Hè 2019, chị Nguyễn Thị Nga, 35 tuổi, đang trọ ở Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội ra ngân hàng gửi tiết kiệm 25 triệu đồng. Bốn tháng sau, cô đem thêm 25 triệu khác gửi một sổ nữa. Một ngày đẹp trời, bà chủ trọ kể chuyện gửi ba sổ tiết kiệm khi kiểm tra lại hóa ra ba hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, cô chột dạ về xem lại hai sổ của mình.
Lúc này bà mẹ hai con mới đọc đến phần trách nhiệm của khách hàng, quy định phải đóng phí 10 năm, nếu bỏ sẽ mất. Nga kể lúc đọc đến dòng đó cô run lẩy bẩy, nước mắt cứ trào ra. “Nếu họ nói là bảo hiểm chắc chắn tôi không bao giờ mua. Bình thường con ốm tôi còn không dám cho đi viện vì không có tiền”, người phụ nữ quê Nam Định nói.
Số tiền trong hai hợp đồng bảo hiểm là toàn bộ tài sản tích cóp của vợ chồng cô sau 5 năm kết hôn. Không thể bỏ, họ đành “đâm lao phải theo lao”. Chồng Nga ngoài làm giám sát xây dựng, nay phải tranh thủ chạy xe ôm còn cô vừa chăm con, vừa bán hàng online, tổng thu nhập khoảng 15-17 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập bấp bênh, năm ngoái Nga phải đưa con về quê ba tháng để tiết kiệm, đến kỳ hạn đóng tiền phải vay mượn, nợ tiền hàng.
“Mỗi ngày đều sống trong lo lắng, vợ chồng cãi nhau liên miên”, Nga nói.
Ở TP HCM, một năm trước anh Thanh lại bị lừa mua bảo hiểm đầu tư trong khi chỉ muốn mua bảo hiểm nhân thọ thông thường, tại một ngân hàng ở Gò Vấp.
Họ thiết kế cho anh gói cơ bản 50 triệu đồng mỗi năm và 11 triệu bảo hiểm sức khỏe, đền bù 2 tỷ đồng nếu tử vong, đóng 10 năm rút ra được 1,6 tỷ đồng. “Do thiếu tìm hiểu, tư vấn viên nói sao tôi nghe vậy, đóng luôn 17 triệu đồng cọc. Một tháng sau có hợp đồng, nhưng vì tin nên tôi không nghiên cứu”, anh Thanh, 34 tuổi, chia sẻ.
Khi đóng được một năm anh mới nhận ra con số phải đóng cao hơn thỏa thuận ban đầu và phải sau 15 năm mới rút được tiền. Chưa hết, tư vấn viên tự ý đầu tư tiền vào các quỹ rủi ro cao, tự ý kê khai thông tin dẫn đến sai thu nhập và tích “không” vào kê khai bệnh tật, dù thực tế có.
Tìm đến chuyên gia tài chính, anh được khuyên nên bỏ hợp đồng, chấp nhận mất số tiền đã đóng bởi hãng yêu cầu đóng bốn năm (272 triệu đồng) mới được giảm phí. Hồ sơ bị sai thông tin, nếu có gì bất trắc cũng khó được thanh toán. Nếu anh mua sản phẩm bảo hiểm khác với quyền lợi bảo vệ tương tự, chi phí thấp hơn rất nhiều.
“Biết là bảo hiểm sẽ trả nếu bệnh, tử vong, nhưng không tin tưởng nữa. Tôi để tiền gửi tiết kiệm còn hơn đóng vào rồi mất ăn mất ngủ, thấp thỏm lo âu”, anh Thanh nói.
Luật sư Đỗ Hồng Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết các vụ việc nhập nhằng trong quá trình bán bảo hiểm nhân thọ có xu hướng tăng đột biến trong hai năm gần đây, nổi cộm nhất là sai phạm liên quan đến bán qua kênh ngân hàng. Bộ Công an đang xem xét dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt từ hàng trăm đơn tố cáo của công dân về việc “gửi tiết kiệm đầu tư biến thành bảo hiểm”.
Luật sư Sơn đã và đang hỗ trợ cho hàng chục trường hợp trong đó nhiều người bị lừa đảo trắng trợn.
Như trường hợp chị Tú, 41 tuổi ở Gia Lâm đi gửi tiết kiệm tháng 8/2021. Tại đây nhân viên đã tư vấn cho chị một gói bảo hiểm đầu tư lãi suất 8,7%-13% mỗi năm, tặng kèm nhiều chế độ đi viện, rút lãi, rút tiền linh hoạt. Chị từ chối và nói bản thân mắc xơ gan cổ trướng, rối loạn chuyển hóa đồng, viêm loét dạ dày, sỏi mật, sỏi thận.
Tư vấn viên lại cố tình lái rằng gửi 6 năm sau rút về một cục đầu tư cho hai con học đại học, đồng thời chỉ cho chị cách rút lãi, trái phiếu để có tiền chữa bệnh. “Tôi nhắc đi nhắc lại các em phải trung thực đấy vì chị bị bệnh không làm ra tiền, tiết kiệm 20 năm mới được số tiền đó, đừng lừa chị”, chị Tú kể.
Được các tư vấn viên cam đoan, Tú nộp 80 triệu đồng năm đầu tiên. Năm thứ hai, chị tiếp tục đóng vào 40 triệu cho hai hợp đồng theo lời nhân viên ngân hàng. Sau đó hỏi tiền lãi đâu để rút thì họ liên tục chối với lý do “đừng rút vội, lãi đang thấp”. Giằng co một hồi họ thú thật lãi đang âm. Cuối tháng 10/2022, khi vụ trái phiếu vỡ lở chị mới mang hai hợp đồng hỏi bạn bè làm bảo hiểm mới biết bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ.
Hay như bà Vân, giáo viên nghỉ hưu ở quận Hoàn Kiếm, bị lừa ký vào gói bảo hiểm có chức năng đầu tư với hạn mức 100 triệu đồng trong 10 năm. Để hợp lý hóa hồ sơ, bà được nâng từ mức lương hưu chưa đến 4 triệu đồng lên nhân viên hành chính thu nhập 100 triệu mỗi tháng; khai không có bệnh tật dù bà đang phải điều trị u xơ vú từ năm 2015, đau dây thần kinh toạ, tuyến giáp.
Ngoài các hình thức lừa đảo trên, bà Nguyễn Thùy Dung, cố vấn tài chính độc lập ở Hà Nội cho biết từng tiếp nhận không ít khách hàng sở hữu vài hợp đồng bảo hiểm nhưng đi khám bệnh không được chi trả. Nguyên nhân là hợp đồng của khách không mua quyền lợi bảo hiểm y tế (ví dụ chỉ mua tử vong thì tử vong mới được chi trả). Các sản phẩm bổ sung như thẻ y tế, tai nạn mua năm nào phải đóng thêm tiền năm đó nên khách hàng sợ, các tư vấn viên cũng lảng luôn để chốt được hợp đồng.
Theo Bộ Tài chính, đến 12/2022 Việt Nam có 79 doanh nghiệp bảo hiểm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 245.877 tỷ đồng, tăng 15% so với 2021. Trong đó, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng đã phát triển nhanh chóng và đóng góp 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, có khoảng 11% người Việt tham gia bảo hiểm nhân thọ nhưng nguyên nhân gây ra những bất cập hiện nay phần lớn từ đại lý bán bảo hiểm. Những tư vấn viên được đào tạo rất có kinh nghiệm để đánh trúng tâm lý khách hàng về “tình cảm dành cho người thân, nỗi sợ trước bệnh tật, lòng tham tiền lãi đầu tư, sự cả nể”, từ đó dẫn đến khách hàng lựa chọn không phù hợp với nhu cầu thực tế của họ. Một số trường hợp đại lý bảo hiểm tư vấn không đầy đủ, không chính xác hoặc “đánh tráo khái niệm” dẫn đến khách hàng nhầm tưởng về quyền lợi của mình.
Hợp đồng bảo hiểm cũng như các loại hợp đồng dân sự khác đều được các bên tự do thỏa thuận, tự nguyện giao kết. Khi khách hàng ký tên và gửi thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm để làm hợp đồng, họ có một phần lỗi không tìm hiểu kỹ.
“Tuy nhiên ai cũng phải công nhận để hiểu rõ ràng, tường tận ý nghĩa của các điều khoản bảo hiểm là khó khăn với phần lớn khách hàng, huống gì hồ sơ rất dài”, luật sư nói.
Do vậy để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng với các hợp đồng giá trị lớn cần có bên thứ ba để tư vấn cho khách hàng. Đó có thể là cố vấn tài chính hoặc là những luật sư am hiểu trong lĩnh vực này. Trong mọi trường hợp phát hiện sai lệch, khách hàng nên tìm đến những chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm để được tư vấn phương án phù hợp.
Chị Tú và bà Vân đang trong quá trình phối hợp với luật sư để đòi lại tiền. Riêng vợ chồng Nga, dù đang sống trong áp lực kinh tế, họ cho biết vẫn xoay xở được. Điều họ lo là sau 10 năm đóng không rút được tiền ra hoặc có vấn đề phát sinh khác.
“Đó là tất cả tiền tích cóp cho con cái sau này”, Nga nói.
Phan Dương
* Tên một số nhân vật đã thay đổi
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/bi-lua-mua-bao-hiem-4591856.html