Các bệnh nhân là người dân tộc Giẻ Triêng, trong nhóm 5 người ăn cơm với cá chép muối chua, chim nướng, trưa 16/3. Trong đó, 4 người ăn cá muối chua và một người không ăn. Cá chua là món ăn truyền thống của người Giẻ Triêng, gia đình tự chế biến với nguyên liệu cá chép, muối, cơm hoặc bột ngô, ớt trộn, ủ trong hũ kín khoảng 7 ngày.
Tối cùng ngày, 4 người ăn cá muối chua bị đau đầu, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt. Họ được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, chuyển tiếp đến Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
Hai bệnh nhân nặng là Hồ Văn Đại 26 tuổi và Hồ Văn Điều 54 tuổi, phải thở máy. Hai người còn lại tỉnh táo nhưng bị nôn, mửa, đau bụng, chân tay yếu.
Ngày 18/3, tiến sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết các bệnh nhân bị ngộ độc botulism. Đây là độc tố sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí Clostridium botulinum – vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kềm chế vi khuẩn phát triển, sinh độc tố.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam phối hợp với các đơn vị điều tra nguyên nhân ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Kiểm nghiệm An toàn vi sinh thực phẩm quốc gia kiểm nghiệm.
Đây là vụ ngộ độc thứ hai sau khi ăn cá chép muối chua, tại huyện Phước Sơn, trong vòng hai tuần. Hôm 7/3, 11 người xã Phước Đức ăn bữa cơm với món cá chép muối chua, sau đó 4 người bị nôn, mệt mỏi, chóng mặt được đưa vào viện cấp cứu. Trong số bệnh nhân, chị Nguyễn Thị Thông 40 tuổi, nặng nhất, tử vong ngày 13/3. Ba người còn lại đang điều trị Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam sức khỏe hiện đã ổn định, ăn uống được song hai chân còn yếu. Kết quả xét nghiệm mẫu cá chép chua dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.
Botulinum là độc tố thần kinh cực mạnh, triệu chứng thường gặp là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các triệu chứng này xuất hiện sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn, tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng thường phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong, liệt không hồi phục.
Tháng 8/2020, hàng chục người trên cả nước bị ngộ độc bolutinum do ăn pate Minh Chay, nguy kịch. Khi ấy, hơn 30 năm Việt Nam không ghi nhận ca ngộ độc botulinum nào, do đó không dự trữ huyết thanh cũng như thuốc giải độc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối hai lọ thuốc giải độc botulinum từ Thái Lan về Hà Nội để cứu hai vợ chồng ngộ độc botulinum điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Thuốc có giá 8.000 USD một lọ. Tháng 9/2020, WHO tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc botulinum nữa, đưa từ Thụy Sĩ về.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người dân không ăn món chế biến liên quan món cá chép làm chua; không sử dụng thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng. Người dân cần chế biến đảm bảo an toàn đối với sản phẩm mang tính truyền thống, tập quán của địa phương; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng. hông sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng…
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/bon-nguoi-nhap-vien-sau-khi-an-ca-chep-muoi-chua-4582884.html