
- Chẩn đoán hình ảnh: giúp bác sĩ xác định được kích thước, hình dạng, vị trí và số lượng sỏi có trong thận cũng như đường tiết niệu. Một số loại xét nghiệm bác sĩ thường chỉ định như chụp X-quang bụng, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT), siêu âm, xét nghiệm không xâm lấn,chụp thận thuốc UIV, chụp niệu quản bể thận ngược dòng UPR.
- Xét nghiệm máu: cho phép xác định nồng độ canxi và axit uric trong máu, tình trạng nhiễm trùng, ure và creatinin.
- Xét nghiệm nước tiểu: xét nghiệm này cho phép tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng và kiểm tra mức độ của các chất hình thành sỏi thận.
Tham khảo địa chỉ khám và điều trị bệnh sỏi thận
Nếu có nhu cầu đến bệnh viện để làm các xét nghiệm hay thăm khám và điều trị về bệnh sỏi thận, bạn nên tham khảo các bệnh viện lớn dưới đây:
- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Phòng khám Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Bình Dân,…
- Tại thành phố Hà Nội: Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội,….
Bài viết đã tổng hợp 8 dấu hiệu nhận biết bệnh sỏi thận. Để được chẩn đoán đúng tình trạng bệnh, bạn nên đến bệnh viện thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng đọc nhé!
Nguồn: clevelandclinic, healthline
Nguồn tham khảo
-
Multiple drug resistance bacterial isolates and associated factors among urinary stone patients at the University of Gondar Comprehensive Specialized Hospital, Northwest Ethiopia
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33622301/
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Cảnh báo 8 dấu hiệu sỏi thận có thể bạn chưa biết tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.