Sừng hươu nằm trong số những bộ phận phụ mọc nhanh nhất trong vương quốc động vật. Phát triển với tốc độ lên tới 2 cm mỗi ngày trong chu kỳ mọc vào mùa xuân, sừng hươu có thể phát triển đầy đủ chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi. Các nhà khoa học ở Đại học Bách khoa Tây Bắc tại Tây An, Trung Quốc, tìm cách tận dụng tốc độ mọc nhanh chóng của mô sừng bằng cách cấy ghép tế bào gốc từ sừng hươu Sika vào đỉnh đầu chuột nuôi. Thí nghiệm của họ cho ra đời những con chuột với phần sừng nhỏ trên đầu. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, kết quả có thể giúp điều trị vết thương ở xương và mọc lại chi bị mất trong tương lai, Popsci hôm 11/3 đưa tin.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu cấu tạo tế bào và biểu hiện gene của mô sừng trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Sau khi tách tế bào gốc với khả năng tái tạo lớn nhất, họ bắt đầu thêm những tế bào đó vào đầu của chuột thí nghiệm. Họ nhận thấy tế bào hiệu quả nhất để cấy ghép là tế bào lấy từ sừng đã rụng không quá 5 ngày. Tế bào được thu thập từ cuống sừng (nơi gốc sừng nối với xương sọ), nuôi trong đĩa cạn, sau đó cấy vào giữa hai tai của chuột trụi lông. Trong vòng 45 ngày sau khi cấy ghép, chuột bắt đầu phát triển cấu trúc giống sừng.
Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra sừng hươu trên chuột. Trong một nghiên cứu tương tự công bố trên tạp chí Regenerative Biology and Medicine vào tháng 8/2020, nhóm nghiên cứu phẫu thuật lấy mô sừng từ hươu sống, sau đó sử dụng chất đông lạnh để xử lý vật liệu trước khi cấy vào chuột trụi lông. Nghiên cứu đó cũng tạo ra những con chuột có mấu sừng trên đầu.
Với những loại tế bào gốc mới nhận dạng, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể mở rộng khả năng ứng dụng trong y học hiện đại như xử lý vết thương ở xương hoặc tái tạo chi.
An Khang (Theo Popsci)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/cac-nha-khoa-hoc-trung-quoc-tao-ra-chuot-co-sung-4580482.html