Bạn đang xem bài viết Bệnh á sừng, nguyên nhân và cách phòng bệnh hiệu quả tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Triệu chứng của bệnh á sừng rất giống với nhiều loại bệnh da liễu như da khô, đỏ, sưng tấy chảy máu. Vì vậy, việc nhận biết triệu chứng sớm và phân biệt bệnh sẽ giúp mọi người có phương pháp chăm sóc, điều trị hiệu quả hơn.
Bệnh á sừng là gì?
Á sừng ( Dermatitis plantaris sicca) là một trong những biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa dị ứng, một bệnh ngoài da khá phổ biến. Bệnh có thể gặp ở nhiều vị trí da khác nhau nhưng rõ rệt nhất là ở đầu ngón tay, ngón chân, da bị khô ráp, nứt nẻ, các lớp sừng da bong tróc xù xì, rướm máu gây ngứa ngáy, đau đớn,… Bệnh á sừng tuy không nguy hại đến sức khỏe nhưng lại gây ra những phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày đối với người bệnh.
Triệu chứng của bệnh
Về lâm sàng, các triệu chứng của bệnh á sừng có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh ngoài da phổ biến khác, nhưng vẫn có một số triệu chứng đặc trưng thường diễn biến như sau:
Da khô dày sừng, kèm theo đỏ và sưng tấy ở vị trí lòng bàn tay, bàn chân, các đầu ngón tay, chân với ranh giới không rõ ràng, đây là biểu hiện khá đặc trưng của bệnh.
Sau vài ngày xuất hiện da sẽ chuyển sang tình trạng nứt nẻ. Lớp vảy sừng bong tróc và gây chảy máu và đau đớn.
Tổn thương có thể lan rộng và tiến triển nặng hơn khi để da tiếp xúc với hóa chất, xà phòng, xăng, dầu, khói thuốc lá, nước bẩn,..
Bệnh thường có khuynh hướng phát triển mạnh vào mùa hè hoặc mùa đông. Vào mùa hè, thương tổn có thể đỏ, ngứa ngáy, nổi mụn nước như trong bệnh tổ đỉa, lâu ngày có thể làm các móng xù xì, lỗ chỗ. Khi đông đến, độ ẩm không khí thấp, da bị mất nước nhanh nên dễ bị nứt toắc sâu vào trong khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn.
Biến chứng của bệnh
Các triệu chứng bệnh á sừng ở giai đoạn đầu còn ít và mức độ nguy hiểm lúc này không cao, người bệnh hoàn toàn có thể bình phục nếu phát hiện và chữa trị sớm. Thông thường, người bệnh có thái độ chủ quan, xem nhẹ bệnh, không điều trị hoặc điều trị không đúng cách khiến cho tình trạng bệnh ngày càng diễn tiến ngày càng nặng nề, dễ nhiễm trùng và tái nhiễm dai dẳng, hạn chế chức năng của da. Trong tường hợp nặng, không được chữa trị kịp thời và chăm sóc cẩn thận, một vài biến chứng nặng có thể xảy ra.
Ảnh hưởng đến sinh hoạt
Bệnh diễn tiến nặng nề sẽ gây nên cảm giác đau đớn, khó chịu, người bệnh gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt bình thường. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguy cơ mắc các bệnh kèm theo
Người bệnh bị á sừng có nguy cơ cao mắc các bệnh kèm theo như bệnh parkinson, bệnh gout, bệnh corhn,… bởi vì á sừng có liên quan đến các rối loạn tự miễn ở da.
Theo nghiên cứu, người bệnh á sừng có tỉ lệ mắc phải bệnh tiểu đường cao hơn 1,5 lần so với người bình thường. Điều này được lý giải do bệnh á sừng có liên quan đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
Nhiễm trùng gây hoại tử da
Á sừng gây dày ra, bít tắc lỗ chân lông khiến mồ hôi và các chất cặn bẩn không thể thoát ra ngoài, gây ngứa, viêm da, gãi và làm nhiễm khuẩn da, nhiễm trùng máu.
Nhiễm trùng thường liên quan đến sự hoại tử của mô mềm hoặc cơ bắp. Khu vực bị á sừng, da thường tăng sinh đào thải da chết hết lớp này đến lớp khác, da bị nứt toác và ban đỏ gây ra những thay đổi trên da. Ngoài việc gây đau đớn cho người bị bệnh, nó còn làm vùng da này bị nhiễm trùng, da có thể thay đổi màu sắc và hoại tử.
Khi vùng nhiễm trùng quá rộng, nó còn lan chạy vào các mạch máu. Vi khuẩn lợi dụng “vết nứt” trên da, xâm nhập ồ ạt vào máu mà cơ thể không thể ngăn trở kịp gây ra nhiễm khuẩn huyết. Nguy cơ này ít nhưng nếu như các tổn thương ngoài da là rộng và dày đặc nó sẽ xuất hiện ở những vùng nhiều mạch máu như da đầu, gáy, mép.
Việc vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể theo đường máu hoặc bạch huyết gây viêm tại các cơ quan có mô liên kết giống nhau như màng tim, màng khớp. Ở những đối tượng mà sức miễn dịch kém thì các vi khuẩn có thể theo đường máu tới định cư ở đầu các xương dài và gây ra bệnh viêm xương tủy xương.
Một biến chứng thường thấy nữa của bệnh á sừng nếu không được chữa trị kịp thời dẫn đến bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, niken hoá sẽ rất khó điều trị.
Hạn chế chức năng của da
Lớp sừng trên da đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi môi trường và hạn chế sự mất nước của biểu bì. Chúng chứa các nhân tố dưỡng ẩm tự nhiên (NMFs)- bắt nguồn từ tuyến bã nhờn của lớp sừng bao gồm lactic và ure. Những chất này gắn kết với nước và giúp duy trì được sự đàn hồi, sự vững chắc và mềm mại của da.
Nếu lớp sừng bị suy yếu, da sẽ mất đi độ ẩm, da trở nên khô, sần sùi và có xu hướng bị nứt nẻ. Điều chữa bệnh á sừng nhằm mục đích chữa tổn thương lớp sừng và ngăn chặn không cho bệnh quay lại.
Á sừng có thể mủ gây mất nước, khô da, mất cân bằng điện trên da. Từ đó làm cơ thể người bệnh suy giảm miễn dịch, mất sức, suy kiệt.
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Về nguyên nhân của bệnh á sừng cho đến nay chưa thật rõ ràng, theo các chuyên gia thì nguyên nhân có thể được biết như sau:
– Yếu tố di truyền: Bệnh á sừng có thể là di truyền từ ông bà, bố mẹ để lại, tỷ lệ di truyền có thể lên đến 25% và chiếm khoảng 45% trong tổng số người bệnh. Vì vậy, nếu trong nhà có người bị bệnh á sừng, mọi người nên ý thức phòng tránh từ sớm.
– Do thiếu dinh dưỡng cân đối từ bé: Thực tế cho thấy, đa số người mắc bệnh là do – ăn ít rau quả và thiếu hụt vitamin nhất là A, C, D, E- những chất đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sừng. Việc thiết hụt các chất này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lớp sừng.
– Do thuốc: Lạm dụng một số loại thuốc tây làm rối loạn việc hình thành tái tạo tế bào dưới da từ đó gây nên bệnh á sừng. Dùng thuốc tây thường gây ra nhiều tác dụng phụ không tốt cho cơ thể nên khi dùng bất kì loại thuốc nào cũng phải theo chỉ định của bác sĩ.
– Dị ứng từ môi trường: Cơ địa mẫn cảm ở một số người dẫn đến khi tiếp xúc với một số yếu tố từ môi trường gây dị ứng bội nhiễm làm vi khuẩn gây bệnh phát triển, chẳng hạn như: nguồn nước bẩn, thời tiết, môi trường bụi bẩn, tiếp xúc lông chó mèo….
– Do tiếp xúc hóa chất độc hại: Một số người do tính chất công việc thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường hóa học như: chất tẩy rửa, xăng, dầu nhớt, chất bẩn môi trường…. Đây là những yếu tố làm tổn thương da dễ dàng và làm tăng nguy cơ mắc nhiễm bệnh á sừng. Người thường xuyên tiếp xúc nhiều với dầu mỡ, hóa chất, xà phòng… mà không dùng găng bảo vệ, sẽ dễ mắc bệnh.
– Do cơ địa loại da: Những người có làn da khô thì nguy cơ mắc phải bệnh á sừng cao, đây là một trong những yếu tố quyết định nhiều tới việc hình thành nên bệnh á sừng mà đối với những người đang sở hữu làn da khô nên cảnh giác để phòng tránh sớm.
– Yếu tố nghề nghiệp: Từ yếu tố tiếp xúc với các chất tẩy rửa, hóa chất…có thể xác định một số đối tượng thường bị bệnh như nữ công nhân giặt, công nhân nhà máy, thợ làm tóc, nhân viên y tế, lao công, công nhân công trình xây dựng…Các yếu tố thuận lợi khác như cọ xát, sang chấn, độ ẩm thấp đều nằm ở nhóm đối tượng này.
Điều trị bệnh
Điều trị á sừng hiện nay chủ yếu sử dụng thuốc bôi ngoài da có tác dụng trị nhiễm trùng da (nhóm salycilic,..), trị nấm ( nhóm imidazol,..) viêm ngứa, giảm sừng hóa, cung cấp độ ẩm cho da (kem dưỡng ẩm như cetaphil, physio gel,..) kèm theo thay đổi thói quen sinh hoạt để hỗ trợ cho quá trình chữa bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát. Các phương pháp điều trị hiện nay dùng là:
Các thuốc bôi bạt sừng như acid salycilic, diprosalic, betnoval hay bôi các chế phẩm có steroid để giảm viêm như Gentrizone, Fucicort…
Cần kết hợp với thuốc kháng sinh tác động ngay tại vùng da bệnh hoặc toàn thân nếu bị nhiễm khuẩn phụ, dùng các thuốc chống nấm nếu có nhiễm nấm như mỡ nizoral, dẫn xuất imidazol, griseofulvin. Trường hợp nặng có thể phải dùng corticoid, kháng histamin.
Các kem dưỡng da, tăng độ ẩm cho da, làm mềm mịn da thường được sử dụng để thay thế, hạn chế tác dụng của các corticoid như Explaq
Lưu ý khi dùng Corticoid trong điều trị á sừng: Thuốc có ưu điểm làm thương tổn nhanh được cải thiện, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu do tác dụng làm giảm viêm, giảm đỏ và giảm bong vảy da nhanh. Nhưng sự cải thiện này duy trì không bền và bệnh có thể sớm bùng phát trở lại sau khi ngưng thuốc, khi đó sử dụng lại corticoid tại chỗ sẽ không thấy có hiệu quả.
Nhiều trường hợp dùng corticoid tại chỗ kéo dài thấy xuất hiện thương tổn nhiễm trùng da như mụn mủ, viêm nang lông; nhiễm nấm; mọc lông; giãn mạch và teo da; dùng corticoid bôi ngoài da kéo dài sẽ thấy thương tổn không đáp ứng với thuốc, bệnh không giảm, thậm chí còn tiến triển nặng thêm.
Do đó, chỉ nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ và không tự ý mua dùng hay kéo dài thời gian dùng thuốc, ngưng thuốc và gặp bác sĩ ngay khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xảy ra.
Cách phòng tránh bệnh
Nếu được điều trị và chăm sóc tốt, bệnh sẽ dần dần ổn định, vì thế, để tránh bệnh tái phát hoặc nặng hơn bệnh nhân cần lưu ý các cách phòng tránh dưới đây:
– Tránh làm tổn thương lớp sừng bằng cách tuyệt đối không được bóc vảy da, chà xát kỳ cọ vùng da thương tổn quá mạnh bằng đá kỳ, bàn chải. Chình vì vệc chà xát mạnh càng làm tổn thương lớp sừng khiến quá trình bong da sau đó còn mạnh mẽ hơn. Tuyệt đối không gãi ngứa vì nó có thể gây nhiều thương tổn hơn và dễ nhiễm trùng.
– Không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, xà phòng, chất tẩy rửa, xăng, dầu… vì thế cần đeo găng tay, ủng, đồ bảo hộ trong khi làm việc. Với các bà nội trợ cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày như việc giặt quần áo, lau nhà, rửa bát…bằng cách mang găng tay bảo vệ ngay cả tiếp xúc với các gia vị (muối, ớt). Nếu để lớp mỡ bám nhiều vào da thì càng khiến cho lớp sừng trở nên thô ráp, bong vảy.
– Nên dùng găng tay bằng nhựa dẻo sẽ ít gây dị ứng hơn là găng cao su. Không nên đeo găng trong thời gian dài nhất là khi ra mồ hôi vì nó sẽ kích thích bệnh nặng thêm.
– Cần bôi kem dưỡng ẩm cho da thường xuyên, nhất là vào mùa đông vì thời tiết hanh khô càng làm da thô ráp, nứt nẻ hơn gây đau đớn và khó chịu, thậm chí là chảy máu. Dùng kem dưỡng ẩm bất cứ lúc nào khi thấy da khô, đặc biệt là trước khi làm việc hoặc sau khi rửa tay, chân. Đi tất để giữ ẩm, không đi tất nilon mà đi tất cotton.
– Giữ vệ sinh móng tay, chân sạch sẽ.
– Tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, nhộng, thịt gà, đồ ăn lên men… Đồng thời tăng cường ăn các loại rau quả tươi, rau xanh, đặc biệt là rau quả có nhiều vitamin C, E như giá đỗ, cà chua, các loại đậu, rau ngót, rau bí, bắp cải, cam bưởi,…
– Không nên ngâm rửa tay chân nhiều. Chú ý giữ khô các kẽ. Lớp sừng vốn đã bở nên càng ẩm ướt sẽ càng dễ bị vi khuẩn nấm tấn công. Sau khi rửa chân tay, cần dùng khăn lau khô, nhất là các kẽ tay, kẽ chân. Nếu tiếp xúc với nước nhiều càng tạo thuận lợi để lớp sừng bong vảy. Khi chế biến thức ăn, tránh tiếp xúc với mỡ, gia vị như ớt, muối… bằng cách đeo găng tay. Nếu lớp mỡ bám nhiều vào da càng khiến lớp sừng trở nên thô ráp, bong vảy.
– Không ngâm chân tay với nước muối vì nước muối ưu trương sẽ hút nước trong tế bào ra làm da càng khô và nứt sẽ rộng và sâu hơn.
– Thận trọng khi tiếp xúc với dụng cụ mạ nickel và đồ thuộc da như giầy dép da.
Bệnh á sừng là một bệnh ngoài da thông thường chứ không phải là bệnh truyền nhiễm nên không có khả năng lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, bệnh á sừng có tính di truyền. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm, nhưng lại có nguy cơ phát bệnh cao nếu bạn không tránh các nguyên nhân gây bệnh. Khi bệnh tái phát lại thì các biểu hiện sẽ càng nặng nề hơn. Khi mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, tuân thủ theo lời khuyên và toa thuốc bác sĩ khuyên dùng cùng với việc có chế độ sinh hoạt hợp lý và khoa học hơn để giúp việc điều trị thêm hiệu quả.
An Khang
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bệnh á sừng, nguyên nhân và cách phòng bệnh hiệu quả tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.