Bạn đang xem bài viết Bệnh viêm khớp dạng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mạn tính gây tổn thương các khớp. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi trung niên và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh lý này nhé!
Bệnh viêm khớp dạng thấp (thấp khớp) là gì?
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn, diễn biến kéo dài với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển đến mức gây phá hủy, biến dạng khớp, với nguy cơ cao bị tàn phế nặng nề.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn cần được phát hiện và điều trị kịp thời
Dịch tễ học
Viêm khớp dạng thấp có thể khởi phát ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường gặp nhất là lứa tuổi từ 40-60 tuổi. Bệnh gặp nhiều hơn ở nữ, tỷ lệ nữ/ nam khoảng 2-3/1. Sau tuổi 50, tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ gần như tương đương. Viêm khớp dạng thấp ở nam giới thường có xu hướng khởi phát bệnh muộn hơn.
Viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện ở những phụ nữ ngoài 40 tuổi
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp
Nguyên nhân chính xác gây ra viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được làm rõ, chủ yếu liên quan đến các phản ứng tự miễn trong cơ thể. Tuy nhiên, một vài yếu tố có thể được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện và tiến triển của bệnh:
- Yếu tố di truyền: Các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp thường sẽ liên quan đến gen di truyền, có thể chiếm tới 50% nguy cơ mắc bệnh. Khi trong gia đình có người thân mắc bệnh, bạn sẽ có có khả năng bị thấp khớp cao hơn nhưng những người khác.
- Yếu tố nhiễm trùng: Mối liên quan giữa các tác nhân gây bệnh với sự xuất hiện của viêm khớp dạng thấp, bao gồm: vi khuẩn gây viêm nha chu Porphyromonas Gingivalis, Mycoplasma, Epstein-Barr virus, Rubella.
- Yếu tố hormone: Một số nội tiết tố, chẳng hạn như estrogen ở nữ giới, có liên quan đến hoạt động của lớp mô đệm bao bọc các đầu khớp. Sự rối loạn hormone sẽ ảnh hưởng đến các mô sụn này và trở thành yếu tố kích hoạt bệnh viêm khớp dạng thấp. Bên cạnh đó, bệnh cũng thường gặp ở nữ giới hơn nam giới, có xu hướng nhẹ hơn trong thời kỳ mang thai, tiến triển nặng hơn ở thời kỳ hậu sản và mãn kinh.
- Các yếu tố miễn dịch: Sự rối loạn miễn dịch của cơ thể có ảnh hưởng rất lớn đối với các bệnh lý tự miễn mạn tính, chẳng hạn như thấp khớp.
- Các yếu tố thuận lợi: Một số yếu tố khác như hút thuốc lá, môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy yếu, mệt mỏi, cảm lạnh hoặc stress cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, các yếu tố này không phải nguyên nhân trực tiếp gây bệnh và sự ảnh hưởng của chúng cũng khác nhau đối với từng người.
hút thuốc lá nhiều có khả năng cao dễ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp
Triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp
Triệu chứng của thấp khớp thường khởi phát chậm qua các giai đoạn, bắt đầu từ các triệu chứng tại khớp và toàn thân, sau đó lan ra ngoài khớp. Nhưng sau khi xuất hiện, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh và thường gây tổn thương khớp vĩnh viễn trong những năm đầu.
- Biểu hiện toàn thân: Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, da xanh xao, suy nhược, mất ngủ…
- Biểu hiện tại khớp: Triệu chứng dễ thấy nhất là sưng đau các khớp nhỏ ở ngoại biên, có tính chất đối xứng, lan tỏa, có thể gây biến dạng khớp. Các khớp sưng đau thường là: khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay, khớp liên đốt gần, khớp gối, khớp khuỷu tay, khớp cổ chân… Ngoài ra bệnh nhân cũng thường bị cứng khớp vào buổi sáng và kéo dài trên 1 giờ.
- Biểu hiện ngoài khớp: Phổ biến nhất là các hạt thấp dưới da tại khớp cổ tay, khớp khuỷu hay xương chẩm (một xương sọ phủ lên thùy chẩm của đại não). Ngoài ra thấp khớp cũng có thể gây ra một số triệu chứng ngoài khớp nghiêm trọng:
– Tổn thương tại tim: viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, rối loạn dẫn truyền, viêm mạch máu.
– Tổn thương tại phổi: viêm, tràn dịch màng phổi, đặc biệt là viêm phổi mô kẽ hiếm xảy ra nhưng có thể để lại biến chứng nặng nề, dẫn đến xơ phổi không hồi phục nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
– Tổn thương ở mắt: viêm khô giác mạc hoặc viêm kết mạc.
– Tổn thương huyết học: hội chứng Felty (một biến chứng của viêm khớp dạng thấp lâu dài được xác định bởi ba yếu tố là viêm khớp dạng thấp, giảm số lượng bạch cầu bất thường và lách to), nhiễm khuẩn tái phát.
– Ngoài ra còn có các biểu hiện tại cơ quan khác như:viêm mạch dạng thấp, loãng xương…
Sưng đau các khớp ngón tay, bàn tay là triệu chứng thường thấy của viêm khớp dạng thấp
Các bệnh liên quan khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp
Có nhiều bệnh lý liên quan đến viêm khớp dạng thấp và giữa chúng xảy ra sự tác động lẫn nhau. Bệnh này có thể là yếu tố nguy cơ của bệnh kia và ngược lại.
- Gout: Gout là một dạng viêm khớp phổ biến, xảy ra khi nhiều tinh thể acid uric tích tụ trong các mô sụn khớp. Bệnh thường gây ra tình trạng sưng viêm, tấy đỏ và cảm giác đau đớn, nóng rát ở khớp. Nếu không được điều trị kịp thời, các tinh thể acid uric sẽ tạo thành hạt tophi phát triển ngay tại vị trí viêm khớp.
- Viêm mạch máu: Viêm mạch máu là một loại bệnh hiếm gặp nhưng lại có khả năng đe dọa đến tính mạng. Bệnh có thể làm giảm lưu lượng máu đến mô, gây thiếu máu, thậm chí hoại tử và tổn thương không hồi phục các cơ quan. Triệu chứng thường thấy của viêm mạch là các đốm đỏ, mụn mềm hoặc vết loét trên da, kèm theo các cơn đau nhức dữ dội.
- Lupus ban đỏ: Lupus cũng giống như viêm khớp dạng thấp, đều là dạng bệnh tự miễn. Bệnh có thể phát triển ở cả nam lẫn nữ trong mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là những phụ nữ trẻ. Lupus có thể làm xuất hiện triệu chứng đau và cứng khớp, viêm da, lở loét ở miệng, mũi, hoặc da đầu, dẫn đến mệt mỏi, khó thở…
- Xơ cứng bì: là một dạng bệnh mạn tính hiếm gặp ảnh hưởng đến mô liên kết ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Triệu chứng rõ ràng nhất của xơ cứng bì là đau đa khớp và hội chứng Raynaud. Xơ hoá có thể lan tỏa đến nhiều vùng trên cơ thể, đặc biệt là da và các khớp.
- Hội chứng Sjogren: là một bệnh tự miễn mạn tính liên quan đến mô cơ xương và các mô liên kết. Các triệu chứng thường gặp của hội chứng này là khô miệng, khô cổ họng, khô mắt, đau khớp,…
Lupus ban đỏ là một bệnh liên quan đến viêm khớp dạng thấp
Yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát viêm khớp dạng thấp
- Giới tính:Nữ giới có nhiều khả năng mắc viêm khớp dạng thấp hơn nam giới. Nguyên nhân là do sự biến đổi hormone (đặc biệt là estrogen) và nội tiết tố làm giảm khả năng bảo vệ mô sụn dẫn đến các rối loạn xương khớp.
- Độ tuổi: Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu trong khoảng 40 – 60 tuổi, chủ yếu là do sự lão hoá của các khớp và suy giảm hệ miễn dịch. Các bệnh lý về già khác cũng làm tăng nguy cơ thấp khớp, chẳng hạn như các bệnh về tim mạch, tiểu đường,…
- Tiền căn: Thấp khớp là một bệnh tự miễn nên có thể sẽ mang tính di truyền. Nguy cơ xuất hiện thấp khớp cũng tăng lên nếu trong gia đình đã có người bị thấp khớp.
- Người hút thuốc: Nicotin trong thuốc lá có thể kích hoạt viêm khớp dạng thấp do liên quan đến hoạt động tái tạo xương của cơ thể. Người hút thuốc lá lâu năm thường có nguy cơ khởi phát viêm khớp dạng thấp cao hơn người bình thường.
- Thừa cân: Xương khớp sẽ phải chịu áp lực lớn hơn đối với những người thừa cân, béo phì. Lâu dần dẫn đến tình trạng biến dạng các khớp..
Người béo phì thường có nguy cơ khởi phát viêm khớp dạng thấp cao hơn người bình thường
Biến chứng nguy hiểm
Viêm khớp dạng thấp thường diễn tiến rất nhanh trong 10 năm đầu tiên và có thể để lại tổn thương vĩnh viễn. Các biến chứng dễ nhận thấy là:
- Loãng xương: Viêm khớp dạng thấp có thể làm suy yếu hệ thống cơ – xương – khớp, gây loãng xương và khiến xương dễ gãy hơn.
- Các nốt thấp khớp (hạt thấp dưới da): Các vị trí thường bị tì đè, áp lực như khuỷu tay, mặt ngoài cẳng tay,… có thể xuất hiện các khối mô cứng gọi là nốt thấp khớp. Các khối mô này cũng có thể xuất hiện tại các vị trí khác, chẳng hạn như tim và phổi.
- Khô mắt và miệng:Hội chứng Sjogren là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khô miệng, mắt và một số cơ quan khác, chẳng hạn như khớp và âm đạo.
- Nhiễm khuẩn: Viêm khớp dạng thấp và các thuốc điều trị có thể vô tình làm suy giảm hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cơ hội.
- Thành phần cơ thể bất thường: Tỷ lệ mỡ ở bệnh nhân mắc thấp khớp cao hơn người bình thường, ngay cả khi chỉ số BMI của họ đang ở mức bình thường.
- Hội chứng ống cổ tay: Là tình trạng tê bì, đau đớn ở tay do dây thần kinh tại vùng này bị chèn ép bởi các biến dạng của khớp.
- Vấn đề tim mạch: Nguy cơ xơ vữa, tắc nghẽn động mạch, viêm màng tim và một số vấn đề tim mạch khác có thể tăng lên ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Vấn đề về phổi: Một trong những biến chứng của viêm khớp dạng thấp là gây ra các vết sẹo tiến triển tại mô phổi, từ đó dẫn đến khó thở hoặc thậm chí là xơ phổi.
- Ung thư hạch (U lympho): Ung thư hạch bạch huyết (bệnh Hodgkin) là bệnh lý xảy ra do sự tăng sinh quá mức của các tế bào lympho. Viêm khớp dạng thấp cũng liên quan đến hoạt động của loại tế bào bạch cầu này, điều đó lý giải tại sao những bệnh nhân bị thấp khớp có khả năng cao mắc ung thư hạch.
Cách chẩn đoán bệnh
Viêm khớp dạng thấp thường khó chẩn đoán ở giai đoạn đầu vì các dấu hiệu và triệu chứng giống với nhiều bệnh khác, đặc biệt là với các dạng viêm khớp còn lại.
- Dấu hiệu lâm sàng: Các triệu chứng trên lâm sàng là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như viêm các khớp nhỏ, ngoại biên như khớp cổ tay, khớp gối, khớp bàn ngón tay, khớp liên đốt gần các ngón, có tính chất đối xứng, có thể gây biến dạng khớp.
- Xét nghiệm máu: Bao gồm các xét nghiệm yếu tố dạng thấp RF và anti-CCP, tốc độ máu lắng (ESR) hoặc protein phản ứng C (CRP). Trong đó xét nghiệm có giá trị cả về mặt chẩn đoán lẫn tiên lượng là xét nghiệm các yếu tố dạng thấp. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu cũng góp phần phát hiện biến chứng của viêm khớp dạng thấp.
- Chụp ảnh xét nghiệm:Chụp X-quang giúp phát hiện các vị trí sưng mô mềm trong giai đoạn đầu của bệnh. Nhưng nếu viêm khớp dạng thấp tiếp tục tiến triển và bào mòn phần rìa khớp, bệnh nhân nên tiến hành chụp cộng hưởng từ MRI để có thể quan sát rõ ràng hơn.
Chụp X-quang giúp bước đầu phát hiện và chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Hiện nay, có nhiều tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp đã được các hiệp hội trên thế giới đồng thuận và áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân như: tiêu chuẩn chẩn đoán ACR 1987 của Viện Thấp khớp học Hoa Kỳ, tiêu chuẩn chẩn đoán 2010 của Viện Thấp khớp học Hoa Kỳ và Liên đoàn chống Thấp khớp Châu u ACR/EULAR 2010.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Hãy liên hệ ngay với bác sĩ khi có các triệu chứng sau:
- Sưng viêm và đau nhức các khớp dai dẳng, nhất là các khớp cổ bàn tay, khớp liên đốt gần các ngón, khớp gối.
- Mệt mỏi, đau cơ, khó chịu, sốt nhẹ trong thời gian dài.
- Tái phát viêm khớp trong vài tháng hoặc một năm.
- Các khớp trở nên đau và khó vận động hơn vào buổi sáng hoặc vào những ngày thời tiết ẩm ướt,
- Sự đau và cứng chuyển từ khớp này sang khớp khác.
Cần đến gặp bác sĩ ngay khi nghi ngờ viêm khớp dạng thấp
Nơi khám chữa bệnh xương khớp uy tín
Bạn nên đến thăm khám tại Khoa Nội Cơ Xương Khớp của các bệnh viện và phòng khám uy tín nếu nghi ngờ viêm khớp dạng thấp. Một số địa điểm mà bạn có thể tham khảo:
- Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình,…
- Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phòng khám Trị liệu Thần kinh Cột sống ACC,…
Các phương pháp chữa bệnh viêm khớp dạng thấp
Điều trị không dùng thuốc
- Giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân, tăng cường nhận thức về bệnh, tuân thủ điều trị và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng: chế độ ăn giàu rau củ quả, cá, hạn chế thịt đỏ và mỡ động vật, tăng cường các acid amin thiết yếu.
- Xây dựng chế độ tập luyện thường xuyên, phù hợp với thể chất và tình trạng bệnh lý
- Ngưng hút thuốc lá và kiểm soát cân nặng.
Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nên ăn các thực phẩm chứa nhiều omega-3
Các nhóm thuốc điều trị
Tuỳ vào từng giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân những loại thuốc khác nhau.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): là thuốc điều trị triệu chứng, giúp làm giảm các triệu chứng đau và sưng viêm khớp, không có tác dụng làm thay đổi diễn tiến bệnh. Các thuốc NSAIDs thường được sử dụng là: celecoxib, meloxicam, diclofenac, etoricoxib. Việc chọn lựa thuốc NSAIDs khác nhau dựa vào tình trạng bệnh lý tim mạch, tiêu hóa của người bệnh
- Thuốc kháng viêm nhóm steroid: Các corticosteroid, có thể là prednisone, methylprednisolone có tác dụng kháng viêm và làm chậm quá trình tổn thương cũng như phá huỷ các khớp. Các thuốc này tác dụng điều trị triệu chứng, thường được sử dụng ngắn hạn trong khi chờ đợi các thuốc điều trị cơ bản có tác dụng.
- Thuốc chống thấp làm thay đổi bệnh (DMARD kinh điển): Đây là nhóm thuốc giúp giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và phòng ngừa xảy ra tổn thương khớp vĩnh viễn, nhất là trong những năm đầu của bệnh. Methotrexate là một ví dụ điển hình cho nhóm DMARD đã được chứng minh hiệu quả ổn định và làm giảm quá trình phá huỷ sụn khớp. Ngoài ra còn có các thuốc: sulfasalazine, hydroxychloroquine, leflunomide,.. dùng điều trị thay thế khi xuất hiện chống chỉ định hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng của methotrexate.
- Thuốc chống thấp sinh học (DMARD sinh học): Nhóm thuốc này có tác dụng điều chỉnh các phản ứng miễn dịch của tế bào, được xem như một cuộc cách mạng trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Trên thực tế, DMARD sinh học thường được sử dụng kết hợp với methotrexate để tăng hiệu quả điều trị. Tác dụng phụ đáng chú ý của thuốc là làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cơ hội. Vì vậy cần thiết tầm soát loại trừ viêm gan, lao cho người bệnh trước khi khởi động điều trị sinh học.
- Thuốc chống thấp tổng hợp trúng đích (DMARD tổng hợp): Các thuốc thuộc nhóm này có thể được sử dụng nếu bệnh nhân không đáp ứng với DMARD kinh điển và sinh học. Tuy nhiên, cần lưu ý về nguy cơ hình thành máu đông và các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tim mạch của thuốc.
Nên sử dụng các thuốc chống thấp càng sớm càng tốt để làm chậm quá trình viêm khớp dạng thấp
Vật lý trị liệu
Sử dụng nẹp khớp hoặc giày chỉnh hình có thể giúp các bệnh nhân giảm triệu chứng đau và sưng viêm tại chỗ do tránh được sự chèn ép trọng lực. Một số bài tập vật lý trị liệu cũng có tác dụng rõ rệt trong việc làm giảm tình trạng cứng khớp.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần được chườm lạnh, massage trị liệu hoặc sử dụng nhiệt để hỗ trợ cho quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp.
Bệnh nhân nên tập các bài vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng viêm khớp
Phẫu thuật
Khi tình trạng thấp khớp trở nên nghiêm trọng và không thể cải thiện bằng các thuốc điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc tiến hành phẫu thuật để khôi phục các chức năng của khớp.
Một số loại phẫu thuật có thể sẽ được thực hiện: phẫu thuật cắt màng hoạt dịch, phẫu thuật sửa gân, phẫu thuật tái tạo khớp, phẫu thuật thay khớp,…
Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật nếu tình trạng viêm khớp trở nên nghiêm trọng
Biện pháp phòng ngừa
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn mạn tính và không có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu. Tuy vậy, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa để kéo dài sự xuất hiện của bệnh hoặc giảm các triệu chứng khi mắc viêm khớp dạng thấp trong tương lai.
Các phương pháp phòng ngừa chủ động có thể áp dụng là:
- Vận động thường xuyên, vừa sức để duy trì sự dẻo dai, khỏe mạnh.
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, chẳng hạn như vitamin và khoáng chất, đặc biệt là canxi.
- Cần nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá căng thẳng.
- Uống đủ nước để duy trì sự trơn tru giữa 2 đầu xương.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm viêm khớp dạng thấp và có phương pháp điều trị kịp thời.
Viêm khớp dạng thấp không có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu nhưng cần phải chủ động phòng ngừa
Xem thêm:
- Bệnh viêm khớp là gì? nguyên nhân và cách điều trị
- 5 nguyên nhân thoái hóa khớp (viêm khớp) phổ biến bạn cần lưu ý cảnh giác
- Đau lưng
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn thường gặp ở những người trung niên và cao tuổi. Bệnh gây ra các triệu chứng sưng đau, biến dạng tại khớp và toàn thân, thậm chí dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Hãy chia sẻ ngay bài viết này đến người thân, bạn bè để phát hiện sớm và có phương pháp điều trị thích hợp nhé!
Nguồn: WebMD, Mayo Clinic, Medical News Today.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bệnh viêm khớp dạng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.