Kể từ lúc Daimler quyết định khai tử Maybach vào 2013, đưa thương hiệu này về đứng chung với Mercedes, thế giới chỉ còn lại hai nhãn xe siêu sang đích thực, đều đến từ Anh, là Rolls-Royce và Bentley. Đâu đó ở Nga, ở Trung Quốc, các hãng cố gắng làm nhiều điều để có thể cạnh tranh sòng phẳng, nhưng đều bất thành. Vì nếu dẹp hết những thứ công nghệ khô khan sang một bên, thì trong suy nghĩ của những chủ tài khoản VVIP, chọn siêu sang phải là một trong hai thương hiệu Anh quốc.
So với Rolls-Royce, người đồng hương Bentley đỡ ồn ào hơn khi nhắc tới quyền lực. Ở Bentley, chiếc xe không toát ra cảm giác lấn át, khó gần, khiến cho người khác phải e dè. Thay vào đó là sự ngưỡng vọng về sức mạnh, một mãnh lực trầm lắng, chưa đến lúc bung. Sự trầm lắng càng đúng hơn, khi chiếc Flying Spur giờ đây đã có thêm phiên bản Hybrid.
Choáng ngợp là cảm giác khi lần đầu ngồi vào ghế lái của Flying Spur, nhất là khi phải di chuyển trên đường phố Singapore. Ở đất nước mà diện tích chỉ tương đương huyện đảo Cần Giờ (TP HCM), nhỏ đến mức flycam, trực thăng bị cấm bay vì lo ngại an ninh thì làn đường cũng không thể thoải mái như Việt Nam.
Đưa chiếc sedan dài 5,3 m ra khỏi chỗ đỗ là bạn sẽ trải nghiệm lái một chiếc xe tải đầu dài kiểu Mỹ. Phải thực sự có chút khiếu hình học không gian và thường quay compa vẽ hình tròn, mới dám tự tin giữ vô-lăng một góc cố định đưa chiếc xe lên những tầng cao của tòa nhà đỗ xe hình xoắn ốc.
Mọi chuyện còn khó khăn hơn nếu đưa xe ra những con đường ven biển. Từ phía đối diện, xe tải lao tới vun vút, và phải cực kỳ căn ke để bánh bên trái không đụng vào barie bên đường, và bên phải vẫn đủ tránh xe ngược chiều. Một mẹo cơ bản để biết rằng xe đã đi vào giữa làn đường hay chưa là liếc nhìn vạch kẻ dưới lòng đường qua gương chiếu hậu. Nhưng với Flying Spur thì việc này không thể, vì chiều rộng 2,2 m đã che lấp cả hai bên.
Giao thông quy củ ở Singapore sẽ giúp tài xế không mất quá nhiều thời gian để làm quen xe. Khi đã kiểm soát được bán kính vòng quay, góc đánh lái, những thứ xe mang lại mới có thể được cảm nhận một cách rõ ràng.
Hybrid trên Flying Spur là dạng plug-in, tức có thể sạc ngoài. Lợi thế lớn nhất của kiểu hybrid này là xe có thể chạy riêng chế độ điện. Chủ xe có thể nói với ai đó xe tôi là xe điện, hoặc khi hết điện nó lại là xe xăng, cũng chẳng sai.
Sự yên tĩnh của dòng siêu sang có thể khiến tài xế thấy ngột ngạt. Khi đã quen lái xe ở Việt Nam, với việc cảm nhận giao thông bằng cả mắt và tai, thì khi ngồi lên Flying Spur sẽ phải học một thói quen khác. Khả năng cách âm tốt khiến dù xe chạy ở chế độ thuần điện hay cả máy xăng cũng không khác biệt về những tiếng động lọt vào cabin. Tiếng duy nhất nghe thấy trong cabin, là quạt gió đang thổi, và kim đồng hồ cơ đang quay giữa bảng táp-lô.
Nhiệm vụ giao tiếp với không gian đường phố giờ đây chỉ còn qua đôi mắt. Ở chế độ không tải hoặc chạy chậm trong phố, độ ồn loanh quanh 60 dB. Để hình dung, chiếc Mercedes EQS chạy thuần điện có độ ồn khi chạy chậm trong phố là 66-67 dB. Và EQS đã rất yên ắng rồi. Nhưng đừng kỳ vọng Flying Spur cũng như đàn anh Mulsanne đã khai tử hay Phantom của Rolls-Royce. Sẽ không có một không gian tĩnh mịch đến xa lạ, Flying Spur vẫn có những chỗ để âm thanh lọt vào như một cách giao tiếp gần gũi với cuộc sống bên ngoài.
Trên con đường “thẳng cánh cò bay” rộng 6 làn gần sân bay, chiếc máy bay ngay trên đầu từ từ lọt vào khung hình của kính lái, như xem một cuốn phim bị cắt tiếng. Nhưng hé cửa kính, tiếng động cơ phía trên rú lên như thúc giục “đua thôi”.
Khối động cơ 2,9 lít V6 kết hợp cùng môtơ điện cho công suất 536 mã lực và 750 Nm. Hộp số ZF 8 cấp ly hợp kép, dẫn động bốn bánh toàn thời gian. “Combo” này trên thân xe nặng 2,5 tấn không cho đầu ra như chiếc Porsche 911. Sẽ không có tiếng trả số gằn giọng đầy sốt ruột như xe thể thao. Flying Spur vẫn cứ lững thững như một anh chàng phớt đời.
Nhưng không. Dúi sâu ga. Tấm phản lừ lừ lao đi, rồi đạt tốc 120-140 km/h khi vào cua và thoát cua ở một đoạn đường cong vừa phải. Không một cái lắc lư rần rật tay lái. Không có cú gào thét nào bên dưới nắp ca-pô. Hybrid là phương án hợp lý để triệt tiêu turbo lag của máy xăng. Flying Spur được lập trình như một quý ông mặc suit, chạy nước rút 100 m mà không đổi sắc mặt. Nếu là 911, đó sẽ là một thanh niên lanh lẹ hơn hẳn, và kèm theo tiếng hú hét thể hiện bản thân. Sau cú mở tốc đó, chiếc Bentley lại nhẹ nhàng quay về với kiểu chạy thong dong 70-90 km/h, và vẫn không có lấy một giọt mồ hôi.
Và cũng nên thong dong, để thư giãn lưng từ chế độ massage ở chiếc ghế mà người cao 1,8 m ngồi vẫn lọt thỏm. Trong cabin Flying Spur có hai thái cực về xúc giác. Một là rất mát ở những lẫy chuyển số, nút xoay, bấm bọc kim loại. Hai là rất ấm với da mềm ở ghế, tựa đầu như gối ngủ ở nhà hay da lộn trên trần xe. Trong thời đại của các giá trị bảo vệ môi trường, Bentley cũng như Rolls-Royce, đã biết “sợ” khi không còn nói đến da thật trên động vật hay đốn hạ chiếc cây trong vườn làm nội thất. Gỗ ốp trên táp-lô xe, được hãng nói, là gỗ lấy từ những cây bị ngã tự nhiên trong rừng. Nhưng như vậy, có vẻ hơi hên xui.
Cũng trên chiếc sedan giá từ 17 tỷ đồng này, có những điều khiến một gen Z mê công nghệ sẽ phải bĩu môi phản đối. Vẫn còn đó chiếc chốt rút lên/xuống để đóng cửa gió điều hòa, chiếc gương soi hình chữ nhật đơn điệu trên đầu hành khách hay màn hình hiển thị cho hàng ghế sau hiển thị đen trắng đến buồn tẻ.
Như Bentley là vậy, xe siêu sang Anh quốc là vậy, có những giá trị người ưa thích gọi là truyền thống, người không ưa gọi là bảo thủ.
Nhưng chiếc xe 17 tỷ cho bản tiêu chuẩn sao không thấy nhắc tới an toàn. Có! Hãng thể hiện những công nghệ cần thiết bằng đúng một dòng trong bảng thông số kỹ thuật. Trong khi một chiếc sedan cỡ C giá 700 triệu có thể phải liệt kê cả trang A4.
Những giá trị ẩn sâu, đôi khi không cần thiết phải nói nhiều.
Đức Huy