“Năm nay, em đã 24 tuổi. Năm sau, em sẽ quá tuổi và không thể xin học bổng này nữa”, Linh nói do Học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC) giới hạn độ tuổi ứng viên là dưới 25 tuổi đối với hệ đại học.
Nữ sinh cũng cho biết, hạn cuối để ứng tuyển học bổng năm nay là tháng 3/2023, em cần chứng chỉ Kỳ thi năng lực Hán ngữ (HSK) 4 (trên thang 6 cấp độ) để nộp hồ sơ học ngành Giáo dục Hán ngữ, Đại học Sư phạm Giang Tô.
Linh giải thích, để thi HSK, thí sinh cần đăng ký trước khoảng một tháng và phải chờ một tháng sau mới có kết quả. Tháng 2 không có lịch thi vì rơi vào dịp Tết Nguyên đán ở cả Việt Nam và Trung Quốc, do đó đợt thi muộn nhất để Linh kịp có chứng chỉ là tháng 1/2023.
“Bây giờ đã đầu tháng 12 rồi và vẫn không có thông tin gì về việc kỳ thi HSK sẽ được mở lại”, Linh nói.
Kỳ thi HSK ở Việt Nam đã bị hoãn từ giữa tháng 9, trước cả kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS để hoàn thiện hồ sơ theo Thông tư 11 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài.
Trong khi IELTS đã được cấp phép trở lại một tuần sau khi các đơn vị tổ chức thông báo hoãn thi, tiếp đó là các chứng chỉ tiếng Nhật, tiếng Anh cho trẻ em, nhưng đến nay thời điểm kỳ thi HSK được tổ chức trở lại vẫn chưa rõ.
Hiện Việt Nam có 7 điểm tổ chức thi chứng chỉ HSK được phía Trung Quốc ủy quyền, gồm: Đại học Sư phạm TP HCM, Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế, Viện Khổng Tử (Đại học Hà Nội), Đại học Thành Đông (Hải Dương), trường Ngoại ngữ – Đại học Thái Nguyên , Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) và Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo thông tin trên fanpage của một đơn vị tổ chức thi tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, bốn đợt thi online và một đợt thi trực tiếp đã diễn ra. Số đăng ký đông nhất của một đợt thi online là gần 2.000 lượt, các đợt khác dao động 800 – 900. Riêng đợt thi trực tiếp trên giấy hồi tháng 6, gần 1.400 thí sinh dự thi. Thông thường, kỳ thi (cả online và trên giấy) diễn ra đều đặn hàng tháng.
Linh đang trong nhóm gần 1.000 thành viên nghe ngóng về các khả năng đăng ký thi chứng chỉ này. Phương án bay thẳng qua Trung Quốc không khả thi vì hiện nước này chỉ cấp visa cho người nước ngoài đến làm việc (có giấy xác nhận của công ty đang làm) và các du học sinh hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (có giấy báo mời quay lại trường).
Nữ sinh nói ban đầu em và bạn bè tìm cách liên hệ với điểm thi tại các trường đại học ở Trung Quốc để thi online. Điểm đến đầu tiên được nhắc tới là Đại học Cáp Nhĩ Tân với đợt thi ngày 10/12, chi phí từ 650 – 1.050 nhân dân tệ (2,3-3,6 triệu đồng) tùy cấp độ.
“Mọi người xôn xao hỏi nhau cách đăng ký, chuyển khoản cho trường, cách cài đặt thiết bị, thời gian có chứng chỉ, nhưng chỉ hơn mười giờ sau, tất cả nhận được thông tin sinh viên có địa chỉ IP tại Việt Nam không thể thi”, Mai, 26 tuổi, ở Hà Nội, nói.
Một hướng khác là đăng ký các khóa học online ở Trung Quốc để được thi chứng chỉ. Hôm 23/11, Bảo Ngọc đăng ký khoá học tiếng Trung trình độ HSK5 tại trường Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam với học phí 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng). Ngọc hy vọng kết thúc khóa học sau một tháng rồi tham gia kỳ thi của trường. Cô sau đó được gửi đường dẫn tham gia một nhóm trên Wechat có hơn 90 thành viên để theo dõi thông tin.
“Một người được cho là giáo viên của trường gửi cho em link đăng ký bài kiểm tra đầu vào. Tuy nhiên, ngày 24/11, người này nhắn trường không thể tổ chức kỳ thi và lớp ôn tập HSK cấp tốc cũng sẽ tạm dừng tuyển sinh học sinh Việt Nam”, Ngọc cho biết.
Không chỉ những thí sinh này, nhiều người tưởng đã chắc suất thi HSK online cũng gặp khó. Nguyệt Nga xin được học bổng học tiếng online một học kỳ tại trường Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương của Trung Quốc từ năm ngoái. Sau kỳ học này, Nga sẽ được thi chứng chỉ HSK do trường tổ chức bằng hình thức online. Thí sinh phải đặt camera ở 2 góc khi làm bài. Tuy nhiên, Nga cho biết sau đó cũng nhận được thông báo rằng không thể thi.
“Em cảm giác như mình hết đường rồi”, Nga nói, cho biết em cũng cần chứng chỉ để làm hồ sơ ứng tuyển học bổng. Nga và nhiều thí sinh hy vọng kỳ thi tháng 1/2023 ở Việt Nam sẽ được tổ chức. Tuy nhiên, với số lượng điểm thi và nguồn lực có hạn, nữ sinh băn khoăn liệu có đủ chỗ cho tất cả những người cần thi.
Hồi tháng 10, một điểm thi HSK ở Hà Nội nói chưa có phương án khác ngoài việc chờ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi. Theo nguồn tin của VnExpress hôm 27/11, hồ sơ xin cấp phép của các đơn vị tổ chức các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ tại Việt Nam đang được xử lý để sớm trình lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Trong khi đó, trên nhóm Zalo của Linh, nhiều thành viên kêu gọi viết thư đề xuất gửi đến hòm thư điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Nếu không kịp thi, em nghĩ mình không có cơ hội apply học bổng năm 2023. Và nhanh nhất là em phải chờ để apply cho năm 2024, nếu đậu thì tháng 9/2024 mới có thể nhập học. Đó thật sự là khoảng thời gian rất dài”, một nữ sinh trong nhóm nói, cho biết điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai của em rất nhiều.
Lệ Thu – Minh Phương
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/be-tac-tim-duong-thi-chung-chi-tieng-trung-4542516.html